12 truyện ngắn được viết từ Torino (Italy), trong niềm hoài cảm về Sài Gòn - nơi tác giả sinh ra và lớn lên.
Đang sống ở Italy, tác giả Huỳnh Ngọc Nga gửi tới bạn đọc quê nhà tuyển tập truyện ngắn Bên kia cầu chữ Y, gợi những ký ức xa xưa về vùng Chánh Hưng cùng cây cầu nổi tiếng tại TP HCM. Tập truyện được tác giả gọi là "chút lửa hương" nuôi dưỡng tâm hồn bà hơn mười mấy năm. "Lửa đam mê viết lách từ thuở còn đi học, hương quê nhà tôi ấp ủ từ ngày theo mệnh số cuộc đời đẩy đưa tôi làm người viễn xứ", tác giả bộc bạch.
12 truyện ngắn hầu hết được viết từ Torino (Italy), trong niềm hoài cảm, đau đáu về nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Những truyện ngắn đưa người đọc về một ốc đảo nhỏ giữa lòng Sài Gòn từ thập niên 50 đến 80 của thế kỷ 20, thời gian tác giả sống và trưởng thành ở đó. Bà tâm sự: "Tôi kể lại cho các bạn nghe những địa điểm đơn sơ nhưng đầy tình người với những tập tục ăn sâu vào đời sống người dân địa phương. Đây đình miếu, đó chùa chiền bến đò giữa hai con kênh nối liền cùng Sài Gòn - Chợ Lớn, nhà máy gạo, xưởng cây, lò than, lò heo, chợ Ba Đình, chợ Xóm Củi, chợ Phạm Thế Hiển… tạo nên những nghĩa tình bình thường mà sâu đậm khó quên".
Nổi bật trong tập truyện chính là tình người hồn hậu, chân chất và đậm đà, giống viên ngọc quý chưa được mài giũa vẫn đủ lấp lánh với cả người viết lẫn người đọc. Được viết bởi giọng văn chân phương, mộc mạc, tập truyện ngắn đưa người đọc vào một không gian mát lành bởi những điều thiện, lành. "Người Chánh Hương hiền hòa, cục mịch, giận hờn không giấu giếm, thương ghét chẳng đậy che. Mắng chửi nhau hôm trước, hôm sau cúng giỗ đã thấy bánh rượu, trà mời. Cửa không khóa, sân không đóng, tin nhau như tin người thân ruột thịt, tiền của không nhiều nhưng tình nghĩa mênh mông" (trích truyện Bên kia cầu chữ Y). Người đọc còn bắt gặp tình nghĩa mênh mông của những con người đến từ vùng Chánh Hưng qua nhiều truyện ngắn như Hẻm nhỏ, Ngải Mặn Cà Chum, Như thuở địa đàng…
Điều thú vị ở tập truyện còn là những câu chữ tưởng đã phôi pha, nay được tác giả Huỳnh Ngọc Nga sử dụng trong truyện, gợi nên ở người đọc cảm giác ngồ ngộ, là lạ nhưng lại đầy dư ba như: "duyên giai ngẫu", "tưng tiu", "tưng hửng", "thọ thai", "rắp ranh bắn sẻ", "quyến thuộc"... Có lẽ xuất phát một phần từ tác giả, một người luôn tha thiết với tiếng Việt, như chia sẻ ở đầu sách: "Là một người nội trợ chỉ biết lo việc gia đình, tôi viết, trước hết là để đừng quên tiếng Việt, sau để mượn những trang chữ kể chuyện đời người, đời ta. Viết khi chờ cơm sôi, canh chín; viết lúc chiều đèn lên, bóng phủ".
Với người xa xứ, tình yêu tiếng Việt luôn phải đứng trước nhiều thử thách. Tác giả Huỳnh Ngọc Nga cũng không ngoại lệ. Có thể nhận ra tình yêu với tiếng Việt luôn cháy bỏng trong con người tác giả. Tình yêu ấy được gửi gắm trong chính nhân vật của bà: "Tôi rạng rỡ uống từng câu, từng lời Việt con tôi đang tự nhiên ríu rít với tôi. Con tôi đó, thiên thần của vợ chồng tôi đó, nó đang dang đôi tay nối hai bờ đại lục bằng cả hai ngôn ngữ của mẹ và cha. Thanh bằng, thanh trắc của các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng thoát trên môi cô gái như các cung nhạc của một bản giao hưởng êm đềm đang vang nhẹ bên tai tôi", (trích truyện Quê hương của mẹ).
Theo Hồ Huy Sơn - Vnexpress