Thời sự Văn chương
Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác?
15:23 | 09/01/2018

Tối 5/1, tọa đàm “Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác” được Bảo tàng thấu cảm và Khóa học mùa thu và phát triển (ASOD) đồng tổ chức nhằm hướng tới cái nhìn đa chiều và khoa học xung quanh vấn đề thấu cảm nói chung và vấn đề thấu cảm trong văn chương nói riêng.

Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác?
Quang cảnh buổi tọa đàm "Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác"

Sự kiện diễn ra sôi nổi với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, những người làm công tác nghiên cứu học thuật cùng trao đổi với diễn giả Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu – Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ ý tưởng sự thấu cảm có thể xuất phát từ văn học, chúng ta đối diện với những câu hỏi như: Kẻ khác là gì? Kẻ khác trong văn chương thể hiện như thế nào? Tại sao ta phải tìm hiểu về kẻ khác? Văn học nuôi dưỡng sự thấu cảm như thế nào? Văn học dạy ta nhìn vào cuộc đời của người khác ra sao? Vì sao thấu cảm lại quan trọng? Đâu là ranh giới giữa sự tái tạo và sự hòa tan của nhân cách con người? Hay có những quan điểm trái chiều như: Chúng ta vẫn phải giữ cái tôi, cái căn tính của mình chứ không thể hoàn toàn là “kẻ khác”…
 
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng: Con người không thể tự thấy mình nên luôn băn khoăn mình là ai, chính câu hỏi đó đã dẫn dắt ý niệm về kẻ khác. Con người cần một vật trung gian để có thể nhìn thấy mình, có thể soi chiếu mình. Sự vật trung gian ấy chính là vật bên ngoài ta, có mối quan hệ với ta để ta nhìn nhận chính mình. Kẻ khác là ý niệm thường xuyên dẫn đến nhiều mâu thuẫn, định kiến, xung đột, có tính chất lịch sử. Bởi con người vừa ngại, vừa sợ những kẻ khác mình nhưng mặt con người vẫn cần kẻ khác để có thể hiểu mình nên thường có xu hướng đơn giản hóa khái niệm về kẻ khác. Thấu cảm không phải kênh duy nhất để hiểu về kẻ khác. Nhưng thấu cảm là một phương thức đặc biệt để mỗi con người cảm nhận về người khác, về thế giới và chính bản thân mình bằng cảm xúc, bằng suy nghĩ, bằng thế giới bên trong, cái thế giới tự thân của mỗi con người. Cái hấp dẫn, phức tạp và bí ẩn chính là thế giới bên trong. Tham vọng của con người là tìm hiểu cái thế giới ấy.
 
Bằng những dẫn giải thú vị từ văn học, TS Trần Ngọc Hiếu cho thấy sự quan trọng của thấu cảm. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải phân định rõ ràng giữa thấu cảm và những cảm xúc khác, bởi thấu cảm không hoàn toàn là đồng nhất vào thế giới của người khác. Thấu cảm là cảm xúc nếu như không luyện tập thì sẽ bị thao túng, mất đi bản sắc, nét riêng…
 
Theo HIÊN NGỌC - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng