Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới về văn hóa văn nghệ được đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986), văn học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội.
Như nhận định của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học: “Sự nghiệp đổi mới đất nước đã diễn ra vài chục năm, nhưng với vài chục năm ấy, ai cũng nhận thấy thành quả đổi mới là hết sức rõ nét. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng để phát triển, thế và lực được nâng cao, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước, tinh thần dân chủ được mở rộng… Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, sự nghiệp đổi mới đã tạo nên những luồng cảm hứng mới, niềm say mê mới. Nhìn một cách tổng thể, nhận thức của nhà văn về bản chất sáng tạo nghệ thuật được nâng cao hơn, ý thức cầm bút sâu sắc hơn, những tìm tòi đổi mới về phương thức thể hiện được khuyến khích. Theo đó, văn học thời kì Đổi mới là một thực thể đa dạng, phong phú, thấm đầy tinh thần nhân văn hiện đại. Dòng chính vẫn là dòng văn học gắn bó với sự nghiệp cách mạng, vừa thể hiện nỗ lực hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng, văn học từ 1986 đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, và những hạn chế này đã được Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kì mới chỉ rõ”. Tiếp nối sự thành công của Hội thảo Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế (tháng 5/2014); ngày 28/5 vừa qua, tại Hội trường 3D, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội; Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: thực trạng và triển vọng nhằm tiếp tục đi sâu đánh giá, luận giải, tổng kết một cách toàn diện những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam 30 năm đổi mới. Đến dự có TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Hội đồng LLPB VHNT trung ương; đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lí luận phê bình văn học trên cả nước. (Riêng Hội Nhà văn Việt Nam có hơn hơn 30 nhà văn, nhà thơ tới dự).
Hội thảo lần này tập trung chủ yếu vào thực tiễn sáng tác bởi nó là lĩnh vực năng động nhất, đồng thời cũng là lĩnh vực cho phép chúng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục đổi mới và phát triển văn học dân tộc trong không gian văn hóa đương đại. Tổ chức Hội thảo, Viện Văn học mong muốn đưa đến một diễn đàn để các nhà nghiên cứu và phê bình văn học trong cả nước, cùng với các nhà văn với tư cách là chủ thể sáng tạo đánh giá lại thực trạng văn học thời kỳ Đổi mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đúng đắn trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo trước hết đã đặt ra được những vấn đề lí luận về đổi mới và đổi mới văn nghệ; đồng thời, thực tiễn sáng tác thời kì Đổi mới cũng đã được đánh giá và soi chiếu đa chiều từ điểm nhìn của các nhà lí luận phê bình cũng như của chính lực lượng viết với tư cách là những chủ thể sáng tạo.
Đổi mới tư tưởng và quan niệm sáng tạo văn học
Sự trăn trở về vấn đề đổi mới có thể được thấy ngay trong câu hỏi được nêu ra trong báo cáo đề dẫn Sáng tác vì sự phồn vinh của nền văn học mới của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp: “Từ sau cái mốc của công cuộc Đổi mới năm 1986, văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới, chúng ta đã góp thêm gì để làm giàu có hơn di sản tinh thần của nhân loại”.
Bài phát biểu Một vài suy nghĩ về đổi mới trong văn nghệ của GS. Hà Minh Đức đã nêu lên những quan điểm then chốt về đổi mới văn nghệ. Với ông, đổi mới vừa là quy luật, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Trong bối cảnh đương đại, đổi mới trong văn nghệ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Tuy nhiên, một khi công cuộc đổi mới đã có được những thành tựu của nó, giá trị bền vững và vượt thời của cái mới sẽ được khẳng định. Trình bày tham luận Hướng tới một môi trường dân chủ và đối thoại trong đời sống văn nghệ, GS. Trần Đình Sử coi tính dân chủ và tính đối thoại trong tiếp nhận phê bình như là điều kiện cần để có thể thúc đẩy văn học không ngừng đổi mới. Theo ông: “Văn học Việt Nam từ 1986 đến nay có nhiều thành tựu, song sự đánh giá nhiều khi rất phân tán, trái chiều, phức tạp nhất là việc vận dụng tiêu chí “định hướng chính trị tư tưởng”. Từ thực tế đó ông đề nghị khi đánh giá văn học nên vận dụng tiêu chí định huớng chính trị trên tinh thần văn hóa, tránh đẩy tác phẩm văn học, do khác biệt về nội dung so với chính trị vào địa vị thù địch, tạo điều kiện cho văn nghệ phát triển”. Phát biểu trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Vương đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa văn chương và chính trị. Trước một vấn đề thời sự như vấn đề chủ quyền trên biển và sự xâm lăng của sức mạnh mềm, ông đã đặt ra vấn đề về trách nhiệm của những người cầm bút hôm nay.
Trong diễn biến tiếp theo của Hội thảo, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng: để văn học phát triển, ngay từ năm 1986, đã có thể nói đến công thức 3 chữ T: Tiền – Tự do – Tài năng. Ông khẳng định: “sáng tạo là làm nên cái mới. Hay và mới là vấn đề chủ yếu của sáng tạo văn học. Nền văn học của chúng ta có nhiều cái “lạ” rất đáng để ý, khác nhưng đừng làm suy chuyển đến đường lối văn hóa mà Đảng mong muốn, định hướng. Cái đó mới khó. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo, phát minh. Nhưng nhà văn phải có tài có bản lĩnh…”.
Phát biểu tại Phiên Khai mạc, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề đổi mới hiện nay. Theo ông, sự đổi mới rất đáng trân trọng nhưng chưa nhiều, đồng thời nêu ra những lí do của tình trạng này (như hiện thực cuộc sống, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa); chức năng của văn học phải là khai hóa văn minh, mở đường và chỉ đường, phải làm cho con người, vì con người; khai hóa bao giờ cũng là thiểu số và nên ủng hộ, nên tranh luận chứ không thể quy chụp.
Những vấn đề cơ bản của thực tiễn đổi mới văn học
Tại Hội thảo lần này, có khá nhiều tham luận đề cập đến sự đổi mới văn học nhìn từ chủ thể sáng tác. Với tham luận Văn học Việt từ đổi mới đến hội nhập, nhìn từ lực lượng viết, GS. Phong Lê cũng hướng đến xác định khái niệm “Đổi mới” và “Văn học đổi mới”. Ông cho rằng một điều đáng lưu ý là Đổi mới và Hội nhập là hai thời kì khác nhau. Khi đánh giá phê bình văn học đương đại, tác giả cũng cho rằng đặt văn học Đổi mới trong tổng thể văn học Việt Nam hiện đại (thế kỉ XX) để thấy tính kế thừa và tính chuyển đổi (hoặc đứt đoạn) của nó. Đồng thời, cần chú ý đến các mốc lịch sử lớn để phân kỳ lịch sử và phân kỳ văn học. Thêm vào đó, từ một điểm nhìn có phần khác biệt, tham luận Các nhà văn viết phê bình thời đổi mới của PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn đã lưu tâm đến một mảng quan trọng trong dòng chảy văn chương nhưng chưa được thực sự quan tâm.
Tham luận Văn học đổi mới hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, nhấn mạnh “văn học đổi mới” như là một sự thức tỉnh, bước đầu, đầy tính chất nửa vời, của một lớp nhà văn Việt Nam. Theo tác giả “Chính những nội dung đổi mới mà Đảng CSVN nêu ra (tại ĐH VI của Đảng) như “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng vào sự thật” – đã khích lệ giới nhà văn thay đổi…”
Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất, và đồng thời cũng bám sát dòng chảy văn chương trẻ đương đại nhất, đó là vấn đề văn học thị trường. Tham luận Văn học thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh của PGS. TS Võ Văn Nhơn và ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý đã nêu lên một thực tiễn đáng lưu ý: “có rất nhiều người lo ngại về dòng “văn học thị trường” với mỗi cuốn bán vài chục vạn bản, có thống kê cho biết, từ năm 1995-2009, ba nhà xuất bản chuyên dòng sách này đã xuất bản khoảng 60% số lượng sách tại TP.HCM. Có nhiều người e ngại, phân vân và cho rằng đó là sự xuống cấp của văn hóa đọc”. Chủ yếu dành cho những người trẻ, người viết trẻ, người đọc trẻ, đặc điểm của “văn học thị trường” hiện nay là “nội dung khá sáo mòn” và “đơn giản về nghệ thuật”, với “đề tài tình yêu là chủ đạo, lãng mạn, bay bổng, xa rời thực tế”. Từ góc nhìn của giới trẻ, Ths. Quách Thị Thu Hiền, Viện Văn học nêu lên một ý kiến mang tính phản biện: “Không nên đánh giá thấp văn học thị trường… Khi nhà văn viết tác phẩm thì nhu cầu lớn nhất là đối thoại với độc giả, muốn bán sách. Được công chúng đón nhận thì thành công, không đón nhận thì thất bại… Theo tôi, đó là nhu cầu của độc giả, không phải là chuyện của các nhà quản lí. Sự phủ nhận tất cả các tác phẩm được xếp vào hạng mục “văn học thị trường”, không gì khác, chính là sự phủ nhận và quay lưng với thế hệ trẻ, với những đòi hỏi, nhu cầu cũng như tâm tư tình cảm của một bộ phận công chúng đầy tiềm năng trong bối cảnh văn hóa – xã hội đương đại. Cũng vậy, TS. Nguyễn Thanh Tâm cho rằng vì văn học là sản phẩm của văn hóa, vì thế, điều tất yếu là văn học thời đại này cũng phải tuân theo quy luật cung-cầu của thị trường. Không chỉ thế, “việc đánh giá thấp văn học thị trường cũng đồng nghĩa với việc đang đứng ở một hệ giá trị khác để đánh giá, vì thế mà không thực sự có được một cái nhìn khách quan”. Trao đổi tại Hội thảo, nhà văn Thiên Sơn đánh giá cao công chúng và tính đại chúng. Vốn là một nhà báo chuyên nghiệp, ông chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của chính mình trong nghệ thuật viết để có thể lôi cuốn và thu hút công chúng. Nhà văn cho rằng, thực chất, một trong những thành tựu đáng kể của văn học hôm nay là ngày càng đi về phía thị trường. Vi Thùy Linh hết sức thẳng thắn khi xác định rõ ràng thách thức lớn đối mà chính mình cũng như của các đồng nghiệp của mình phải đối mặt: đó là cơ chế kinh tế thị trường thời đổi mới. Với cô, bất cứ một người viết nào cũng không thể tồn tại bên ngoài công chúng của mình. Tác giả không ngại ngần khẳng định: “Tôi tìm kiếm thị trường, tôi phải cạnh tranh nhưng tôi không viết thị trường, tôi tìm kiếm độc giả tinh hoa trí thức”. Cô cũng cho rằng, các nhà văn, nhà thơ đương đại cần phải “xung kích, náo động, quyến rũ và bớt hèn nhát hơn” để đủ khả năng thích nghi và tồn tại trong một bối cảnh xã hội – văn hóa mới.
Thêm một vấn đề quan trọng không kém khi nhìn nhận đánh giá văn học sau Đổi mới, đó là vấn đề về tính trò chơi của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tham luận Xu hướng trò chơi hóa đời sống và kiểu tác giả – người chơi trong thơ Việt Nam đương đại của TS. Trần Ngọc Hiếu hướng đến nhận diện một xu hướng nổi bật của đời sống đương đại: xu hướng trò chơi hóa trên mọi bình diện của đời sống xã hội, trong đó có văn chương. Căn cứ vào thực tiễn sáng tác thơ đương đại, tác giả tham luận đã khái quát hóa ba kiểu tác giả – người chơi trong thơ Việt Nam đương đại. Đó là: kiểu nhà thơ – tài tử, kiểu nhà thơ-trẻ thơ và kiểu nhà thơ luyện chữ và nghịch chữ. Tác giả kết luận: xu hướng trò chơi hóa đời sống với những kiểu hình tượng tác giả trên đây đã “cho thấy tiến trình vận động của thơ đương đại hướng đến cái cá nhân, sự duy cảm, duy mỹ và cả tính giải trí”.
Kinh nghiệm thẩm mỹ và bài học của văn chương thời Đổi mới
Mục tiêu đánh giá, tổng kết kinh nghiệm cũng như những thành tựu và hạn chế của văn học thời Đổi mới cũng được Hội thảo đặt ra. Bản tham luận Văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI – một vài ghi nhận của PGS. TS Trần Hữu Tá có ý nghĩa tổng kết đánh giá một cách toàn diện sự đổi mới về văn xuôi trong những năm đầu thế kỉ. Đúng như khẳng định của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học trong lời đề dẫn hội thảo: “cuộc hội thảo lần này đặc biệt coi trọng và muốn lắng nghe ý kiến của các nhà văn, về quan niệm cầm bút cũng như những trăn trở, khát vọng sáng tạo của họ”, rất nhiều tiếng nói của những người cầm bút trong tư cách là những chủ thể sáng tạo, đã cất lên trong hội thảo như sự chia sẻ, trao đổi về những trải nghiệm sáng tác của chính bản thân mình trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.
Sự chia sẻ về trải nghiệm cuộc đời cũng như kinh nghiệm văn chương của một nhà văn có thể được thấy hết sức rõ nét qua tham luận Tôi viết truyện Tướng về hưu của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Qua việc giải thích cụ thể về một tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa đến cái nhìn khái quát hơn về các tác phẩm văn học thời Đổi mới; đồng thời làm rõ vấn đề “Đổi mới” trên cả hai phương diện nội dung và hình thức: “Một là về hình thức: Đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất bạo động về ngôn ngữ (tôi dùng khái niệm bạo động về ngôn ngữ để chỉ chung cho cả một thế hệ nhà văn đổi mới cùng thời như Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiểu, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Lại Văn Long, Đỗ Phước Tiến, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, v.v.). Hai là về nội dung: Đây là tác phẩm đặc sắc đưa được “đạo” vào nội dung tác phẩm văn học. “Đạo” đây nên hiểu là con đường tự nhiên, con đường thoát hiểm, con đường sống sót, con đường hy vọng. Nó là trăm ngàn sắc thái trong cuộc sống bình thường của con người ta như sinh, lão, bệnh, tử, ái, ố, hỉ, nộ, dục, ưu, lạc, v.v. Giống như lời trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao: ngày bình thường, mùa bình thường, khói bay trên sông, gà gáy bên sông, người biết thương người, người biết yêu người… Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của “đạo” là nụ cười, sau đó là những biểu hiện của tình yêu thương với lòng chẳng nỡ, tính nhân văn, v.v. ”. Cũng giống với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Y Phương, với tham luận Đi tìm thể tản văn đã chia sẻ những trăn trở của mình trong quá trình sáng tạo, từ việc sáng tác một tác phẩm, đến việc làm mới chính mình qua việc theo đuổi một thể tài văn học: “Tản văn có tự bao giờ? Ranh giới của thể “tiểu ký” này đã được nới rộng ranh giới thể loại, phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề, tinh túy về nội dung, ngắn gọn hàm xúc về câu chữ. Tản văn rất gần với thơ. Tản văn đứng giữa thơ và truyện ngắn… Tản văn là một thể loại mới trong sự nghiệp văn chương của tôi”.
Về thơ đổi mới, không thể không nhắc đến bài phát biểu Đổi mới và đổi mới thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Theo nhà thơ, trong thế kỉ XXI – kỉ nguyên kinh tế tri thức, “thơ đóng vai trò tiên phong trong đổi mới văn học”. Ông cũng cho rằng đổi mới thơ là tự thân của sáng tạo thơ ca, và các nhà thơ thế hệ trẻ hôm nay cần phải được đánh giá cao vì sự táo bạo của họ trong việc “đưa đến một tư duy thơ khác hẳn với những con sóng đồng ca triền miên một thời”. Ông cũng cho rằng để khuyến khích những người cầm bút, để thực sự có được một nền văn học năng động không ngừng tự làm mới, đòi hỏi phải có một sự đa chiều về quam điểm, về thẩm mĩ, và một sự phối hợp hài hòa giữa nhà nước – văn nghệ.
Vi Thùy Linh hết sức thẳng thắn khi xác định rõ ràng thách thức lớn đối mà chính mình cũng như của các đồng nghiệp của mình phải đối mặt: đó là cơ chế kinh tế thị trường thời đổi mới. Với cô, thơ ca nói riêng hay văn học nói chung không thể tránh khỏi việc bị áp lực của đời sống thị trường chi phối. Và bất cứ một người viết nào cũng không thể tồn tại bên ngoài công chúng của mình. Không chỉ là một nhà thơ, Vi Thùy Linh còn là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất bản và quảng bá thơ, đưa thơ đến gần hơn với lớp “công chúng tinh hoa” cũng như tới gần với nhiều loại hình nghệ thuật khác (trình diễn thơ, sân khấu hóa thơ, vv…). Tác giả không ngại ngần khẳng định: “Tôi tìm kiếm thị trường, tôi phải cạnh tranh nhưng tôi không viết thị trường, tôi tìm kiếm độc giả tinh hoa trí thức”. Cô cũng cho rằng, các nhà văn, nhà thơ đương đại cần phải “xung kích, náo động, quyến rũ và bớt hèn nhát hơn” để đủ khả năng thích nghi và tồn tại trong một bối cảnh xã hội – văn hóa mới.
Trong sự trao đổi lại với PGS. TS Võ Văn Nhơn, nhà văn Thiên Sơn đánh giá cao công chúng và tính đại chúng. Vốn là một nhà báo chuyên nghiệp, ông chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của chính mình trong nghệ thuật viết để có thể lôi cuốn và thu hút công chúng. Với ông, tính gợi mở, sự thắt nút mở nút, việc xây dựng những tình tiết bí ẩn, cao trào vv… là những yếu tố có thể giúp nhà văn cuốn người đọc vào với những trang viết. Văn học, như thế, dưới cái nhìn của một bộ phận nhà văn đương đại, đã thực sự có thể được coi như một thứ hàng hóa trong đời sống kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, việc đánh giá thực tiễn sáng tác văn học ngay trong dòng chảy không ngừng biến chuyển của nó không hề là một điều dễ dàng. Trong bản tham thuận Đổi mới như mở cửa, nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ nỗi lo ngại của chính mình về nền văn học đương đại: “Chúng ta có văn chương và có cả rác rưởi, rác văn chương đang hơi nhiều, rác phá nhà văn, phá độc giả, tấn công ban giám khảo nhưng chưa thấy ai dọn rác”. Đó là nỗi trăn trở đầy trách nhiệm của một người viết, vừa với cái nhìn trong cuộc của một người trực tiếp sáng tác, vừa tự gián cánh mình ra để có được sự đánh giá xác đáng và khách quan về thực tiễn văn chương đương đại. Cái nhìn mang tính phê phán của ông không phải là một sự phủ nhận giá trị của văn chương đổi mới mà đúng hơn là sự đánh thức trách nhiệm và lương tâm người cầm bút. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, đổi mới không có nghĩa là lãng quên những giá trị cũ, ngược lại, việc định giá lại và phát huy những thành tựu trong quá khứ cũng là một nền tảng quan trọng cho sự đổi mới văn học: “việc định giá lại tác phẩm và đánh giá lại tác giả rất cần dù sẽ chạm vào nỗi đau nhưng chúng ta buộc phải minh oan cho người viết, khôi phục lại giá trị văn chương trước cách mạng”. Trao đổi tại Hội thảo, nhà văn Văn Chinh cho rằng: “Tinh thần nửa vời của đổi mới trên tất cả các lĩnh vực khiến cho mọi thứ của chúng ta luôn trung bình, chủ nghĩa bình quân”. Ông cũng nhấn mạnh: Tinh thần đổi mới luôn thường trực trong các nhà văn.
Khép lại Hội thảo, tham luận Đổi mới chính là hơi thở của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều một lần nữa nhấn mạnh lẽ tất nhiên của sự đổi mới trong văn học, đồng thời cũng đưa đến một cái nhìn rộng về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa. Theo quan sát của bản thân nhà thơ, trong hiện thực của đời sống thơ ca Việt Nam đương đại có ba nhóm nhà thơ: “Nhóm thứ nhất: yêu văn hoá dân tộc nhưng phần lớn chỉ hiểu văn hoá dân tộc trên bề mặt hình thức chứ không phải là bản chất; Nhóm thứ hai: không có nền tảng văn hoá dân tộc như là “máy cái” hoặc nhìn nhận sai lầm về văn hoá dân tộc; và Nhóm thứ ba: Hiểu đúng bản chất của văn hoá dân tộc và bản chất thời đại và đang từng bước làm ra những sản phẩm mang tính thời đại trên nền tảng văn hoá dân tộc”. Gắn với đổi mới, tác giả tham luận cho rằng những sáng tác của những người viết thuộc nhóm thứ ba là đặc biệt đáng coi trọng, bởi ở những tác phẩm của họ: “vẫn thiên nhiên Việt, vẫn con người Việt, vẫn phong tục Việt, vẫn nhân nghĩa Việt, vẫn xã hội Việt, nhưng được hiện ra trong một ngôn ngữ mới, hình tượng mới, biểu tượng mới,… Họ đã và đang khám phá ra những vẻ đẹp Việt còn ẩn giấu để làm giàu thêm văn hoá dân tộc”.
Tổng kết Hội thảo, PGS. TS Vũ Thanh khẳng định: sau một ngày làm việc, Hội thảo đã thành công tốt đẹp; thành công của Hội thảo thể hiện cả trong số lượng tham luận cũng như tính vấn đề đã đặt ra; tinh thần chung của Hội thảo là khẳng định văn học Việt Nam là nền văn học nhân văn, mang tư tư tưởng tiến bộ của thời đại, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời luôn hướng đến tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm mới chính mình và hội nhập quốc tế.
Hà Thuỷ (tổng thuật)
Nguồn: phebinhvanhoc