Thời sự Văn chương
Tố Hữu đã đi vào lịch sử văn học cách mạng Việt Nam
14:59 | 21/10/2020

Sáng ngày 20/10/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020).

Tố Hữu đã đi vào lịch sử văn học cách mạng Việt Nam
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ tham dự Lễ kỉ niệm.

Tham dự lễ kỉ niệm có nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ( Bộ VHTTDL); Ông Phan Trọng Thưởng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận phê bình VHNT Trung ương; các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện gia đình nhà thơ Tố Hữu; cùng các nhà văn nhà thơ, bạn đọc yêu mến thơ Tố Hữu.

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dù được sinh ra ở Hội An nhưng Thừa Thiên Huế lại là quê hương, là nơi khơi nguồn, bồi đắp lí tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn thơ ca của Tố Hữu. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những bước trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ ca của ông. Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác V.I.Lênin và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh... Đặc biệt, được sự dìu dắt của các nhà cách mạng Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu... Tố Hữu đã sớm giác ngộ ánh sáng của Đảng, của Cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng, trong đó có nhiều năm ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ mà anh dũng và vẻ vang của dân tộc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại buổi lễ.


Phát biểu khai mạc Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu là một sự kiện văn hóa lớn, vì ông đã tham gia rất nhiều vào đời sống của mỗi chúng ta, vì chúng ta quá quen có Tố Hữu trong mỗi chặng đường cách mạng, và vì Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thơ của ông là tiếng hát thiết tha, nóng bỏng và ngọt ngào, vì độc lập tự do hạnh phúc của con người...

Thơ Tố Hữu có sức chinh phục lớn lao, từ người trí thức, đến những người dân quê bình thường, từ các cán bộ cách mạng đến những người đồng chí, đồng sự, lớp thanh niên lớn lên và những người từng trải, mỗi người đều bắt gặp mình trong thơ của ông. Thơ Tố Hữu được truyền miệng, chép tay, đi vào những lá thư gửi người yêu, đồng đội...

Tố Hữu là người hướng dẫn tinh thần, người tổ chức, người tiên phong của nền thơ cách mạng. Mỗi nhà thơ đều có phong cách và quá trình phát triển của riêng mình, nhưng vai trò và ảnh hưởng của ông thì không ai có thể phủ nhận được.

Một trăm năm, Tố Hữu như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa càng thấy cao. Ông là sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ câu chuyện về Tố Hữu tại Lễ kỉ niệm.


Cũng tại Lễ kỉ niệm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ, thuở nhỏ, khi mới 8 - 9 tuổi, ông đã thuộc lòng nhiều bài thơ của Tố Hữu, thơ Tố Hữu đã lặng lẽ dẫn đường cho ông học tập và làm thơ, đặc biệt hơn đã góp phần quan trọng dạy ông làm người, trước hết là làm một người lính, biết bảo vệ Tổ quốc, biết bảo vệ những giá trị nhân văn trước sự xâm lăng của cái xấu cái ác, biết thương mẹ và thương những người mẹ chiến sĩ: “Con đi đánh giặc mười năm/ Không bằng vất vả đời bầm sáu mươi…”, yêu quê hương thắm thiết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên…”. Thơ Tố Hữu luôn dạy ông biết yêu nước thương dân, biết gắn bó cuộc đời với thơ ca và cách mạng. Cái cốt lõi trong thơ Tố Hữu, theo ông chính là điều này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Dù thời gian có trôi đi, tôi vẫn nhận ra rằng, Tố Hữu vẫn ở bên cạnh tôi, bên cạnh mỗi chúng ta, vẫn không bao giờ mất đi, không bao giờ già đi, vì những gì ông đã mang đến cho nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, như đã có từ 50 năm nay, hơn thế nữa từ 80 năm nay… thì những điều đó vĩnh viễn bất tử”.

Ông Nguyễn Hữu Phương, con trai trưởng của nhà thơ Tố Hữu tại Lễ kỉ niệm.


Giáo sư Hà Minh Đức, Giáo sư Phong Lê, Nhà thơ - nhà báo Mai Nam Thắng... đều có những chia sẻ và đánh giá quan trọng về tính cách con người, về lối sống, về gia đình, về con đường sáng tác văn học của nhà thơ Tố Hữu. Những chia sẻ, nhận định ấy, càng làm chúng ta hiểu rõ hơn về Tố Hữu – người chiến sĩ cách mạng kiên trung; một nhà thơ cách mạng tài năng, tiêu biểu, đi đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam - người truyền cảm hứng, niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng đến đông đảo tầng lớp nhân dân; một con người đức độ tài năng mà nhân hậu gần gũi...

Các vị đại biểu cùng con trai nhà thơ Tố Hữu chụp ảnh kỉ niệm tại sự kiện.


Ông Nguyễn Hữu Phương, con trai trưởng của nhà thơ Tố Hữu thay mặt gia đình bày tỏ lòng biết ơn và sự có mặt, hiện diện, các bài phát biểu, tham luận, những tình cảm quý báu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, các giáo sư, nhà văn, nhà thơ và bạn đọc yêu mến con người và thơ Tố Hữu.

Theo Ngọc Linh - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng