Thời sự Văn chương
'Cây vĩ cầm Ave Maria' - tiểu thuyết về cô bé thoát chết trong Thế chiến
09:20 | 17/01/2019

Sách của tác giả Nhật là bản hòa tấu giàu cung bậc cảm xúc, khắc họa tình người, tình yêu âm nhạc trước cuộc sống khốc liệt.

'Cây vĩ cầm Ave Maria' - tiểu thuyết về cô bé thoát chết trong Thế chiến

Một nghệ sĩ dương cầm tưởng chừng đã lọt vào cửa tử khi bị tên lính Đức phát hiện ẩn náu trong những tòa nhà đổ nát. Cuối cùng, anh bất ngờ thoát chết khi chơi một nhạc khúc trên cây dương cầm bị bỏ quên. Dù trong phút tử sinh, bản nhạc vẫn nhẹ nhàng và thanh khiết, lay động tâm hồn tên lính. Đó là một trong những cảnh kinh điển của phim The Pianist, tác phẩm điện ảnh nổi bật về Thế chiến thứ hai. Một phân cảnh nhỏ đủ để thấy sức mạnh không lời nhưng mãnh liệt của những giai âm đánh thức phần "người" trong mỗi chúng ta.

Cùng lấy đề tài âm nhạc trong thời kỳ Thế chiến thứ hai khốc liệt và u tối trong lịch sử nhân loại, sách Cây vĩ cầm Ave Maria là bản hòa tấu giàu cung bậc cảm xúc, khắc họa rõ nét tình người và tình yêu âm nhạc khi người ta đối mặt với cái chết.

300 trang truyện có lối kể gần gũi, giàu tính nhân văn. Câu chuyện khởi nguồn từ cây vĩ cầm đỏ mang tên Ave Maria do cô bé Nhật Bản Asuka được cho mượn trong cửa hàng bán nhạc cụ. Để tìm lại nguồn vui, động lực tập luyện violin nghiêm túc, Asuka và chủ cửa hàng nhạc cụ quyết định tới gặp Paul Kanzas, chỉ huy dàn nhạc người Ba Lan, cũng là nhạc công có cơ duyên quen được người chủ trước đó của cây đàn - cô bé Hannah. Ngẫu nhiên Hannah cũng 14 tuổi, bằng đúng tuổi Asuka.

Qua lời kể của ông Kanzas, độc giả lùi lại thời quá khứ để lắng nghe số phận đặc biệt của "thiên thần nhỏ" Hanna. Dù lọt vào chốn địa ngục trần gian; cả gia đình từ ông, bà, cha, mẹ, em trai đều bị phát xít tàn sát, sống trong sợ hãi nơm nớp hàng ngày ở Trại tập trung Auschwitz, cô bé vươn lên mạnh mẽ nhờ vào tình yêu vô bờ và thuần khiết với âm nhạc.

Cây vĩ cầm Ave Maria không né tránh những sự thật đau lòng của hiện thực, mà khắc họa chúng tiết chế nhưng đầy đủ. Đó là khi chị gái của Hannah dù khuyết tật vẫn bị quân Gestapo bắn chết, là lúc ông em và cả em trai Andrew chưa đầy 5 tuổi bị đưa vào phòng hơi ngạt, là hình ảnh những người lao động bị đem ra làm trò tiêu khiển cho lính Đức để rồi cuối cùng không thoát khỏi thảm cảnh bị trừng phạt... Suốt tác phẩm, âm nhạc vẫn nổi lên như một "nhân vật chính", cho độc giả quyền tin vào một "Das Beste Leben" (Cuộc sống tuyệt vời - cụm từ được khắc trên thân đàn).

Liệu âm nhạc có đủ sức mạnh để giúp con người vượt trên mọi nghịch cảnh? Đó là câu hỏi khiến người đọc phải trăn trở xuyên suốt tác phẩm. Ở đây, những bản nhạc không lời, được thể hiện qua cây violin và cả nhiều nhạc cụ khác đôi khi đã phải "đứng chông chênh" trên "bờ vực phán xét".

Có những lúc, âm nhạc vang lên trong hoàn cảnh đầy đau đớn, xót xa. Khi cả nhà Hannah bị bắt đến Trại tập trung, em nghe thấy bản Tiếng Xuân. Điều khiến sau này em vẫn còn bị ám ảnh mãi, ngay cả khi hòa bình lập lại. Âm nhạc thậm chí từng bị coi là đóng vai trò "ru ngủ" những người lao động và dàn nhạc trong trại tập trung bị cho là những kẻ bợ đỡ quân Gestapo để mưu cầu sự sống. Thậm chí, có những bản hành khúc được chơi trong khi quân Đức thảm sát người Do Thái, tưởng chừng đã trở thành một "vết sẹo tinh thần" mãi mãi trong tâm trí cô bé 14 tuổi. Khi được trở về với cuộc sống bình thường, em đã trốn tránh thực tại, phải trị liệu tâm lý nhiều lần vì không dám nghe chúng.

Nhưng cuối cùng, âm nhạc vẫn thể hiện được sứ mệnh của nó. Từ đầu đến cuối, âm nhạc là sợi dây kết nối con người, thậm chí là những người thuộc về hai phe đối lập, mở ra cánh cửa tưởng chừng xây bằng đá và đã đóng mãi mãi như trái tim của những tên lính Đức Quốc xã. Âm nhạc là "chìa khóa" cho ngục tù theo cả nghĩa đen, và nghĩa bóng: Ngục tù tâm hồn, giúp cho Hannah và những người trong dàn nhạc của em vươn lên mãnh liệt trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đúng như những gì nhân vật của tác phẩm đã khẳng định: "Âm nhạc sẽ cứu rỗi con người khỏi trái tim tà ác. Chỉ cần tận hưởng âm nhạc một cách đơn thuần, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, quốc gia, thậm chí là cả chiến tranh nữa".

Tác phẩm của nhà văn nữ Kagawa Yoshiko đã tiếp cận những trang đau thương nhất của lịch sử nhân loại bằng cách thức giàu cảm xúc và nhân văn, truyền đi thông điệp về tình yêu giữa con người với nhau và với âm nhạc, từ đó "đánh thức" động lực tìm hiểu về lịch sử, niềm đam mê với âm nhạc của thế hệ trẻ. Sách của nhà văn nữ Kagawa Yoshiko đã đạt giải vàng Huân Chương Sakura, giải thưởng thường niên của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản. Năm 2014, cuốn sách được chọn làm đề tài cho cuộc thi viết cảm tưởng về các tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên Nhật Bản.

Theo Tô Lệ Trân - vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng