Tin nhà văn Sơn Tùng từ trần đến với tôi trong một đêm tháng 7. Trời mưa rả rích, mùi hương trầm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc như đang dâng tràn trong không gian man mác. Hình ảnh ông ngồi trước trang viết với bàn tay bị thương co quắp cầm chặt chiếc bút, hiện rõ trước mặt tôi. Dáng đi của ông với một bên chân chới với, một bên chân đã từng bị liệt đang cố nhích từng bước xa dần vào hư ảo…
1/Tôi bồi hồi nhớ lần đầu đọc bản thảo Búp sen xanh - tác giả Sơn Tùng vào năm 1981. Ngày đó tôi chưa hề biết tác giả Sơn Tùng là ai? Mới về công tác ở Nhà xuất bản Kim Đồng được một năm, tôi chưa được làm biên tập viên. Thế mà lại được ông Nguyễn Văn Tân (Trưởng ban biên tập Sách truyền thống) giao đọc bản thảo mới tinh tiểu thuyết lịch sử viết về thời thơ ấu của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tác giả Sơn Tùng đã làm tôi ngỡ ngàng từ trang văn đầu tiên. Tôi như được viễn du tưởng tượng về xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Gặp gỡ một bản thảo văn chương thanh nhã, những trang chữ phảng phất không khí văn hiến cổ kính, lòng tôi xiết bao mừng rỡ. Tôi mạnh dạn nói lên suy nghĩ cảm xúc với các anh lãnh đạo Nhà xuất bản Kim Đồng ngày ấy. Ông Bùi Văn Hồng (Tổng Biên tập), ông Lê Cận (Phó Tổng Biên tập) và ông Nguyễn Văn Tân đều đã đọc rất kỹ bằng “đôi mắt thẩm định” nghiêm cẩn, các ông cùng nhất trí đây là một tiểu thuyết lịch sử đầu tiên rất có giá trị viết về thời thơ ấu và thời thanh niên của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
2/Năm 1982 Búp sen xanh ra đời, được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt! Thế nhưng trong không khí đọc tác phẩm viết về lãnh tụ thời đó đã có những ý kiến phản đối Búp sen xanh! Mối cảm tình kín đáo của chàng trai Nguyễn Tất Thành với nhân vật Út Huệ trong tác phẩm đã gây tranh cãi trong dư luận. Trong “sóng gió” Búp sen xanh, tôi đã được hiểu tác giả Sơn Tùng. Thật không thể ngờ ông đã là một thương binh hạng nặng (¼). Thật không thể ngờ ông đã phải buộc bút vào tay để miệt mài tập viết để tạo nên những trang văn xúc động. Năm 1968 đang là phóng viên báo Tiền Phong, ông lên đường vào miền nam, phụ trách báo Thanh niên giải phóng. Ở chiến khu Tây Ninh ngày 15/4/1971, quân địch bất ngờ tấn công khu căn cứ. Máy bay trực thăng bổ nhào xả súng M79 vào cơ quan báo. Trong trận chiến đó Sơn Tùng bị trúng 14 mảnh đạn vào người. Ông đã được tận tình cứu chữa, nhưng tay phải bị đạn cứa đứt gân, co quắp thành tật và ba mảnh đạn nằm lại trong sọ não không lấy ra được. Năm 1972 ông được đưa ra miền bắc chữa trị. Chính trong những ngày ở bệnh viện ông đã được gặp gỡ cô hộ lý Phan Hồng Mai đẹp người, đẹp nết, đã tự nguyện gắn bó với ông suốt đời.
3/Khi tuổi mới ngoài 40, toàn thân thương tật, Sơn Tùng đã không chịu sống đời tàn phế. Người trai sinh ra tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, tham gia cách mạng từ lúc 16 tuổi đã sớm có một ý chí khác thường. Vào năm 1948, 1950 khi làm công tác ở Tỉnh đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An, Sơn Tùng đã được gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm, cụ Nguyễn Thị Thanh (anh và chị Bác Hồ) được nghe kể chuyện về Bác Hồ. Cuộc gặp gỡ ấy đã khiến Sơn Tùng nuôi khát vọng: dành trọn cuộc đời mình để nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Ông dành thời gian để đọc các tư liệu và trao đổi với bạn quý như nhà sử học Trần Văn Giàu, học giả Phan Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ cùng tụ hội tại Chiếu Văn nơi căn hộ bé nhỏ của ông… Khi đất nước thống nhất, người thương binh Sơn Tùng đã cùng người vợ quý rong ruổi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, rồi Đồng Tháp (nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, cha của Bác Hồ, sống những năm cuối đời), ra Huế tìm hiểu những địa chỉ mà gia đình Bác Hồ đã từng cư ngụ. Là người có năng khiếu thơ văn (Sơn Tùng đã có bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc Gửi em chiếc nón bài thơ), đã có vốn văn hóa Hán học và văn hóa Tây học, Sơn Tùng dấn thân vào thể loại tiểu thuyết! Ông đã thử sức với Trần Phú (1980), Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc (1981). Để rồi có tác phẩm Búp sen xanh (1982) thành công vang dội.
Học giả Phan Ngọc, một người bạn tri kỷ của Sơn Tùng đã viết: “Sơn Tùng là một nhà văn theo kiểu riêng. Loại nhà văn nghệ sĩ và nhà nghiên cứu không xem công việc của mình là một cái nghề qua đó người ta kiếm sống, giàu có và nổi danh…” (1). Sơn Tùng đã trở thành nhà văn khi là một thương binh. Đã từng có dịp đi công tác với nhà văn Sơn Tùng nên tôi biết mọi sinh hoạt cá nhân của ông từ ăn uống, đi lại, viết, đọc… đều khó nhọc vất vả hơn mọi người bình thường. Ông đã sống và viết trong khổ đau cực nhọc để có tác phẩm lớn Búp sen xanh. Khi đã nổi tiếng, chính quyền và cả các nhà hảo tâm đã nhiều lần tỏ ý muốn tặng nhà văn Sơn Tùng một căn hộ khang trang đủ tiện nghi. Thế nhưng ông đã nhiều lần từ chối. Ông vẫn sinh sống trong căn hộ tập thể cũ ở ngõ Văn Chương (Hà Nội) suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi cuốn sách Búp sen xanh của ông được phát hành hàng triệu bản ở Việt Nam và được dịch sang tiếng Anh, được giới thiệu ở Mỹ.
Nhà văn Sơn Tùng đã để lại cho đời hơn 20 cuốn sách, trong đó có 16 cuốn sách về Bác Hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng thân mật nói: “Chúng ta chúc cho anh ấy (Sơn Tùng) khỏe mạnh mãi mãi để nói về Bác Hồ, để cho các thế hệ mới, đặc biệt là thế hệ thiếu niên nhi đồng hiểu về Bác Hồ. Đây là một cống hiến, tôi cho là một cống hiến quan trọng nhất của anh Sơn Tùng” (2).
-------------------------
1/Trích bài Phong cách Sơn Tùng - PGS Phan Ngọc, Tr7 - Tuyển tập Truyện ký về Hồ Chí Minh Quyển 1- Sơn Tùng. Nhà xuất bản Văn học, 2019.
2/Trích bài Một con người có trí mệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tr6 Sđd.
Nguồn: Lê Phương Liên - Thời Nay