Thời sự Văn chương
Vũ Hạnh, ngòi bút nhiệt thành và một nhân cách lớn
09:14 | 18/08/2021

Giữa lúc tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh căng thẳng, nhà văn Vũ Hạnh (trong ảnh) bị tai biến, phải nhập viện. 6 giờ sáng 15/8 ông qua đời, hưởng thọ 96 tuổi (1926 - 2021). Biết ông từ lâu, và mươi năm gần đây được gần gũi ông, hiểu ông, càng thêm yêu quý ông về tài năng và nhân cách. Thương tiếc vĩnh biệt một nhà văn lớn, đa tài, đầy nhiệt huyết với lý tưởng sống và lý tưởng nghệ thuật của mình!

Vũ Hạnh, ngòi bút nhiệt thành và một nhân cách lớn
Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Ðức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 tại Thăng Bình, Quảng Nam trong một gia đình Nho giáo. Ông là cháu ngoại ông Nghè Phan Quang, một trong "ngũ phụng tề phi" xứ Quảng đầu thế kỷ 20. Cha ông là một nhà nho, có ảnh hưởng nhiều của tây học. Sớm giác ngộ cách mạng, Vũ Hạnh tham gia Việt Minh ngay từ tuổi thanh niên và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục tại quê nhà. Năm 1955, ông bị địch bắt vì tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneva, thống nhất đất nước. Ra tù ông phải chuyển vùng vào hoạt động tại Sài Gòn. Bút danh Vũ Hạnh là tên một người bạn tù giàu nghĩa khí, kiên cường và ân nghĩa với ông những ngày gian khó.

Từ đây cuộc đời hoạt động cách mạng và văn chương của Vũ Hạnh sang một trang mới đầy hào hứng và sôi nổi, kết hợp ngọn lửa của lý tưởng và tài năng văn nghệ trong tâm hồn ông. Miền nam sau Hiệp định Geneva là thời kỳ đen tối của cách mạng, không chỉ về chính trị mà cả trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Không ít kẻ vì đớn hèn, vì danh lợi cam tâm bán mình cho quỷ dữ trở thành bồi bút. Trên văn đàn không thể công khai ca ngợi hòa bình, đấu tranh thống nhất đất nước, các tác giả phải giấu mình sau những biểu tượng để thể hiện ý tưởng. Bút máu (12/1958), Chất ngọc (1/1960) của Vũ Hạnh ra đời trong hoàn cảnh như vậy, đó là "tuyên ngôn với chính mình đồng thời cũng là cách phản ứng, đấu tranh với những bọn bồi bút đông đảo thời ấy". Sau đó, ông còn mở rộng phạm vi phản ánh và đề cập những vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Lửa rừng là một thí dụ. Theo tác giả cho biết, ý tưởng tác phẩm là một dự cảm về một phong trào nổi dậy của quần chúng, đồng thời cũng là bày tỏ tình cảm trước sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Các tác phẩm tiếp theo như Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống, Vượt thác, Cô gái Xà-niêng, Người chồng thời đại… cũng nằm trong trường thẩm mỹ như vậy của người viết.

Trường hợp ra đời tác phẩm Người Việt cao quý lại mang ý nghĩa đặc biệt. Ðó là thời điểm năm 1965, chiến tranh ở miền nam mở rộng, quân Mỹ trực tiếp tham chiến với những cuộc càn quét, tàn sát khốc liệt. Cùng với đó là lối sống sa đọa đồi trụy và nhiều hệ luỵ khác được du nhập vào các đô thị. Vũ Hạnh nhận ra, chỉ có những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mới có thể ngăn cản được làn sóng ấy, và ông quyết định viết "một cái gì đề cao tinh thần dân tộc để mà gián tiếp đánh Mỹ". Ðể dễ bề vượt qua kiểm duyệt, ông mượn tên một người Ý là A. Pazzi làm tác giả. Trong một tuần, cuốn sách hoàn thành và đã được công chúng nhiệt thành đón nhận, được in tới lần 50, không chỉ đáp ứng nhiệm vụ trước mắt thời kỳ đó mà cho đến nay vẫn còn giá trị.

Những tác phẩm Tìm hiểu văn nghệ, Ðọc lại Truyện Kiều cũng ra đời trong những hoàn cảnh khá đặc biệt như vậy. Ðó là kết quả của những suy nghĩ kết hợp giữa nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội của nhà văn. Từ thực tiễn cuộc sống, sự nhạy cảm nghệ sĩ, Vũ Hạnh đưa ra suy nghĩ của mình về văn nghệ. Mặc dù bị kìm kẹp và khống chế gắt gao, nhưng những luận điểm và kiến giải trong các tác phẩm trên vẫn mang nhiều tính cách mạng, rất gần với quan điểm của Ðảng về văn học nghệ thuật thời kỳ đó. Là cơ sở mật của cách mạng, hoạt động đơn tuyến trong nội thành, một môi trường khắc nghiệt và phức tạp, ông không chỉ phải kiên cường đối phó với "bàn tay sắt" của địch, mà còn phải ứng phó khôn khéo với "bàn tay nhung" thâm độc mà kẻ địch giăng khắp nơi. Năm lần bị địch bắt, bị tù đày, ông vẫn giữ tròn khí tiết cách mạng với nhiều đóng góp quý, cụ thể và thiết thực, nhất là trong Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc do ông là Tổng Thư ký, và kẻ thù cũng không thể thủ tiêu được ông.

Vũ Hạnh là con người văn hóa. Cách ứng xử lịch thiệp khiến người đối diện quý trọng, vị nể. Ông dễ hòa đồng, sẵn lòng chia sẻ khi cần thiết. Ðặc biệt trong sáng tạo và bàn luận khoa học, ông là người luôn cẩn trọng, lịch duyệt. Những năm gần đây, tuổi tác đã cao, ông không còn năng nổ như trước, nhưng vẫn nhất quán một con đường thủy chung với lý tưởng. Là người trong cuộc nhiều trải nghiệm, trên các diễn đàn, ông luôn luôn trân trọng nhấn mạnh giá trị và hy sinh của dân tộc trong lịch sử, cách mạng và kháng chiến, từ đó cần hết sức gìn giữ, phát triển những giá trị ấy trong điều kiện mới.

Với tài năng và tâm huyết, Vũ Hạnh đã cống hiến cho đất nước những đóng góp to lớn trong công cuộc chiến đấu của nhân dân, đặc biệt là tại các đô thị bị tạm chiếm ở miền nam trước năm 1975. Ông thật sự là một tấm gương sáng trong đội ngũ những người hoạt động văn học ở miền nam và cả nước. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà Ðảng và Nhà nước trao tặng nhà văn Vũ Hạnh năm 2007 chính là một phần của ghi nhận ấy.

 
Theo Lê Quang Trang - NDĐT
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng