Thời sự Văn chương
Thương tiếc nhà văn, nhà báo Lê Minh
15:25 | 17/06/2021

Trong số những nhà văn nữ trưởng thành trong bão táp của cách mạng và hai cuộc kháng chiến, nhà văn Lê Minh là người mở đầu, và là con chim đầu đàn viết về đề tài công nhân, công nghiệp và chân dung của các chiến sĩ cách mạng từ Bác Tôn, chị Minh Khai, chị Tư Già đến Kim Ðồng…

Thương tiếc nhà văn, nhà báo Lê Minh

Nhà văn, nhà nghiên cứu Vân Thanh ở Viện Văn học đã có một đánh giá chí lý: Viết về công nghiệp đòi hỏi nhà văn trước hết phải có một vốn sống phong phú về mảnh đất mình sẽ cắm sâu vào. Có thể nói đối với văn học Việt Nam đó là một mảnh đất mới, một vùng đất lạ; và do vậy cũng có thể nói, là mảnh đất in dấu rõ nét hơn bất cứ đâu sự đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ. Ðã có biết bao nhà văn xông vào mảnh đất này, nhưng rồi bỏ cuộc, hoặc bị bật ra. Cho đến sau này, Lê Minh vẫn thuộc trong số những người viết không những không bỏ cuộc mà còn kiên trì theo đuổi, hơn nữa, còn có những thành công đáng khâm phục. Từ vẻ đẹp tâm hồn, của nhà văn Lê Minh, bên cạnh sự khỏe khoắn, gân guốc là những cái nhìn, những trang văn miêu tả tinh tế, xúc động về vẻ đẹp của quê hương, làng xóm Việt Nam, tâm hồn Việt, nhất là vẻ đẹp của những con người kháng chiến.

Khi tôi được tuyển về Báo Nhân Dân, tháng 7-1982, biên chế ở Ban Thư ký - Biên tập để học nghề thì nhà văn Lê Minh cũng mới từ Hội Nhà văn về làm Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ của báo.

Thời trước, văn nghệ là lĩnh vực sang trọng. Vì bản thân nó và cả vì những người đã từng công tác ở đây. Những người lãnh đạo ban nổi tiếng như Phan Nhân, Nguyễn Ðịch Dũng, Hoàng Phong, Diên Hồng… đã nổi tiếng; phóng viên lúc đó cũng có nhiều người rất nổi tiếng như Bạch Diệp (Nguyễn Thị Thanh Tâm), Gia Ninh, Nguyệt Tuệ (tức Nguyệt Tú, con gái danh họa Nguyễn Phan Chánh), Bùi Hạnh Cẩn, Chính Yên, Phạm Ðình Ân… Ở Báo Nhân Dân, còn có các nhà văn, nhà báo "gạo cội" như Bùi Hiển và Nguyễn Văn Bổng ở Ban Nông nghiệp; Phan Thao ở Ban Thư ký - Biên tập… Phó Trưởng ban giúp việc cho nhà văn, nhà báo Lê Minh là họa sĩ Hoàng Tuấn Nhã, Việt kiều ở Pháp về, làm Báo Nhân Dân từ năm 1954. Biên tập viên là các anh: Lương Khôi, Lê Quang Trang, Trung Ðông, Tân Thanh…

Phòng làm việc của bà Lê Minh trong một căn nhà cấp bốn, khá thâm nghiêm với những cây sấu già trước cửa. Nó càng thâm nghiêm đối với tôi khi bà là con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan, có chú ruột là Lê Văn Lương. Bà còn là tác giả của "Chị Tư Già" tôi được đọc từ hồi còn nhỏ… Tuy thâm nghiêm, tôi vẫn thường kính nhi viễn chi nhưng cũng hay kiếm cớ lân la dãy nhà làm việc của Ban Văn hóa - Văn nghệ, đôi khi ghé qua phòng bà và phòng họa sĩ Nguyễn Thọ của Trường Mỹ thuật Ðông Dương và họa sĩ Hoàng Tuấn Nhã gần đấy.

Nhà văn, nhà báo Lê Minh là người nghiêm túc, quyết đoán trong công việc. Tổng Biên tập Hoàng Tùng, sau đó là Tổng Biên tập Hồng Hà đều tôn trọng ý kiến của bà. Do vậy, bà cũng tạo được những đổi mới trong Ban Văn hóa - Văn nghệ, tăng cường tính chất chuyên môn, tính học thuật trong làm báo. Ðó là thời có những bài giới thiệu sâu sắc và những cuộc tranh luận sôi nổi về những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Sơn Tùng, Xuân Cang…, mở ra sự đổi mới, áp sát đời sống hiện tại của văn học. Với tôi, tuy là "lính mới", bà cũng cho đăng những bài viết tràn trang trên báo hằng ngày, những bài thơ thời sự trên trang nhất, trang tư của báo. Tôi nhớ, có lần bà nói, làm văn chương, mỗi chữ là một giọt máu đỏ tươi từ tim mình, một hoạt động hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho những người cùng khổ… Phải viết cho người đọc căm giận cái ác để cùng nhau đánh đổ nó, phải viết cho người đọc yêu thương đến thổn thức. Muốn vậy, trái tim nhà văn cũng phải yêu thương đến thổn thức…

Nhà văn, nhà báo Lê Minh - Nguyễn Thị Tài Hồng vĩnh biệt cõi trần lúc 17 giờ 15 phút ngày 11-6-2021, dừng lại giới hạn của một cuộc đời ở tuổi 94. Song những tác phẩm đồ sộ mà bà để lại, một cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, những giá trị văn học còn luôn tỏa sáng. Bà đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2017, giải Nhất cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1962 (ký Kỷ niệm về Khu Ðông), giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1969 (truyện Nắng), giải A 5 năm Văn học đề tài công nhân 1991-1995 (tiểu thuyết Hồi) cùng nhiều giải thưởng văn học danh giá khác.

Cuộc đời bà là cuộc đời của một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, trong sáng; một nhà văn suốt đời trung thành với ngòi bút cần cù và tài năng, chuyên nhất vì sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Riêng tôi, vẫn luôn nhớ những bài học nằm lòng của bà về lương tri, trách nhiệm của một người cầm bút.

Nguồn: Nhà thơ Nguyễn Sĩ Ðại - NDĐT

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng