Thời sự Văn chương
Nguyễn Huy Thiệp - Cái tình mãi mãi là xanh
10:34 | 23/03/2021

Tính ra tôi quen biết, chơi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gần 40 năm. Bốn chục năm bao nhiêu kỷ niệm, buồn vui đủ cả. Ngày anh trọng bệnh lần đầu, tôi cũng nằm viện vì tai nạn xe máy. Tới khi anh đột quỵ lần 2, tôi cũng vừa qua hạn nối được 3 ngón tay đứt lìa. Gọi cho nhau qua máy điện thoại, nghe giọng anh vừa lắp vừa chậm, thở than: Tôi là đồ tàn phế, bỏ đi rồi.

Nguyễn Huy Thiệp - Cái tình mãi mãi là xanh
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: NHÃ NAM

Rồi gần tháng chữa trị, buổi sáng hai con trai ôm bố trên xe máy đi chữa Đông y, chiều thì có người tới bấm huyệt, vật lý trị liệu. Nguyễn Huy Thiệp chuyển bệnh khá lên, có bận đến thăm thấy anh lò cò đi một vòng sân với hai con trai.

Nguyễn Huy Thiệp thực ra là người rất quyết liệt với văn chương nhưng cũng đa cảm và vụng về. Hai lần đột quỵ, mọi sự ông trông vào vợ mà chị cũng đang ốm nặng nên mọi sự dồn vào hai con trai. Trẻ cậy cha già cậy con. Rồi đùng một cái ông lại đột quỵ lần thứ ba, thêm sự ra đi rất nhanh của người vợ suốt đời tần tảo, nơi dựa dẫm vững chắc nhất của cả nhà, làm Nguyễn Huy Thiệp quỵ hẳn. Ông trở nên yếu đuối vô cùng trong sự bất lực của thân xác, đôi mắt đầy sương khói chỉ ánh lên chút ít tàn khí mỗi khi những người thương yêu đến thăm như họa sĩ Thành Chương, Bảo Sinh, Nguyễn Hoàng Điệp…

Bạn bè văn đàn bốn phương yêu quý ông. Một ngọn bút lạ dấn thân không ngơi nghỉ trong nghiệp văn gần 40 năm, để lại cho cõi văn đàn một vệt dài gần 50 truyện ngắn, trong đó rất nhiều truyện ngắn xuất sắc, có tiếng vang tạo nên dư chấn không chỉ trong lòng bạn đọc Việt mà còn kéo dài âm hưởng ra thế giới.

Bạn bè gần xa Hà Nội thương xót ông, những hơi thở cuối cùng của đời người, Nguyễn Huy Thiệp nhờ con lấy cái ghế gỗ thấp, mảnh bìa các-ton để ông như đứa trẻ tập vẽ và bi bô những vần thơ cho dăm người bạn thương yêu. Những dòng chữ cuối cùng trong hơi sức cuối cùng một đời văn lẫm liệt lại là những dòng trong trẻo nhất ngợi ca tình văn, tình bạn, tình người, cả cái tình lớn lao vợ chồng con cái cũng run rẩy trong những buổi sớm trong veo mùa xuân mà vụng về hiện ra… Hiện ra vẹn nguyên một nhà văn của tình người.

Ông như vệt sét xanh dài trong dòng thác đổi mới của văn đàn Việt từ cuối thập niên 1980 thế kỷ trước tới tận hôm nay. Nhìn vào đời sống khó khăn của một nhà văn suốt đời nghèo, lương hưu còm hơn 2 triệu đồng, sách in khắp nơi kể cả tiền bản quyền cũng chỉ đủ chi trả cho tật bệnh trong ngôi nhà trên mảnh đất hương hỏa ông cha ở xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình.

Những giá trị thật sự của văn chương, nghệ thuật, trước sau, bao giờ theo thời gian cũng sáng thêm ra, nó làm cho bạn bè ông, bạn đọc văn chương mừng rỡ và hy vọng. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp là bài học lớn cho những ai cầm bút. Khi đã thuộc vào đội ngũ văn nhân, dù đói no thế nào, khó khăn bao nhiêu vẫn phải quyết liệt dấn thân vào đời sống. Nhà văn đã hít thở cùng hơi thở của nhân dân, đầm  mình với mọi giai tầng của xã hội, đồng hành với dân tộc một cách không mệt mỏi để lên án cái ác, kích thích mầm thiện, sự khao khát điều thiện trong một đất nước trải qua bao năm chiến tranh, thăng trầm, vẫn cố sức bay lên…

Nguyễn Huy Thiệp mất đi để lại sự thương xót vô hạn với bè bạn văn chương. Ông khuất núi nhưng tấm lòng với văn chương đất nước, văn đàn xứ Việt thì luôn xanh trong lòng bè bạn, bạn văn và cả những người đã là bạn đọc của ông…

Theo nv Nguyễn Văn Thọ - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng