. Hai năm sau kể từ khi Julia Kristeva đưa ra khái niệm liên văn bản (intertextuality), Roland Barthes đã đi xa hơn nhiều qua một tuyên bố gây sốc: Cái chết của tác giả (The Death of the Author, 1968). Những quan niệm mới mẻ của các nhà khoa học một thời từng là trụ cột của chủ nghĩa cấu trúc đã chính thức khép lại vai trò của isme này và mở ra giai đoạn hậu cấu trúc. Trong quan niệm mang tính gây hấn của họ, người đọc, từ chỗ là kẻ bên lề, đã chính thức bước vào vị thế trung tâm với tư cách là kẻ có quyền năng tối thượng trong việc thiết lập mối quan hệ và ý nghĩa giữa văn bản và liên văn bản, giữa văn bản và các thiết chế văn hóa đã tạo ra nó(1).
Thực ra, ngay từ khi văn học ra đời, người đọc đã xuất hiện. Đơn giản, có sáng tạo thì có tiếp nhận. Thậm chí, trong văn học dân gian, người đọc cũng tham dự vào trò chơi sáng tạo vì sáng tác dân gian là sáng tác tập thể. Khái niệm catarsis do Aristotle nêu lên cách đây hơn hai nghìn năm, một mặt, đề cao vị thế của văn học (đặc biệt là bi kịch), mặt khác, nhấn mạnh khả năng thanh tẩy cảm xúc đối với người đọc. Mĩ học cổ điển phương Đông cũng nói đến mối liên hệ khăng khít giữa người đọc và nghệ sĩ mà mức độ cao nhất của nó là sự tri âm. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn cục thì trong lí luận và phê bình văn học tiền hiện đại, vai trò của chủ thể sáng tạo bao giờ cũng là thống soái, người tiếp nhận luôn luôn ở thế đi sau, bị động. Đầu thế kỉ XX, các nhà Hình thức Nga và sau đó quãng hai mươi năm, các nhà Phê bình Mới lại tập trung coi trọng văn bản. Trong thời đại văn bản trở thành độc tôn, vị thế mờ nhạt của người đọc cũng là điều không có gì quá khó hiểu. Cũng bởi vậy, việc phát hiện ra người đọc được coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất của lí luận và phê bình văn học nửa sau thế kỉ XX. Chính người đọc, với sự chủ động và sáng tạo của họ, có khả năng diễn dịch văn bản theo nhiều ngả hướng khác nhau, nhờ thế, ý nghĩa của văn bản sẽ được mở ra đến vô hạn(2). Nói cách khác, giới hạn của người đọc nằm ở đâu thì giới hạn của tác phẩm nằm ở đó. Tuy nhiên, khi bàn về người đọc với tư cách là chủ thể tiếp nhận đầy sáng tạo, về phương diện lí luận, cần phân biệt hai phương diện. Thứ nhất, người đọc như một thành tố không thể thiếu trong quá trình hình thành tác phẩm. Nhà văn là người sáng tạo nên văn bản, nhưng văn bản ấy mới chỉ hiện lên như một “sơ đồ mời gọi”. Nó chỉ có thể trở thành tác phẩm với đúng nghĩa khi được sống trong sự tiếp nhận của người đọc. Ở đây, người đọc chính là kẻ đồng sáng tạo với nhà văn. Những phương diện phức tạp trong quá trình tiếp nhận này chính là mối quan tâm của lí luận văn học hiện đại và hậu hiện đại. Thứ hai, người đọc được hiểu như là kẻ tiêu dùng thực tế. Anh ta là người mua sách, là kẻ liên quan đến số lượng tiêu thụ. Đây là phương diện quan tâm của xã hội học văn học. Những con số điều tra về lượng người tiêu thụ sẽ quy định số lượng xuất bản của nhà in, là một chỉ số quan trọng về sự hưng thịnh hay suy giảm của văn hóa đọc thực tế. Như vậy, nếu không có nhà văn thì đương nhiên không có văn học, nhưng nếu không có người đọc, văn học cũng không còn bất cứ cơ hội nào để tồn tại. Vì thế, song song với lịch sử sáng tạo là sự hiện diện của lịch sử tiếp nhận văn học.
2. Những thành tựu trên đây của lí luận và mĩ học tiếp nhận hiện đại, hậu hiện đại mở ra nhiều hứa hẹn mới trong việc giải mã tác phẩm văn học, nhấn mạnh bản chất đa nghĩa của văn bản văn học(3). Tuy nhiên, trước sự suy giảm của văn hóa đọc, người ta lại bắt đầu một lo lắng mới, thậm chí có người bắt đầu nói về “cái chết của người đọc” với hàm ý, trong thời đại ngày nay, chẳng mấy ai dành thì giờ để đọc, mà nếu đọc, thì cũng chẳng mấy ai bận tâm về ý nghĩa sâu xa của tác phẩm nghệ thuật. Đây là một hiện trạng đầy “nhức nhối” đối với một đất nước chưa hình thành xã hội đọc như Việt Nam(4). Tình hình tiếp nhận thơ hiện nay càng bi đát. Đúng là về xuất bản, chưa bao giờ có tình trạng “nhà nhà in thơ, người người in thơ” như thời gian qua. Nhưng điều đó dường như không cứu vãn được một thực tế: không mấy ai còn mặn mà với thơ. Nó thực sự là một nghịch lí đối với một đất nước được coi là xứ sở của thơ ca như Việt Nam. Gạt sang một bên chuyện thời thế (do sự bành trướng của các phương tiện truyền thông hiện đại và áp lực đời sống từ nhiều phía, đặc biệt là thái độ duy kinh tế và lối sống thực dụng), sự thờ ơ của công chúng cũng cần được truy tìm từ chính bản thân văn học. Ở đây, tôi muốn nói đến hai nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thực trạng đáng buồn ấy: thứ nhất, chất lượng thơ chưa cao; thứ hai, phê bình thơ yếu kém.
Công bằng mà nói, so với thơ ca trước 1975, tư duy nghệ thuật trong văn học và thơ ca thời hậu chiến hiện đại hơn, giọng điệu phong phú hơn, cách tân mạnh bạo hơn. Nghĩa là dù còn phức tạp, ngổn ngang với nhiều khuynh hướng khác nhau (điều cần được coi là bình thường trong thời đại tinh thần dân chủ được đề cao), chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, xét về tư duy nghệ thuật, thơ ca sau 1975 rõ ràng đã có bước phát triển về chất. Nhiều nhà thơ thời chống Mĩ, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau, đã có những đổi mới đáng trân trọng như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Trần Nhuận Minh, Thi Hoàng... Sự đổi mới trong cách cảm và cách viết của thế hệ cầm bút trưởng thành sau 1975 cũng được thể hiện rõ nét qua thơ của Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Y Phương, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Inrasara, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Dương Thuấn... Bên cạnh đó, cần chú ý thích đáng đến những cách tân thơ của Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt... trong lần tái xuất thi đàn có phần muộn mằn của họ. Mặc dù nỗ lực đổi mới là nỗ lực chung của cả một đội ngũ với nhiều thế hệ khác nhau, nhưng có lẽ một trong những cây bút quyết liệt nhất trong cách tân thơ chính là Trần Dần. Không phải ý tưởng cách tân nào của ông cũng hợp lí, thậm chí, ông còn nhiều cực đoan, nhưng sự đam mê làm tiếng Việt của ông là rất đáng trọng. Tôi nghĩ, ngay cả những cực đoan trong ý hướng cách tân của một số cây bút khác, nếu thực sự xuất phát từ động cơ trong sáng là đổi mới thơ ca cũng cần phải được coi là những tiếng nói phản biện nghiêm túc để đưa thơ vươn tới tầm hiện đại. Trong số các thi sĩ xuất hiện vào thời kì Đổi mới, có lẽ những cách tân của Nguyễn Quang Thiều có diện phủ sóng rộng lớn hơn cả, cho dù, đánh giá về thơ Nguyễn Quang Thiều đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất (và cũng không thể/cần phải thống nhất). Nhìn vào ngôn ngữ và cách thiết tạo thi ảnh, thi tứ của thế hệ nhà thơ trưởng thành sau 1975, rõ ràng họ có cách nhìn, cách cảm riêng so với thế hệ cha anh. Mượn cách nói của Võ Phiến, muốn hiểu họ, hãy nhìn họ qua cách viết. Các nhà thơ hiện nay nhiều khi không nói trực diện đến Tổ quốc, nhân dân như thế hệ trước, nhưng tôi tin, những biểu tượng về cánh đồng, dòng sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều, những lớp sóng biển Đồng Châu và những đốm lửa trên ban thờ tổ tiên trong thơ Trần Anh Thái, những vẻ đẹp văn hóa Chăm hắt bóng vào hiện tại trong thơ Inrasara cũng chính là hình ảnh của đất nước, quê hương trong cảm thức nghệ sĩ của họ. Hơn nữa, các thi sĩ trong thời đại ngày nay thấm thía một cách sâu sắc rằng, điều quan trọng nhất của thơ ca là những suy tư về thân phận con người và lịch sử. Lõi cốt tạo nên vẻ đẹp của thơ ca chính là tinh thần nhân văn sâu sắc, là những rung cảm thanh khiết của nhà thơ về cái đẹp, cái cao cả theo cái nhìn hiện đại. Nếu cả một nền thơ chỉ chạy theo hình thức thuần túy, nhầm lẫn phương tiện kĩ thuật là mục đích tối thượng của thơ thì cuối cùng, đúng như cảnh tỉnh của Tzvetan Todorov, nền văn học của chúng ta sẽ rơi vào lâm nguy(5). Đúng là trong thơ, chất lượng nghệ thuật đích thực bao giờ cũng phải hay, mới, lạ. Nhưng thiết nghĩ cũng nên phân biệt một cách rạch ròi hơn câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng kì thực rất phức tạp này. Cái mới trong thơ bao giờ cũng thường đi liền với cái lạ dù không phải cái lạ nào cũng mới(6). Trong những trường hợp ấy, đó không phải là cái lạ về chất mà chỉ là cái “là lạ”, bên ngoài. Và tất nhiên, cái mới nếu không phải là giá trị đích thực thì nó cũng chỉ là cái “mơi mới” mà thôi. Thơ trung đại, dù đã có một đỉnh cao là Nguyễn Du và hàng loạt tài năng sáng chói như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... nhưng đến cuối thế kỉ XIX, đúng như Huy Cận nhận xét, thơ trung đại đã bắt đầu bạc màu. Sự bạc màu ấy trước hết bắt đầu từ cảm xúc, sau đó là ngôn ngữ, thi pháp, giọng điệu. Thơ mới ra đời như một tất yếu của quá trình đổi mới, để trước hết, chống lại sự sáo mòn, sau nữa thể hiện một nhân sinh quan, một dải phổ cảm xúc mới mẻ của thời đại. Người đọc nhận thấy sau những bỡ ngỡ ban đầu, Thơ mới đã cho ra đời những thi phẩm xuất sắc. Những tranh luận nảy lửa giữa thơ cũ và thơ mới trước đó sẽ không thể khép lại nếu Thơ mới không tạo được “một thời đại thi ca” với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... Thơ cách mạng, với những Hồng Nguyên, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... đã thêm một lần nữa làm mới thơ bằng cách gắn thơ sát chặt với đời sống, gia tăng tính “điệu nói” trong thơ... Và đến lượt mình, thơ Việt Nam sau 1975, muốn tồn tại, dứt khoát phải đổi mới. Song câu hỏi đặt ra là tại sao đến nay chúng ta chưa có những kết tinh nghệ thuật đỉnh cao, tại sao nền thì rộng mà đỉnh lại thiếu? Tại sao tư duy nghệ thuật có những bước phát triển không thể phủ nhận, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm khiến người đọc tâm phục khẩu phục? Dĩ nhiên, câu trả lời đơn giản nhất, và cũng đúng nhất là ở chỗ tài năng của nghệ sĩ chưa được giải phóng tối đa, vì không ai có thể làm thay nhà thơ trong việc sáng tạo nên những kiệt tác nghệ thuật. Nhưng cũng phải nhìn thấy một lí do khác bắt nguồn từ đời sống sáng tạo và tiếp nhận: ngày nay không còn một khuynh hướng nghệ thuật nào có thể đóng vai trò độc tôn, không còn những cây bút sắm vai lĩnh xướng, dẫn đường mà tất cả đều cùng nhau trên đường... Sự phân tán về thị hiếu thẩm mĩ của người đọc cũng là một nguyên nhân khiến một nhà thơ, dù tài năng sáng chói đến đâu đi chăng nữa cũng khó lòng tạo nên viễn cảnh tiền hô hậu ủng như trong các thời đại trước đây. Khi khó lòng trở thành huyền thoại, người ta đành phải bằng lòng trở lại với bản nguyên của thơ ca, đó là những tiếng nói thầm thì, những chia sẻ sâu sắc giữa con người với con người... Trong hoàn cảnh thế giới ngày càng phẳng, những rào cản về văn hóa, cả về tư tưởng và ý thức hệ ngày càng rộng thoáng hơn (nhất là trước những vấn đề có tính toàn cầu), bản lĩnh và tài năng đích thực của nhà thơ càng trở nên vô cùng quan trọng. Học tập tinh hoa văn hóa nhân loại là cần thiết, nhưng vọng ngoại một cách mù quáng để trở thành bản sao của họ lại là tối kị. Trở về “tắm ao nhà”, quay lưng lại với xung quanh xem ra cũng là điều bất khả. Vì thế, bài toán dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại luôn đặt nhà thơ trước những thử thách đòi hỏi họ phải giải quyết bằng sự mẫn cảm của riêng mình. Đó cũng là quá trình chuyển hóa tinh huyết thành tinh hoa. Tôi nghĩ, cái thiếu nhất của thơ Việt đương đại chính là chưa đạt tới một chiều sâu triết học và mĩ học cần thiết, đặc biệt là triết học nhân sinh, chưa làm hiển lộ những suy tư sâu thẳm về dân tộc và nhân loại, cá nhân và lịch sử một cách thật độc đáo. Có lẽ cũng bởi thế mà trong những tập thơ hay của năm 2011 chẳng hạn, nhiều người chú ý đến thơ Trương Đăng Dung (vốn là một nhà nghiên cứu văn học) vì cảm thức hiện sinh và những trăn trở về sự còn mất của thời gian đời người, mặc dù, để chung tình với thơ ca, rất cần ở Trương Đăng Dung những đột phá mới, táo bạo mà vẫn giữ được sự sâu sắc, giữ được lửa nồng sau cái vẻ đạm bên ngoài như cách diễn đạt của Viên Mai. Thành công của Trương Đăng Dung cũng cho thấy anh biết dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, từ hiện đại mà làm mới truyền thống.
Trong khi người đọc còn loay hoay về các giá trị, chưa kịp phân biệt được đâu là thơ dở và thơ hay (vì thời gian eo hẹp mà số lượng thơ xuất bản lại quá nhiều) thì đội ngũ phê bình thơ lại quá ít ỏi, không theo kịp với thực tiễn sáng tác. Vị thế hướng đạo của nhà phê bình với tư cách là “siêu độc giả” cũng bị bỏ rơi. Thực ra, trong ngữ cảnh văn hóa mới, vai trò của nhà phê bình không còn dừng lại ở sự tri âm giữa họ và người viết (mặc dù điều này cũng rất quan trọng và nhà phê bình phải thực tài mới đạt đến ngưỡng tri âm). Điều quan trọng hơn là nhà phê bình phải tạo ra sự đối thoại mang tầm văn hóa, khai mở ý thức mĩ học mới trên các văn bản nghệ thuật mà anh ta thám mã và diễn dịch. Tại đây, tính chuyên nghiệp và ý thức nghề nghiệp của nhà phê bình là hết sức quan trọng. Các nhà phê bình phải biết lắng nghe nhau, đối thoại trên tinh thần khoa học, phải biết vì thơ chứ không phải vì những vấn đề ngoài thơ. Nếu không có những định hướng đúng đắn về nghề nghiệp, phê bình thơ sẽ bị biến tướng, trở thành những cuộc tranh cãi vô bổ, hoặc khoe chữ, hoặc trù úm, tâng bốc... Phê bình, trong viễn cảnh như thế, không giúp ích gì cho người sáng tác đã đành, mà còn làm người đọc chán nản. Một khi phê bình chuyên nghiệp (hiểu theo nghĩa tích cực) bị thu hẹp thì phê bình nghiệp dư trỗi dậy cũng là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là một trong những lí do quan trọng khiến cho người đọc càng xa thơ. Và nếu không khéo, họ sẽ xa hẳn, xa vĩnh viễn...
3. Những vấn đề trên đây, thực ra đều gắn liền với hai vấn đề có ý nghĩa sống còn của thơ: thơ phải hay và phê bình thơ phải tinh sắc. Trong mấy năm qua, chúng ta đã cố tìm mọi cách để kéo người đọc đến với thơ. Đó là lí do có Ngày thơ Việt Nam, có trình diễn thơ, giao lưu và nói chuyện thơ... Đây là những hoạt động hết sức cần thiết và có ý nghĩa văn hóa mà Hội Nhà văn Việt Nam đã làm bằng tất cả tâm sức của mình(7). Nhưng dù vậy, đó vẫn chỉ là những hình thức quảng bá thơ, phổ biến thơ đến công chúng nghệ thuật. Còn yếu tố quan trọng nhất để níu người đọc đến với thơ, đó chính là vấn đề nâng cao chất lượng nghệ thuật thơ. Một khi chúng ta có nhiều thơ hay, kết hợp cái mới và cái lạ trong những sinh thể nghệ thuật độc đáo, chắc chắn, người đọc sẽ tìm đến thơ theo quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”. Bởi lẽ, đúng như L.Tolstoy nói, khi không còn thơ ca, ngôn ngữ dân tộc cũng bị diệt vong. Thơ sẽ còn tồn tại lâu dài bởi thơ là kết tinh tâm hồn của dân tộc và nhân loại, là tinh chất của văn hóa. Hơn thế, con người cần thơ vì thơ là phương thức hữu hiệu xoa dịu nỗi đau người: Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy (Phùng Quán)
N.Đ.Đ
--------
1. Những tuyên bố trên đây báo hiệu một thời đại mới trong ngữ cảnh văn hóa toàn cầu với sự hiện diện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thậm chí, có người gọi hậu hiện đại là thời của các thứ giải như giải cấu trúc, giải huyền thoại, giải thiêng...
2. Cùng với những tư tưởng khoa học của J.Kristeva, R.Barthes, J.Derrida, người ta nói nhiều đến Umberto Eco với khái niệm tác phẩm mở, Jonathan Culler với quyền hạn của người đọc, Paul de Man với phúng dụ của sự đọc, Hans Robert Jauss với tầm đón đợi... và trong lĩnh vực sáng tác, các tiểu thuyết của Franz Kafka hay Albert Camus... đã khiêu khích những cách đọc truyền thống, buộc các nhà phê bình phải có “lỗ tai mới” trong tiếp nhận sáng tác của họ. Lí thuyết tiếp nhận cũng được giới nghiên cứu văn học Việt Nam quan tâm qua các công trình của Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Huỳnh Vân, Phương Lựu... đặc biệt là Trương Đăng Dung với Tác phẩm văn học như là quá trình (Nxb. Khoa học xã hội, 2004).
3. Xin xem Trần Đình Sử: Tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học, Tạp chí Văn học, số 1/1996, tr.31-35.
4. Trong cuộc toạ đàm ngày 19/6/2008 do Ban Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp duy trì và phát triển nhu cầu văn hóa đọc của người Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tổ chức tại Hà Nội, GS. Đinh Xuân Dũng cho rằng nhu cầu đọc, văn hóa đọc, xã hội đọc ở nước ta đến nay vẫn là một “ẩn số”, còn TS. Nguyễn An Tiêm khẳng định nước ta “chưa hình thành xã hội đọc”, GS. Chu Hảo nhấn mạnh Việt Nam “chưa có văn hóa đọc”. Theo số liệu của cinet.gov.vn, số người đọc thường xuyên tại các thư viện ở nước ta vào khoảng 8-10% dân số. Đây là một con số hết sức khiêm tốn so với các cường quốc đọc như Anh, Pháp, Mĩ, Đức, Nga...
5. Xin xem Tzvetan Todorov: Văn chương lâm nguy (Trần Huyền Sâm, Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính), Trung tâm nghiên cứu Quốc học & Nxb Văn học, 2011. Một số người khi đọc công trình này của Todorov, lập tức cho rằng không cần quan tâm đến hình thức nghệ thuật nữa. Thiết nghĩ, cũng cần hiểu đúng tinh thần của Todorov: sau nhiều năm say mê nghiên cứu hình thức và thủ pháp, ông nhận thấy những cực đoan trong nghiên cứu của mình, và lưu ý văn chương cần phải gắn chặt hơn nữa với đời sống. Đây là quá trình tái nhận thức của nhà nghiên cứu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc từ bỏ nghiên cứu hình thức trong văn học. Vấn đề là hình thức ấy phải là “hình thức mang tính nội dung” (Trần Đình Sử) chứ không phải là hình thức thuần túy. Thực ra trước cả Todorov, chính Jacobson cũng nhận thấy hạn chế này của các nhà Hình thức Nga khi cho rằng trường phái Hình thức Nga đã quá quan tâm đến hình thức nội tại của văn bản nghệ thuật mà lãng quên, coi nhẹ mối quan hệ giữa văn chương và xã hội.
6. Vấn đề này tôi đã có lần đề cập trong bài viết Mới - một tiêu chuẩn định giá thơ ca, Tham luận tại Hội thảo Ngày thơ Việt Nam lần thứ 2 (ngày 5/2/2004, tại Văn Miếu, Hà Nội).
7. Trong những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và sức sống của thơ, sự ra đời Tạp chí Thơ (trước đó là Phụ san Thơ) cũng là một cố gắng rất đáng ghi nhận của Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo Văn Nghệ Quân Đội