Ngày 30/4/1975 mãi là một ký ức tồn tại sâu thẳm trong tâm trí của những người đã trực tiếp chứng kiến. Đặc biệt là nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, người đã dành gần như cả cuộc đời cầm bút của mình để văn bản hóa lại những ký ức lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước một thời của dân tộc Việt Nam.
Trong đó nổi bật là cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Là người trực tiếp chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập đăng trên Bản tin Đấu tranh Thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) phát báo đêm 30/4/1975 và đăng trên báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đúng 44 năm sau những giờ phút huy hoàng ấy của lịch sử đất nước, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã dành cho Báo Đại Đoàn Kết một cuộc trò chuyện thú vị.
PV: 44 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước toàn thắng, xin hỏi hình ảnh nào ấn tượng nhất trong tâm trí ông khi hồi ức lại chặng đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh suốt từ Huế tới Sài Gòn và thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập?
Ông Trần Mai Hạnh: Lá cờ chiến thắng Đại đội trưởng Bùi Quang Thận kéo lên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - xe tăng của Lữ đoàn thiết giáp 203 chiếm lĩnh và dàn đội hình trong sân Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện… Những hình ảnh huy hoàng của thời khắc lịch sử ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Ngay lúc ấy, bỗng bừng thức trong tôi hình ảnh dọc đường chiến dịch, từ Huế đến Tây Nguyên, Sài Gòn tôi đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân huỷ hết, bom, mìn chưa nổ, súng đạn quân Sài Gòn tháo chạy quẳng lại khắp các ngả đường. Có bà mẹ ôm xác con, chạy bộ di tản theo Quân đoàn 2 Sài Gòn từ Pleiku về Tuy Hòa, suốt ba ngày cứ ôm xác con chạy bộ đến kiệt sức vì không tìm được chỗ chôn con. Hàng nghìn bà con vì luận điệu tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn là ở lại sẽ bị “Việt cộng tắm máu”, mà bồng bế, dắt díu nhau di tản với bao thảm cảnh không ngòi bút nào tả xiết… Cũng là đồng bào mình chứ ai? “Chiến tranh” và “Hoà bình”, “Chết chóc”, “Sum họp” và “Ly tán”… Những cảm xúc đó choáng ngợp tâm hồn tôi.
Thưa ông, người đọc đều hiểu cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” và sự kiện lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập có mối quan hệ rất khăng khít trong cuộc đời cầm bút của ông. Vậy ông đã ấp ủ ý định viết cuốn Biên bản chiến tranh như thế nào?
- Thời khắc lịch sử huy hoàng được chứng kiến cùng những cảm xúc mạnh mẽ choáng ngợp tâm hồn lúc ấy, khiến tôi ý thức rõ rằng, những ký ức của mình về điều đã được chứng kiến là vô giá và phải lưu giữ lại. Ý định xây dựng cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” nảy sinh trong tôi ngay từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên tôi cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).
Vì sao ngay ngày đầu giải phóng ông lại quyết định dấn thân vào việc phục dựng sự thật lịch sử của phía bên kia chiến tuyến, một công việc hết sức khó khăn và dường như chưa từng có tiền lệ?
- Khi ấy tôi còn trẻ, 32 tuổi và trong men say chiến thắng cùng những xúc động mạnh mẽ về chiến tranh, về hoà bình nên mới liều lĩnh quyết định một việc “tày trời” như vậy. Việc truy tìm, tập hợp tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) rồi hóa thân phục dựng lại thật trung thực sự sụp đổ của cả một thể chế, cả một chế độ tay sai như nó đã diễn ra, với tôi lúc đó gần như là một điều không tưởng.
Khi tôi thưa với ông Đào Tùng, Tổng Biên tập và là Trưởng đoàn cán bộ, phóng viên đặc biệt của VNTTX tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà tôi được chọn là thành viên về ý định xây dựng cuốn sách này, ông hết sức hoan nghênh. Ông khuyên tôi cần tiến hành ngay, không chậm trễ việc tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản từ phía bên kia, cả nguồn tài liệu trong nước và trên giới nếu không tài liệu sẽ thất tán hết.
“Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp sáng 1/5/1975 cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp, với Thẻ nhà báo là Phóng viên của VNTTX, và đặc biệt với tờ Báo Nhân dân số ra ngày 2/5/1975 có đăng bài tường thuật “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” ghi rõ tên tác giả “Trần Mai Hạnh, Phóng viên VNTTX tại Sài Gòn”, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình.
Thưa ông, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được bạn đọc chào đón nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần với số lượng lớn, được dịch sang tiếng Anh, tiếng Lào giới thiệu với bạn đọc các nước. Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam viết dưới dạng biên bản. Cuối mỗi chương lại có mục ghi chú rõ những văn bản mật và nguồn tài liệu nguyên bản tin cậy tác giả đã viện dẫn để xây dựng nên chương sách đó. Khi đã dùng từ “biên bản” tức là tác giả đã ký thác sinh mạng chính trị của mình vào sự kiện, sự việc và các nhân vật được xây dựng, phản ánh trong tác phẩm. Xin hỏi, đến nay sau 5 năm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước, ông có gặp phải những tranh cãi, phản ứng trái chiều nào không?
- “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dựng lên một giai đoạn lịch sử của đất nước mà đó là lịch sử đương đại, hàng triệu người gắn bó với nó mật thiết từ các phía, và còn cả gia đình của họ nữa, chỉ cần sai một chi tiết sẽ bị phản ứng ngay.
Đơn cử, trong sách có tất cả 274 nhân vật, người thật việc thật, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới tướng lĩnh, sĩ quan các quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn, rồi tới các cấp chính quyền dưới nữa. Nó phải chính xác cả tên, cả họ, cả tên lót và phận sự công việc mà con người đó đảm nhận. Ví dụ tướng Nguyễn Cao Kỳ mà viết là Nguyễn Quang Kỳ chẳng hạn là sẽ lập tức bị phản ứng, cuốn sách sẽ đổ ngay. Khi sách ra mắt, độc giả đọc rất kỹ, có những góp ý chi tiết, cụ thể. Ví dụ, đồng chí Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh Bình Thuận gọi điện cho tôi nói: “Cuốn sách của anh tuyệt vời, nhưng anh sai 1 con số. Giải phóng Phan Rang là ngày 19 nhưng anh viết là ngày 20”. Tôi kiểm tra, quả đúng như vậy, và đã sửa lại ngay trong lần sách tái bản sau đó. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã tạo được sự đồng thuận của dư luận, từ các phía, gần như không vấp phải những tranh cãi, phản ứng trái chiều nào.
Cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tái bản và phiên bản tiếng Anh, tiếng Lào.
Thưa ông, trong hơn nửa thế kỷ làm báo, trải qua nhiều cơ quan báo chí, nhiều cương vị công tác, may mắn được chứng kiến nhiều sự kiện lớn của đất nước, và cho đến hôm nay, ông vẫn tiếp tục viết và hoạt động báo chí với cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Phương Đông - cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc, ông có thể chia sẻ đôi lời về lý tưởng sống với thế hệ trẻ hôm nay?
- Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này, vì nó to tát và quá với phận sự của tôi. Cuộc đời làm báo, viết văn của tôi không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ luỵ.
Nhưng niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chọn lựa từ đầu và những giờ phút lịch sử của đất nước may mắn được chứng kiến đã giúp tôi đứng vững, vượt qua mọi thử thách để đến hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ làm báo, viết văn tôi vẫn tiếp tục viết và gặt hái được những thành công trên “cánh đồng chữ nghĩa” với những giải thưởng văn chương được ghi nhận. Từ cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm và không ít nỗi niềm của mình, trong một cuộc đối thoại báo chí đăng trong cuốn sách xuất bản tới đây, tôi có tâm sự rằng: “Với tôi, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai hoạ để cất bước… Cái gì cũng có giá của nó cả”.
Sau “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, ông đã cho ra mắt “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống” đều do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Những tác phẩm ấy đều được bạn đọc chào đón. Vậy đề tài cuốn sách ra mắt sắp tới của ông là gì? Ông có thể chia sẻ đôi lời với bạn đọc?
- Tôi cũng lại xin phép không trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ không nên nói tới “thì tương lai” các tác phẩm của mình. Hãy để nó ra đời và chịu sự phán xét công bằng của thời gian và bạn đọc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hương Lê - ĐĐK