Thời sự Văn chương
Đọc Ma Văn Kháng, tâm hồn tôi dịu đi!
14:36 | 01/02/2018

Liên tiếp hai năm qua, Ma Văn Kháng trình làng 2 cuốn tiểu thuyết mới và mới đây một NXB cùng lúc phát hành 8 cuốn cả tiểu thuyết và truyện ngắn của cây bút có sức viết bền bỉ hàng hiếm ở Việt Nam. Nhưng Ma Văn Kháng liệu có còn phù hợp với đọc giả trẻ hôm nay, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vẫn là “câu hỏi khó”. Còn nhà văn Nguyễn Khánh Tình nói “đọc Ma Văn Kháng, tâm hồn tôi dịu đi”.

Đọc Ma Văn Kháng, tâm hồn tôi dịu đi!
Nhà văn Ma Văn Kháng giao lưu với bạn đọc trẻ. Ảnh: Đinh Tị.

Trước đó, trên đường đưa GS Phong Lê tới dự buổi ra mắt sách của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã giải đáp thắc mắc của GS Phong Lê: “Sách liệu có bán được không?” rằng: “Những giá trị ẩn ngầm thì thường bán chậm. Nhưng nhiều nhà xuất bản, nhà sách vẫn chọn cách làm kinh doanh không quên văn hóa và biết dùng văn hóa để kinh doanh”.

Hỏi nhà văn Ma Văn Kháng liệu ông có tin mình sẽ viết được những câu chuyện về hôm nay? Nhà văn khiêm tốn trả lời ông thuộc về thời đại của ông thôi.

Chekhov của Việt Nam

Với 23 tiểu thuyết và vài trăm truyện ngắn trong đời văn, đặc biệt là từ sau 1982 đến nay, PGS.TS La Khắc Hòa đánh giá rất cao sức viết và tầm vóc của Ma Văn Kháng trong văn học Việt Nam. Ông thậm chí gọi Ma Văn Kháng là “Chekhov của Việt Nam”.

PGS.TS La Khắc Hòa cho rằng đa số nhà văn sáng tác ra truyện, nhưng các nhà văn lớn tạo siêu truyện. Siêu truyện là những chuyện có khả năng đẻ ra truyện. Và theo Ma Văn Kháng là một trong số ít nhà văn Việt Nam có siêu truyện. Và siêu truyện của Ma Văn Kháng chính là chuyện Một mình một ngựa ra đời năm 1982.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá “chất” Chekhov của Ma Văn Kháng ở tính triết lý và tầm tư tưởng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định Ma Văn Kháng không phải là nhà văn hàng đầu Việt Nam nhưng là con chim đầu đàn của văn học kháng chiến chống Mỹ, “nổi tiếng, tài năng, đáng trọng nhất cho thế hệ các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Theo Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng không chỉ là nhà văn thành danh, nổi tiếng mà đồng thời còn là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa, một nhà hoạt động xã hội. Ma Văn Kháng hội tụ bốn yếu tố đó một cách hoàn hảo. Ông nhắc lại tuyên bố của Ma Văn Kháng chống sự “không tải” trong văn học: Đọc tác phẩm mà không thấy tư tưởng, triết lý nhân sinh nào, không nâng lên tầm triết lý thì chỉ là xe không tải.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Ma Văn Kháng đã làm tốt việc truyền tải tư tưởng, triết lý trong các sáng tác của ông. Đó là những sáng tác tiếp cận nhiều kiếp người, nhiều mảng đề tài, nhiều số phận và làm giàu cho tiếng Việt, “đưa tiếng Việt lên một tầm cao mới”. Hữu Thỉnh khẳng định, sau Tô Hoài, người có sáng tác đồ sộ phải kể đến Ma Văn Kháng.

Không chịu làm quan văn

Tại buổi giao lưu ra mắt sách của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Hữu Thỉnh lần đầu tiên tiết lộ về kỳ Đại hội Hội Nhà văn kịch tính nhất. Đó là lần thứ 4 năm 1989, cũng là năm tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng ra đời. Cuốn tiểu thuyết gây “chấn động” trong làng văn lúc bấy giờ và Ma Văn Kháng nổi lên như một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học, một nhà văn tầm vóc của Việt Nam. Ma Văn Kháng được Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam coi là phương án tốt nhất cho vị trí Tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam.

Hữu Thỉnh kể, đó là kỳ Đại hội “vô cùng dân chủ, vô cùng căng thẳng và sôi động,  qua 5-6 ngày họp mà vẫn chưa xong”. Hữu Thỉnh giới thiệu Ma Văn Kháng cho chức vụ Tổng thư ký và đã được Ban Thường trực Hội đồng ý. Hữu Thỉnh được giao nhiệm vụ gặp riêng nhà văn Ma Văn Kháng để thuyết phục Ma Văn Kháng tham gia ứng cử chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Tại sân Hội trường Ba Đình, cuộc gặp giữa hai người bạn văn diễn ra thân mật, gần gũi, chân tình, nhưng không vì thế mà Hữu Thỉnh thuyết phục được đàn anh đáng kính. Ma Văn Kháng xin về suy nghĩ thêm để sáng hôm sau trả lời. Ma Văn Kháng đã từ chối tham gia ứng cử chức Tổng thư ký và Đại hội phải tiếp tục bầu chọn người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam trong số 6 người: Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Cang, Chính Hữu, Nguyên Ngọc và Hữu Thỉnh.

Nhưng Ma Văn Kháng vẫn tiếp tục tham gia Ban chấp hành phụ trách sáng tác. Hữu Thỉnh cho biết Ma Văn Kháng đảm nhận vai trò này của mình một cách gương mẫu, tận tụy, say đắm. Ông đọc những nhà văn khác rất kỹ và luôn trân trọng mọi tài năng.

Nhà văn Nguyễn Khánh Tình, một người bạn và là nguyên mẫu trong tiểu thuyết mới xuất bản năm 2016 của Ma Văn Kháng Người thợ mộc và tấm ván thiên nói về Ma Văn Kháng với cả tấm lòng trân trọng về tài năng và nhân cách. Ông không giấu giếm sự hàm ơn của mình trước nhà văn lớn: “Đọc tác phẩm của Ma Văn Kháng, tâm hồn tôi dịu đi. Trước tôi hiếu thắng lắm(?)”.
 

Ma Văn Kháng gốc Hà Nội, tên thật Đinh Trọng Đoàn. Nhà văn cho biết ông có hẳn một chứng minh nhân dân thứ hai mang tên Ma Văn Kháng. Là người biết một chút về tướng số, ông cho rằng mình “phát nhờ tên”. Ông bảo, 3 chữ A trong cái tên Ma Văn Kháng như ba đỉnh núi mạnh mẽ nâng đỡ cho sự nghiệp văn chương của ông.

 

Chia sẻ với bạn đọc về thói quen viết văn, Ma Văn Kháng cho biết, ông viết một cách vô tổ chức, bất cứ lúc nào, rất dễ dãi chứ không có bất cứ một đòi hỏi “sang chảnh” nào trong khi viết. Hồi trẻ ông có thể viết thâu đêm. Nay, hứng thì ngày viết 1-2 giờ, đêm không làm việc nữa. “Tôi dễ dãi như mọi công dân bình thường”, ông nói.

Ông chia sẻ không đặc biệt thích riêng một nhà văn nào. Mỗi người ông lại thích ở một khía cạnh và ông không chịu ảnh hưởng bất cứ nhà văn lớn nào. “Tất cả những gì mình đọc đều ở thể vô ngôn. Tôi thưởng thức văn chương của người khác bằng sự vô tư, hồn nhiên, để chúng ngấm vào mình như con ong hút mật hoa để tạo ra mật của mình”.

Theo HƯƠNG XUÂN - TP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng