“Văn Nguyễn Minh Châu cho thấy nhiều hành trình, nhưng hành trình khiến tôi nhớ nhất là từ “Dấu chân người lính” (1972) đến “Lửa từ những ngôi nhà” (1977), vắt ngang thời điểm 1975, từ chiến tranh về hòa bình, từ chiến trường về hậu phương, nhưng là một hậu phương vẫn tiếp tục là chiến trường trong đời thường không khói súng. Có thể nói chất đời tràn trề, thấm đẫm trong văn Nguyễn Minh Châu” - GS. Phong Lê chia sẻ tại hội thảo “Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn.
Tinh thần đổi mới triệt để
Nguyễn Minh Châu vào nghề rồi trở thành người bạn tinh thần tin cậy của đông đảo bạn đọc vào quãng những năm 1960. Ở thời điểm ấy, nền văn học Việt Nam đã vượt qua một chặng đường dài như nhận xét của nhiều nhà văn “nó giống mạch nước qua bao ghềnh thác nay đã hóa thành sông, có dòng chảy ổn định”. Nguyễn Minh Châu đã thả con thuyền văn chương của ông xuôi theo cái dòng chảy đang có sức cuốn hút mạnh mẽ ấy.
GS.TS. Trần Đình Sử cho rằng, Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới triệt để văn học Việt Nam những năm 1980. Sau năm 1975, văn học Việt Nam trải qua một cuộc chuyển mình dữ dội, không chỉ từ văn học thời chiến sang thời bình, từ văn học sử thi sang văn học thế sự và đời tư, mà trong chiều sâu, nó chuyển từ văn học tuyên truyền, phản ánh hiện thực theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa sang một nền văn học hậu cách mạng, hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đó, Nguyễn Minh Châu đóng vai trò là một nhà văn tiên phong. Theo GS.TS. Trần Đình Sử, vai trò tiên phong của ông thể hiện ở trên 3 phương diện: Phát hiện vấn đề, thay đổi lý thuyết và thực tiễn sáng tác.
Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra 3 vấn đề chính xác: Một là hoài nghi về tính chân thực của văn học ta, do nhu cầu tuyên truyền mà tự tô hồng, che giấu bớt sự thật. Hai là ông phát hiện ra cái sai lầm trong phương pháp sáng tạo, đó là coi trọng cái thực tại cần phải có hơn cái thực tại vốn có. Cuối cùng, ông là người đầu tiên và duy nhất đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa, trong đó mô tả toàn bộ sự trói buộc, chật chội, của không gian mà trong đó nghệ sĩ sáng tạo, lên án sâu sắc chủ nghĩa giáo điều trong văn nghệ.
Nghiên cứu của nhà phê bình Đỗ Hải Ninh cũng khẳng định, thời kỳ này, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu “nổi sóng dư luận bởi tinh thần đối thoại với những tiếng nói tự vấn khác lạ, cho thấy ông đã dự cảm về một cuộc đổi mới văn chương sắp diễn ra”. Không ít bài viết của ông bày tỏ quan niệm văn chương bằng đối thoại với “Trang giấy trước đèn” hay “Viết về chiến tranh”… để rồi quyết liệt từ chối văn học minh họa với thái độ dứt khoát, thậm chí cực đoan một cách cần thiết trong “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. “Mặc dù từng gặp phải không ít ý kiến chỉ trích, nhưng đến nay những quan điểm của ông về hạn chế của văn chương một thời, tư cách nghệ sĩ, vấn đề tự do sáng tác vẫn còn nguyên giá trị”, TS Đỗ Hải Ninh nhận định.
Khắc khoải về nhân sinh
GS. Phong Lê chia sẻ: “Tôi thường liên tưởng đến Nam Cao khi nhớ về Nguyễn Minh Châu. Trong cảm nhận của tôi, cả hai có điểm gì đó gần, ở chất văn trong văn và chất nghệ sĩ nơi người; ở niềm khắc khoải lớn về nhân sinh, về cõi đời. Còn là bởi cả hai, trong tính cách, trong lối sống cũng có một vẻ gì đó giống nhau: Lẳng lặng, ít nói mà nghĩ ngợi, quan sát thì nhiều. Có lúc nhút nhát, cả thẹn. Rất thâm sâu trong văn, nhưng thầm lặng ngoài đời”.
Trong thế giới của Nguyễn Minh Châu có một “ông đồ Nghệ” đứng tách riêng ra để nhìn vào thế giới những khách quê, những con người Nghệ. Cái con người đứng trầm ngâm và lặng lẽ quan sát đó không còn là “ông đồ Nghệ” cũ, khăn gói đi tha phương kiếm sống, hành nghề. Mà là một “ông đồ Nghệ - Thủ đô” tinh tế, hóm hỉnh, tài hoa, lịch sự, nhìn chăm chú vào cái thế giới “khách quê” đó, rồi nhìn vào chính mình, ẩn dấu một nụ cười hóm hỉnh và ngượng nghịu”. Với GS. Phong Lê, quả dường như có một thế giới chân dung người Nghệ, nơi văn Nguyễn Minh Châu được nhìn trong một vầng ánh sáng của phố xá, của đô thị, của Thủ đô, do vậy mà rõ nét hơn trong cả những mặt sáng và khuất tối của họ.
Những năm cuối thế kỷ XX, Nguyễn Minh Châu là một trong số người hiếm hoi “chạm được vào những vỉa quặng lớn của đời sống bằng các tác phẩm không chỉ là can đảm, là dũng cảm, mà còn là quyết liệt, trong một tầm đón xa về phía trước, và trong một nhận thức và đòi hỏi rất cao về mình và về nghề nghiệp của mình. Con người lúc nào cũng đau đáu một niềm ham mê ấy, một khao khát ấy - viết sao cho chạm được vào các tầng sâu, vào tận đáy sâu những sự thật, về quê hương, đất nước, dân tộc mình”, GS. Phong Lê nhận định.
Với quan niệm, “bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh” (“Miền cháy”), Nguyễn Minh Châu đã rất có ý thức phải viết, phải sáng tạo từ một tâm thức khác. PGS. TS. Thái Phan Vàng Anh khẳng định, với các tác phẩm được viết ngay sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã hướng ngòi bút đến những bỡ ngỡ, ngổn ngang của đất nước thời kỳ đầu hậu chiến vốn đầy thách thức. “Ẩn hiện trong các trang viết là sự trăn trở của tác giả về vai trò của người lính, của người cán bộ đi ra từ chiến tranh và khả năng gánh vác, tiếp tục dựng xây đất nước. Tuy vậy, vượt qua nhiều thử thách, những dằn vặt nội tâm, các nhân vật chính diện, những người bên phía chiến thắng… vẫn tiếp tục được thể hiện từ cảm hứng ngợi ca”.