Thời sự Văn chương
Món quà thân ái
14:57 | 10/12/2019

Hãy cùng trở lại quá khứ, nghe câu chuyện có thật mà như cổ tích, để cảm nhận về một tình bạn đầy xúc động. Tình bạn giữa đôi voi Xung và Cung. Tình bạn giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô ngày ấy, Việt Nam - Liên bang Nga bây giờ.

Món quà thân ái
TS. Nguyễn Thụy Anh, TS. Nguyễn Quốc Hùng và con gái họa sĩ Vladimir Sevchenko trong buổi giao lưu ra mắt sách tại Hà Nội - Ảnh: Thái Minh

Vượt đường xa vạn dặm

Đôi bạn voi sinh năm 1907 dưới tán rừng già nhiệt đới. Lớn lên trong thời kỳ đất nước bị giặc ngoại xâm, đôi bạn voi đã cùng nhân dân Việt Nam trải qua nhiều đau thương rồi vùng lên quật khởi, đấu tranh giành độc lập. Năm 1953, hai con voi lên đường đến Liên Xô như một món quà của tình hữu nghị, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam tặng thiếu nhi và nhân dân thành phố Leningrad, tức thành phố Saint Petersburg của nước Nga ngày nay. Đường xa vạn dặm, hai bạn voi đã đi bộ một năm 3 tháng, băng rừng, lội suối, trèo đèo, thêm 29 ngày ròng rã đi xe lửa từ Trung Quốc qua vùng Siberia mênh mông, đến ga cuối cùng là Phần Lan, từ đó được đón về vườn bách thú thành phố. Người dân Leningrad đã hào hứng đón đôi voi, kể cho nhau nghe về hành trình dài gian khổ trước khi có mặt tại đây, và gọi chúng bằng hai cái tên trìu mến: Xung và Cung.

Xung và Cung sống trong vườn thú Leningrad một thời gian dài và mang niềm vui cho thiếu nhi, người dân cũng như vị khách đến thăm thành phố. Tình cờ, câu chuyện ấy đến với Vladimir Sevchenko, trở thành nguồn cảm hứng bay bổng để chàng sinh viên ngành mỹ thuật vẽ nên một loạt tranh về Việt Nam cùng chuyến chu du đầy can đảm của đôi bạn voi. Ấy thế, đối với họa sĩ, Việt Nam vẫn là một nơi xa lắc và bí ẩn. Sevchenko phải dành hàng giờ mỗi ngày để gặp đôi voi, phác thảo hàng trăm bức tranh. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đấy. Những bức tranh đó, một lần nữa tác động mãnh liệt đến nhà văn thiếu nhi nổi tiếng Vitali Bianki, khiến ông đặt bút viết bản hùng ca về đôi voi này. Việt Nam hiện ra tươi đẹp và kỳ vĩ trong câu văn miêu tả khung cảnh rừng già, sông nước, con người hiền hòa và kiên cường... Cuốn sách “Xung và Cung - Đôi bạn voi dũng cảm” của hai tác giả được xuất bản hàng triệu bản bằng tiếng Nga, minh chứng cho tình hữu nghị, gắn bó sâu sắc giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, lần đầu tiên cuốn sách được hai dịch giả Nguyễn Thụy Anh và Nguyễn Quốc Hùng dịch sang tiếng Việt. Cuốn sách gợi nhớ những trang đối thoại văn hóa rực rỡ giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô ngày ấy, Việt Nam - Liên bang Nga bây giờ. Hai dịch giả chia sẻ, cùng nhau thực hiện một cuốn sách giản dị không phải vì họ không thể làm việc độc lập, mà đó là niềm vui ấm áp khi được cùng kể một câu chuyện ý nghĩa của tình bạn giữa đôi voi, giữa hai quốc gia, cũng như niềm vui của nhà văn Bianki và họa sĩ Sevchenko từng có.

“Khi dịch, tôi nghĩ không biết các bạn độc giả tiếp nhận cuốn sách này như thế nào, bởi vì cuốn sách tương đối đơn giản, và câu chuyện về Việt Nam thì các bạn quá biết rồi. Nhưng tôi lại muốn các bạn nhìn ở góc độ khác, qua lăng kính của một người nước ngoài ta mới thấy vẻ lung linh của những gì vốn quá thân thương, gần gũi, đến nỗi ta quên dành thời gian mà ngắm nhìn, âu yếm. Cuốn sách mỏng với những điều đặc biệt giản dị nhưng tôi cho rằng nó chứa đựng nhiều câu chuyện lớn lao”, dịch giả Nguyễn Thụy Anh nói.


Cuốn sách “Xung và Cung - Đôi bạn voi dũng cảm” mới ra mắt độc giả Việt Nam
Ảnh: Thái Minh

Thắm thiết tình hữu nghị

Sau 60 năm, câu chuyện của Xung và Cung đến với độc giả Việt Nam nhờ dịp tình cờ TS. Nguyễn Quốc Hùng gặp bà Nikolskaia Galina Vladimirovna, con gái họa sĩ Vlardimir Sevchenko. “Ánh mắt nhiệt huyết của bà, năng lượng tỏa ra khi bà nói về cha mình, kể về hành trình của hai bạn voi từ Việt Nam tới Liên Xô khiến tôi rất xúc động. Có lẽ, bất cứ ai khi nghe đều muốn lan tỏa câu chuyện đó tới độc giả Việt Nam, để chúng ta biết được món quà giản dị, giàu tình cảm mà Việt Nam đáp lại sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Liên Xô”. Theo dịch giả Nguyễn Quốc Hùng, càng ý nghĩa trong không khí kỷ niệm năm chéo hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (2019 - 2020), kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950 - 2020), khi mỗi người ngược về quá khứ, nghe câu chuyện có thật mà như cổ tích này.

Gặp gỡ độc giả Việt Nam trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội (7.12), bà Nikolskaia  xúc động nhớ về người cha của mình, về những tình cảm của ông đối với Việt Nam và tâm sức của ông khi vẽ về đôi bạn voi như minh chứng cho tình hữu nghị. “Cũng như những người Xô Viết thời đó, cha tôi tìm hiểu về Việt Nam, yêu mến nhân dân Việt Nam. Ông đắm chìm vào hình ảnh hai bạn voi để vẽ nên câu chuyện. Suốt bao năm qua, đấy chính là nhịp cầu vun đắp tình cảm đáng tự hào giữa hai nước. Đó là tình cảm không biên giới, không phân biệt không gian, thời gian, trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn được lưu giữ, và đang lan tỏa đến thế hệ trẻ Việt Nam - Liên bang Nga hiện nay”.

Khi các bạn nhỏ Liên Xô đọc cuốn sách và thả trí tưởng tượng bay bổng đến một đất nước kỳ lạ, các em đã biết thêm về một Việt Nam như miền cổ tích, thấy những cái cây, con vật chưa bao giờ được thấy, biết những điều mà các em chưa bao giờ được nghe... Nhân dân Liên Xô đã nghe câu chuyện đôi bạn voi bằng trải nghiệm thực tế của mình, vì khi hai bạn voi sang đến thành phố Leningrad tươi đẹp, họ cũng vừa mới trải qua chiến tranh chống phát xít chưa đầy chục năm. Vì nước Nga nằm ở châu Âu và châu Á, họ mang trong mình tâm thức của phương Đông nên có sẵn chất tự sự rất gần gũi với Việt Nam. Và vì thế, câu chuyện đã chạm đến trái tim của hàng triệu bạn đọc Liên Xô, bây giờ tác động ngược lại hàng triệu độc giả Việt Nam.

Theo dịch giả Nguyễn Thụy Anh, “bước vào thời đại mới, thông tin về Liên Xô, về những con người Xô Viết trước đây dần ít đi, với nhiều bạn trẻ có cảm giác xa lạ. Thông qua những câu chuyện nhỏ như vậy sẽ giúp mọi người hiểu được con đường đi đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô xưa và Liên bang Nga ngày nay. Dù nhỏ, giản dị, nhưng đó là động lực mạnh mẽ để lan tỏa cho thế hệ mai sau tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị ấy”.

Theo Hải Đường - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng