Thời sự Văn chương
Số phận của những đứa trẻ trong Thế chiến II
08:57 | 09/04/2019

Hướng đến Ngày Sách Việt Nam (21/4) và kỉ niệm 74 năm ngày chiến thắng phát xít (9/5), sáng 7/4/2019, tại Hà Nội, Wings Books - thương hiệu sách trẻ của Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi tọa đàm SỐ PHẬN CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ TRONG THẾ CHIẾN II và giới thiệu, ra mắt hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về chủ đề này, đó là Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳng của nhà văn Pháp Sarah Cohen-Scali và Cây vĩ cầm Ave Mariacủa nhà văn Nhật Bản Kagawa Yoshiko.

Số phận của những đứa trẻ trong Thế chiến II

Hai cuốn tiểu thuyết cùng đề cập đến những chương trình bí mật do chủ nghĩa Quốc xã thực hiện, và số phận của trẻ em trong thời chiến dưới bàn tay của Đế chế. Dù ở hai chiến tuyến, nhưng cuộc đời những đứa trẻ đã hoàn toàn thay đổi khi bị cuốn vào vòng xoáy tàn bạo của Thế chiến II.

Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳng là tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử có thật về chương trình “Lebensborn” - một trong những chương trình tàn bạo do Đức Quốc xã tiến hành thời Thế chiến II. Đây là chương trình được đích thân Thống chế Heinrich Himmler khởi xướng với mục tiêu làm tăng dân số của chủng Aryan bằng cách nhân giống từ các đối tượng đã được chọn lọc kĩ lưỡng; và Đức hóa trẻ em từ các lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

Nhân vật chính trong Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳng là cậu bé Max, người được xem là bản mẫu hoàn hảo, là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra từ chương trình “Lebensborn”. Ở Max hội đủ các yếu tố của “chủng người thượng đẳng” Aryan với tóc vàng, mắt xanh và những chỉ số ưu việt. Không chỉ có thể chất vượt trội “như được đúc bằng thép Krupp”, Max còn được đào tạo để có tinh thần và ý chí sắt đá, sớm thấm nhuần tư tưởng của Đế chế, trở thành một vũ khí tàn nhẫn từ khi còn nhỏ tuổi đến lúc là một thiếu sinh quân tại trường đào tạo sĩ quan Napola. Dần chứng tỏ phẩm chất và sự lạnh lùng của mình, là điệp viên nhỏ tuổi nhất, tham gia vào các chiến dịch của Tổ chức, nhưng Max và những đứa trẻ của chương trình “Lebensborn” không biết được những bi kịch nào đang chờ đợi mình phía trước.

Với cách kể là lời tự thuật của Max, lịch sử đã được tái hiện hết sức chân thực, để chúng ta có cái nhìn sâu hơn, chiêm nghiệm hơn về chiến tranh. Thông qua bi kịch của Max và những đứa trẻ, người đọc nhận ra, ngay cả những đứa trẻ được coi là thượng đẳng thì chúng cũng chỉ là những con người bình thường, khao khát cuộc sống bình thường. Bi kịch của chúng là không được làm con người bình thường.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Cây vĩ cầm Ave Maria kể về Hannah Janssen, một thiếu nữ mười bốn tuổi người Do Thái là một thiên tài âm nhạc. Gia đình cô bị bắt vào trại tập trung Auschwitz, Hannah tình cờ đeo cây đàn violon trên vai nên thoát khỏi thảm sát, và trở thành thành viên của dàn nhạc trại tập trung. Yêu âm nhạc bằng một tình yêu thánh thiện và trong sáng nhưng Hannah buộc phải diễn tấu trước cái chết của đồng bào mình, dùng âm nhạc để che lấp đi tội ác diệt chủng trong những phòng hơi ngạt, giàn hỏa thiêu. Dù sống sót và được giải cứu sau chiến tranh nhưng Hannah không thể thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng trong quá khứ.

Cây vĩ cầm Ave Maria phơi bày phần nào sự thật về cuộc sống như địa ngục, đầy đau đớn và ám ảnh của những đứa trẻ trong trại tập trung. Trẻ em phải lao động đến kiệt sức, bị tra tấn, hành hạ về thể chất và tinh thần, phải chứng kiến gia đình, đồng bào mình bị thảm sát. Tất cả đều là những bi kịch tàn khốc đối với những đứa trẻ là nạn nhân trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Dịch giả Nguyễn Hồng Vân, người chuyển ngữ tác phẩm Cây vĩ cầm Ave Maria chia sẻ: Tác phẩm mang đến sự rung cảm thực sự, nó vượt qua những giới hạn của không gian, thời gian, tuổi tác. Lịch sử như một dòng chảy, chúng ta hôm nay vẫn có thể sẻ chia được câu chuyện của quá khứ. Đó là sự thấu hiểu cần thiết giữa con người với con người để những nỗi đau, những bi kịch nhân loại không còn xảy ra nữa.

Đông đảo độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách


Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳng và Cây vĩ cầm Ave Maria đã nhìn nhận chiến tranh qua số phận, cuộc đời những đứa trẻ. Bởi trẻ em là nạn nhân lớn, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Viết về điều này các nhà văn sẽ dễ dàng làm lay động, thức tỉnh con người.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho biết, anh luôn quan tâm đến chủ đề lò thiêu, trại tập trung. Đây là những ám ảnh, là vết chàm với văn nghệ sĩ châu Âu. Họ luôn cố gắng tìm câu trả lời, tại sao ở nơi văn minh nhất lại xảy ra những chuyện đau thương nhất. Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳngcó cái nhìn phán xét, bao quát, toàn tri, đặt ra những suy nghĩ về công nghệ sinh học, đạo đức khoa học và đạo đức văn hóa. Những sai lầm của Đức Quốc xã trong quá khứ nhắc nhở chúng ta về nền văn minh hôm nay. Cây vĩ cầm Ave Maria với cấu trúc truyện lồng trong truyện được viết với giọng văn duy cảm, mơ mộng. Không đơn giản là sự tái hiện chiến tranh, những am hiểu sâu về âm nhạc cổ điển đã làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Tác giả muốn dùng âm nhạc để kiến tạo nên một thế giới hòa bình. Văn minh không ngăn được chiến tranh, nhưng văn hóa, âm nhạc thì có thể làm được điều đó.

Max - bi kịch của chủng tộc thượng đẳng từng giành được 12 giải thưởng tại Pháp, Cây vĩ cầm Ave Maria đã nhận giải vàng Huân chương Sakura của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản. Hai tác phẩm này còn được đánh giá cao bởi tránh được những bài học giáo huấn, mà thông qua sự xúc động để bạn đọc tự cảm nhận và lĩnh hội được tư tưởng của nhà văn. Những gì xảy ra trong quá khứ không có nghĩa là không xảy ra trong tương lai. Hai cuốn sách đã đặt ra câu hỏi về tương lai của những đứa trẻ, và cách ứng xử với trẻ em như thế nào để mỗi thời đại không còn là những thảm kịch đau lòng.

Theo Hoài Phương - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng