Thời sự Văn chương
Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Những dịch chuyển sáng tạo
09:36 | 19/09/2018

Những ồn ào, náo nhiệt dừng sau cánh cửa. Phan Hồn Nhiên bước vào quán cà phê, ít nhiều gợi liên tưởng tới hình ảnh của phụ nữ Hà Nội xưa, nhưng ẩn trong dáng vẻ ấy là đam mê văn chương đầy mãnh liệt. 

Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Những dịch chuyển sáng tạo
Nhà văn Phan Hồn Nhiên

1. Để chọn ra một số gương mặt văn chương tiêu biểu cho thế hệ 7X, có lẽ Phan Hồn Nhiên là cái tên không thể không nhắc đến. Bởi những thành tựu cũng như quá trình mà chị đã có là một dấu ấn sâu đậm để nhiều người, nhất là các cây bút trẻ có thể tham chiếu. 

Ở giai đoạn đầu của thời kỳ sáng tác, Phan Hồn Nhiên tạo dựng chỗ đứng cho mình bằng những tác phẩm dành cho giới trẻ. Đó là những năm 20 tuổi, khi Phan Hồn Nhiên còn là cô sinh viên ngoại ngữ (Trường Đại học Tổng hợp TPHCM) và thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Trong các tác phẩm của chị, lúc đó có sự giao hòa giữa văn chương và mỹ thuật. Những tác phẩm như Dốc mưa, Nằm ở lưng đồi, Giao mùa, Cú nhảy ban mai, Xúc cảm nguy hiểm, Người mưa... trở thành những cuốn sách thân thiết trong ngăn cặp học trò thế hệ 7X và 8X thời bấy giờ.

Có một yếu tố làm nên thành công trong văn chương của Phan Hồn Nhiên chính là chị luôn xác định đối tượng cho mình trước mỗi bản thảo. Thực ra, cũng có giai đoạn Phan Hồn Nhiên loay hoay. Đó là giai đoạn bắt đầu những năm 20 tuổi, lúc đó chị chọn viết cho đối tượng trưởng thành. Các sáng tác của chị đăng tải thường xuyên trên báo chí, nhưng Phan Hồn Nhiên thừa nhận, lúc đó chị viết còn non nên dù đã viết mấy năm mà vẫn không được nhiều người biết. Chỉ đến sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế mĩ thuật, chuyển sang làm báo, chị mới dần tạo ấn tượng với bạn đọc. Một phần do tính chất công việc, phần khác, chị xác định đối tượng văn chương của mình là tuổi mới lớn. Tên tuổi của Phan Hồn Nhiên cũng được định hình từ đó. 

Từ năm 2008, Phan Hồn Nhiên chuyển hướng viết cho đối tượng trưởng thành. Lần tái ngộ này mang lại cho chị không ít niềm vui. Liên tiếp 2 truyện dài Công ty  Mắt bão lần lượt được ra mắt, được độc giả đón nhận nhiệt tình, trở thành best-seller thời điểm đó. Đặc biệt, cả 2 còn được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập. Cũng trong giai đoạn này, Phan Hồn Nhiên đặc biệt gây chú ý khi “một mình một cõi” với thể loại fantasy (văn học kỳ ảo) với bộ ba tác phẩm: Xuyên thấm, Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth và thể loại science fiction (khoa học viễn tưởng) với bộ tác phẩm: Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân. Những tác phẩm của Phan Hồn Nhiên không chỉ lôi cuốn bởi những câu chuyện mới lạ, trí tưởng tượng rộng mở mà còn ở kỹ thuật viết chắc tay. 

2.Một bước ngoặt nữa của Phan Hồn Nhiên là thời điểm năm 2011, lúc đó tên tuổi của chị không còn lạ lẫm trên văn đàn. Chị nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM cho tập truyện ngắn Cánh trái năm 2009, giải thưởng Sách Quốc gia cho Xúc cảm nguy hiểm năm 2011.

Năm 2011, Phan Hồn Nhiên quyết định sang Mỹ tham gia khóa học viết văn của chương trình “Viết văn quốc tế”, một hoạt động thường niên của Trường Đại học Iowa. 

Phan Hồn Nhiên xem việc tham gia khóa học giống như một chuyến đi đặc biệt. Nếu viết văn là một hành trình của người leo núi thì những khóa học cung cấp thêm nhiên liệu giúp người ta lên núi nhanh hơn. Với Phan Hồn Nhiên, thay đổi lớn nhất là về quan niệm văn chương. Chị chia sẻ: “Ngay từ ngày bắt đầu viết, khoảng năm 20, 22 tuổi, tôi đã biết con đường mình đi nên là thế nào. Mình biết vậy nhưng làm thế nào để chạm đến được mục tiêu lại là một thách thức. Có thể nói, việc đi học, được thảo luận, chia sẻ và cọ xát với các đồng nghiệp quốc tế giúp mình có những hướng mở nho nhỏ, tiến vào sâu thế giới văn chương mà mình đã lựa chọn”.

Trở về, Phan Hồn Nhiên lần lượt giới thiệu tiểu thuyết Ngựa thép, sau đó là tập truyện ngắn Hồi phục. Ngựa thép được giới chuyên môn và các nhà phê bình đánh giá cao nhờ kỹ thuật viết, giống như một phép thử về cấu trúc của Phan Hồn Nhiên. Còn Hồi phục mang đến màu sắc mới lạ ở nội dung lẫn hình thức kể. Tập truyện khắc họa những con người đô thị đang tiệm cận đời sống văn minh. Nhưng dường như ai cũng mang trong mình một bi kịch: không hiểu mình! Để rồi tất cả cứ quay quắt trong mớ câu hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta đến đây để làm gì?”. Bằng văn chương, bằng sở trường phân tích tâm lý một cách điêu luyện, Phan Hồn Nhiên đã gọi ra cái bi kịch ấy của thời đại. 

Theo Phan Hồn Nhiên, khi viết văn hay làm nghệ thuật nói chung, tất cả đều phải dựa trên sự rung cảm, những suy nghĩ về vấn đề mà mình tha thiết nhất. Người viết cần phải đặt ra những mục tiêu, nhưng trước hết là phải chân thật. Và quan trọng không kém là kỹ thuật viết. Chị cho biết: “Nếu chỉ viết bằng kinh nghiệm thì không thể đi được đường dài. Muốn phát triển không thể nào đợi thời gian, không thể nghĩ, theo thời gian mình lớn lên rồi mọi chuyện sẽ khác. Khi học nghệ thuật, tôi nhận ra muốn phát triển đòi hỏi mình phải có kỹ thuật. Có thể người đọc không coi trọng kỹ thuật, nhưng với người viết và nghiên cứu về viết như tôi, kỹ thuật viết cực kỳ quan trọng”.

3. Những tưởng dịch chuyển là đặc quyền của những người trẻ. Nhưng hoàn toàn không phải, trường hợp của Phan Hồn Nhiên là một minh chứng sinh động nhất. 

Ngoài những dịch chuyển trong sáng tạo văn chương, Phan Hồn Nhiên cũng đồng thời tạo nên dịch chuyển trong công việc. Sau 15 năm gắn bó với tờ báo mà mình yêu mến, cách đây hơn 2 năm, chị quyết định chuyển sang làm công việc biên tập tại NXB Kim Đồng. Phan Hồn Nhiên chia sẻ, khi quyết định lựa chọn giữa báo và công việc biên tập, bản thân chị cùng có nhiều dằn vặt lẫn phân vân. Một phần vì phải rời xa tờ báo mà mình đã gắn bó từ thời sinh viên. Nhưng nếu không đi, chấp nhận yên vị với công việc hiện tại thì 15 năm tới sẽ như thế nào?

Phan Hồn Nhiên tâm sự: “Với tôi, khi đi làm tức là mình đang đi học. Trong 15 năm làm báo, tôi đã học được rất nhiều điều đáng giá. Nhưng rồi có một khoảng thời gian, dù công việc vẫn ổn, tôi nhận ra mình đang dừng lại. Chẳng lẽ 15 năm tới mình lại làm đúng công việc mà 15 năm trước mình đã làm? Khi tự hỏi như thế, tôi cảm thấy có gì đó giống như nỗi tuyệt vọng. Và như vậy, dù buồn và tiếc chỗ làm cũ, tôi vẫn quyết định phải bước tiếp”.  

Trẻ em bây giờ đã khác rất nhiều so với trẻ em của 5 năm, 10 năm trước. Nhưng điều này không phải là cản trở với Phan Hồn Nhiên khi bắt đầu một công việc mới. Bởi chị đã từng viết văn, làm báo cho giới trẻ, nên có thể xem đây là lợi thế khi chuyển sang biên tập sách cho thiếu nhi. Phan Hồn Nhiên chia sẻ: “Tôi không nghĩ trẻ con là một thế giới “bé hơn” thế giới của người lớn, mà đó là một thế giới khác…".

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng