Thời sự Văn chương
Gom góp ký ức về Hà Nội cũ
09:00 | 04/10/2019

Không hoa lệ như trong những dòng văn của Thạch Lam, cũng không lãng mạn tình tứ như câu hát “sương giăng Hồ Tây trắng”... Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hiện ra trong ký ức của tác giả Trung Sỹ rất khác.

Gom góp ký ức về Hà Nội cũ

Có một Hà Nội như thế

Song song với sự phát triển như vũ bão của Hà Nội, con người ta có xu hướng hoài cổ, hay nhớ về những thứ đã cũ, đã qua. Những tác phẩm về thời bao cấp ngày càng xuất hiện nhiều, “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” (Công ty CP Văn hóa Truyền thông Sống phát hành) của tác giả Trung Sỹ là một trong số đó, có điều nó vừa lạ, vừa rất đời. Bằng giọng văn chân chất, trào phúng, tác giả gom góp ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, kể lại khó khăn, gian khổ của những ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu với chiếc tem phiếu cùng những người lạ đến ở nhà mình. Và đằng sau đôi mắt xanh non ấy, Hà Nội hiện ra...

Không lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ, đó là một Hà Nội khác, thật hơn bởi những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Đó là Hà Nội những ngày sau giải phóng miền Bắc, mọi người trở về từ nơi sơ tán với niềm hân hoan cùng nỗi lo toan xây dựng lại cuộc sống. Nhưng chẳng lâu sau, già trẻ lại dắt díu nhau đi sơ tán khỏi các trận địch tái phát bắn phá, đám trẻ ngồi dưới gầm cầu thang ôm đầu sợ hãi, hồi hộp chờ tiếng máy bay địch khuất xa. Và Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ 6x khi ấy, là các quầy mậu dịch đông người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Hà Nội còn là mái tóc phi - dê của mẹ và căn gác nơi bà nội làm việc có mùi giấy mốc kỳ lạ. Không phải 36 phố phường sầm uất kinh kỳ, mà là xưởng làm mì gia công “100 cân bột thì nhận 94 cân mì sợi”, theo cậu bé Trung Sỹ thì “có lẽ, vì dính mồ hôi con người mà các sợi mì gia công có vẻ dai và mặn hơn các sợi mì nhà nước”.

Tuổi thơ của những đứa trẻ trong “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” quả thật gắn với tem phiếu. Phiếu gạo, phiếu dầu mẹ phải đong đếm từng chút. Với cả mũ rơm tránh đạn khi về quê sơ tán. Cũng là chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn đội mà hôm nay đã nghe tin bạn giẫm phải mìn, không về được nữa. Hà Nội ấy sao mà vất vả, ngây thơ, nhưng vẫn cứ lấp lánh tình người, dù xung quanh còn nhiều hoài nghi, trăn trở về thế sự.

Những điều đó, được kể bằng chất giọng bình tĩnh, đôi lúc trào phúng, nhưng ẩn chứa nỗi đau buồn, tiếc nuối cho năm tháng và phận người. Nó làm cho người ta cười, mà cũng có thể bật khóc ngay được. Nhà văn Bình Ca, tác giả của “Quân khu Nam Đồng” thốt lên, phải có tình yêu sâu nặng lắm với Hà Nội thì mới nhớ được, ghi lại chân xác những khoảnh khắc đó. “Nhưng “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, mà còn mở ra cả bảo tàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ”.

Hoài niệm màu thời gian

“Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt”, chợt câu thơ của Đoàn Phú Tứ dẫn dắt về dòng thời gian mấy chục năm qua phủ lên Hà Nội. Mấy chục năm không làm người ta quên đi, chỉ thôi thúc người ta hoài niệm một thời. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến tìm được đồng cảm thế hệ với Trung Sỹ về một ký ức Hà Nội như dòng chảy cuộc đời xuôi theo từng trang viết. “Lượng nhà văn hiện nay viết về Hà Nội rất nhiều, nhưng viết được về Hà Nội một cách thật, lôi cuốn còn ít. Trung Sỹ nằm trong số ít ấy. Nhiều người viết về Hà Nội, như Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn... như thể rứt từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ, còn Trung Sỹ đưa cả dòng đời ào ạt chảy vào cuốn sách. Trong sự tổng hòa ấy, ta may mắn thay, được đọc một cuốn sách thật là Hà Nội”.


Hà Nội những năm 1970

“Thật là Hà Nội” vì những câu chuyện cứ như thể tuôn ra từ mùi đất, mùi gió, trong ngõ nhỏ, phố nhỏ... Hà Nội của một thời đọng trong cái thân tình của con người. Đó là câu chuyện về bà vú già chăm mẹ từ khi còn bé tí, rồi đến lúc mẹ sinh con, lại một tay bà chăm mấy đứa con ấy, đến khi bà già rồi về quê, nhà sơ tán khắp nơi, con của mẹ lại về ở nhà bà, bà yêu thương, che chở như con cháu mình... Ấy là tình cảm xuyên suốt của những người không cùng máu mủ, là một trong rất nhiều câu chuyện mà nhà văn Trung Sỹ gói trong trí nhớ của tháng năm.

Đó là câu chuyện của ông Phan Vi Long, cháu Tổng đốc Vi Văn Định, người lính pháo cao xạ 100mm cũng là nhân vật trong cuốn sách. Nhắc về Hà Nội của những ngày xưa cũ, ông nhớ mãi kỷ niệm ngày cưới. Hồi ấy đón dâu bằng xe đạp lọc cọc, phải huy động hàng xóm ai có xe thì cho mượn, tiệc cưới đơn giản, cô dì chú bác thương cháu đã để dành tem phiếu trước cả tháng, đợi đến đám cưới thì đổi lấy kẹo bánh. Ngày đón dâu, mẹ đứng đợi ở cửa và dắt con dâu vào nhà... Giản dị vậy mà tình cảm ai nấy dạt dào.

Có nhiều điều xưa cũ về Hà Nội bị chê là nhàm chán nhưng với nhiều người, Hà Nội luôn đầy điều vương vấn. Vương vấn một cách riêng, như cách Trung Sỹ gọi về Hà Nội: “Tôi sẽ không dùng chữ người Hà Nội gốc, cũng như phố cổ Hà Nội trong câu chuyện này, bởi “gốc” và “cổ” mờ mịt, xa xôi quá. Mới gần 150 năm đã gọi rằng gốc người cổ phố e chừng chưa đủ. Chữ cũ là đủ cho một lớp người rồi”. Vậy nên, Hà Nội hiện lên đúng như nó cần phải hiện lên, dù thành phố đang có nhiều biến đổi.

Theo Hải Đường - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng