Thời sự Văn chương
Góp thêm thông điệp tri ân lịch sử
09:17 | 27/04/2020

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản cuốn sách “Không thể lãng quên” của Thượng tá, nhà báo Trần Hoàng Tiến (Báo Quân đội nhân dân) vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Góp thêm thông điệp tri ân lịch sử

Cuốn sách dày hơn 200 trang với 26 bài bút ký, phóng sự đã được anh “thai nghén”, trau chuốt trong quá trình nhiều năm làm báo của mình. Trong tác phẩm “Cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu” ở Côn Đảo”, bằng cách lồng ghép, tái hiện lịch sử qua thể loại bút ký tự sự, tác giả đã mượn lời những nhân chứng sống để kể lại một câu chuyện bi tráng trong lịch sử của những người anh hùng Côn Đảo một thời mà ngày nay nhiều người trong số chúng ta chưa biết đến. Sự kỳ công của tác giả ở đây là bên cạnh việc chọn những nhân chứng lịch sử để “mượn lời” tự sự là việc tạo nên những không gian, thời gian, những chi tiết độc đáo, hiếm được sử sách ghi chép lại, để làm sống động và lay động trái tim những con người khi nhìn về quá khứ, nhìn lại lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Là tập sách thuộc thể loại ký sự, nhiều bài viết khá giàu chất văn học bởi những câu chữ mềm mại, uyển chuyển. Nó không phải là kiểu liệt kê hay ghi chép thông thường và không mang nặng tính thông tấn của thể loại báo chí, mà tác giả thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật của ngôn ngữ văn học dựa trên cái nhìn đa chiều, sâu sắc. Điều đó được thể hiện rõ nét ở từng tiêu đề của các bài viết, từng câu chuyện mà anh kể. Đó là: Tiếng vọng Trường Sơn, Khoảng lặng trên cao nguyên, Một trung đoàn đáng sợ, Những Pa-ven của Hà Nội, Mảnh đạn thời gian...

Ở từng câu chuyện trong cuốn sách, tác giả đã đem đến cho người đọc những bất ngờ. Đó là từ sự lựa chọn những chi tiết đến sự khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ và nhân vật, sự kiện. Nhiều tác phẩm, tác giả đã làm xúc động người đọc bởi câu chuyện cảm động và có phần day dứt. Đó là những đớn đau đã hằn sâu trong mỗi người lính và những người từng đi qua lửa đạn của chiến tranh.

Song hành những hình tượng, những kỷ lục lịch sử, những khoảnh khắc sống mãi với thời gian, tác giả đã có những so sánh thông qua thủ pháp tả chân của nghệ thuật phóng sự, bút ký. Đó là sự so sánh khéo léo giữa một “Ngã ba Đồng Lộc” trong kháng chiến chống Mỹ với “Ngã ba Cò Nòi” trong kháng chiến chống Pháp; đó là “Người lính mang tên Hoàng Cầm (người sáng tạo ra bếp Hoàng Cầm sống mãi với thời gian) và một vị tướng cùng tên; đó là người lái chiếc xe lịch sử tiến vào Dinh Độc Lập năm xưa vẫn lặng lẽ nơi vùng quê hẻo lánh; hay người cựu chiến binh của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân suốt một đời đánh giặc từ Bắc vào Nam, nhưng “đến lúc cuối đời vẫn lặng lẽ ẩn mình trong căn nhà cũ giữa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ”.

Thông điệp từ cuốn sách “Không thể lãng quên” như muốn góp thêm một tiếng nói nhắc nhớ thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên những giá trị của lịch sử và công lao của những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đúng như lời nói bất hủ mà Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Vũ Xuân đã từng ghi trong những trang nhật ký của mình: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.

Theo Xuân Hùng - QĐND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng