Thời sự Văn chương
Ra mắt tiểu thuyết "Hừng Đông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - Đưa lịch sử đến gần hơn độc giả
08:54 | 31/12/2020

“Hừng Đông” viết về “đêm trước” của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong bối cảnh ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố, mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học - chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu.

Ra mắt tiểu thuyết "Hừng Đông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - Đưa lịch sử đến gần hơn độc giả
Chương trình có sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, đại diện gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu

"Đêm trước" của cách mạng

Chào mừng Đại hội XIII của Đảng, sáng 30.12, tại Hà Nội, NXB Văn học phối hợp với Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty Văn hóa & Truyền thông Liên Việt tổ chức ra mắt tiểu thuyết “Hừng Đông” về hình tượng người cộng sản thời dựng Đảng, cứu nước của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ.

"Hừng Đông" là cuốn tiểu thuyết tư liệu về Phan Đăng Lưu (5.5.1902 - 28.8.1941, quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là xã Tràng Thành), Yên Thành, Nghệ An) - nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Phan Đăng Lưu sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về chữ Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.

Bằng nghệ thuật ngôn ngữ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối, từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh Nông của Pháp; quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia Hội Phục Việt, sau chuyển thành Hội Hưng Nam, rồi Đảng Tân Việt và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 3.1937), Ủy viên Trung ương Đảng (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938 - 1940).

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Hừng Đông” nói về đêm trước của cách mạng, đầy máu lửa, hy sinh, nhưng tinh thần của những chiến sĩ cách mạng lúc đó thật tuyệt vời, trong khó khăn gian khổ họ vẫn lạc quan, tâm hồn phong phú. Tôi cố gắng khắc họa tình cảm của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu với quê hương, với gia đình, với đồng chí của mình... Điều cần nói về Phan Đăng Lưu là nhà tri thức theo cách mạng, nhìn mọi sự vật hiện tượng với tư duy khoa học, sắc sảo và bản lĩnh”.

Năm 2015, ông Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản sân khấu “Hừng Đông” về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, sau đó chuyển sang thể loại tiểu thuyết. Cái khó của tiểu thuyết tư liệu, theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phải bảo đảm tính chính xác, nhân vật, sự kiện lịch sử không được hư cấu. Tuy nhiên, nhà văn có quyền đi sâu vào nội tâm của nhân vật và hư cấu một số nhân vật phụ...

Về quá khứ để tìm câu trả lời cho hiện tại

Tại lễ ra mắt tiểu thuyết “Hừng Đông”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định: Thực tế, hiểu biết của chúng ta về Phan Đăng Lưu không nhiều, cuộc đời và những đóng góp của nhà cách mạng đọng lại chỉ trong lịch sử Đảng, số liệu khô khan. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tạo nên được nhân vật xuyên suốt là nhà cách mạng đầy đủ cá tính, chân dung, ứng xử, có những đặc tính riêng. Qua 11 chương, tác giả vẽ lên quá trình hoạt động tương đối đầy đủ về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Đọc mỗi chương gần như truyện ngắn, vì gói gọn một vấn đề. Qua đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm, tác giả đã bộc lộ tính cách nhân vật và cả chủ trương, đường lối cách mạng trong từng giai đoạn. Không chỉ nói về quá khứ, các vấn đề của cuốn tiểu thuyết đưa ra vẫn mang tính thời đại. Tuy nhiên, nhà văn còn dùng một số từ quá hiện đại so với thời kỳ đầu thế kỷ XX...

Còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: “Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện được nhân vật từ những vấn đề chung (đấu tranh cách mạng) đến những vấn đề riêng của nhân vật. Viết về lịch sử không thể “bịa”, nhất là về nhà cách mạng kiệt xuất, nhưng cách nhà văn đi vào thế giới nội tâm của nhân vật, có những đoạn trữ tình rất hay”.

Cũng theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, dòng văn chương/tiểu thuyết về đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) có xu hướng được kéo gần lại, xét về mặt thời gian, đó là những biến cố của thời hiện đại (thế kỷ XX). Bắt đầu từ “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2014) của tác giả Trần Mai Hạnh viết về thời khắc lịch sử sụp đổ thảm bại và tất yếu của chính thể Việt Nam Cộng hòa, ngày 30.4.1975. Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, những cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải đều có xu hướng “kéo" lịch sử lại gần hơn với độc giả như “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn, “Đường về Thăng Long” của Nguyễn Thế Quang, “Võ Nguyên Giáp” của Vũ Xuân Tửu, “Gió Thượng Phùng” của Võ Bá Cường... Chúng khác với xu hướng đẩy xa, xét về thời gian, lịch sử như “Từ Dụ Thái hậu” của Trần Thùy Mai, “Mệnh đế vương” của Trương Thị Thanh Hiền, “Thị Lộ chính danh” của Võ Khắc Nghiêm, “Chim bằng và nghé hoa” của Bùi Việt Sỹ, “Hùng binh” của Đăng Ngọc Hưng...

Lý giải vấn đề trên, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước những vấn đề rất nhạy cảm của chủ quyền lãnh thổ, những vấn đề về các thang giá trị văn hóa, đạo đức có nguy cơ xuống cấp, tinh thần đoàn kết giảm sút nơi này, lúc khác khiến cho phân tán lực lượng, suy giảm sức mạnh cộng đồng. Vì thế, chúng ta cần tìm những câu trả lời cho hiện tại từ quá khứ gần. Đó là động hướng tinh thần “ôn cố tri tân" cần thiết và cấp bách hiện nay”.

Theo Ngọc Phương - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sau bão... (11/12/2020)