Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa cho ra mắt ấn bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu.
Bản thảo bị bỏ dở
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dày hơn 500 trang, vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí. Những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đòi hỏi độ chính xác và tin cậy cao, nên việc dịch sang Anh ngữ có những khó khăn nhất định.
Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, khi bắt đầu viết cuốn sách, rất nhiều tai họa ập đến với ông. “Năm 1981, nhà tôi bị cháy hết cả nhà. Lúc này lại phải đi tìm lại những tư liệu đó”- Trần Mai Hạnh kể.
Tiếp đó, từ năm 2002 đến 2012, trong suốt 10 năm đó có nhiều biến cố xảy ra trong cuộc đời khiến ông không viết được một chữ nào. “Cứ mở ra rồi đóng lại, nhiều lúc tôi muốn đốt những tài liệu đó. Có tới hàng nghìn trang tài liệu bày bừa bộn ra khắp nhà cửa” - tác giả tiết lộ.
Tuy nhiên, khoảng năm 2012, ông chuyển nhà về phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nên thi thoảng có gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh. Vì trước đó, khi còn làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã trích đăng 2 chương trong bản thảo cuốn sách nên vẫn nhớ và đã tiếp tục thúc giục nhà báo Trần Mai Hạnh hoàn thành cuốn sách.
Thế là nhà báo Trần Mai Hạnh lại ngồi vào bàn viết, và sau đó, đã viết lại một số chương, bằng một tâm thế mà trước đó ông chưa hề có. Chính điều này khiến cho cuốn sách trở nên khách quan.
Theo tác giả, khó nhất trong lúc viết là giữ được sự điềm tĩnh, để không có bất cứ nhận xét, đánh giá nào. Nếu đưa tình cảm của mình vào thì cuốn sách sẽ không còn là “Biên bản” nữa mà sẽ rẽ sang hướng khác, na ná với những cuốn sách khác.
Chính vì thế, khi cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” ra mắt, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh giá, “sức mạnh của sự thật là không gì có thể chống lại được, vượt qua sự hoen gỉ của thời gian. Sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu”.
Ngày 4/1/2016, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có Quyết định số 01/QĐ-HNV về việc dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sang tiếng Anh “nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh từng đưa ra nhận định: Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, nhưng số tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch 30-4-1975 không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. “Chúng ta còn mắc nợ lớn với bạn đọc, với lịch sử”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, nhà báo Trần Mai Hạnh đã lấp một khoảng trống vô giá về văn học tư liệu, về Chiến dịch Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tác phẩm được viết với một góc nhìn điềm tĩnh, khách quan và đầy nhân văn. Ông cho rằng, trước đây chúng ta có cụm từ “văn - sử - địa bất phân” thì cuốn sách của nhà báo Trần Mai Hạnh là “văn - sử - báo bất phân”.
Chính vì lý do đó, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sang tiếng Anh. “Đây là cuốn sách đầu tiên trong số những tác phẩm nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng nước nước ngoài”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh tặng chữ ký cho bạn đọc.
Câu chuyện người dịch sách
Dịch giả Mạnh Chương là người được chọn để đảm nhiệm công việc dịch sang tiếng Anh cuốn sách dày dặn này. Lâu nay, dịch giả Mạnh Chương được biết tới là người hàng tuần dịch truyện ngắn cho tờ Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam. Ông từng công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), Ủy ban về hợp tác Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư).
Ông được nhà nước cử đi phiên dịch cho đoàn Trung ương trong Ủy ban Liên hiệp quân sự 4 bên, thi hành Hiệp định Paris, đóng tại trại David, Tân Sơn Nhất... Được chọn dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”- theo dịch giả Mạnh Chương, đó là “một may mắn”.
Mặc dù cuốn sách ra mắt lần đầu từ năm 2014, được giải thưởng Hội Nhà văn VN rồi được giải thưởng văn học ASEAN, nhưng Mạnh Chương cũng chưa đọc cuốn sách này.
Chỉ đến khi được mời dịch, ông mới đọc, đọc liền một mạch. Ông lui về căn nhà ở Hà Nam mua cách đây hơn 10 năm để có sự yên tĩnh cần thiết ngồi dịch cuốn sách.
Thời gian có thể kéo dài 6 tháng, nhưng cuối cùng hơn 3 tháng Mạnh Chương đã dịch xong cuốn sách. Với ông, đây là một cuốn sách “lớn”, dù không phải dạng văn học cao siêu nhưng lại rất lớn về chủ đề và sự kiện lịch sử mà tác phẩm tái hiện.
Tác giả đã vận dụng tất cả các tài liệu quý giá mình thu thập được trong quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có rất nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật và các văn bản gốc của phía bên kia, rồi hoá thân phục dựng lại trung thực sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh trong khuôn khổ một tác phẩm văn học rất sinh động, tin cậy và như thật.
Về khó khăn khi dịch cuốn sách này, theo dịch giả Mạnh Chương, đó là văn phong của nhà văn - nhà báo Trần Mai Hạnh là thứ văn phong nghiền ngẫm, rất có chiều sâu, nên việc chuyển sang Anh ngữ không phải dễ dàng, thứ nữa là có rất nhiều tư liệu như thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Nicxon và G.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu từ tiếng Anh dịch sang tiếng Việt rồi bây giờ lại dịch ngược sang tiếng Anh…
Từng là người lính nên những ngôn ngữ của lính Mỹ, của chiến tranh, quân sự… dịch giả Mạnh Chương đã rất quen thuộc, chỉ có đoạn nào ngôn ngữ của tác giả thì ông mới cảm thấy khó khi phải lột tả chân thật phẩm chất văn chương của nó.
Bây giờ bản tiếng Anh của cuốn sách đã được xuất bản. Dịch giả Mạnh Chương hi vọng độc giả thế giới, đặc biệt là độc giả Mỹ đọc cuốn sách này. Để họ có thể hiểu hơn về cuộc chiến, hiểu hơn về người Việt Nam.
Với “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, nhà báo Trần Mai Hạnh cho rằng, ông không có bất cứ nhận xét hay đánh giá nào, cũng không biểu lộ bất cứ tình cảm nào của mình trong tất cả những vấn đề được trình bày trong cuốn sách. Ông dành việc đó cho độc giả và xã hội. Tác giả chia sẻ, để viết được cuốn sách với hệ thống 273 nhân vật là người thật - việc thật, không đơn giản một chút nào. Nói về nguồn tài liệu, tác giả tiết lộ: có tài liệu do đi tìm mà thấy, nhưng cũng có tài liệu “tự tìm đến với mình”. |
Theo Hà Khanh - ĐĐK