Những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba, qua đó, giúp độc giả cảm nhận gần gũi hơn về tác phẩm, tác giả và cung cấp tư liệu dồi dào, chân thực về lịch sử văn chương...
“Bạn văn bạn mình” gồm 10 cuốn: “Phê bình và cảo luận” (Thiếu Sơn), “Hình dung và tâm tưởng” (Lan Khai), “Văn thi sĩ tiền chiến” (Nguyễn Vĩ), “Văn thi sĩ hiện đại” (Bàng Bá Lân), “Đốt lò hương cũ” (Đinh Hùng), “Chân dung văn học” (Nguyễn Tuân), “Mười chín chân dung nhà văn cùng thời” (Vũ Bằng), “Những gương mặt” (Tô Hoài), “Cây bút đời người” (Vương Trí Nhàn), “Bạn văn" (Nguyễn Quang Lập).
Với bộ sách này, chúng ta sẽ thấy mảng chân dung - phê bình văn học không hề khô khan mà ngược lại rất hấp dẫn và với nhiều tác phẩm hay, giá trị, đã làm nên tên tuổi các tác giả. Ở đó, chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét, với nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, bật lên đặc điểm khác biệt trong hình dung và tâm tính mỗi người.
Bên cạnh một số thông tin tiểu sử, thủ bút, chữ ký, bạn đọc sẽ được nghe kể về kỷ niệm vui buồn, tình bạn tình yêu, cá tính và thói quen độc đáo của các nhà thơ, nhà văn, sẽ khám phá ra nhiều điều mới mẻ về các thi văn tài. Chẳng hạn, nhắc tới Tản Đà, ai cũng biết ông luôn được kính trọng về nhân cách và tài thơ phú, nhưng nếu được chứng kiến bữa rượu do tự tay nhà thơ chuẩn bị thì bạn sẽ hiểu vì sao anh em văn nghệ sĩ nể phục tài sành và kỹ trong ẩm thực của ông. Hay chuyện Vũ Trọng Phụng viết ra kiệt tác “Số Đỏ” mà không hề chuẩn bị trước, tới hẹn phải nộp bài cho báo ông mới ngồi vào bàn viết và hỏi bạn bè: “Kỳ trước tớ viết đến đâu rồi nhỉ?”...
Ở mỗi cuốn sách, người đọc không chỉ thấy được chân dung các văn nghệ sĩ được nhắc đến mà còn hình dung khá rõ chân dung của chính người viết. “Phê bình và cảo luận” của tác giả Thiếu Sơn là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ và Thiếu Sơn được coi là một trong những người mở đầu cho nền phê bình văn học nước nhà. Phê bình và cảo luận còn một số yếu tố “mở đầu” nữa, chẳng hạn, tác giả bình hai tác phẩm được cho là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại: “Quả dưa đỏ” và “Tố Tâm”. Và mặc dù là cuốn sách “mở đầu”, nhưng những vấn đề Thiếu Sơn đưa ra đến nay vẫn còn tính thời sự.
Qua “Văn thi sĩ tiền chiến”, sẽ thấy một nhà thơ Nguyễn Vỹ điều độ, quy củ, nghiêm ngắn trong công việc nhưng lại không thích nằm yên trong khuôn sáo cũ mòn mà luôn tìm tòi hình thức diễn tả mới lạ khi sáng tác. Người mới gặp sơ sẽ thấy Nguyễn Vỹ hơi lạnh lùng, kiêu ngạo, nhưng với bạn bè thân thiết, ông lại rất chân tình.
Với “Chân dung văn học”, nhà văn Nguyễn Tuân vẫn luôn là cây bút hết mực tài hoa, trân trọng chữ nghĩa. Ông thường vận dụng con mắt tinh tường về cả điện ảnh, hội họa, sân khấu, âm nhạc... để quan sát, cảm thụ văn chương và đưa ra những nhận xét độc đáo, tế nhị về tác phẩm, tác giả. Cách thưởng văn của ông như nhâm nhi thưởng “Chén trà sương” và tinh tế phát hiện ra một phần tư vỏ trấu bị lẫn trong ấm trà ngon.
Còn “Bạn văn”, chỉ qua vài dòng diễn tả cử chỉ hay câu nói cửa miệng: “tôốk lắm tôốk lắm”, “âu chầu”, “may chi nỏ”... là độc giả đã thấy được “chất” của một văn nghệ sĩ nào đó, và những người trong giới thì phải bật cười khi nhận ra đặc điểm của bạn văn qua giọng kể rất hài hước tếu táo mà... thấm của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Với bộ sách “Bạn văn bạn mình”, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn góp phần hệ thống hóa mảng chân dung văn học, giúp người đọc tiếp cận nguồn tư liệu dồi dào, những câu chuyện văn chương hấp dẫn bên lề các tác phẩm làm nên diện mạo văn học Việt Nam.