Đọc tác phẩm Trần Bạch Đằng - chân dung kẻ sĩ Nam bộ do Nguyễn Trọng Xuất (chủ biên) cùng hai đồng sự Quách Thu Nguyệt và Phan Văn Hoàng, NXB Khoa học xã hội vừa ấn hành (ảnh), càng hiểu thêm về cuộc đời thẳng thắn, bộc trực của tác giả Trần Bạch Đằng nhưng cũng đầy đặn nét phóng khoáng của một kẻ sĩ đất phương Nam.
Cuốn sách tập hợp những bài viết của nhiều tác giả có tên tuổi như: nhà văn Anh Đức, GS-NGND Hoàng Như Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, PGS-TS Mạc Đường, GS-TS Mai Quốc Liên, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Hồng Điểu, Lê Quang Trang, Hồng Thanh Quang, Lê Văn Nuôi, Triệu Tử Huyền, Tô Đại Phong, Phạm Chánh Trực, Phạm Phương Thảo... ghi lại những hồi ức, kỷ niệm buồn vui cùng nhà văn Trần Bạch Đằng và bao câu chuyện đời thường, gần gũi với ông không thể nào quên.
Nhà văn Trần Bạch Đằng có tên khai sinh là Trương Gia Triều. Ngoài ra, ông còn nhiều bút danh, bí danh khác: Hưởng Triều, Trần Quang, Tư Ánh, Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường. Ông là biểu tượng của một tài năng đa diện khi có thể sáng tác nhiều thể loại: hồi ký, tiểu thuyết, thơ, chính luận, kịch bản hát bội, kịch bản phim... với một số tác phẩm để đời: Chân dung một quản đốc, Một ngày của Bí thư tỉnh ủy, Ván bài lật ngửa, Kẻ sĩ Gia Định, Tuyển tập Hưởng Triều, Theo sóng Đồng Nai, Hai Cũ..., đồng thời làm chủ biên và đồng chủ biên các bộ sách quý về địa chí văn hóa TP.HCM, Đồng Tháp Mười, Sông Bé, Cà Mau và Lịch sử VN, Lịch sử Nam bộ kháng chiến... Ông được Giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật năm 2001 với các tác phẩm: Bài ca khởi nghĩa (thơ), Chân dung một quản đốc (tiểu thuyết) và kịch bản phim Ván bài lật ngửa.
Ít ai biết kẻ sĩ Trần Bạch Đằng sinh ra trong một gia đình thuộc hàng “danh gia vọng tộc” cũ nhưng nghèo và cũng từng có một tuổi ấu thơ “rày đây mai đó”. Theo gia phả họ Trương, ông sơ của nhà văn Trần Bạch Đằng là Trương Thừa Huy, có thời từng là bạn học của cụ Trịnh Hoài Đức. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, cụ Huy ra kinh đô Thuận Hóa giữ chức Thiêm sự, được phong tước Thái Trinh bá. Cụ Huy và cụ Trịnh Hoài Đức giao ước nếu có cháu nội thì gả cho nhau. Về sau, ông bà nội của nhà văn Trần Bạch Đằng đã thực hiện được lời hứa này.
Trong sách, nhà thơ Viễn Phương tiết lộ về chuyện... vượt ngục “không đụng hàng” của nhà văn Trần Bạch Đằng: “Khoảng năm 1947, trong một lần vượt ngục chợ Giồng (Gò Công), tất cả mọi người đã chạy ra hết, còn riêng anh Trần Bạch Đằng bao giờ trong mọi nguy hiểm, anh đều rút ra sau cùng, nhưng lần này anh ở lại là để viết thêm lên tường dòng chữ đầy kiêu hãnh và khiêu khích địch: Người tổ chức phá ngục - Trần Bạch Đằng (khi đó anh mới 21 tuổi)”. Còn nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thọ Chân thì “nhớ mãi tác phong của anh hay đùa bỡn với cái miệng méo xệch nhưng có duyên, đôi khi ăn nói hơi bỗ bã, trêu ngươi nhưng không ai nỡ giận”.
Sáng 19.7 tại Đường sách TP.HCM, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM và NXB Khoa học xã hội sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Trần Bạch Đằng - chân dung kẻ sĩ Nam bộ và giao lưu với các tác giả.
Theo Lê Công Sơn - TN