Thời sự Văn chương
Những ngọn lửa không tắt
09:01 | 08/10/2019

Bước ra từ chiến trường với 10 năm làm lính đặc công đã góp phần tạo nên tên tuổi của nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam - Chu Lai. Hàng chục tác phẩm ra đời đã được đông đảo độc giả đón nhận nhưng chưa khi nào ông ngừng suy ngẫm và trăn trở. “Khi nào tôi còn neo vào hơi thở cần lao, còn hết lòng yêu thương con người, tôi còn tạo cho nhịp điệu trái tim mình”.

Những ngọn lửa không tắt
Giao lưu với nhà văn Chu Lai - Một đời lính, một nghiệp văn

Hành trình chiêm nghiệm

“Văn học đích thực như chiếc công nông cót két chạy trên đường làng, chạy đến đâu âm thanh phát ra đến đó”, nhà văn Chu Lai từng nhận định. Âm thanh phát ra trên làng quê Việt ấy là những thăng trầm của đất nước trong năm tháng đạn bom, là những khó nhọc tạo dựng cuộc sống khi đất nước hòa bình. Chu Lai lựa chọn cho mình thứ thanh âm đặc biệt, là về những người lính. Từ tiểu thuyết đầu tiên Nắng đồng bằng (1978) đến tác phẩm gần đây nhất Mưa đỏ (2016), qua hơn 4 thập kỷ cầm bút viết về đề tài chiến tranh cách mạng, ông đã đi một hành trình dài với nhiều chiêm nghiệm.

Trong buổi “Giao lưu với nhà văn Chu Lai - Một đời lính, một nghiệp văn” được Đinh Tị Books tổ chức mới đây nhân dịp ra mắt bộ tiểu thuyết gồm 4 cuốn Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Mưa đỏ, nhà văn đã có dịp trải lòng về hành trình viết của mình. Với ông, những trang giấy và cây bút chính là cái neo tâm hồn, tính cách ông vào cuộc đời. Bước ra từ chiến trường với 10 năm làm lính đặc công, cho đến giờ Chu Lai vẫn bị ám ảnh bởi cuộc chiến, như cách ông thể hiện trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng năm 1991: Dĩ vãng chiến tranh quá đau thương, hào sảng và thiêng liêng, đến nỗi nhiều người cứ sống trong đó mà không thoát ra được.

“Vì cuộc sống nghiệt ngã đến nỗi ta viết xong rồi ta quên đi. Ấy thế, có những điều có muốn quên cũng không được”. Nhà văn Chu Lai bảo, từ trước đến giờ, ông viết gì thì viết, bao giờ cũng là chiến tranh. Chiến tranh ấy nhân danh người lính, ông đẩy nó đến tận cùng của sự trần trụi nhưng bên cạnh nó là sự lãng mạn. “Nếu chiến tranh chỉ là trần trụi đơn thuần thì trầm cảm mất, còn chỉ là sự lãng mạn đơn thuần thì đâu phải là ngày hội mà reo ca… Không thể viết chiến tranh theo kiểu bôi đen hay tô hồng, chiến tranh đòi hỏi viết nó như chính nó”.

Nhà văn Chu Lai nhớ lại, một thời những người lính thế hệ ông thường vang lên câu tùy bút đầy kích động: “Người lính nằm trên võng, mong chóng sáng để ngày mai vào trận”. Hình ảnh đầy tính gợi, nghe hừng hực ý chí, nghe như ào ào Trường Sơn ấy, bây giờ nhiều người nghe lại cho rằng thật hài hước. Hài hước ở chỗ, người lính không phải robot chiến binh để mong ngày mai mau sáng để vào cuộc chiến. Đáng lẽ ra, câu nói về đề tài chiến tranh ấy có thể hay hơn: “Người lính nằm trên võng và mong trời đừng bao giờ sáng, để không bao giờ phải vào trận”. Theo nhà văn Chu Lai, so sánh ấy nói lên bản chất nhân văn của con người trong cuộc chiến. Không mong vào trận, nhưng nếu cần, mặt trời lên, người lính sẽ chiến đấu như một con người đầy tự trọng.

Trầm tích dội về

Trong sự nghiệp cầm bút, Chu Lai luôn đau đáu: Văn là mình. Viết về con người chân xác bao giờ cũng tiệm cận trái tim người đọc, mà hơn cả là để bù đắp tinh thần cho chính mình. Viết về con người thì có nhiều điều khó nói, khó nói hết... nhưng bằng cách này hay cách khác, nhà văn đưa được nó lên trang giấy, thành chữ nghĩa, đọng lại ấn tượng. Như câu chuyện người lính trong một trận pháo kích. Pháo bắn thẳng theo hướng trái vào căn cứ, anh đứng ở cửa hầm, giơ hai tay lên trong khi đúng ra phải thụt đầu xuống. Chỉ huy quát, người lính bảo: Anh cứ để em giơ tay lên, đêm qua, em nằm mơ thấy mẹ, mẹ gọi em về, mẹ sắp đi rồi. Thì ra, người lính mong pháo Mỹ tiện đứt hai bàn tay mình, để nếu may mắn còn được cáng ra hậu phương, được về gặp mẹ một lần.

“Hóa ra những người lính gan dạ nhất cũng có lúc yếu đuối, muốn mượn một trận pháo để tự thương tự sát, để được trở về Hà Nội, về với cha mẹ mình. Nhưng sau đó, hơi ấm của đồng đội, hơi ấm của vùng đất, của những bà con trong ấp chiến lược... đã cho họ một khí phách. Khí phách này không phải do hiệu triệu, mà do ngọn gió lịch sử từ ngàn năm lịch sử thổi thốc tháo sau lưng, tạo nên lòng tự trọng buộc người ta tiếp tục chiến đấu”, Chu Lai nói.

“Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhoi ấy lại là chi tiết rất đắt mà Chu Lai phải trả bằng cuộc đời chinh chiến của mình”. Nhận định như vậy, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chỉ ra, văn học Việt Nam có nhiều cuốn viết về chiến tranh hay, của Bảo Ninh, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Bùi Việt Sỹ... nhưng người đọc vẫn không thấy nhàm chán. Nhàm chán làm sao được khi người ta còn quá nhiều điều để khai thác về nó. Như Chu Lai cũng khẳng định: “Về chiến tranh, tôi nghĩ rằng đến bây giờ có viết kiểu gì cũng không hết được. Nó là đề tài càng đào sâu càng màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu, và càng lùi ra xa thì trầm tích của chiến tranh càng dội về mãnh liệt”.

Chu Lai viết tiểu thuyết, kịch và phim đều về chiến tranh và cho rằng, những câu chuyện thời chiến, dù thời gian có lùi xa bao lâu chăng nữa thì vẫn luôn là một dẫn dụ không ngừng. Ông cũng thừa nhận, nếu không trải qua cuộc đời trận mạc, ông khó có thể viết về chiến tranh chân thực như vật, nhưng tin rằng, đề tài chiến tranh không phải đặc quyền của các nhà văn đàn anh, mà những ngòi bút trẻ với sự chiêm nghiệm, suy nghĩ, yêu mến mảng đề tài sẽ tạo ra tác phẩm hay. “Chiến tranh nếu đẩy đến tận cùng của mọi sự hỉ, nộ, ái, ố, đẩy đến tận cùng của mọi sự vui buồn và trầm lại một chút thì vẫn hấp dẫn như bất cứ đề tài nào khác. Chiến tranh là một loại dung dịch thả xuống chiến hào khiến cho tất cả màu sắc con người bật lên. Những tác phẩm ấy sẽ cộng hưởng giúp mỗi người hiểu về câu chuyện chiến tranh, về những giá trị thuộc về quá khứ xa xôi nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến ngày hôm nay”.

Theo Hải Đường - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng