Thời sự Văn chương
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ hoài niệm tuổi trẻ
11:32 | 07/02/2021

Nhắc tới nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn văn thường nhớ tới tiểu thuyết “Quyên”; các tập truyện ngắn: “Gió lạnh”, “Vàng xưa”, “Hương mĩ nhân”, “Vườn mộng”; các tập bút ký và tản văn: “Đào ở xứ người”, “Đầu ngọn sóng”… Ông còn sáng tác thơ, vẽ và viết kịch bản phim…  Nhớ về thời hoa niên nhiều ước vọng, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ hoài niệm tuổi trẻ
Anh lính trẻ Nguyễn Văn Thọ (năm 1965) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ (năm 2000)

Như một… phụ nữ!

Hồi trẻ, Nguyễn Văn Thọ luôn bị liệt vào hàng học sinh cá biệt. Nhưng chỉ là nghịch ngợm chứ không hư đốn. Nghịch là anh thích trêu chọc, thậm chí đánh nhau với trẻ khác đường phố. Trong lớp thì trêu ghẹo bạn nữ, nói chuyện, trả lời ngược lại với thầy cô. Thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 thường hỏi cả lớp thích làm nghề gì khi lớn lên. Đa số các bạn đều chọn nghề kỹ sư, bác sĩ, bác học. Còn anh chàng Thọ lại tự tin chia sẻ rằng: “Em mơ ước có thể sáng chế ra cái máy xử lý rác thải sao cho thuận tiện nhất...”. Cả lớp được trận cười nghiêng ngả. 

Cùng lứa với Nguyễn Văn Thọ, có nhiều bạn thích chép tay những bài thơ hay, đặc biệt là thơ tình của các thi nhân. Riêng anh chàng “cá biệt” này thì không thích. Nguyễn Văn Thọ ngay từ nhỏ không có thói quen ghi nhật ký, đặc biệt là không bao giờ chép thơ. Bởi anh cho rằng điều này rất… sến: “Con người luôn phải hoạt động để hoạt bát, nhanh nhẹn. Các chị của tôi đi học xa nhà, nên ngay từ thời niên thiếu tôi đã phải làm rất nhiều việc trong gia đình như nấu cơm từ bảy, tám tuổi. Đến 11, 12 tuổi là phải gánh nước, lau nhà, tôi giống như một người… phụ nữ trong gia đình. Chính vì thế cho nên tôi bận, ngoài ra còn phải học hành nữa. Bởi vì gia đình khó khăn nên cậu tôi thường dọa nếu trượt lớp nào mà đỗ lại là không được đi học tiếp. Tôi luôn quyết tâm là phải học, ít ra cũng phải được bằng các chị, hết cấp III rồi vào đại học. May mắn là cũng học hết cấp III nhưng ngay trong năm đó tôi đăng ký vào quân ngũ thực hiện nghĩa vụ của người thanh niên khi đất nước chiến tranh…”.

“Chẳng át nổi hương Xuân”

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Thọ nhập ngũ khi chưa đầy 17 tuổi. 11 năm chiến đấu ở khắp các chiến trường, anh ở trong vùng chất độc da cam mà may mắn lại không bị ảnh hưởng. 

Chàng tân binh Nguyễn Văn Thọ không bao giờ quên cái Tết trước trận đánh năm 1975. Trung đoàn được lệnh ăn Tết trước vì dự kiến sẽ đánh vào dịp Tết Nguyên đán, có thể còn đánh qua cả Tết. Khoảng 60, 70 người được tiêu chuẩn chỉ 1 kg thịt hộp, nấu loãng với rau rừng trong nồi 50 lít nước. Vì thế anh nào vớ được miếng bì nổi lên thì rất sung sướng. 

Càng gần Tết, nỗi nhớ nhà càng ghê gớm, cồn cào. Anh nhớ thương cái chợ Giời của mình, nhớ thương từng góc phố, từng viên đá, từng chỗ sứt bờ cửa trong gia đình. Nhất là nhớ mẹ da diết. Nhớ khuôn mặt, ánh mắt của mẹ dõi theo ngày lên tàu. Hôm anh về nghỉ phép trước khi vào chiến trường B, thấy tóc mẹ rất nhiều sợi bạc. Anh tâm sự: “Vào Tết năm 1971, khi ấy bố tôi tròn 60 tuổi. Thời khắc Giao thừa tôi ngồi trong một góc khuất làm thơ tặng bố. Bài thơ có nhan đề “Thư gửi cha”. Bài này dài và tôi xin đọc một đoạn:  

“Cậu ơi! 

Đêm nay giặc lại đánh

Đêm Giao thừa nhiều loạt bom nổ chậm

Nhưng Xuân vẫn về trong hang đầm ấm

Mở Xuân ngàn tiếng súng cùng reo

Con của cha cũng bắn chào Xuân 

Một loạt cho Xuân, một loạt cho cha tuổi vừa Sáu chục

Bọn nó bắn rền rung liên tục

Vọng hang này thôi chẳng át nổi hương Xuân…

Đêm nay giặc lại đánh

Giặc lại bắn…”.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Trung đoàn của Nguyễn Văn Thọ bước vào chiến dịch Lam Sơn. Đó là một trận đánh khốc liệt. Nhưng những người lính mang tâm hồn thi ca thì vẫn làm thơ ngay trong khói lửa, đạn bom. Nhà văn nhớ lại: “Đồng đội của tôi thích nhất những buổi chiều xiên xiên nắng, cả bọn ngồi đọc thơ của anh Phạm Tiến Duật: “Cái vết thương xoàng mà đi viện/Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo…”. 

Cuộc sống sinh hoạt của người chiến sĩ gắn liền với thiên nhiên. Nơi ngủ là chiếc võng vắt qua hai thân cây giữa rừng. Khi không có cây thì lấy đất làm giường, lấy gió trăng, mây trời làm chiếu… Nhà văn bồi hồi tâm sự: “Trong khốc liệt của chiến tranh, chính sức trẻ, ý chí kiên cường không ngại khó ngại khổ, chẳng tiếc máu xương và tuổi thanh xuân, thế hệ của chúng tôi đã sống trọn vẹn vì lý tưởng Độc lập của dân tộc…”.

 
Theo Hà Dương - Thời Nay
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng