Thời sự Văn chương
Vì ai ta mãi phong trần
14:46 | 22/09/2017

trời xanh đầm đìa hai mắt 
(Bao giờ cho đến mùa thu -  Vũ Từ Trang)

Vì ai ta mãi phong trần

Tôi đã từng đọc thơ Vũ Từ Trang. Và bây giờ, cũng những ngày rất thu, tôi đọc Vì ai ta mãi phong trần (NXB Phụ nữ 2017). Đây là tập chân dung văn học thứ ba của ông sau Phía sau con chữNhà văn độc hành độc bộ. Khi đọc xong cuốn sách này, tôi lại nhớ thơ ông và thấy trời xanh đầm đìa hai mắt.

Nhà văn, nhà thơ không phải là danh xưng dành cho tất cả những người cầm bút, mà là những tác phẩm sẽ suy tôn nên họ. Nhưng, cùng với sự thay đổi của lịch sử và thời cuộc, sẽ có không ít những con người, những giá trị bị khuất lấp, ẩn giấu hay chôn vùi vĩnh viễn. Đó là sự thật không phải hiếm trong văn học nghệ thuật. Đáng quý và đáng trân trọng thay, có những người viết cùng thời, cùng thế hệ của những người như thế, vì tiếc tài, vì trọng bạn, vì cảm phục hay vì ân tình nào đó mà ghi lại. Từ đó, những góc khuất, thất lạc, mù mờ hay lầm tưởng sẽ ít nhiều mà được sáng rõ và thấu hiểu.

Trong lời nhỏ đầu sách, nhà thơ Vũ Từ Trang đã viết: “Có những người nổi tiếng, có người chìm khuất, nhưng tôi muốn viết về niềm khát khao đắm say và sự xả thân theo đuổi cái đẹp của họ trong sáng tác”. Bởi vậy nên xuyên suốt cuốn sách người đọc cảm nhận được một niềm đam mê và tâm huyết mà tác giả dành để viết về những nhân vật của mình - những bạn văn thân thiết. Và dù họ có là những người nổi tiếng hay chưa thực sự nổi tiếng thì ta vẫn thấy được sự trân trọng và niềm yêu quý, thiết tha của người viết dành cho họ. Cũng có thể, niềm say mê ấy là từ chính những nhân vật thổi vào tâm hồn người viết chăng mà đến nỗi, có những đoạn, người đọc gần như cùng vui, buồn, xa xót, ngậm ngùi qua những câu văn, mẩu chuyện. Để từ đó, ta cũng hiểu hơn những bất tận của nghệ thuật và nỗi cô đơn của những con người trên con đường đi tìm cái đẹp trong văn chương.

Nguyên quán của Vũ Từ Trang ở Từ Sơn - Bắc Ninh, đây cũng là mảnh đất nảy nở những nguồn cơn của bao tâm hồn văn chương đồng điệu. Để từ đó ta thấy hiện lên một nhà thơ Anh Vũ với vẻ lãng tử, hải hồ và câu thơ như gói trọn hồn vía nơi đây: Thị xã đèn dầu thị xã của anh/ Thị xã của em mà em bỏ vắng. Một Nguyễn Phan Hách - Người ra đi từ làng quan họ nhưng những câu thơ cuộc đời vẫn gắn bó với hồn cốt quê hương. Dẫu thỏa chí tang bồng thì vẫn ẩn sâu đâu đó hình ảnh “ngôi nhà nhỏ bé cũ càng, cái bờ ao cỏ mọc hoang vắng và con ngõ nhỏ quanh quanh”. Một Thúy Toàn, người dịch giả tiên phong của nền văn học Nga vĩ đại. Dẫu xa quê từ nhỏ, dẫu sang tận trời tây thì sau cùng ông vẫn bình dị, khiêm nhường và tao nhã trở về với quê cha đất tổ. Hay một Nguyễn Thanh Kim, tưởng thuận theo sự dạt trôi của số phận nhưng rồi vẫn đường hoàng trở lại, nghiêm ngắn với niềm đam mê chữ nghĩa.

Cũng không thể không nhắc tới nhà thơ Vũ Quần Phương qua ngòi bút Vũ Từ Trang. Hình ảnh nhà thơ Vũ Quần Phương đĩnh đạc, ấm áp và hóm hỉnh bây giờ lại gợi tôi hình dung về cậu bé tám tuổi là ông khi xưa, côi cút đội cái nồi đồng to nặng trên đầu đi bán để lấy tiền ăn trong cảnh gió mưa mịt mùng. Ẩn sau câu chuyện, dường như Vũ Từ Trang không giấu giếm sự cảm phục, ngưỡng mộ dành cho nhà thơ của những câu thơ tài hoa. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn người dân tộc Pa Dí nổi bật lên như một nét khác biệt. Hình ảnh con ngựa hoang trên núi Mường Khương theo cách gọi của Vũ Từ Trang thực sự gây một ấn tượng mạnh với người đọc. Nét hoang dã trong những câu thơ và trong chính con người Pờ Sảo Mìn đã được gọi tên để ta hiểu hơn về một vùng đất, một tộc người, và một tâm hồn thơ như gọi mời khám phá. Hay nhà thơ Tạ Vũ người liêu xiêu giữa thơ ca và cuộc đời nhưng lại viết nên câu thơ như đến từ cõi khác: Tôi nghe tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may.

Tôi cảm nhận một sự đè nén, lắng sâu trong những dòng chữ Vũ Từ Trang viết về nhà thơ Vương Tùng Cương. Những xa xót, ngẫm ngợi về cõi người với nỗi đau tận cùng mà con người ấy phải chịu đựng, và thơ như một cõi khác để xoa dịu, để nâng đỡ được chăng? Và với nhà thơ Trần Ninh Hồ, cũng là thơ đã dẫn dắt ông đi qua những hòn tên mũi đạn của chiến tranh và của cuộc đời. Thơ băng bó những vết thương của số phận con người và lưu lại vẻ đẹp nơi tâm hồn người viết, cho dẫu Vì thơ, ta mãi phong trần...

Mơ mộng và đậm sâu là bài viết về nhà văn Lê Minh Khuê, nhân vật nữ duy nhất trong cuốn sách. Như một trang ký ức đẹp đẽ và đáng nhớ, Vũ Từ Trang đã tái hiện lại không khí văn chương của Hà Nội những năm đầu thập niên bảy mươi, trong đó nữ nhà văn đã làm nên một dấu ấn không chỉ với riêng tác giả cuốn sách mà với cả những người viết cùng thời khi ấy. Ngôi sao xa xôi Lê Minh Khuê tưởng như xa xôi mà thật gần gũi và giản dị với tóc tết bím và đôi mắt sáng, to. Chỉ những mơ mộng và nội lực viết trong tâm hồn người con gái đó thì thật khó đoán định, nếu không đọc bằng những tác phẩm.

Như một khúc vĩ thanh của cuốn sách, Vũ Từ Trang viết về Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa sáu tại Quảng Bá như để thêm một lần gọi tên, những cái tên đáng nhớ. Niềm khát khao thánh thiện thuở ban đầu là nỗi rung động thực sự của tác giả khi nhắc về nơi gặp gỡ và chắp nối những tình cảm bạn bè, thày trò, tiền nhân và hậu thế. Là nơi mà những ước mơ trong trẻo, những đam mê bỏng cháy được thắp sáng hay nhen nhóm trên con đường văn chương của mỗi người. Là những chiêm nghiệm của người viết sau một khoảng thời gian không ngắn của đời người. Và những cái tên, dù tên tuổi hay khiêm nhường trên văn đàn Việt Nam, một lần nữa là niềm rưng rưng nuối tiếc, nhưng đọng lại trong lòng độc giả là những vẻ đẹp thấp thoáng, ẩn giấu đâu đó trên con đường nghệ thuật mà học đang và đã đi qua.

Nhà thơ Vũ Quần Phương có nhận định sau khi đọc xong cuốn sách này: “Đó là kho hiện vật, kho tư liệu tâm hồn làm chứng tích cho một thời gian khổ, thiếu thốn, chật hẹp đủ điều nhưng ước vọng tinh thần và ý chí sáng tạo của con người văn chương thì thật đẹp, đủ sức giúp họ đứng vững và tạo nên một trong những điều kỳ diệu của cuộc đời này. Ấy là nghệ thuật, ấy là văn chương.”

Theo Kim Nhung - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Người xa lạ (17/07/2017)