Thời sự Văn chương
Nhà văn Trần Kim Trắc - đại thụ của văn chương Nam bộ qua đời
09:54 | 05/01/2019

Theo thông tin từ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Kim Trắc đã qua đời vào ngày 17-11-2018 tại nhà riêng trên đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình. Tuy nhiên, vì lý do riêng nên gia đình không phát tang; vậy nên công chúng mới được thông báo cách đây hai ngày.

Nhà văn Trần Kim Trắc - đại thụ của văn chương Nam bộ qua đời
Nhà văn Trần Kim Trắc lúc còn sống. Ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Khi hay tin nhà văn Trần Kim Trắc, một trong những đại thụ của văn chương Nam bộ đã qua đời, hầu hết những người yêu mến ông đều không tránh khỏi cảm giác bất ngờ. Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Ngoài tên thật, ông còn sử dụng bút danh NT và Trần Kim dưới những tác phẩm của mình. Sự nghiệp văn chương của nhà văn Trần Kim Trắc được bắt đầu từ lúc ông 25 tuổi với truyện ngắn đầu tay được đăng báo là truyện Cái lu, đạt giải nhì giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam ngay sau đó.

Dù đến với văn chương khá muộn nhưng nhà văn Trần Kim Trắc có một quá trình lao động văn chương chăm chỉ và đều tay. Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Cái lu(truyện ngắn, 1954), Cái bót (truyện ngắn in chung, 1989), Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung, 1990), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn, 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết, 1996), Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997), Học trò già (truyện ngắn, 1997), Con trai ông tướng (truyện ngắn, 1998),  Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn, 1999)…

Nhà văn Trần Kim Trắc từng đạt các giải thưởng như: giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954 với truyện ngắn Cái lu, tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 với tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ.
 
Nhà văn Trần Kim Trắc - đại thụ của văn chương Nam bộ qua đời ảnh 2
Nhà văn Trần Kim Trắc và bên người vợ của mình. Ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Đặc biệt, vào năm 2012, lúc đó đã bước sang tuổi 83 nhưng nhà văn Trần Kim Trắc vẫn cho thấy sức lao động bền bỉ và dẻo dai bằng việc tham dự cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Con người và cuộc sống hôm nay” do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Truyện ngắn Sài Gòn đắc địa của ông đã đạt đồng giải nhì (không có giải nhất) cùng với nhà văn Trương Anh Quốc.
 
Vào tháng 11-2015, với những giá trị quan trọng mà văn chương Trần Kim Trắc mang lại, NXB Trẻ đã ký hợp đồng mua bản quyền trọn đời tác phẩm của ông. Theo đó, bắt đầu từ tháng 11-2015, đơn vị này độc quyền sử dụng 19 tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc với khoản phí trả trước là 100 triệu đồng cùng số tiền nhuận bút trên mỗi tác phẩm được xuất bản, không tính phần trả trước. Ngoài ra, trong hợp đồng có điều khoản: sau khi nhà văn qua đời, gia đình ông tiếp tục hưởng nhuận bút các tác phẩm của ông do NXB Trẻ ấn hành.
 
Nhà văn Trần Kim Trắc - đại thụ của văn chương Nam bộ qua đời ảnh 3
Tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc được NXB Trẻ mua bản quyền trọn đời vào tháng 11-2015. Ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ về lý do mua bản quyền trọn đời tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc: “Nhà văn Trần Kim Trắc là một trong những nhà văn lớn, viết rất nhiều tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm viết về Nam Bộ cũng như viết về giới trẻ. Về mặt văn tài, ông là nhà văn lớn nhưng thái độ, lối sống của ông rất khiêm tốn, là bài học lớn đối với người làm nghề. Xuất phát từ những vấn đề đó, NXB Trẻ có một nguyện vọng đề đạt xin mua tác quyền trọn đời bộ tác phẩm của ông. May mắn thay NXB Trẻ được ông đồng ý giao quyền”.
 
Trước sự ra đi của nhà văn Trần Kim Trắc, ông Nguyễn Minh Nhựt không giấu được xúc động: “Tôi và các cán bộ, nhân viên của NXB Trẻ đều rất buồn khi những đại thụ đã từng gắn bó với NXB Trẻ lần lượt đã ra đi như nhà văn Sơn Nam, nhà văn Trang Thế Hy rồi lần này là nhà văn Trần Kim Trắc. Phía NXB không biết nói gì hơn ngoài sự chia buồn gửi đến gia đình nhà văn. Chúng tôi sẽ cố gắng chăm chút, xuất bản để những tác phẩm của ông sẽ còn ở lại với nhân gian, phục vụ độc giả”.

Theo Hồ Sơn - SGGP
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng