Tín hiệu thẩm mỹ trong ngôn ngữ Phùng Hiệu hướng về những chân trời trong ngần; Một “cấu trúc vẫy gọi” cho ta đi tới và trở về với tâm tư. Ở đó, thơ đã định vị cho người đọc một cảm thức mới. Với Phùng Hiệu - đó là tuổi thơ của loài người buổi sơ mộng, và mai hậu trong đời sống này.
“Biên bản thặng dư” khiến người đọc khá bất ngờ bởi ngôn phong cũng như lối tư duy trong tập này của anh rất khác biệt. Như những ánh đèn cao áp có công suất mạnh mẽ, soi chiếu trực diện vào mặt trái của cuộc sống, của những bà mẹ, người lao động, những đứa trẻ bán vé số.
Họ, là những bản thể mong manh, quạnh quẽ thấp thoáng bên ga đời. Lặng lẽ, cam chịu, nhận về mình muôn nghìn ngọn roi vô hình của cuộc sống quất vào tâm can.
Nhà thơ Phùng Hiệu.
Phùng Hiệu suy niệm, đến ngay cả ánh sáng cũng hàm chứa những vi lượng của bóng tối. Đây là mối liên hệ biện chứng mà triết học bao đời đã kiến giải.
Thi ca, với vai trò muôn thuở của mình đã vào cuộc, dấn thân, chứng gian cho những điều này… “Gói sự thật vào giấc mơ. Tôi đi tìm công lý. Tin chắc ở phía chân trời có ánh bình minh. Nhưng khi vừa đến chân trời, tôi chạm phải bóng đêm. Đi sâu vào bóng đêm.
Là cả hành trình lương tri lộ diện…” (Kẽ hở bình minh). Hệt đồng tiền hai mặt, mặt kia là sự nghịch đảo của mặt này. “Sau phía hoàng hôn. Tôi nhận diện được bóng đêm. Ở đấy. Sự thật luôn bị đánh lừa. Sau kẽ hở bình minh”.
Ánh đèn đêm luôn tạo nên những ám ảnh trong thơ Phùng Hiệu. Hay nói cách khác, đó là nơi chực chờ của “cạm bẫy người”. Dưới ánh đèn màu, đã diễn ra bao cuộc đánh đổi, ngã giá của tuổi trẻ đi hoang, trong mê lộ đầy ảo ảnh, ảo vọng.
“Sau đêm. Những bước chân hoang lần về công sở. Em giật mình tỉnh giấc. Rã rời trong hạnh phúc thuê bao.
Đến một ngày em nhận ra em. Thì giấc mơ đã tan về chốn cũ. Một đêm vắng trên màn hình ế ẩm. Gọi em về sa thải một cơn mơ" - (Sa thải một cơn mơ).
Những “cung đường ngã giá về đêm” đã thành lối vào vô vọng, bất định. Tuổi thanh xuân tàn phai theo hiu hắt ánh khuya đêm…
Niềm vui hay nỗi đau, cũng chỉ là âm bản và dương bản nặng trĩu ưu tư trong từng câu thơ, như giọt lệ hân hoan trong thơ Phùng Hiệu. Là dấu gạch nối, liên tiến của cảm thức thi nhân với nỗi đau của nhân thế.
“Này mẹ hỡi, hãy thương giùm đôi gậy. Như thương con từ thuở mới chào đời. Vì chiếc gậy bên đời con như mẹ. Cũng thương con như thể mẹ thương người. Ngày cha đi biền biệt ở chiến trường. Mẹ đứng dậy khói hương từng thập kỉ. Con lớn dần qua đôi gậy da cam”.
Những câu thơ, cấu tứ bài thơ run rẩy niềm cảm thông trước nỗi thống khổ vĩ đại đó. Xô lệch mọi cấu trúc ngữ pháp, nhà thơ chìa bàn tay để hồi sinh, làm ấm lại những vòng tay…
Nước mắt có lẽ sẽ trở nên lộng lẫy, thanh lọc hồn ta hơn khi tiếng lòng cùng hòa điệu. “Ôi! Những tờ vé số chứng minh số phận. Tôi đau thương cầm mấy mươi nghìn. Không thể nào dịu nỗi đau. Cho em bé đến trường. Bằng tiếng rao vé số”. (Đằng sau tờ vé số)
“Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu là tập hợp những ký họa và tốc ký bằng ngôn ngữ thi ca. Thơ anh dung dị, không dụng công nhiều các phép tu từ của văn chương mà trực diện đi vào cuộc đời để soi chiếu, mổ xẻ tận cùng của những góc tăm tối nhất của bao thân phận. Thắp sáng vào đêm, xua tan mọi tăm tối, xanh lại những cỗi cằn. Và đề cao nhân vị, để những đời cần lao tỉnh thức, tìm cho mình một nẻo về đầy ý nghĩa phía tương lai.
Thơ, giờ đây đang dìu nhân thế trở về với “bản lai diện mục” của mình. Từng giọt lệ hân hoan đã khơi. Bao nỗi vơi phai. Người thơ bắc một nhịp cầu tri âm để vui lại đôi bờ thương nhớ.
Trên cánh đồng chữ, mùa tâm tư đã trổ bông vào hội yêu thương…
“Những con chữ nhảy múa trên cánh đồng tài nguyên ngôn ngữ. Cho cảm xúc tuôn, cho lãng mạn trào. Mơ về em. Ta mới biết cuộc đời còn có tình yêu…”. (Nhấp phím).