Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh, cách mạng thời gian qua đã có nhiều đổi mới và được giới chuyên môn ghi nhận.
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trao thưởng cho 80 sáng tác, phản ánh sinh động 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1930-1975).
Cách nhìn mới về chiến tranh, cách mạng
Hiếm có một dân tộc nào mà trong hành trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước mà các dấu mốc quan trọng nhất lại thấm đẫm xương máu của biết bao người con ưu tú đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của cha ông như dân tộc Việt Nam.
Cho tới hôm nay, những dấu mốc lịch sử bi tráng, hào hùng ấy vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ văn nghệ sỹ.
Một nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm viết về chiến tranh đã nhận xét có một thực tế là không ít người đọc, kể cả bạn đọc trẻ ngày nay ngại đọc các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh, ngại nghe hát về các ca khúc cách mạng. Họ bảo rằng đọc mãi, nghe mãi, xem mãi những tác phẩm ấy, đề tài ấy, quen quá, không có gì mới.
Hiểu điều này, nhiều nhà văn, nhà viết kịch, họa sỹ hôm nay khi sáng tác về chiến tranh, cách mạng đã cố gắng khai thác những điều mới lạ hơn. Họ hy vọng những cố gắng đổi mới này sẽ giúp công chúng yêu thích mảng đề tài này hơn nữa.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Đỗ Kim Cuông ghi nhận điểm mới rõ nét nhất trong những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay là tác giả viết với cái nhìn sâu sắc, toàn diện, chân thực hơn.
Các tác giả không còn giữ thái độ, cách nhìn của vài chục năm trước mà nhìn cuộc chiến của dân tộc ở nhiều góc độ khác nhau, con người hơn, nhân văn hơn khi khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh với những nỗi đau tận cùng mà con người ở thời kỳ đó đã kiên cường vượt qua. Hai cuộc kháng chiến anh dũng đã giành được thắng lợi, đất nước được thống nhất hoàn toàn xong hàng triệu người con của dân tộc đã đổ máu xương, nước mắt.
Đã có nhiều tác giả đã viết về các cuộc chiến ở Quảng Trị, Điện Biên,… nhưng dưới con mắt của nhà viết kịch Xuân Đức, nhà văn Chu Lai, họa sỹ Đỗ Đức Khải những địa danh đã đi vào lịch sử này được khắc họa khác hẳn với những sáng tác trước đó.
Vẫn coi trọng mục đích phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại, khẳng định chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, nhưng sau năm 1975, các tác giả nhấn mạnh hơn vào tính chân thực. Không bằng lòng với hiện thực được lý tưởng hóa một chiều, họ xác định không chỉ nói đến thắng lợi mà còn cần nói đến tổn thất, hy sinh, không chỉ nói đến niềm vui mà còn nói đến nỗi đau do kẻ gây nên. Điển hình là tiểu thuyết “Biệt cánh chim trời” của nhà văn Cao Duy Sơn; Chu Lai với phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ,” họa sỹ Nguyễn Tường Linh với tranh sơn mài “Bình minh”…
“Biệt cánh chim trời” của Cao Duy Sơn đề cao đóng góp của những người không trực tiếp cầm súng chiến đấu ở mặt trận mà ở hậu phương, chiến đấu với đói nghèo, không ít người đã thầm lặng hy sinh.
Khi giới thiệu tiểu thuyết này, tác giả mong muốn mang đến cho người đọc cảm nhận mới về đời sống của kháng chiến, cách mạng, nhất là về hậu phương của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi có đầy mâu thuẫn, cam go và con người phải gồng mình để hoàn thành tốt sứ mệnh vì miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước.
Cũng là một tác phẩm độc đáo, vở múa “Khoảnh khắc bất tử” (kịch bản Tuyết Minh, tổng đạo diễn Phạm Anh Phương) có cách nhìn mới lạ, đan xen giữa hư và thực, đề cao tính nhân đạo, tình yêu hòa bình.
Tổng đạo diễn Phạm Anh Phương chia sẻ để tạo sự hấp dẫn của tác phẩm, thu hút công chúng, vở múa này đề cao tính sáng tạo. Kịch bản nhìn về đề tài cách mạng với cách nhìn hiện đại, tạo cảm xúc khác biệt cho người xem, thủ pháp sân khấu hiện đại, hiệu ứng mới, lạ. Cách trang trí sân khấu, âm nhạc, vũ đạo cũng được kết hợp giữa phong cách, ngôn ngữ truyền thống với hiện đại…
Khẳng định vai trò của người sáng tác
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng (1930-1975) được phát động trên toàn quốc đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường - một truyền thống quý báu của nhân dân. Để có những tác phẩm hay, chất lượng, nhiều nhà văn, nhà viết kịch, họa sỹ… đã có những đầu tư nghiêm túc.
Là nhà văn quân đội chuyên viết về đề tài người lính, chiến tranh, cách mạng, mới đây nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức đã dành cả tình cảm, tâm huyết để kể lại những năm tháng hào hùng của dân tộc qua vở kịch “Nhiệm vụ hoàn thành.”
Vở kịch là tác phẩm sân khấu duy nhất đến thời điểm này viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi Đại tướng qua đời. Tác giả đã chọn lựa những thời khắc quan trọng nhất, những thời khắc thể hiện vai trò của vị tướng đã đi vào lịch sử cũng như tình cảm, đời sống của quân đội, nhân dân Việt Nam. Trong đó có những lát cắt mà lịch sử cần làm rõ hơn về vai trò của Đại tướng đối với đường Hồ Chí Minh trên biển hay trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năn 1975…
Vở kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” khi công diễn đã chiếm được tình cảm của khán giả đối với nhân vật lịch sử vĩ đại này. Vượt qua hàng nghìn sáng tác, tác phẩm dành đã được trao giải A của "Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975."
Với nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức, đây là sự tri ân với Đại Tướng, tri ân quá khứ oanh liệt, hào hùng của cả dân tộc. Thành công của vở kịch, bên cạnh vai trò của tác giả, đạo diễn còn có nhiều đóng góp của diễn viên, nghệ sỹ - tác giả Xuân Đức chia sẻ.
Dành hơn 3 năm để viết, thể hiện sự tìm tòi mới về góc khuất của chiến tranh, tiểu thuyết “Biệt cánh chim trời” được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao. Nhà văn Cao Duy Sơn, tác giả của tiểu thuyết chia sẻ, trong quá trình viết, mỗi tác giả đều lựa chọn các phương thức thể hiện riêng biệt. Bên cạnh đó, viết về chiến tranh, cách mạng, người viết cũng phải lựa chọn nội dung phù hợp với cách viết, thể hiện chân thực đời sống xã hội trong bối cảnh đất nước chiến tranh.
Chính điều này đã mang đến cho tác phẩm “Biệt cánh chim trời” giải C của Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975.
Với các nhìn mới lạ, sự đầu tư công phu, vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” đã giành được nhiều giải thưởng lớn như Giải A của Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam; giải Đặc biệt trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, trong đó hai nghệ sỹ chính đều dành được huy chương Vàng, Bạc; giải A của cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975…
Trước đó, kịch bản “Khoảnh khắc bất tử” cũng được ghi nhận là một trong những kịch bản xuất sắc nhất trong năm 2013.
Theo