Hội Nhà văn Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1957, sau Hội nghị thành lập Hội diễn ra tại trụ sở Câu lạc bộ Đoàn Kết, từ 1/4 đến 4/4/1957. Trong lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại đây là lần đầu tiên có một tổ chức của những người lao động văn học trên toàn quốc.
Kể từ đó đến nay, cùng với sự lớn lên về mặt tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam cũng ngày càng trở thành một địa chỉ thân thuộc, ấm áp của các nhà văn chuyên và không chuyên cả nước. PV Văn nghệ Quân đội vừa có cuộc trao đổi với ba nhà văn, nhà thơ Vũ Tú Nam, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Kính thưa nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị kỉ niệm 60 năm ngày thành lập, với cá nhân ông/bà, Hội Nhà văn có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời văn chương của mình?
Nhà văn Vũ Tú Nam: Hội Nhà văn kỉ niệm thành lập 60 năm kể cũng dài đấy, nhưng truyền thống của nhà văn Việt Nam có từ lâu đời, không phải thành lập mới có. Chỉ có điều, khi thành lập hội thì nó thành một tổ chức đoàn thể gắn bó với nhau thôi. Tôi là một trong những hội viên sáng lập. Bà nhà tôi (nhà văn Thanh Hương - PV) cũng thế. Cả cuộc đời tôi gắn bó với Hội Nhà văn. Tôi đã làm rất nhiều việc từ những ngày đầu. Từ Thư kí tòa soạn Báo Văn học (sau này là Báo Văn nghệ), Ban Phụ trách Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Ban Phụ trách Trường Viết văn Quảng Bá… Chịu trách nhiệm về tổ chức, đào tạo lớp trẻ (như Lê Lựu, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Sáng…), rồi làm Tổng Thư kí Hội.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Năm 1969, tôi đang là phóng viên của Báo Hà Nội mới thì Báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam mở cuộc thi thơ. Lúc đó cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang hồi quyết liệt. Nhiều bạn bè thân thiết của tôi đã lên đường ra chiến trường. Và các bài thơ của nhà thơ áo lính Phạm Tiến Duật làm nức lòng cả nước. Năm 1970, cuộc thi thơ kết thúc với Giải Nhất được trao cho nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi và các nhà thơ Bế Kiến Quốc, Vương Anh được Giải Nhì cùng nhiều bạn khác được Giải Ba và Giải Khuyến khích. Chúng tôi đều chỉ trên 20 tuổi và riêng tôi hầu như chưa có khái niệm gì về Hội Nhà văn Việt Nam. Dạo đó, được mời đến dự Hội nghị Những người viết trẻ (1971) hoặc đến họp ở trụ sở Hội nhà văn Việt Nam tại 65 Nguyễn Du, tôi thường im lặng kính cẩn chiêm ngưỡng các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… Đối với tôi, đó là những bậc thầy đáng kính trọng vô cùng. Cuối năm 1970, hai nhà thơ Chế Lan Viên và nhà thơ Anh Thơ nói tôi làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam để hai vị kí giới thiệu. Năm 1971, tôi được kết nạp vào Hội, là hội viên dự bị. Tôi cảm động thấy mình được quan tâm, được chăm sóc và thương mến mà cho đến nay, tôi vẫn chưa một lần ngỏ lời cảm ơn hai nhà thơ lớn đó.
Hội Nhà văn Việt Nam, đối với tôi, là một cái gì thiêng liêng, ấm áp, trong trẻo và thương mến. Năm 1972, tôi được Hội Nhà văn xin Báo Hà Nội mới cho dự trại viết khóa 5 ở Quảng Bá. Ở đây, tôi được gặp các bạn làm thơ, viết văn của cả nước, trong đó có nhiều bạn từ chiến trường miền Nam ra như Lâm Thị Mỹ Dạ, Thu Bồn, Liên Nam, Tô Nhuận Vỹ cùng các bạn từ Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh… về học. Đó là những ngày đầy bỡ ngỡ nhưng cũng tràn ngập niềm vui, tiếng cười và những xúc động rơi nước mắt khi các bạn miền Nam chia tay, trở về chiến trường.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không thể phủ nhận vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong đời sống tinh thần của đất nước và trong đời sống văn chương của mỗi nhà văn. Nhà văn luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong chiến tranh, có khi chỉ một bài thơ thôi mà có sức mạnh bằng cả một binh đoàn. Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp của những người làm công tác văn chương. Không phải chỉ với cá nhân tôi mà với bất kì ai yêu thích văn chương, Hội cũng vẫn thiêng liêng lắm. Bởi thế, có rất nhiều người đến với Hội và làm đơn xin vào Hội. Chúng ta kết nạp rất nhiều, có năm đến hơn nửa trăm người, nhưng số đơn xin vào Hội vẫn còn rất nhiều. Hiện còn hơn 600 đơn nữa. Xin đừng nghĩ những người xin vào Hội là những người háo danh. Nếu Hội không còn ý nghĩa, không có vị thế thì họ xin vào Hội làm gì?
Việc kết nạp hội viên bao giờ cũng phức tạp và luôn có tiếng xì xèo. Mặc dù Hội rất thận trọng. Xét qua nhiều tầng, nhiều lớp. Phải có 2 tập sách đã xuất bản có chất lượng tốt, có đơn của người muốn vào hội, do 2 hội viên giới thiệu. Phải qua hội đồng chuyên môn, khi cần lại tham khảo thêm ý kiến của chi hội cơ sở. Rồi Ban Chấp hành (BCH) xét bỏ phiếu kín. Chính nhiều tầng thế này, cồng kềnh thế, lại thành áp lực. Tôi thích cách kết nạp của Hội ta ngày xưa. Không cần phải đơn từ gì cả. Ai viết hay, có nhiều tác phẩm tốt thì các thành viên BCH giới thiệu, đề xuất, rồi Ban Thường vụ xét, rồi thông qua BCH. Nếu quá bán đồng thuận thì mới báo cho người được chọn. Hồi tôi vào Hội năm 1977 là thế. Tôi có làm đơn đâu. Tôi rất bất ngờ nhận được thông báo của Hội do nhà văn Tổng Thư kí Nguyễn Đình Thi, thay mặt BCH kí. Trong thông báo, người đứng đầu Hội cho biết: Tại cuộc họp của BCH mới đây, đồng chí đã được BCH giới thiệu và chọn lựa thấy đủ tiêu chuẩn để tham gia sinh hoạt Hội. Nếu đồng chí cũng đồng ý với BCH thì ngày… tháng… đến văn phòng làm thủ tục nhập Hội. Thế thôi. Rất đơn giản. Mỗi năm Hội chỉ kết nạp vài người. Và vì thế mà rất chính xác, và cũng vì thế mà việc vào Hội mới sang, Hội mới trở thành một tổ chức sang trọng và danh dự. Không có những chuyện “lôi thôi” như bây giờ. Việc xét giải thưởng cũng thế. Có cuốn sách nào hay, các thành viên BCH giới thiệu, rồi xét. Xét được rồi mới thông báo với nhà văn được xét. Nếu họ đồng ý thì tiến hành làm thủ tục để trao giải. Mỗi năm cũng chỉ trao vài cuốn, có khi chỉ một cuốn. Mà nếu không có sách hay thì bỏ trống. Như thế hay hơn. Không bị áp lực. Khi bị áp lực thì dễ trao nhầm. Bởi có không ít cuốn sách được giải thưởng mà mất tăm, chẳng sủi được một cái bong bóng nào trong công luận. Nhưng những cuốn sách ấy lại rất có vị thế. Tôi nói là có vị thế chứ không nói là có giá trị.
Hội Nhà văn có rất nhiều việc. Nhưng theo tôi chỉ có ba việc là cần phải làm tốt thôi. Đó là kết nạp hội, xét giải thưởng và dịch tác phẩm hay của ta ra nước ngoài. Cả ba việc này, chúng ta làm đều rất vất vả và chưa hiệu quả. Về kết nạp hội và giải thưởng, tôi đã nói rồi, các thế hệ trước đã làm chuẩn xác hơn và cũng hay hơn. Có cuốn nào hay dư luận biết ngay, vì báo chí đã làm om lên rồi. Dĩ nhiên bây giờ, yếu tố quảng bá có tính thương mại, nên có tác phẩm báo chí khen ngợi om sòm vẫn là… Tác phẩm không hay. Nhưng các nhà văn thì biết, tôi tin bạn đọc cũng biết, nhưng trong nhiều trường hợp là họ im lặng. Họ coi giải thưởng đó không phải của họ…
PV: Thế hệ của ông/bà, những nhà văn trưởng thành trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn do chiến tranh mang lại, các ông bà đã sống và làm việc như thế nào để có những tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc?
Nhà văn Vũ Tú Nam: Cuộc đời mỗi nhà văn như tôi có hai phần: Góp phần đào tạo Hội viên các thế hệ. Và tự mình là một nhà văn đóng góp chung. Hai việc đó, làm gì cũng phải làm hết sức. Chả bao giờ nghĩ có tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc. Nhà văn thời đó chỉ có hai việc, một là gắn bó với thực tế, hai là viết, thế thôi. Các nhà văn đi thực tế nhiều. Ví dụ, bà nhà tôi đi theo dân công, tôi đi theo bộ đội chủ lực. Thời đó, tôi là một phóng viên báo, đi thực tế rất nhiều. Chiến dịch nào tôi cũng đi theo bộ đội. Đi với bộ đội tất nhiên khổ rồi, nhưng vẫn vui lắm. Không đi không viết được. Chúng tôi đều thấy cần thiết phải đi, đi tự nguyện, đi vui vẻ. Tác phẩm đầu tiên tôi viết là Bên đường 12, đó là kết quả thực tế ở Ninh Bình (tác phẩm này của nhà văn Vũ Tú Nam đã được trao Giải thưởng Văn nghệ Khu 4, Giải Nhất Trại Văn nghệ Lam Sơn - PV). Đối với một nhà văn thời chiến chỉ có hai việc: Sống và viết, gắn bó với cuộc kháng chiến, với cách mạng, gắn với bộ đội, với nhân dân, đi các chiến dịch, xuống các đơn vị bộ đội, sống với các chiến sĩ, thu thập tài liệu. Không có chiến dịch nào thiếu sự có mặt của các nhà văn quân đội như tôi.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Là phóng viên báo hàng ngày, tôi được theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng vào thăm bộ đội đường 9, qua sân bay Ái Tử, huyện Triệu Phong, Đông Hà và nhiều địa danh nổi tiếng thời chống Mĩ ở miền Trung. Khi Mĩ ném bom Hà Nội, vào khu vực Đức Giang với các trạm xăng, phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, nhà máy điện Yên Phụ..., tôi cũng thường có mặt ngay ở những nơi bị ném bom ấy, có khi lửa còn đang cháy hoặc khói bom còn mù mịt. Năm 1979, khi Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, tôi cũng lên ngay các đơn vị bộ đội ở biên cương, khi mà xác trâu bò còn ngổn ngang trên các vạt cỏ ngoài đồng và tiếng súng vẫn vang lên đâu đó. Hồi ấy, tôi cũng như bao bạn trẻ, không hề biết sợ, không hề ngại ngần nếu bị thương hoặc hi sinh. Chúng tôi đã sống hết mình vì lí tưởng để thống nhất đất nước. Và ngoài các bài báo viết ngay để đăng hàng ngày, tôi cũng có một số bài thơ - nay đã in trong tập thơ được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 - gồm ba tập: Hương thầm (1973), Chân dung người chiến thắng (1977), Nghiêng về anh (1992).
Hồi đó, thơ văn là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ta. Ngay ở Hà nội, mà các buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi cũng tập trung ở nhà một bạn có đài để cùng nghe, có đứa được phân công chép lại từng câu, từng bài để ngày hôm sau tất cả đều chép vào sổ tay của mình.
PV: Ông/bà là người được các nhà văn thế hệ sau vô cùng yêu quý, kính trọng, cũng đã trải qua cái thời văn chương là một món ăn tinh thần không thể thiếu, ông/bà nghĩ gì về vị trí của văn chương trong đời sống xã hội hôm nay?
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã thay đổi, cái ăn cái mặc đã tương đối đủ đầy - trừ một số vùng khó khăn - chúng ta không chỉ có truyền hình mà còn có báo điện tử, có mạng xã hội… Rồi nhà nhà làm thơ, câu lạc bộ thơ mọc lên ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Có lẽ vì thế, văn hóa đọc không còn được như xưa. Và thơ vì thế cũng không còn… “thiêng” như hồi chiến tranh.
Nhưng tôi nghĩ, cùng với sự đi lên của đời sống, thơ văn vẫn luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Chúng ta vẫn có và sẽ có những cuốn truyện, những bài thơ được ghi nhớ và yêu thích. Chỉ cần nhà văn biết im lặng và cần cù quan sát, ghi chép, sáng tạo…
PV: Hội nhà văn thì 60 năm tuổi, nhưng lịch sử văn học Việt Nam thì dài hơn thế rất nhiều. Lịch sử văn chương luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. Theo ông/bà, để văn chương thực sự song hành cùng với đất nước, với dân tộc, thì nhà văn cần phải lao động như thế nào?
Nhà văn Vũ Tú Nam: Một là sống, hai là học, ba là viết. Làm tốt 3 cái đó là làm tròn nhiệm vụ của nhà văn. Thứ nhất là sống. Sống hàng ngày, sống như thế nào để sau này có chất liệu để làm tác phẩm. Sống sâu sắc gắn bó với thời đại, với nhân dân (thời chiến là bộ đội), không thể tách rời. Hai là học. Trong kháng chiến, tác phẩm, sách báo hiếm hoi, nhưng chúng tôi rất chịu khó đọc. Nhất là sách Pháp văn, văn học nước ngoài. Đọc chính là học. Phải tự học thêm. Tôi phải học cả trong quần chúng, học ngôn ngữ quần chúng. Mình viết về họ, mình phải hiểu họ. Cuối cùng là viết thôi.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Văn chương là cái gì đó rất riêng, rất cá biệt của mỗi người viết. Vì thế, tôi nghĩ, Hội Nhà văn nên phát hiện và thực sự quan tâm nếu chúng ta có được một người tài trong lĩnh vực này. Hiện nay, có điều mừng là rất nhiều người mong được trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, trở thành nhà văn cần có niềm đam mê, sự tĩnh lặng và nhất là một chút khả năng bẩm sinh, sự cần cù ghi chép, nhận xét, lặng thầm sáng tạo. Và không ngừng tự học giữa mọi người, với sách vở và những người thầy hàng ngày ta vẫn gặp trong nhân gian.
PV: Ông/bà nhận định thế nào về thế hệ các nhà văn sinh ra và lớn lên trong thời bình - các nhà văn sinh những năm 70 - 80. Ông/bà có kì vọng gì vào họ? Ông/bà muốn nhắn nhủ gì tới họ?
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Các nhà văn trẻ hiện nay, may mắn hơn lớp chúng tôi rất nhiều, vì các bạn được học hành chu đáo, ngoại ngữ giỏi, vi tính siêu, đi nước ngoài nhiều, tiếp cận với cả thế giới. Tôi rất tin trong số các nhà văn trẻ hiện nay, bên cạnh đề tài cá nhân rất riêng, sẽ có nhiều bạn viết về nhân dân, về các vùng đất còn nhiều khó khăn hoặc các vùng làm ăn giỏi, những cá nhân siêu việt đem lại công ăn việc làm và sự giàu có cho đông đảo mọi người.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà văn phải lao động như thế nào là việc của từng nhà văn, tôi không thể nói thay được. Điều tôi nói là tác phẩm phải hay. Có một nhà thơ đã nói rằng: “Tác phẩm chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải hay và nhà văn cũng chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải viết hay”. Tôi thấy ý kiến ấy là đúng, nên không nói thêm. Và như thế, chỉ có tác phẩm hay mới song hành được cùng với đất nước và dân tộc. Xưa cũng thế, nay cũng thế và tôi nghĩ sau này, chắc cũng vẫn thế, dù nhà thơ đó bất luận trẻ hay già, sinh ra từ bất cứ dân tộc nào và ở bất cứ vùng quê nào.
PV: Xin trân trọng cảm ơn các nhà văn, nhà thơ đã tham gia trò chuyện. Kính chúc ông, bà luôn có nhiều sức khỏe, sáng tác không ngừng và dành nhiều hơn nữa sự ưu ái, quan tâm, dìu dắt đối với các tác giả trẻ.
PV
Nguồn: VNQĐ