Thời sự Văn chương
Văn học phi hư cấu đang yếu thế
14:57 | 14/05/2019

Giữ một vị trí khiêm tốn trong đời sống văn chương, nhưng thể loại phi hư cấu thời gian qua vẫn đều đặn đến với độc giả. Thậm chí, nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn, được in hàng chục ngàn bản. Chỉ có điều, trong những bảng vàng văn chương trong nước, hiếm khi những tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu được xướng tên.

Văn học phi hư cấu đang yếu thế
Hai tác giả Bình Ca và Vũ Công Chiến (từ phải qua) hội ngộ cùng nhau trong buổi ra mắt tác phẩm "Kim Liên một thuở"

Dễ chạm đến số đông người đọc

Xuất hiện vào tháng 4-2015, tác phẩm Quân khu Nam Đồng (NXB Trẻ) của tác giả Bình Ca lập tức tạo nên cơn sốt trong thời gian đó. Chỉ sau hơn nửa năm kể từ lúc ra mắt, Quân khu Nam Đồng được in đến lần thứ 6. Hiện tại, tác phẩm đã được in lần thứ 15, “chạm mốc” hơn 30.000 bản sách - số lượng đáng mơ ước của nhiều nhà văn chuyên nghiệp.

Với hơn 400 trang sách, tác giả Bình Ca đã tái hiện lại những câu chuyện xoay quanh các cô cậu mới lớn ở khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ - khu tập thể Nam Đồng. Theo đánh giá của nhà văn Bảo Ninh: “Đây là một tác phẩm viết rất hay và đầy xúc động về tuổi hoa niên”.

Cùng chung dòng hồi tưởng, cùng viết về Hà Nội thời xa xưa là tác phẩm Kim Liên một thuở của nhà văn Vũ Công Chiến do thương hiệu sách Sống và NXB Thế Giới xuất bản năm 2019. Tác giả là người sống tại khu tập thể Kim Liên từ hơn nửa thế kỷ trước, từ khi khu tập thể mới được xây dựng xong vào mùa hè năm 1962 và bắt đầu đón những cư dân đầu tiên. Ngoài việc nhắc nhớ cho thế hệ trước, tác phẩm còn giúp thế hệ ngày nay có thể hiểu thêm một góc của Hà Nội.

Trước Kim Liên một thuở, vào năm 2016, nhà văn Vũ Công Chiến từng ra mắt tác phẩm Hồi ức lính do NXB Trẻ ấn hành với hơn 700 trang, là những dòng hồi ức chân thực và sinh động về cuộc sống ở chiến trường thời chống Mỹ.

Một tác phẩm đáng chú ý khác là Chuyện lính Tây Nam của tác giả Trung Sỹ ra mắt vào năm 2018 do Trí Tuệ và NXB Thanh Niên ấn hành. Tác phẩm là hồi ức của chính tác giả về thời gian hơn 4 năm tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, từ lúc còn là chàng trai 18 tuổi tạm biệt thủ đô Hà Nội yêu dấu để bước chân vào đời quân ngũ. Với ý nghĩa mà Chuyện lính Tây Nam mang lại, đầu năm 2019, tác phẩm đã được Sống và NXB Văn học tái bản.

Đại diện của thương hiệu sách Sống cho biết: “Cuốn sách viết về chuyện lính, lại là lính Tây Nam thì rất đặc biệt. Tác phẩm được viết với giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, khắc họa nét lính thời kháng chiến gian khổ nhưng không kém phần lãng mạn. Sau cùng, chúng tôi muốn gợi và lan tỏa tinh thần lính cũng như giữ gìn, nhắn nhủ thế hệ sau về những hy sinh của cha ông để sống tử tế hơn”.

Khác với tác giả Trung Sỹ, nhà văn Võ Diệu Thanh không phải là người trực tiếp tham chiến, vậy nên chị lựa chọn tiếp cận cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam từ những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến này.

Tác phẩm Về từ hành tinh ký ức (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn) của Võ Diệu Thanh, chỉ thông qua lời kể của những người như vậy nhưng đã khiến độc giả không khỏi bàng hoàng, sững sờ. Rất nhiều cái chết trở thành nỗi ám ảnh cùng cực không chỉ với người trong cuộc mà ngay cả với độc giả ngày nay. Nhưng điều đáng nói ở cuốn sách này, chính là vấn đề hậu chiến, là việc những con người là nạn nhân của chiến tranh đã trở về với đời sống. Cuộc trở về đó đã không còn phân định được may mắn hay bất hạnh và người ta đã không còn có thể sống bình thường được nữa với mớ ký ức bùng nhùng kia!

Từ sự quan sát của mình, nhà văn Văn Thành Lê cho biết: “Vài năm trở lại đây có khá nhiều tác giả hướng ngòi bút đến thể loại này thông qua việc chưng cất ký ức. Ưu thế của văn chương phi hư cấu là bám sát, phản ánh rõ không khí, bối cảnh, không gian, thời gian ở từng thời điểm mà tác giả hướng đến. Không phải tất cả, nhưng đa phần văn chương phi hư cấu không đòi hỏi năng lực tiếp nhận quá cao từ phía người đọc. Chất sống và xúc cảm làm nên hồn cốt của tác phẩm, vậy nên thể loại này thường dễ cảm, dễ chạm đến số đông người đọc”.

Chờ những tác giả tài năng

Đối chiếu trong danh sách giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Hà Nội trong khoảng 10 năm trở lại đây, các tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu gần như vắng bóng hoàn toàn. Nếu được vinh danh thì cũng chỉ với số lượng rất ít ỏi. Có thể kể đến tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4/75 của nhà văn Trần Mai Hạnh đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014; Được sống và kể lại của tác giả Trần Luân Tín đoạt giải của Hội Nhà văn TPHCM năm 2010. Mới đây, giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ 2 của TPHCM cũng vừa vinh danh tác phẩm Ở R - chuyện kể sau 50 năm của cố nhà văn Lê Văn Thảo.

Trong khi đó, vào năm 2015, nhà văn, nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich đã được tôn vinh ở giải Nobel Văn học với những tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu. Vào thời điểm đó, việc bà nhận giải thưởng danh giá dành cho văn chương đã tạo nên dư luận trái chiều. Tuy nhiên, đến giờ, khi đã đọc những tác phẩm của bà được dịch ở Việt Nam như Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Lời nguyện cầu từ Chernobyl, Những nhân chứng cuối cùng, người ta đã không còn nghi ngờ về giá trị mà những tác phẩm của bà mang lại. Chúng đều có sức hấp dẫn riêng, không thua kém những tác phẩm hư cấu.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng