Có người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường, có người bước chân vào quân ngũ khi đất nước đã hòa bình. Dù ở thời bình hay thời chiến, bằng tài năng và trải nghiệm của mình, họ đã và đang được xem là những nhà văn của lính, khi mang đến những tác phẩm gợi nhớ về quá khứ hào hùng.
1. Nhà văn - Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền là một trường hợp đặc biệt khi văn chương không phải là lựa chọn ban đầu. Hơn 60 tuổi, ông công bố tác phẩm bút ký Rừng khộp mùa thay lá, một bất ngờ không chỉ cho độc giả mà còn với chính người viết. Bởi theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền, cả đời ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết gì đó. Cho đến gần đây, sau khi nhận được sự động viên của nhà văn Đoàn Tuấn và nhà thơ Lê Minh Quốc, ông Điền bắt đầu viết những câu chuyện, những ám ảnh thôi thúc bên trong từ những ngày còn trên chiến trường Campuchia rồi chia sẻ lên facebook. Những bài viết ấy được biên tập cẩn thận và xuất bản thành tác phẩm Rừng khộp mùa thay lá.
Năm 1978, cậu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Nguyễn Vũ Điền nhập ngũ, là chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479. Mặc dù thời gian chiến đấu không dài, nhưng giống như những người đã từng vào sinh ra tử tại chiến trường Campuchia, với Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền, đó là những ngày thực sự không dễ quên. Ông tâm sự: “Tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường K chưa được 2 năm. Thời gian đó chỉ bằng 1/30 quãng đời mà mình đã sống, rất ngắn ngủi nhưng có lẽ đó là quãng thời gian mà tôi thấy đáng sống nhất, để rồi hôm nay, đang sống trong hòa bình như vậy mà cứ ảm ảnh về nó”.
Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền hiện đang sống ở Sơn La. Ông từng có 7 năm làm việc ở UBND tỉnh, phụ trách khối nội chính và sau đó là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Ông bảo, cuộc sống của lính đã ngấm vào máu thịt, tác động đến cách sống, cách làm việc của ông sau này. “Tôi và đồng đội không chấp nhận những cái tiêu cực trong cuộc sống, giống như một khổ thơ của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Tụi mình sinh ra vào thời trận mạc/Nên núi rừng bè bạn có sao đâu/Nên sương gió tụi mình dãi dầu/Mặc áo lính phải sống cho ra là... lính. Chúng tôi sống đúng như thế cho đến ngày hôm nay”, ông chia sẻ.
2. Nhà văn - Thượng tá Nguyễn Đình Tú thuộc thế hệ 7X, là một tên tuổi nổi bật của văn học đương đại. Thông thường, nói đến nhà văn quân đội, người ta thường nghĩ đến những tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng, nhưng Nguyễn Đình Tú là trường hợp đặc biệt khi luôn có những tác phẩm đa dạng về đề tài, thậm chí không kém phần gai góc; và ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Theo chia sẻ của anh, với thế hệ những nhà văn quân đội thời bình, ngoài đề tài chiến tranh, cách mạng và người lính ra, còn nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại gọi mời nên tác phẩm có phần đa dạng hơn cũng là điều dễ hiểu. “Thời bình chính là cơ hội để các nhà văn không chỉ viết về ngành mình, mà còn có điều kiện tiếp cận nhiều đề tài khác, nhiều cách viết khác, bởi đó là đòi hỏi của nền văn học nói chung”, anh nói.
3. Rời quân ngũ, Thượng sĩ Nguyễn Thành Nhân không đi theo nghiệp nhà binh mà trở thành nhà văn, dịch giả. Anh tự nhận đam mê viết văn có sẵn trong máu, vậy nên ngay từ những ngày còn là lính thuộc D3, E4, Sư đoàn 5, Mặt trận 479, Nguyễn Thành Nhân đã làm thơ hay ghi chép lại đời sống quân ngũ theo dạng nhật ký. Anh xem đó là kỷ vật lớn nhất sau khi rời chiến trường, trở về với gia đình.
Sau 14 năm làm việc tự do, đến nay, anh đã có hơn 30 cuốn sách được xuất bản. Khi được hỏi về dự định sáng tác về đề tài chiến trường K, nhà văn Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Tôi cảm thấy những gì mình muốn nói đã dồn trong Mùa xa nhà, tác phẩm đầu tay nhưng cũng là tác phẩm tâm huyết nhất. Có lẽ tôi vẫn viết, nhưng sẽ viết về những người lính thời hậu chiến, trong đó có những hồi ức liên quan đến thời gian ở chiến trường Campuchia, nhưng tôi muốn hướng đến hiện tại nhiều hơn”.
Theo Hồ Sơn - SGGP