Thời sự Văn chương
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 xuân xanh
09:18 | 12/11/2020

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920, quê gốc thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông cũng là một trong những hội viên tiền phong tham gia xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm nay ông tròn 100 tuổi. Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức chúc thọ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tại trụ sở số 9, Nguyễn Đình Chiểu hôm 9/11/2020 với sự tham gia của lãnh đạo Hội, các nhà văn nhà thơ và đại diện gia đình của ông.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 xuân xanh
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại buổi chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi.

Nguyễn Xuân Sanh sinh ra tại Đà Lạt. Cha ông vốn là một nhà nho quê Quảng Bình di cư vào đây. Ông học trung học và đại học ở Hà Nội và làm thơ từ khá sớm. Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Sanh đã có truyện thơ “Lạc loài đăng nhiều kì trên báo. Ông xuất hiện trong phong trào Thơ Mới và sớm bộc lộ giọng điệu thơ khác biệt so với những nhà thơ cùng thời. Ông cũng là một trong những người khởi xướng và thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập.

Năm 1939, Nguyễn Xuân Sanh cùng với một số văn nghệ sĩ khác như nhà thơ Phạm Văn Hạnh, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát lập nhóm Xuân Thu với nỗ lực tìm tìm kiếm một con đường để thoát khỏi những bế tắc, dằn vặt của các văn nghệ sĩ đương thời. Năm 1942 nhóm xuất bản một tập sách mang tên Xuân Thu nhã tập, gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lí và tuyên ngôn nghệ thuật. Sau đó, tên tập sách dần được dùng làm tên gọi của nhóm.

Ảnh tư liệu: Hàng đầu, từ trái qua: Nhà văn Nam Cao, nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Kim Lân, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Hàng sau, từ trái qua: Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà văn Học Phi, Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài. 


Nhóm Xuân Thu nhã tập chủ trương đổi mới, ghét sự nhàm chán, sự bắt chước đã thành công thức, sự ủy mị nhạt nhẽo của một bộ phận thơ ca lãng mạn, nhất là "cái tôi", mảnh đất linh diệu của Thơ Mới đã được đào sâu đến tận cùng, và đến lúc này đã mất đi sức sống. Nhóm khao khát tìm đến cái mới, phủ nhận và vượt lên cái cũ, cái lỗi thời... Ngay trang đầu tập sách Xuân Thu nhã tập có dòng đề tựa: "Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: Trí thức - Sáng tạo - Đạo đức”. Tạm hiểu là: Sự hiểu biết mở đường cho sáng tạo, và sáng tạo chân chính bao giờ cũng để đạt đến chân lí cao siêu - đó là Đạo. Đây chính là phương châm hoạt động của nhóm.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Xuân Sanh tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, Nguyễn Xuân Sanh lên Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương.

Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Năm 1966 nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được phân công giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng viết văn và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tại buổi chúc mừng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định tài năng thơ ca và những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cho nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung và Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng. Có thể khẳng định, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã có những đóng góp lớn trong việc cách tân thơ, trong công tác đào tạo các nhà văn trẻ và trong dịch thuật, nhằm giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới với bạn đọc Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Ở nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người ta thấy được sự kết hợp của lí tưởng xã hội với lí tưởng nghệ thuật, sự tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật cũng là để phản ánh hiện thực cuộc sống tốt đẹp hơn...

Bên cạnh đó, các ý kiến của của GS. Phong Lê, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Mã Giang Lân, dịch giả Thúy Toàn, nhà phê bình văn học Cao Ngọc Thắng… đều khẳng định sự tìm tòi sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và các thành viên trong nhóm Xuân Thu nhã tập. Sau này, khi tham gia cách mạng và theo kháng chiến, thơ ca của ông đã có những thay đổi lớn, nhập cuộc hơn cũng như gần với hiện thực cuộc sống hơn...

Nguyễn Xuân Sanh cũng là một trong số các nhà văn, nhà thơ tiên phong sáng lập và xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam còn sống đến hôm nay. Hiện tại, dù sức khỏe đã giảm sút, ông không còn tham gia sáng tác, song những đóng góp của Nguyễn Xuân Sanh cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, cho sự trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam và xã hội vẫn luôn được ghi nhận.

Theo Bảo An - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng