2 đầu sách Thú lang thang người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) của nhà văn Băng Sơn vừa được Huy Hoàng Bookstore tái bản và ra mắt độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đọc lại những cuốn sách này có thể nhận thấy tình yêu rất lớn Băng Sơn dành cho Hà Nội.
Nắm bắt những gì tinh túy nhất
“Đề tài về Hà Nội viết mãi cũng không hết. Tính từ khi có những cuốn sách viết về Hà Nội cho đến ngày nay thì có lẽ đã là một khối lượng khổng lồ. Trong tương lai vẫn sẽ còn nhiều người viết về Hà Nội, bởi lẽ trải qua quá trình bị bồi lấp, gạt bỏ những lớp phù sa, thì Hà Nội vẫn còn lấp lánh nét văn hóa… Tuy nhiên, sức sống của tản văn Băng Sơn vẫn còn, do người ta thấy được cái nhân, cái tâm trong đó. Có những cái rất nhỏ mà chỉ những người lọ mọ, yêu thích mới khám phá ra”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến |
Nhà văn Băng Sơn (1932 - 2010) có sở trường viết tùy bút. Ông từng là một trong 5 cây bút viết khỏe nhất (ngũ hổ) của làng viết văn, viết báo Hà Nội. Ông đã đi khắp đất nước nhưng chỉ thích sống ở Hà Nội. Mặc dù không sinh ra tại Hà Nội nhưng ông đã sống và gắn bó với mảnh đất này gần như suốt cuộc đời mình. Con trai cố nhà văn Băng Sơn, nhà báo Trần Phương Quang nhớ lại: “Hình ảnh đặc trưng nhất của cha tôi là mái tóc dài và chiếc xe đạp. Có lẽ vì ngày ngày nhẩn nha đạp xe nên từng ngõ ngách, từng gốc cây ông đều thuộc và nắm bắt được những gì tinh túy nhất. Tất cả ông dành hết cho Hà Nội, thu nạp chất liệu vào mình để rồi lúc nào đó đưa lại vào các trang văn”.
Qua các trang sách, người đọc cảm nhận được tình yêu rất lớn ông dành cho Hà Nội, không phải do ông viết về cái gì đó to tát hay ghê gớm mà từ những điều dung dị, đời thường. Đó là thú chơi, thú ăn tinh tế của người Hà Nội hay những người bạn tâm giao, những con phố, cây xanh ở Hồ Gươm... Nghiên cứu sâu văn hóa ẩm thực người Hà Nội, Băng Sơn viết nhiều bài giá trị về cách ăn mang tính văn hóa cao độ trên đất kinh kỳ này, từ Ăn gì ngày Tết?, Quà Hà Nội và người Hà Nội ăn quà, Phở, Bún chả, Bún thang, Chả cá… đến Canh sấu mùa hè, Mắm đồng, Rau húng Láng, Gia vị… Ông cũng thích thú khi lang thang qua những con phố Hà Nội, mơ màng ngắm những đám mây bay và đắm say trong mùi hoa sữa.
Không chỉ dừng ở tả lại cảm xúc của cá nhân đối với nơi nhà văn đi qua, món ăn ông thưởng thức, mà mỗi trang sách còn là nhân cách, và những cảm nhận thú vị của ông về Hà Nội. Chính điều này làm nên sự khác biệt của Băng Sơn so với những nhà văn khác viết về Hà Nội như: Tô Hoài, Vũ Bằng, Thạch Lam hay gần đây là Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà... “Văn của Băng Sơn không giống ai. Ông viết nhẹ nhàng, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, chân thành và rất thực. Giọng điệu nhẹ nhõm, ngôn ngữ ông sử dụng bình dị và rất đời thường. Thi thoảng ông cũng làm chữ, cũng véo von, nhưng đó chỉ coi như là những nét chấm phá” - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét.
Lưu giữ ký ức
Là người có nhiều nghiên cứu về Hà Nội, nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, những trào lưu của giới trẻ đô thị ngày nay còn “thua xa các cụ” ngày xưa. Ví dụ, có một thời, 6 sàn nhảy dọc con phố Khâm Thiên luôn chật kín quý ông comple bảnh bao, cùng các quý cô diện áo dài, váy đầm lộng lẫy với mái tóc rẽ ngôi lệch được cho là nổi loạn thời bấy giờ. Muốn hình thành các thú chơi thì điều đầu tiên phải có tiền, nhưng có tiền cũng phải là người chịu chơi, biết chơi. Do đó thú ăn chơi của các cụ xưa rất đặc sắc và giàu văn hóa. Ví dụ, người Hà Nội thường gọi các món phở, bánh cuốn... là quà sáng. Quà là thứ ăn chơi, ăn vui, khi nâng tầm lên ở mức thưởng thức thì sẽ trở thành văn hóa ẩm thực, chứ không phải là ăn để no.
Thú ăn chơi của người Hà Nội hiện nay dù còn phảng phất nét xưa nhưng đã có sự thay đổi, biến thiên theo thời gian. Chẳng hạn như trong cuốn Thú ăn chơi của người Hà Nội, nhà văn Băng Sơn có nhắc đến món xôi lúa, nay ít người bán và thay thế bằng món xôi chả, xôi thịt trên phố Nguyễn Hữu Huân; món bún chả hiện cũng không còn miếng mỡ chó “thì mất ngon” nữa. Hay phở bò trước kia có vị ngọt của xương bò, màu nước trong nhờ sá sùng, và thơm lựng của hương quế, hồi... thì nay có dăm bảy loại phở khác nhau...
Cùng với sự phát triển, người Hà Nội hiện đại sản sinh ra nhiều cái mới, thú chơi, ẩm thực biến hóa theo gu của thời đại. Nhà báo Trần Phương Quang, con trai cố nhà văn Băng Sơn cho rằng, không thể so sánh và nói thời nào hơn, bởi văn hóa không thể đặt lên bàn cân mà sẽ tùy theo cách đánh giá, cảm nhận của mỗi con người, mỗi thời đại. Tuy nhiên, những cuốn sách về cuộc sống người Hà Nội xưa sẽ giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về văn hóa đất kinh kỳ, hoài niệm về một miền ký ức. Và ký ức sẽ giúp ta sống tốt hơn cho ngày hôm nay.
Theo Minh Vân - ĐBND