Thời sự Văn chương
‘Tháng năm đã qua, đưa ta trở lại bên nhau…’
09:13 | 24/07/2019

Phan Nhân 1972 với 400 trang sách có thể xem là cuốn hồi ký của một thế hệ học sinh trường chuyên Phan Bội Châu (thành phố Vinh, Nghệ An), còn gọi là trường Phan, được xem là trường chuyên THPT đầu tiên được thành lập tại miền Bắc Việt Nam, từ năm 1974.

‘Tháng năm đã qua, đưa ta trở lại bên nhau…’

Cuốn sách gồm 40 bài viết, cũng là 40 câu chuyện, là những tự sự, tâm tình, sẻ chia chân thành, đong đầy cảm xúc của các cựu học sinh K15 gồm ba lớp: chuyên Văn, chuyên Toán và chuyên Lý, hầu hết đều sinh năm 1972.

Lẽ thường, những cuốn sách như Phan Nhân 1972*, ta có thể bắt gặp rất nhiều từ trước tới nay, sẽ ở dạng những tập san, kỷ yếu nội bộ, bởi nó là những câu chuyện trường lớp, thày cô, bạn bè khá riêng tư. Thế nhưng đây có lẽ là một trong những trường hợp rất hiếm hoi, những câu chuyện tưởng chừng như khá “nội bộ” ấy, được in thành một cuốn sách dày dặn, trang nhã, và được phát hành rộng rãi trên cả nước.

Chỉ mới mở sách và đọc lời giới thiệu của nhà thơ - nhà báo Hữu Việt, nhiều độc giả đã có thể cảm thấy niềm xúc động rưng rưng chực trào lên đôi mắt, khi biết được để có tập sách trên tay như hiện nay, nhiều người đã phải viết thâu đêm suốt sáng giữa bộn bề công việc cơ quan và gia đình, quên ăn quên ngủ để cuốn sách kịp ra đời đúng vào dịp tổ chức kỉ niệm 30 năm ngày ra trường.

Cuốn sách được chia làm bốn phần: Bạn và tôiKý ức vụnTình yêu đầu đờiNhững người thày đặc biệt. Ở bất kỳ phần nào, cũng dễ dàng bắt gặp những câu chuyện “kinh điển” của một thuở học trò nhất quỷ nhì ma: nào là phân chia chỗ ngồi, mượn bút chiếm bút, nhờ kẻ giấy kiểm tra, rủ nhau đi học hàng ngày, đặt biệt hiệu cho từng đứa, nấu cơm chung, những chuyện ở ký túc xá, ăn trộm mía vườn thày giáo, đặc điểm thói quen tính cách của từng người và cả những rung động xao xuyến thuở ban đầu… Tất cả cứ từ từ hiện lên như những thước phim quay chậm, đủ những buồn vui, có nhiều tiếng cười và cả không ít những nghẹn ngào.

Bối cảnh của đa số các câu chuyện đều thuộc khoảng thời gian những năm 1986-1989, khi đất nước vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, còn rất nhiều khó khăn gian khổ. Cuộc sống của những học sinh sống xa nhà hiện lên với đủ những vất vả nhọc nhằn, hàng ngày đầu đội nón lá, đạp xe đi học dưới cái nắng oi nồng khản khốc của miền Trung, nấu mỗi bữa cơm phải sưng vù mắt vì gió thổi tạt lửa, bếp củi nhóm lại mấy lần, cơm mãi không sôi. Gia đình phải gửi muối vừng, cá kho, thịt rim cho các bạn mang đi học là chuyện bình thường, vậy mà vẫn có những người phải ăn cơm rưới nước mắm suốt cả tuần lễ. Thế mà tất cả những khó khăn rồi cũng qua hết nhờ vào nỗ lực và ý chí của mỗi người, nhờ công ơn dạy dỗ dìu dắt tận tình của bao thày cô giáo nay mái đầu đã bạc phơ. Làm sao có thể quên được thày Tuấn dạy Văn, thày Lân dạy tiếng Nga, thày Kiêm dạy lịch sử, thày Thảo dạy vật lý, cô Bê dạy toán…

Cô học trò Phan Thanh Phong đã viết những vần thơ xúc động tặng người thày giáo dạy Văn của mình: Thời gian ơi/sao đi qua đời thày/toàn màu trắng?/Phải chăng/cho em mai này/với niềm tin/sáng nắng!

Tập thể Phan Nhân 1972 ngày nào giờ đây đều là những người thành đạt, sống và làm việc ở khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam, có cả những người định cư ở nước ngoài. Nhưng những câu chuyện mà họ cất giữ ở trong lòng bao giờ cũng vẹn nguyên, giờ đây kể lại với chúng ta qua từng trang sách xúc động khôn nguôi. Và tôi tin họ sẽ gặp lại nhau thật đông đủ, nước mắt và những nụ cười như quyện hòa cùng nhau trong ngày trở lại trường xưa sau 30 năm. Và trong tôi bỗng vang lên câu hát của ca khúc thuở nào trong bộ phim 12A và 4H: Tháng năm đã qua, đưa ta trở lại bên nhau

* Phan Nhân 1972, Nhiều tác giả, Công ty Liên Việt, NXB Hội nhà văn 2019

Theo Đỗ Anh Vũ - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng