Kỷ niệm thời thơ ấu là tên cuốn hồi ký được viết bằng tiếng Pháp của tác giả Hoàng Thị Thế, con gái thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) - người anh hùng của núi rừng Yên Thế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XX. Cuốn sách được dịch giả Lê Kỳ Anh (bút danh của nhà thơ Hoàng Cầm) dịch ra tiếng Việt bằng ngôn ngữ tài hoa, trong sáng.
Ký ức về nguồn cội
Tác giả Hoàng Thị Thế sinh năm 1901 là con gái ruột của Đề Thám với bà Ba Cẩn (Đặng Thị Nho). Cuốn sách của bà tái hiện lại khung cảnh của vùng Yên Thế - Bắc Giang những năm cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế do Đề Thám chỉ huy đã đi đến thoái trào. Và đó cũng là những năm ấu thơ sâu đậm, nhiều nhung nhớ, buồn bã trong lòng cô bé Hoàng Thị Thế.
Bằng giọng kể trong trẻo bà viết: “Tuổi ấu thơ của tôi. Hiện tôi vẫn còn nhớ những ngày sung sướng ở bên cạnh cha mẹ thân yêu, ở Yên Thế”. Ở phần giới thiệu về nguồn gốc gia đình, bằng trí nhớ sâu sắc về nguồn cội tác giả đã kể xuất xứ gia tộc cũng như những mối quan hệ ruột thịt, thân thích đủ để người đọc có thể hình dung rõ ràng về một gia đình dòng dõi. Và cũng trong những lời kể đó, cha mẹ bà, hay mẹ Cả, anh Cả và những người thân được khắc họa giản dị và sinh động.
Trong bối cảnh thực dân Pháp đang xâm lược và tìm cách dập tắt những cuộc khởi nghĩa của những người yêu nước. Nhưng với sự hồn nhiên của trẻ thơ, tác giả vẫn cảm nhận được sự bình yên, đầm ấm, vui vẻ mà cha mẹ đã tạo ra cho mình. “Ôi, luyến nhớ biết bao, dưới nếp nhà ấm cúng ấy, những lần tôi đau ốm, cha mẹ tôi vẫn lo lắng cúi người xuống, lấy tay sờ cái trán nóng hầm hập của tôi. Rồi để dỗ tôi uống thuốc cha tôi buộc phải uống nửa chỗ thuốc, mặt vờ nhăn nhó để làm tôi cười. Còn mẹ tôi khéo léo nhẹ nhàng đổ thuốc vào miệng tôi”. Có lẽ, với người đọc hôm nay, đặc biệt là những ai quan tâm đến lịch sử thì đây là những chi tiết quý giá mà không cuốn lịch sử nào ghi lại được. Chúng ta biết đến một Đề Thám trong cuộc sống gia đình cũng như trong những đối đãi thường ngày. Một người anh hùng xuất chúng của dân tộc nhưng cũng là một người cha. Những tình cảm gần gũi, ấm áp ấy gợi lên nỗi buồn vàng son quá vãng khi tác giả hồi tưởng lại. “Rồi nữa, dưới nếp nhà thân quen ấy, sáng nào cha tôi cũng dậy sớm hơn mọi người, rồi nằm suy nghĩ lao lung trên chiếc sập kê bên cạnh buồng chúng tôi. Nửa giờ sau, thì mẹ tôi cắt đặt người nhà rồi, đến hôn hít đánh thức tôi dậy. Nếu tôi chưa chịu dậy ngay thì mẹ tôi vừa hôn vừa cù vào cổ, ẵm tôi đặt lên đầu gối cha tôi. Tiếp đó mẹ xuống bếp, lấy trà lên rót cho cha tôi uống, lại đưa cả điếu đến”.
Trong dòng hồi ức của mình, tác giả Hoàng Thị Thế còn nhớ rất rõ cuộc sống của gia đình mình và nghĩa quân, nhân dân Yên Thế trong những tháng năm ấy. Trong đó có cả những chi tiết vui nhộn khi người anh Cả lấy vợ tư, ngày mùa màng bận bịu, những đứa trẻ chơi đùa, tâm trạng người lớn qua con mắt trẻ thơ, và những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh con người hay lịch sử. Từ đó người đọc có thể thấy một cách rõ nét nghĩa quân Yên Thế khi xưa đã chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu như thế nào, những mối quan hệ bang giao của thời đó. Và hiện lên như một biểu tượng của Yên Thế chính là Đề Thám trọng tình nghĩa, dũng cảm, nghĩa khí bên cạnh một bà Ba Cẩn tài sắc - người không thể không nhắc đến trong những công lao và cuộc đời ông.
Nỗi buồn tha hương và niềm kiêu hãnh dân tộc
Lịch sử xoay vần, đổi thay chỉ trong chớp mắt. Cuốn sách hé lộ những ngày tháng sa cơ của gia đình và cuộc khởi nghĩa của người cha tác giả, rồi tiếp đó là những năm tháng sống tha hương trên chính đất nước tự nhận là “mẫu quốc” khi họ đến xâm lược Việt Nam. Qua câu chuyện với những người Pháp là những nhân vật quan trọng ta thấy người con gái của đất Yên Thế đã sống trên đất Pháp, với người Pháp bằng lòng kiêu hãnh và trí thông minh xuất chúng kế thừa từ cha mẹ và ý chí của dân tộc mình. Bà nói về những cuộc vui và sự xa hoa nhưng phía sau đó là một nỗi buồn khôn khuây. “Nước Pháp. Những năm tôi đã trưởng thành. Những năm của một thiếu nữ Việt Nam, người con của đất rừng Yên Thế đang sống xa Tổ quốc - quê hương. Những cuộc tiếp xúc, những bữa ăn và những cuộc đi đây đi đó ở nước Pháp và các nước Âu Tây, nhiều người đã biết tôi, bởi họ biết cha tôi và cuộc đề kháng ở Yên Thế từ lâu. Họ đến để chiêm ngưỡng giọt máu của Đề Thám - bà Ba Cẩn và rất nhiều cựu binh, quan lại Pháp ở Đông Dương về, ôn lại những kỷ niệm đẫm máu khó phai mờ”.
Không phải là lịch sử. Nhưng cuốn hồi ký như một cách nhìn về lịch sử trong một không gian, bối cảnh nhất định bởi những con người những nhân vật trong cuốn sách đã góp mình làm nên lịch sử. Người ta nhắc đến Hoàng Thị Thế là con gái cưng của Đề Thám, là con đỡ đầu của Tổng thống Pháp Paul Doumer, là diễn viên điện ảnh, là người có vận mệnh khác thường... Đó là những điều đáng chú ý nhưng sâu sắc hơn trong cuốn hồi ký này người đọc thấu hiểu hơn về đất nước mình, về lịch sử dưới những góc nhìn khác nhau qua con mắt của người trực tiếp trải qua những giai đoạn biến của cố lịch sử. Với riêng người viết bài này thì sau tất cả, tôi ấn tượng với phong cách sống trên đất Pháp và cách nghĩ của tác giả. Dù đó là những năm đất nước đang muôn vàn khó khăn thì trên đất Pháp, qua cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà báo Pháp Pierre Mille của tác giả ta thấy được cuộc sống xa hoa của bà. Nhưng ẩn sâu trong đó là lòng kiêu hãnh, sự tự tôn dân tộc và nỗi buồn thương vọng về quê cha đất mẹ. Cũng như trong lần gặp lại Alfred Bouchet, một kẻ khét tiếng gian giảo, xảo trá, kẻ thù của Đề Thám, chỉ qua vài câu đối thoại cực kỳ thông minh bà như đã “tát” vào mặt hắn ta một cú đau đớn. Bởi còn người em trai ruột mà bà nặng lòng đang sống ở trong nước nên nỗi căm hận ấy đã bị kiềm chế phần nhiều.
Sau nửa thế kỷ tha hương, tác giả trở lại với những vui buồn thân phận và thời cuộc. Nhưng trên hết, đó là một nỗi nhớ thương buồn bã, vời vợi nhưng cũng đã phần nào nguôi ngoai trong cảnh đất nước thanh bình. “Luyến nhớ bao nhiêu, những ngày oai hùng của cha mẹ tôi, của các anh chị, các chú bác, các tướng lĩnh dũng cảm khoan cường trên núi rừng Yên Thế, tôi bâng khuâng trên giang sơn gấm vóc mạnh giàu...”.
Kỷ niệm thời thơ ấu đã được Ty văn hóa Hà Bắc xuất bản lần đầu vào năm 1975, nay được Công ty sách Omega Việt Nam tái bản và bổ sung từ những nguồn tư liệu quý báu và qua những nhân vật xác thực.
Theo Kim Nhung – VNQĐ