Thời sự Văn chương
Đích đến của một miền viết
10:06 | 14/04/2021

Đà Lạt là một miền viết dường như không vơi cạn với Nguyễn Vĩnh Nguyên. Điều đó thể hiện rõ rệt qua hàng loạt cuốn tản văn, du khảo, biên khảo Đà Lạt khá đặc sắc mà nhà văn này đã viết trong suốt gần chục năm qua: “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”, “Đà Lạt, một thời hương xa”, “Đà Lạt, bên dưới sương mù”, “Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ”...

Đích đến của một miền viết

Nhưng, có lẽ cũng giống như hầu hết các cây bút văn xuôi, một cuốn tiểu thuyết về Đà Lạt mới đáng là đích đến trong miền viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên. “Ký ức của ký ức” (Phanbook & NXB Phụ nữ, 2019) chính là cuốn tiểu thuyết được mong chờ như thế.

Thuộc vào loại “tiểu thuyết ngắn” - khoảng 180 trang in khổ 13 x 20,5 cm - nhưng “Ký ức của ký ức” vẫn đủ sức chất chồng những lớp quá khứ của thành phố cao nguyên Nam Trung Bộ nổi tiếng này, kể từ khi nó mới chỉ là quy hoạch trên giấy của người Pháp, qua khi nó là đất thuộc Hoàng triều cương thổ…, rồi đến tận bây giờ, lúc nó là thành phố du lịch đang bị xáo trộn và khai thác đến kiệt cùng. Những lớp quá khứ ấy, có lớp đã chìm trong bụi bặm của các văn khố, có lớp đã tan loãng vào mù sương bảng lảng, có lớp đã trở thành tam sao thất bản trong ký ức người đời, trong những diễn giải rất khác nhau về xuất phát điểm ý thức hệ hay về nhận thức văn hóa, thẩm mỹ. Nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Vĩnh Nguyên, một nhà biên khảo Đà Lạt, không bóc tách rạch ròi các lớp quá khứ của thành phố như sự đòi hỏi của nghề nghiệp mình, mà anh chìm vào nó, quẩn quanh không dứt với nó, tự lắng trong mình những tầng tầng ba động âm vang của một đô thị dù non tuổi đời nhưng lại già dặn sự trầm tích đa văn hóa. Trong “Ký ức của ký ức”, có những chỗ nhà văn đưa nguyên một tiểu luận hoặc một bản điều tra công phu, sắc sảo về một phương diện nào đó của Đà Lạt. Và chúng ăn khớp với tự sự hư cấu của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, người đã và đang sống với Đà Lạt bằng cách truy tìm mọi ngóc ngách bí mật của lịch sử, bằng chính sự trải nghiệm thân xác của mình qua những cuộc tình chợt đến chợt đi, những cuộc gặp gỡ không hẹn trước và cả sự trải nghiệm tinh thần của một tuổi thơ đầy ắp lo sợ và dè chừng trước những biến động xã hội nhiều bất trắc.

Tính chất đa văn hóa và tính chất mở của Đà Lạt có thể gói gọn ở nhận định này, trong một tiểu luận được cài vào tiểu thuyết. Nhưng vượt lên trên lý lẽ ấy, “Ký ức của ký ức” của Nguyễn Vĩnh Nguyên vẫn cứ là tác phẩm được viết ra bằng một hoài niệm về những hoài niệm, bằng một ký ức về những ký ức, bằng một xót xa kiểu Modiano về sự tan rữa không sao ngăn nổi của những vết tích đã tạo nên huyền thoại cho thành phố cao nguyên. Những Phạm Công Thiện, Đỗ Long Vân, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên - Phương… đã làm nên Đà Lạt và rời xa Đà Lạt từ lâu lắm. May thay, họ còn được nhắc trong tiểu thuyết của Nguyễn Vĩnh Nguyên, như những lưu hương…


Theo Hoài Nam - Thời Nay

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng