Thời sự Văn chương
Bung trổ tưởng tượng với lịch sử
08:49 | 18/06/2019

Từ ba nguồn tư liệu chính sử, dã sử và dân gian, các nhà văn đã có cơ hội bung trổ trí tưởng tượng và khả năng hư cấu để cho ra đời những áng văn chương sinh động, hấp dẫn viết về lịch sử. Hai tiểu thuyết lịch sử mới ra mắt công chúng là “Từ Dụ Thái hậu” của Trần Thùy Mai và “Thiên địa phong trần” của Hà Thủy Nguyên.

Bung trổ tưởng tượng với lịch sử

Mở rộng tầm nhìn lịch sử

Tiểu thuyết lịch sử 69 chương “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai viết về thời nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhân vật chính và xuyên suốt tác phẩm là Từ Dụ, con dâu vua Minh Mạng, vợ của vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức. Truyện bắt đầu từ cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha là Phạm Đăng Hưng từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn, là Từ Dụ Thái hậu sau này. Từ Dụ đã dùng nhân cách, trí tuệ của mình để có được địa vị trong hoàng cung cũng như trong lòng bậc đế vương và dân chúng.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét: “Chỉ thông qua các chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Mặt khác, văn hóa phong tục được gói trong các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế. “Từ Dụ Thái hậu” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng”.

Tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thủy Nguyên lại phản ánh một thời loạn lạc với những biến động lịch sử phức tạp khôn lường thời Lê Mạt. Đó là những đấu đá chính trị trong năm tháng gắng gượng cuối cùng của triều đình mục ruỗng chúa Trịnh vua Lê, trước thời điểm Quang Trung tiến quân ra Bắc. Cuốn tiểu thuyết đi theo dấu chân Nguyễn Gia Thiều trong thời đại tang thương ấy. Một bậc phong lưu đại thần, một võ tướng được sủng ái, một kiến trúc sư đại tài, một thiền giả, một vương hầu hiển hách phải mượn lời cung nữ để bày tỏ lòng mình. “Đó là nỗi đau chỉ có thể gửi gắm nơi văn chương và nghệ thuật chứ không thể biến thành hành động”, Hà Thủy Nguyên cho hay.

Nói về tác phẩm, TS. Tạ Đức cho biết, văn nhân Nguyễn Gia Thiều là một nhân vật khiến ông hứng thú. Tư liệu lịch sử về thời Lê Mạc rất nhiều tuy nhiên về Nguyễn Gia Thiều lại rất ít. Không cảm nhận cuốn tiểu thuyết như cách của các nhà phê bình và nghiên cứu, nhưng ở góc độ một nhà dân tộc học, TS. Tạ Đức hoàn toàn tôn trọng những sáng tạo và hư cấu của nhà văn. “Tôi không có tư duy phê phán nhân vật qua tiểu thuyết lịch sử, chỉ đọc để cảm nhận theo tư duy của tác giả. Với chúng tôi, khi viết lịch sử phải dùng tư duy khác, cách viết khác, “nói có sách, mách có chứng”, nhiều khi có quyền suy luận nhưng trong một giới hạn nhất định. Còn các nhà văn, họ đã mở rộng tầm nhìn lịch sử, truyền cảm hứng lịch sử tới độc giả và thế hệ trẻ”.

Sự thực và hư cấu

Nhà văn Trần Thùy Mai đã viết “Từ Dụ Thái hậu” dựa vào ba nguồn tư liệu: Chính sử, dã sử và dân gian. Bản thân tác giả từng nói về những khó khăn khi tư liệu lịch sử quá ít ỏi và đứt quãng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để nhà văn thể hiện trí tưởng tượng và tài hư cấu của mình. Bà cho biết, nếu viết tiểu thuyết lịch sử mà chỉ dựa vào lịch sử thì đó là thất bại của bất cứ nhà văn nào. “Những cảm hứng lịch sử, ám ảnh lịch sử đã thôi thúc tôi cầm bút viết nên điều đó. Một phần vì đam mê với lịch sử, đặc biệt là lịch sử triều Nguyễn, kinh đô xứ Huế; phần nữa những ám gợi lịch sử sâu sắc đã thôi thúc tôi viết để soi, hướng vào nội tâm các nhân vật lịch sử, để thấu hiểu họ”, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chọn con đường chênh vênh, một bên là “núi cao” của sự thực lịch sử, một bên là “vực thẳm” của hư cấu, Trần Thùy Mai đã khéo léo, tinh tế đi bằng trí tưởng tượng của mình. Lịch sử có nhiều mất mát và nhiều tồn tại, nhà văn bằng sự nhiệt tâm với quá khứ và vượt qua những ngáng trở của hiện tại để khẳng định vai trò của văn chương với lịch sử. Hư cấu dựa trên lịch sử luôn là cách để nhiều nhà văn lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng thành công của hư cấu thì phụ thuộc vào cảm quan của nhà văn khi phán đoán lịch sử.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên khi viết “Thiên địa phong trần” cũng trung thành với nhân vật, sự kiện lịch sử. Có thể nói, lịch sử là phương tiện để chị sáng tạo và gửi gắm những thông điệp riêng và lịch sử đã được viết lại bằng tư tưởng của nhà văn. Với mong muốn, tiểu thuyết lịch sử sẽ làm cho giới trẻ yêu thích lịch sử hơn, Hà Thủy Nguyên đồng thời mang đến một bài học về ngôn ngữ tiếng Việt qua tác phẩm của mình. Hơn 900 trang sách cô đọng, nén, gợi. Ở đó không có sự dàn trải của sự kể, tả thông thường. Nhà văn tiết giảm tối đa những chi tiết, từ ngữ không cần thiết để mọi thứ được đề cập đến có vai trò, chỗ đứng thực sự trong tác phẩm.

“Ở chỗ nào nhà sử học run tay, thì ở đó nhà văn sẽ viết”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã nói như vậy khi đề cao tiếng nói quyền lực của văn chương trong việc nhìn lại lịch sử.

Theo Hồng Hà - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng