Thời sự Văn chương
Cách mạng và người nghệ sĩ
09:26 | 20/08/2015

Viết về cuộc Cách mạng mùa Thu 70 năm về trước, nhà văn  Nguyễn Đình Thi -  người can dự, đồng thời là chứng nhân của cuộc cách mạng vĩ đại đó (Năm1945 ông dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc; sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I là Ủy viên thường trực) đã ví nó giống như “một cuộc lột vỏ”, “rũ bùn” đứng lên của con người, của dân tộc Việt Nam: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước).        

Cách mạng và người nghệ sĩ
Nhà văn Hồ Phương tháng 8 năm 2015

Trong bài “Nhận đường” in trên tạp chí Văn nghệ - cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam số 1 tháng 3 năm 1948 xuất bản trên chiến khu Việt Bắc, ông viết tiếp: “Những ngày tháng Tám, chúng ta bước từ một thời đại lịch sử sang một thời đại mới. Hàng chục triệu con người, thức dậy những khoảng đêm đẫm máu, rỏ nước mắt khóc, vui sướng một niềm vui chưa bao giờ biết, ôm lấy nhau, quàng tay nhau dưới bóng cờ nước đi từng đoàn không thấy hết bên nước lụt đỏ ngầu, dưới mưa tầm tã trước mũi súng ngơ ngác của tụi phátxít Nhật. Cả dân tộc rung chuyển lên cùng một nhịp sống. Một tiếng súng nổ trong đường phố Sài Gòn vang động đến tất cả những thành phố, những xóm làng khắp nước. Mỗi người chúng ta không còn yếu ớt riêng rẽ. Chúng ta đã tìm lại thấy bao trùm trên chúng ta, bao trùm gia đình làng xóm chúng ta còn một cái gì lớn lao chung: ấy là dân tộc”.       

Với những người làm văn nghệ, cuộc cách mạng  ấy đến, biết bao nhiêu là bỡ ngỡ, dằn vặt, khó khăn giống như “một cuộc lột vỏ...da non mới mọc chưa lành, một cái gì chạm phải cũng nhỏ máu”. Nhưng cách mạng cũng lần đầu tiên chỉ ra cho họ thấy cái “còn một cái gì lớn lao chung: ấy là dân tộc”.      

Tìm về dân tộc, trên hành trình ấy, nhiều văn nghệ sĩ sau đó, vào năm 1948 đã đầu quân. Lịch sử rồi sẽ còn ghi, những năm tháng sau cuộc “nhận đường” đầy vất vả đó, phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân, tự nguyện theo tiếng gọi cứu nước của dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra với hàng trăm người thuộc đủ các lĩnh vực: văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc, sân khấu... đến từ khắp các miền quê Bắc, Trung, Nam...      

Tôi có may mắn được sống cùng nhà thơ Thanh Tịnh mươi năm ở “phố nhà binh” (phố Lý Nam đế - Hà Nội) – một nhà thơ “tiền chiến” nổi tiếng có tên trong sách Thi nhân Việt Nam xuất bản từ năm1942; đồng thời cũng nổi tiếng với câu ca: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơ tập thể nằm giường cá nhân. Ông kể, năm 1945 ông tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Huế quê ông, tháng 11 cùng năm được bầu làm Trưởng ban Thư ký Hội văn hóa Cứu quốc Trung Bộ do nhà văn Hoài Thanh làm Chủ tịch. Năm 1946 ra Hà Nội dự Đại hội Văn hóa toàn quốc gặp đúng khi tiếng súng Toàn quốc Kháng chiến bùng nổ, không trở về Huế được. Ông bắt đầu thời kỳ xa quê, xa gia đình vợ con biền biệt; tham gia phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân”, phụ trách Đoàn kịch Chiến thắng của Bộ Tổng Tư lệnh, rồi tham gia Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội thuộc TCCT. Trải “mấy chục năm trường”, kể từ Tết kháng chiến 1947 đến mùa xuân thống nhất đầu tiên 1975 ông không được ăn Tết với gia đình mà đón  giao thừa cùng đồng đội với tiêu chuẩn một người lính độc thân nơi nhà ăn tập thể!... Chia sẻ với ông có người viết tặng hai câu thơ cổ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (Trên con đường nhỏ và xa ngái, gió lạnh thổi dồn vào một người), còn Thanh Tịnh thì luôn bảo: có Cách mạng mới có Thanh Tịnh “Thơ ca” (tên tập thơ được Giải thưởng Nhà nước về văn học của ông) và: có Kháng chiến Thanh Tịnh mới “làm ra” môn độc tấu!      

Tôi cũng có đôi lần may mắn được diện kiến cụ Nguyễn Tuân và từng nghe những chuyện vui về thời nhà văn đi theo cách mạng, kháng chiến. Chuyện thế này: mùa xuân năm 1948, cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác nhà văn Nguyễn Tuân theo bộ đội lên Việt Bắc đánh giặc. Ông đi với Trung đoàn Thủ đô. Ông kể trong bài Buổi thi chính trị rằng, có một lần ông và nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ (tác giả Màu thời gian và vở kịch Ngã ba xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám) được mời tham gia ban giám khảo một cuộc thi chính trị của bộ đội nhân kết thúc cuộc vận động “Luyện quân, lập công”. Ông viết về cảm nghĩ của mình lúc đó như sau: “Thật là một điều mới mẻ cho đời tôi! Một người vốn chỉ sống với hoa nở bên đường, trôi nổi bên dòng liễu nhân và thích những vùng mây xa quá tầm với của tay mình, một người nặng căn mộng tưởng như thế này mà nhất đám phải đứng trước chỗ ba quân, để đố thách những người quân nhân cách mạng! Mà lại đột ngột! Mà lại không được chuẩn bị từ trước! Ôi, Đại tướng ơi! Thật chỉ có Cách mạng thì mới có những việc như thế này!”

Và, ông đã chứng tỏ được “sự thân thiết giữa anh em cầm bút và anh em cầm súng”. Ông đã hỏi năm mươi anh em trong trung đoàn một câu. Mới đầu định hỏi: “Tại sao về chính trị, trung đoàn Thủ đô lại giỏi hơn các đơn vị khác?”, song nghĩ hỏi như vậy sẽ dễ gợi cái “ý đố kỵ sai lầm” không tốt nên trước khi ngồi vào cái ghế giám khảo cuộc thi vấn đáp chính trị ông đã đổi lại câu hỏi thành: “Tại sao anh em Trung đoàn Thủ đô lại không được phép thua những đơn vị khác về chính trị?”.

Chỉ đổi mỗi mấy từ “phải giỏi hơn” thành “không được phép”, câu hỏi thi của Nguyễn Tuân đã không chỉ “chính trị” hơn mà còn toát lên một tinh thần rất “quân sự” nữa. Mới hay với Nguyễn Tuân dù là khi nói hay lúc viết thì ngôn từ luôn luôn được ông tính toán đắn đo rất kỹ rồi mời dùng. Ông đúng là một nhà văn có “trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện” và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại như nhận xét của người đời sau.      

Vào những ngày hàng triệu người yêu ca nhạc đau buồn về sự ra đi của nhạc sĩ tài năng Phan Huỳnh Điểu vừa qua, tôi lại mới được  biết thêm: năm 1945, lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chàng trai 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu viết ra bài hát “Đoàn giải phóng quân” với những câu bất hủ: Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi /Nào có sá chi đâu ngày trở về /Ra đi ra đi bảo tồn sông núi /Ra đi ra đi thà chết không lui...Và sau đó trên những chặng đường đi cùng Cách mạng và Kháng chiến người nhạc sĩ ấy đẫ có hàng trăm nhạc phẩm, trong đó có những bài ca “đi cùng năm tháng”, đi cùng bộ đội suốt 70 năm qua như : Mùa đông binh sĩ, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch. Ra tiền tuyến, Anh ở đầu sông em cuối sông, Bóng cây Kơnia, Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao...- những tác phẩm đã mang lại cho ông vinh dự cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật!     

Nhớ về một thời trai trẻ, nhớ về mùa Thu tháng Tám chưa xa , sinh thời nhạc sĩ từng viết “đó là mùa thay lá, đơm hoa cho cả một non sông Tổ quốc. Mùa đổi đời cho hàng chục triệu con người”... và ông từng tự bạch, nếu không có mùa Thu ấy chắc sẽ không có một nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau này mà “có thể là một anh thư ký quèn cho một hãng buôn nào đó. Hoặc là một anh thợ chữa máy không tên  tuổi” ...     

 

Và, trong những ngày mùa thu này, mùa thu tháng Tám năm 2015 tôi có dịp đến thăm nhà văn Hồ Phương một vị tướng. Không, ông bảo ông là một người lính. Ông tên thật là Nguyễn Thế Xương, tuổi con ngựa,1930; trưởng thành từ  "chiến sĩ quyết tử" của Thủ đô sáu mươi ngày đêm khói lửa bảo vệ từng góc phố, gìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông cũng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp trong đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong – đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội (Sư đoàn 308 Anh hùng)...Đến thăm gặp một người lính viết văn từ khi mới 17 tuổi, một nhà văn  vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lại từng một thời là sếp của mình  năm nay đã 86 tuổi, tôi cứ nghĩ chắc “cụ” đang ngồi buồn như mấy câu thơ chân dung vui mà cánh nhà văn nhà báo ở “phố nhà binh” ai cũng thuộc: Trên biển lớn mênh mông trời nước/ Ngó trông vềXóm mới tít mờ xa/ Cỏ non nay đã về già/ Ngồi buồn lại giở Thư nhà ra xem. Nhưng tôi đã lầm. Tướng Hồ Phương tuy đi lại có khó khăn tí teo, nhưng vẫn vui và hóm như ngày nào. Ông bảo, nhanh quá mới năm nào là cậu học sinh Hà Nội cùng bạn bè cầm cờ đi “xem” Việt Minh chiếm phủ Khâm sai mà nay đã 70 mùa Thu! Rồi ông “khoe” vừa được Bộ Công an vinh danh vì có những tác phẩm xuất sắc góp phần vào sự nghiệp “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”...Ông kể nhiều chuyện về tuổi trẻ Hà Nội một thời cách mạng, kháng chiến đầy nhiệt huyết song cũng vô cùng lãng mạn. Ông nói những câu thơ: Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng / Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm / Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa trong bài “Ngày về” của Chính Hữu nói rất chính xá về những người lính trẻ Thủ đô lúc bấy giờ. Rồi ông tặng tôi cuốn sách còn thơm mùi mực – cuốn Hà Nội nơi xa và bảo trong ấy có tuổi trẻ của cả một lớp người một thời đi theo cách mạng...

Thập tam trại, tháng Tám mùa Thu 2015

Theo vanvn.net

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng