Bằng kiến thức của một chuyên gia đầu ngành và sự trân trọng quá khứ một đi không trở lại, ông đã chỉ ra giá trị của cuốn sách và ý nghĩa của việc làm sống lại những kí ức Hà Nội rất đặc biệt thông qua cuốn sách này...
Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, quy tụ những người có năng khiếu hội họa nhất trong toàn cõi Đông Dương, được nhận vào học qua những cuộc thi sát hạch hết sức ngặt nghèo. Thực tế là những khóa đầu, Trường chỉ tuyển mỗi năm được mươi, mười lăm người. Các sinh viên trúng tuyển vào Trường đứng trước một cơ may lớn: Được bảo đảm cuộc sống, được chăm lo điều kiện học hành, được đào tạo về chuyên môn hội họa rất bài bản, và tương lai sẽ được thụ hưởng cuộc sống thành đạt, nên danh nên giá... Như lịch sử đã cho thấy, không ít người trong số những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, sau đã trở thành những họa sĩ hàng đầu của đất nước.
Nhưng như thế không có nghĩa các sinh viên vào trường là sẽ sống trong tháp ngà. Mặc dù họ chỉ có nhiệm vụ học là chính, học cho ra học, không hề phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng họ cũng sớm được định hướng thâm nhập đời sống thực tế. Không chỉ đi tham quan dã ngoại, quan sát cuộc đời, ký họa phong cảnh, sinh hoạt của người dân, họ còn được giao thực hiện những công việc có tầm văn hóa để đời mà cuốn sách này là một chứng minh.
Bắt đầu từ một dự án của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu sau khi thành lập: Xuất phát từ một ý tưởng của ai không rõ, các thầy cho 15 sinh viên đi vẽ chỉ một chuyên đề "Những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội". Từ bà bán bánh trái, bác bán phở, cô gái bán hoa, cậu bé bán nước chè, anh hàng tào phớ đến những người đi thu mua đồng nát, vải vụn, tóc rối... Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thầy Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội. Đó chính là hàng rong và những tiếng rao hàng trên đường phố Hà thành mà từ bao giờ đã trở thành một biểu hiện đặc trưng của thành phố, và người Pháp, bằng cảm quan văn hóa của mình, đã sớm nhận ra nét đặc trưng đó. Công trình của các thầy trò trường Cao đẳng Mỹ thuật - gồm ký họa của các sinh viên Việt Nam cùng phần dẫn luận và các lời bình của ông thầy hướng dẫn - sau đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành ở cả Đông Dương và Paris, Pháp.
Gần một trăm năm đã qua kể từ khi ấy. Biết bao thay đổi đã diễn ra với Thủ đô. Không chỉ nhiều những phố nhỏ ngõ nhỏ không còn, mà hình bóng những con người lầm lũi đi sâu vào các ngõ phố rao bán những món ăn, thức dùng thường nhật của dân hàng phố cũng dần mất dạng. Tất cả chỉ còn lại trong ký ức của một số ít người Hà Nội có tuổi và nhiều phần hoài cổ...
Và đây chính là lúc công trình của thầy trò Trường Viễn Đông Bác Cổ năm xưa cho thấy giá trị văn hóa - lịch sử của nó. Tại Paris, người ta tổ chức triển lãm ký họa chuyên đề hàng rong Hà Nội của các sinh viên xưa, mà nay là những tên tuổi lớn của nghệ thuật tạo hình Việt Nam - những Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ... Đặc biệt, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp còn xuất bản một cuốn sách về chính công trình này, làm sống lại dự án có một không hai đó. Cuốn sách không chỉ giới thiệu các bức ký họa của sinh viên, bản viết tay tiếng Pháp của ông thầy hướng dẫn, mà còn được làm sáng tỏ thêm qua lời giới thiệu vô cùng quan trọng của ông Olivier Tessier, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội. Bằng kiến thức của một chuyên gia đầu ngành và sự trân trọng quá khứ một đi không trở lại, ông đã chỉ ra giá trị của cuốn sách và ý nghĩa của việc làm sống lại những kí ức Hà Nội rất đặc biệt thông qua cuốn sách này. Có thể nói, phần giới thiệu của ông không chỉ nâng tầm giá trị cuốn sách, mà còn làm sâu sắc thêm nhận thức của người đọc về tầm quan trọng của văn hóa, đặc biệt khi nó được biểu hiện qua những khía cạnh hết sức đời thường, dễ bị bỏ qua, như một tiếng rao hàng ê a trên đường phố...