Cảm hứng thi ca gợi lên từ những dòng sông lâu nay đã đeo, đã bám vào nhiều nhà thơ. Và quả thật, cũng có nhiều bài thơ hay được hình thành. Nhưng làm hẳn 108 bài thơ về một dòng sông - sông Thương - như Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa công bố, thì quả là hiếm.
Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội, vốn là sinh viên Khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du. Anh từng gây chú ý trên văn đàn với tiểu thuyết “Cõi nhân gian” (1994) và tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy” (1996).
Nhưng rồi bởi những duyên do khác nhau, Nguyễn Phúc Lộc Thành rời bỏ văn chương, chuyển “nghiệp” khác và thành công với một thương hiệu vận chuyển có tiếng. Nhưng sau 20 năm, tiếng gọi văn chương lại vọng về, và anh đã ngồi xuống, viết 108 bài thơ lục bát về mẹ, về cha, về đời thực, về chiêm bao, về dòng sông Thương gợi nhiều day dứt, ám ảnh.
“Sau 20 năm thu mình trong bộn bề mưu sinh, trong toan lo thường nhật, trong thân phận một người lao động chân chính, lấy cần lao để vui sống, giờ là lúc tôi quay trở lại với văn chương, quay trở về đúng với tên gọi của mình”- Nguyễn Phúc Lộc Thành tâm sự - “Tôi đến với thơ từ sớm, trước khi học 5 năm Nguyễn Du. Tôi đã bỏ viết 20 năm, giờ là lúc trở lại cùng tri kỷ của đời để viết nên 108 bài Giấc mơ sông Thương”.
108 bài thơ ấy mới đây đã được Nguyễn Phúc Lộc Thành công bố trong tập “Giấc mơ sông Thương” (NXB Hội Nhà văn ấn hành). Một tập thơ dày dặn, chứa đựng nhiều suy ngẫm, tìm tòi của tác giả.
Điều khiến nhiều người bất ngờ, đó là 108 bài thơ đều là lục bát, nhưng cách cảm nhận và thể hiện của tác giả được một số người trong nghề đánh giá là khá độc đáo. Nói như một nhà phê bình văn học, là lục bát nhưng đã được Nguyễn Phúc Lộc Thành “phối âm, phối chữ, phối hình tạo ra một cái mới, một sự lạ hóa”.
Chính tác giả cũng thừa nhận, anh viết theo thể lục bát, nhưng không phải là lục bát truyền thống mà hơi hướng hoàn toàn mới mẻ với cách ngắt nhịp sáng tạo. Đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, người ta như nương theo một hành trình khám phá, bởi khó đoán được những câu sau sẽ nói về cái gì, mạch cảm xúc sẽ ra sao.
Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: “Thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành vượt lên sự phân chia nhị nguyên thanh tục – tục thanh thông thường. Hầu như câu thơ nào của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng gợi mở, có thể tán thưởng, phân tích, trao đổi, luận bình”.
Theo Bích Hà - ĐĐK