Tác phẩm hay
Những linh hồn phiêu dạt (phần I)
09:52 | 18/04/2014

WAYNE KARLIN

Người dịch: Thảo Lê - Đan Phượng

Những linh hồn phiêu dạt (phần I)
Nhà văn Wayne Karlin

LGT: Nhà văn Wayne Karlin mô tả những câu chuyện người thật việc thật của mình là “hành trình cùng người đang sống và người đã khuất ở Việt Nam”. Người đã khuất chính là liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, mà số phận liên quan một cách kỳ lạ với Homer Steedly- sĩ quan quân đội Mỹ.
Mời bạn đọc dõi theo cuộc phiêu du của những linh hồn phiêu dạt qua ngòi bút của nhà văn Mỹ Wayne Karlin - người mà số phận run rủi, đã trở thành chứng nhân của câu chuyện lạ lùng này. Người theo nhận định của nhà sử học Mỹ Marc Leepson: “Tôi không tin một ai khác ngoài Wayne Karlin có thể kể được câu chuyện cảm động này bằng một văn phong đẹp, thảng hoặc đau đớn, nhưng rốt cục mang tính cứu rỗi, về hai con người mà mạng sống giao nhau giây lát trong cuộc đụng đầu sống còn để rồi gặp lại nhau như một biểu tượng sau gần bốn thập kỷ”.

 

Quân y sĩ Hoàng Ngọc Đảm và Thiếu úy Homer Steedly



CUỘC ĐỤNG ĐẦU Ở PLEIKU

Ngày 19-3-1969, thiếu úy Homer Steedly Jr. đi vào khúc quanh trên một con đường mòn ở tỉnh Pleiku và chạm trán với một người lính Bắc Việt, súng khoác trên vai.

Homer tròn mắt sửng sốt: “Đầu tiên tôi không tin vào mắt mình. Ý tôi là khi ấy tất cả chúng tôi mệt tái xanh tái tử, lấm bê bết, mồ hôi nhễ nhại hệt như đi cày ruộng thì anh chàng này xuất hiện tại một khúc quanh trên con đường mòn, mặc bộ quân phục bằng kaki mỏng, mũ cũng bọc vải kaki.

Bạn đã biết màu đất đỏ ở Pleiku rồi đấy. Bạn không thể giữ sạch sẽ ở một nơi như thế. Bạn bị nhuộm đỏ. Quân phục đỏ, các ngón tay đỏ, đơn giản là chỗ nào bụi đỏ cũng len lỏi bám vào. Còn anh chàng đang đi trên con đường mòn này lại sạch sẽ một cách hoàn hảo.

Hoàn hảo - không hề có một nếp nhăn nào trên quân phục. Tôi muốn nói rằng cả tóc tai cũng rất gọn ghẽ. Chắc tôi bị ảo giác, cái nóng đã nung đốt tôi đến nông nỗi đó”(1).

Người lính đang đối mặt với Homer là một quân y sĩ chừng hai mươi lăm tuổi tên là Hoàng Ngọc Đảm, quê ở xã Thái Giang, tỉnh Thái Bình - điều này thì phải hơn ba mươi năm sau viên thiếu úy mới phát hiện ra. Còn khoảnh khắc gặp nhau hôm đó chỉ đủ cho hai bên đưa mắt nhìn nhau.

Ngay khi anh Đảm nhìn thấy Homer, anh giật phắt cây súng từ trên vai xuống, xoay một vòng. Sau này, Homer nhớ lại rằng mình đã thét lên: “Chiêu hồi”(2) - những từ mà Homer tưởng nghĩa là “Đầu hàng đi”. “Nhưng anh ấy tiếp tục nhắm vào tôi”, Homer nói, “khi người lính đó đưa tay lên giật cây súng ra khỏi vai, thì súng của tôi đã ở ngang bụng, và sẵn sàng nhả đạn.

Tôi kêu gọi đầu hàng, nhưng anh ấy không dừng lại. Anh ấy kéo súng xuống, và ngay khi mũi súng kịp hướng vào tôi, thì tôi bắn. Choáng váng, trong khoảnh khắc sợ hãi khốn khổ, tôi chỉ biết có nhả đạn và giết chết anh ấy ngay lập tức. Đứng cách nhau quá gần, chỉ chừng mười mét, tôi nhìn vào mắt anh ấy, rồi tôi nhìn kỹ lại, anh ấy còn quá trẻ”(3).

Một lúc sau, viên thiếu úy Mỹ kinh hãi nhìn chăm chăm vào thi thể nằm đó. Anh ta thấy thêm những chi tiết khác. Không chỉ quân phục của người lính trẻ còn nguyên nếp, mà cả khẩu SKS vẫn còn nguyên cả lớp dầu mỡ chống gỉ đông cứng quanh lưỡi lê. Chắc đây là một anh chàng lính mới, có thể là một sĩ quan, Homer kết luận trong một bức thư gửi về nhà.

Khi mô tả sự kiện này, Homer gọi người lính kia là thiếu tá. Anh ta đã nhầm về cả hai điều trên. Cấp bậc của anh Đảm mới là trung sĩ, anh đã tham chiến được hơn năm năm, và sống sót sau cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 cùng nhiều trận chiến lớn khác.

Homer cúi xuống, lục tìm trong túi áo túi quần của người tử trận, lấy ra một cuốn sổ. Bìa trước là một bức tranh nhiều màu sắc, vẽ hình một đôi trai gái ăn mặc theo lối mà anh ta nghĩ là trang phục Việt Nam thời xưa. Bìa sau là một khung lịch ghi ngày tháng, tiêu đề bằng tiếng Anh với chữ “Schedule” (thời gian biểu), và một cuốn sổ tay màu đen nhỏ hơn, cùng những giấy tờ rời như thư từ, chứng minh thư, với một số giấy chứng nhận bằng cấp. Gáy và góc cuốn sổ lớn được dán rất cẩn thận bằng những mẩu băng dính màu đen.

*

Ba mươi sáu năm sau, khi chạm vào cuốn sổ, tôi ngạc nhiên thấy cách anh Đảm gia cố bìa cuốn sổ cẩn thận như vậy. Anh là người lính trong một quân đội mà người ta không bỏ cái gì đi cả, không có cái gì được lãng phí cả. Tôi cho rằng vẻ ngoài của cuốn sổ hẳn rất có ý nghĩa với Homer khi anh ta xem lướt qua trên con đường mòn tối tăm đó.

Lớn lên trong các trang trại nhỏ, cực nhọc, Homer biết rõ rằng những vật dụng không thể thay thế quý giá đến mức nào. Việc anh ta bắn chết anh Đảm khác với lệ thường: Cuộc chạm súng tay đôi trong một cuộc chiến tranh mà lính Mỹ thường không thấy mặt kẻ thù, chỉ có ánh chớp lóe của những làn đạn trong rừng rậm, những mục tiêu cần phải xóa bỏ.

Sự vô hình đó khiến lính Mỹ tức điên lên, nhưng ít nhất nó cũng làm cho họ ít ám ảnh hơn khi nghĩ rằng kẻ thù không phải là người, hắn là ma, là quỷ, hay chỉ là mục tiêu. Còn giờ đây, Homer không chỉ thấy mặt người bị giết, mà còn thấy những bìa sách được gia cố cẩn thận, thấy sức mạnh của ý chí hiện hữu qua những dòng chữ và các bức vẽ tỉ mỉ trong cuốn sổ.

Điều đó khiến Homer phải đối diện với tính nhân văn giá trị đang hiện lên. Anh ta cố tránh không nghĩ về chuyện đó nữa. Mà dù sao cũng chẳng có thời gian để nghĩ. Kẻ thù cũng đã được trang bị và sẵn sàng ngắm bắn anh ta. Đơn giản chỉ là Homer nhanh tay hơn. Đó là điều có thể xảy ra, đã xảy ra, và được gọi là “diệt gọn”.

Homer gửi chỗ tài liệu về tuyến sau, nơi anh ta biết rằng chúng sẽ được xem xét rồi tiêu hủy. Nhưng tối hôm đó, anh ta thay đổi ý định. Anh gọi điện cho một người bạn ở S-2, một tay quân báo, và nhờ người này mang tất cả về cho mình. Homer không thể chịu được cảnh những tài liệu này, chứng cứ cuối cùng của một cuộc đời mà anh ta đã kết liễu, bị tiêu hủy.

---------------
(1) (2) (3) Thông tin và trích dẫn về Homer Steedly trong chương này lấy từ những cuộc trao đổi trực tiếp và qua thư điện tử của tác giả với Homer Steedly (chú thích của Wayne Karlin).



NGƯỜI ANH TA ĐÃ GIẾT

Tôi không thể nghĩ về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Homer và anh Đảm mà không nhớ tới bài thơ của Thomas Hardy - cũng như việc nhà văn Tim O’Brien cập nhật và điển hình hóa nhân vật từ câu chuyện ấy trong Người tôi đã giết - một chương trong cuốn Những điều họ đã mang theo.

Giá như anh ấy và tôi chỉ gặp
Trong một quán nhỏ nào đó cũ kỹ ở ven đường
Giá chúng tôi được ngồi uống cùng nhau
Như mấy kẻ rỗi rãi, không phải làm chi cả

Nhưng chúng tôi lại là những người lính trận
Đã phải nhìn nhau đối mặt, chết trân
Tôi đã bắn anh ta khi anh ta cùng ý định
Và tôi giết anh ta ngay tại chỗ

Vì một lẽ giản đơn:
anh ấy là kẻ thù của tôi
Bởi vì vậy nên tôi đã giết
Chỉ thế thôi - dĩ nhiên, anh ấy kẻ thù
Dù sao như thế cũng là đủ rõ

Anh ấy hẳn trong đời thường cũng đã,
Giống như tôi - ghi cẩu thả vụng về, rằng
Không có việc, nên đã bán đi bộ đồ nghề câu cá
Chứ còn có lý do nào nữa ở nơi đây

Đúng như vậy, chiến tranh thật đáng tò mò và thật là kỳ cục
Khi người ta lại đi giết một chàng trai
Mà người ta đã có thể đãi đằng, nếu gặp nhau ngoài quán
Hay có thể chia cho nhau ít ỏi mấy đồng tiền

(Người anh ta đã giết, Thomas Hardy)

Cách mà Homer giữ mãi nỗi đau giết người bằng cách cứ đeo đẳng các tài liệu của anh Đảm có thể tìm thấy trong cách suy nghĩ và hành động của Tim - một nhân vật do chính O’Brien tạo ra và cho mang chính tên tác giả. Cả Homer và nhân vật trong bài thơ của Hardy đều giết một người lính đối phương và rồi không thể rời mắt khỏi cái xác chết.

Khuôn mặt người chết được miêu tả đi, miêu tả lại cho thấy anh ta sững sờ và kinh hãi về việc mình làm. Khi nhìn chăm chăm vào cái xác, Tim sáng tác câu chuyện cuộc đời người lính Việt Cộng dựa trên những gì lấy được từ thi thể đó. Tim cho rằng người bị giết không có vẻ gì là Việt Cộng. Tim tưởng tượng đây là một anh chàng đam mê toán học, tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, yêu rồi cưới vợ, do dự khi đi chiến trường, nhưng rồi phải đi, chủ yếu để giữ thể diện cho gia đình và quê hương, làng xóm.

Cũng như Homer lúc đầu tưởng tượng anh Đảm là một sỹ quan trẻ như anh ta, Tim- cựu sinh viên từng do dự khi bị gọi nhập ngũ đã liên hệ cuộc đời mình với cuộc đời của người vừa bị anh ta giết chết. Tim giết người, rồi buộc mình phải nhìn vào tử thi như nhìn vào thi thể của chính mình và mãi mãi đau đớn vì nỗi mất mát một người đồng loại.

Phần sau của tiểu thuyết, trong chương Đúng thể thức, O’ Brien - nhà văn (cũng là nhân vật hư cấu y như nhân vật Tim - anh lính) mô tả các điểm xuất xứ của Người tôi đã giết khi giải thích rằng với tư cách là người lính, anh ta không thể để cho bản thân mình nhìn vào những gương mặt của kẻ thù đã chết. Kết quả là anh ta giữ cảm giác của “trách nhiệm vô danh tính” và “nỗi đau đớn vô danh tính”.

Nhưng, O’Brien viết, anh muốn nói với độc giả là “tại sao sự thật câu chuyện đôi khi lại thật hơn là sự thật đang diễn ra”. Anh cho phép mình viết ra câu chuyện, cho phép mình hư cấu ở mức độ chấp nhận được, tạo ra một chàng trai tên là Tim, làm chuyện mà O’Brien đã không làm, không thể làm trong chiến tranh là nhìn vào mặt của người chết, thấy bản thân mình và để tang cho mình.

Để tạo dựng lại gương mặt bản thân trong gương, anh ta phải phát hiện ra những nét nổi bật trong gương mặt thoáng qua và mơ hồ của kẻ thù. Cái nhu cầu y hệt như vậy cũng tồn tại đối với người Việt Nam, một thời từng là kẻ thù của Mỹ.

Vào năm 2007, Mike Archer, cựu chiến binh hải quân trước đây bị bao vây ở Khe Sanh, đọc được câu chuyện tôi viết về Homer và Đảm nên hỏi xem tôi có mối quan hệ nào ở Việt Nam có thể giúp Mike tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với thi thể của một người bạn.

Archer viết một cuốn hồi ký nhan đề Một mảnh đất nhỏ, trong đó mô tả cái chết của Tom Mahoney, bạn thời trung học, đã cùng anh ta gia nhập thủy quân lục chiến. Lúc đó Tom Mahoney mới 19 tuổi, trong di ảnh là một khuôn mặt trẻ dại đến nao lòng. Mahoney bị phục kích và chết trong cuộc tháo chạy khỏi đồi 881, khi cuộc bao vây ở vào giai đoạn cuối.

Đồng đội cố lấy thi thể của anh ta không được, cuối cùng phải cầu cứu một cuộc không kích. Kết quả là không bao giờ tìm được thi thể Mahoney nữa – hoặc là cái xác đã bị quân đội Bắc Việt mang đi, hoặc bị không kích tan tành.
 

"Tim giết người, rồi buộc mình phải nhìn vào tử thi như nhìn vào thi thể của chính mình và mãi mãi đau đớn vì nỗi mất mát một người đồng loại. "


Nhiều năm sau, khi những người Mỹ và người Việt Nam trong đội MIA - đội tìm kiếm người Mỹ mất tích - tìm kiếm dấu vết của thi thể đó, họ tìm thấy trong các hồ sơ lưu trữ của Hà Nội bản báo cáo chiến sự của một nhóm năm người đã phục kích Mahoney.

Bản báo cáo mô tả cuộc phục kích và Mahoney như sau: “Năm người chúng tôi chờ địch suốt cả đêm. Vào lúc 14 giờ 00 ngày hôm sau (tức ngày 6-7-1968) chúng tôi thấy một tên lính Mỹ đi ra ngoài cổng đồn. Hắn mặc bộ quân phục màu xi măng xám. Khuôn mặt đỏ rực và mắt xanh như mắt thú dữ (in đậm). Hắn nhìn về phía tiểu đội của anh Lượng. Một loạt đạn AK rộ lên ngay khi đó, tên lính Mỹ ngã xuống. Anh Lượng và anh Long nhảy ra khỏi vị trí, kéo xác tên Mỹ xuống. Hai người đặt xác tên Mỹ ngay trước đồn để tạo một ổ phục kích nhử đối phương ra khỏi công sự”. Đối với những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, sẽ dễ dàng hơn khi giết một kẻ không chỉ là kẻ xâm lược đất nước của họ, mà còn là một con thú dữ.


KHUÔN MẶT ẨN KÍN

Rốt cuộc tôi trở lại Việt Nam để giúp Homer trả lại những tài liệu đã giữ ở Mỹ về cho gia đình anh Đảm, và cả kế hoạch tôi hằng ấp ủ- phỏng vấn những nhà văn mà tôi quen biết, những cựu chiến binh ở phía bên kia cuộc chiến.

Mahoney bị bắn trúng ngực. Năm 2005, tôi ngồi trong một căn phòng ở Huế, nhìn qua bên kia dòng sông, đúng nơi mà người Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Quân đội Việt Nam Cộng hòa - bốn bên cấu thành của cuộc chiến - đã đánh nhau trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Mahoney tham gia cuộc chiến này. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có mặt tại đó, chị thuộc về phía Bắc Việt Nam. Chị không biết gì về Thomas Mahoney, nhưng sau khi chúng tôi gặp nhau và cùng ngồi uống trà xanh, chị bảo tôi rằng chị muốn đọc một bài thơ của chị. Đó là bài Khuôn mặt ẩn kín, dành tặng những người lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi muốn là một con nai nhỏ
Chạy hoài dưới trời cỏ xanh
Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm
Tôi sẽ hóa thành chó sói dữ dằn
Những mưu chước lưới đời ai
                                lường được?

Sự dối lừa
Trá hình trong giọng lưỡi
                          ngọt ngon

Tôi là con nai quá đỗi ngu đần
Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh
Khuôn mặt tôi khuôn mặt chó sói
Trong hang sâu, trong bóng tối
                                  lặng thầm.
Nghe ai gọi giật mình chợt tỉnh
Nhớ một thời trong suốt mắt nai in
Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã
Viên đạn ai găm khuôn ngực máu
                                          đầy
Xin hãy giở, dưới lần da chó sói,
Trái tim nai, thắm đỏ, thơ ngây

Giờ đây bỗng nhiên chúng tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt khác của nhau. Chúng tôi hiểu nhau qua phiên dịch, chúng tôi cùng ngồi bên một chiếc bàn nhỏ, nhìn vào mắt nhau và không còn lờ đi hoặc căm ghét và sợ hãi, mà thay vào đó là sự khám phá và sự bừng ngộ. 


Một năm sau, khi tôi đọc lời Mike mô tả về Thomas Mahoney và thấy ảnh của anh ta, rồi đọc tư liệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam mô tả đôi mắt của anh ta "xanh như mắt thú dữ", bài thơ đó vang dội trong tâm trí tôi cùng một nỗi sửng sốt thừa nhận và cảm giác đau đớn.

Bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có thể là giọng nói chìm sâu trong quá khứ của Thomas Mahoney, thể hiện việc một nhà thơ nhận ra chiến tranh đã thay đổi nhận thức của chúng ta và của mỗi chúng ta như thế nào.

Năm 1993, lần đầu tiên gặp những nhà văn cựu chiến binh Việt Nam, tôi ngồi bên bàn ăn sáng và nhìn vào đôi mắt của một phụ nữ từng là thành viên của đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, một trong những cô gái đã tham gia xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, lấp hố bom sau khi chúng tôi rải bom xuống, tháo ngòi những quả chưa nổ, rồi chôn cất những người hy sinh.

Nay được nhìn thấy khuôn mặt chị, và khi biết những nơi mà hai chúng tôi đã cùng có mặt trong thời điểm đó, tôi biết rằng nếu nhìn thấy chị khi tôi đang giữ súng máy trên trực thăng, hẳn tôi đã giết chết chị ấy.

Chị từng là một mục tiêu và một mối đe dọa đối với tôi - một bóng ma dưới những tán lá. Còn tôi từng là con quỷ dữ và một cỗ máy đối với chị, trên bầu trời đầy tiếng động và sự kinh hoàng. Giờ đây bỗng nhiên chúng tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt khác của nhau.

Chúng tôi hiểu nhau qua phiên dịch, chúng tôi cùng ngồi bên một chiếc bàn nhỏ, nhìn vào mắt nhau và không còn lờ đi hoặc căm ghét và sợ hãi, mà thay vào đó là sự khám phá và sự bừng ngộ.

Tôi thấy điều Homer thấy khi đem cuốn nhật ký của người mình đã giết ra xem lại một lần nữa, sau khi để nó nằm im lặng suốt 36 năm trong bóng tối, lật giở từng trang để khám phá những hình vẽ chính xác, tỉ mỉ của một chàng trai từng ao ước trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Đó là một khoảnh khắc khi mọi thứ đến với nhau, không chỉ vì chúng tôi từng cùng có mặt tại những nơi trong cuộc chiến, mà còn vì ngày nay cả hai chúng tôi đã trở thành nhà văn, cùng thấu hiểu rằng những câu chuyện của chúng tôi đang hòa trộn vào nhau.

Chúng tôi tiếp cận và viết ra những câu chuyện của người khác nhằm phô bày sức mạnh tiềm tàng của ngòi bút, đồng thời cũng để cứu rỗi trái tim mình. Như Tim thể hiện trong trí tưởng tượng của anh ấy. Như Homer thử làm trong suốt cả cuộc đời mình.

Cuộc hành trình mà rốt cuộc là tôi trở lại Việt Nam để giúp Homer trả lại những tài liệu đã giữ ở Mỹ về cho gia đình anh Đảm, bao gồm cả kế hoạch tôi hằng ấp ủ là phỏng vấn những nhà văn mà tôi quen biết, những cựu chiến binh ở phía bên kia cuộc chiến.

Những câu chuyện của họ, từ cuộc đời văn chương của họ, và câu chuyện của những người khác, của bạn bè, các nhà văn khác và các cựu chiến binh, hay những người bạn đồng hành tôi từng gặp trên đường đi, đan xen vào nhau và làm cho việc liên kết những câu chuyện của Homer và Đảm trở nên sáng rõ, vì tôi càng thấy họ cần phải có mặt trong cuốn sách này (NXB Thông Tấn ấn hành tháng 8 tới- BTV).

Đó là điều khiến Homer Steedly quyết định rằng anh ta cần phải làm. Không bỏ qua cuốn sổ tay lấy từ thi thể anh Đảm, Homer mơ hồ hiểu rằng, cho dù không nói ra thành lời hoặc từng có những ý nghĩ rành rẽ đến tận nhiều năm sau, anh ta cứ phải níu giữ nỗi đớn đau như một cái giá để hiện hữu của một con người. Homer đi tìm và để tang cho điều phải được cắt bỏ khỏi trái tim mình. Anh ta cần phải tìm được câu chuyện đời của anh Đảm và của chính bản thân mình.


BỨC THƯ
 

...Anh Đảm và tôi tình cờ gặp nhau trên con đường mòn. Anh ấy và tôi nhìn thấy nhau và cả hai chúng tôi đều nghĩ đến chuyện bắn vào nhau. Tôi còn sống. Anh ấy thì đã chết. Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi luôn mang theo hình ảnh thân thể trẻ trung của anh ấy nằm đó bất động. Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống?...
 (Thư của Homer Steedly gửi Hoàng Đăng Cát, em ruột liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm)


"Có thể một ngày nào đó nhân loại sẽ có đủ trí thông minh để giải quyết xung đột mà không phải đưa những chàng trai như chúng tôi đi giết những người xa lạ"- Homer Steedly viết trong lá thư gửi gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, cách đây 5 năm.

Ngày 22-4-2005, Homer gửi bức thư điện tử sau đây, thông qua chị Phan Thanh Hảo, cho em trai út của người mà anh ta đã bắn chết.

Kính gửi ông Hoàng Đăng Cát, Tôi thực sự mong muốn được tận tay trao trả lại những tập tài liệu, nhưng tôi không đủ khả năng để thực hiện chuyến đi sang Việt Nam. Tôi đã về hưu, chỉ có một khoản thu nhập cố định và hiện đang có những vấn đề về sức khỏe - đơn giản là tôi không có tiền.

Thậm chí nếu tôi đến Việt Nam, tôi e rằng tôi quá nhút nhát khi gặp những người xa lạ, mà tôi không thể nói được một từ nào bằng ngôn ngữ của họ. Tôi lớn lên ở một trang trại nhỏ và lúc nào cũng rất nhút nhát. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể là trung đội trưởng và đại đội trưởng trong quân đội được.

Tôi rất xúc động về việc ông có một bàn thờ để những kỷ niệm về anh Đảm vẫn luôn sống động. Khi biết rằng linh hồn dũng cảm của anh ấy vẫn được kính trọng theo cách như vậy, tôi cảm thấy điều đó là tốt. Thật đau lòng khi nghĩ đến hàng trăm nghìn người thuộc cả hai phía của cuộc chiến tranh bi thảm kia vẫn còn mang nỗi đau tang tóc vì người thân yêu của họ không còn nữa.

Thỉnh thoảng mặc cảm tội lỗi vì còn sống sót lại trào lên trong tôi. Tôi sẽ nói điều gì khi tôi đi vào cõi vĩnh hằng? Liệu có chút lời chú giải đã được biết đến về điều răn dạy của Chúa "Con không được giết người" sẽ tha thứ cho việc giết người trong chiến trận hay không? Xin hãy xem xét điều mà tôi đã làm vì ngu dốt và điên rồ ở thời tuổi trẻ. Tôi đã cho rằng tôi là một người yêu nước thực sự. Vậy vì sao điều đó không đem lại cho tôi sự bằng an khi ở vào tuổi 59 này?

Anh Đảm và tôi tình cờ gặp nhau trên con đường mòn. Anh ấy và tôi nhìn thấy nhau và cả hai chúng tôi đều nghĩ đến chuyện bắn vào nhau. Tôi còn sống. Anh ấy thì đã chết. Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi luôn mang theo hình ảnh thân thể trẻ trung của anh ấy nằm đó bất động. Đó là cuộc giết người đầu tiên của tôi. Tôi mong rằng đó có thể là lần cuối cùng. Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống? Tôi không biết nữa.

Có thể một ngày nào đó nhân loại sẽ có đủ trí thông minh để giải quyết xung đột mà không phải đưa những chàng trai như chúng tôi đi giết những người xa lạ… Mọi người nên biết các nhà lãnh đạo của chúng ta đang làm gì khi họ phải sử dụng đến xung đột vũ trang để giải quyết các vấn đề chính trị. Vào lúc tôi từ giã cõi đời, anh Đảm và rất nhiều đồng đội của anh chắc chắn sẽ gọi tôi. Tôi không sợ... chỉ thấy buồn ghê gớm. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp lại nhau như những người bạn.

Xin gửi ông lời chào kính trọng,

"Tôi không thể làm được điều đó", Homer nói với tôi. Anh ta hỏi liệu tôi có thể thay anh mang những tài liệu đó đi được không. Một ngày sau, tập tài liệu được gửi qua đường chuyển phát nhanh đã đến nhà tôi. Anh đã để những tài liệu đó ra đi.

*

Tôi do dự rất lâu trước khi mở chiếc phong bì bọc kín ra. Tôi biết đối với gia đình nhà họ Hoàng, những thứ tôi đang giữ chính là một phần linh hồn của anh Đảm. Thoáng trong giây lát tôi có cảm giác giống như sự ân hận, do nỗi sợ hãi lẫn lộn gợi lên. Tôi đang đem cái gì vào trong nhà của mình thế này? Tôi không giết người đàn ông đó.

Khi ý nghĩ này đến, tôi phải cố gắng chống chọi. Một trong những người bạn Việt Nam viết thư cho tôi, khi tôi nói với chị rằng Homer có thể sẽ sang Việt Nam, rằng chị không muốn gặp anh ta, hoặc là không dám chắc là chị có thể nhìn vào mặt anh ta hay không. Tôi viết thư trả lời chị, nói rằng Homer có thể là tôi. Homer có thể là bất cứ ai trong chúng ta.

Tôi mở chiếc phong bì, lấy ra mấy quyển sổ và một số giấy tờ- một mùi giấy rất cũ, rất khô thoảng bay vào mũi. Tất cả được giữ gìn một cách cẩn thận. Tôi xem rất kỹ, giống như nhà khảo cổ xem xét một văn bản cổ quý giá.

Phía trên một trong những trang tiêu đề, anh Đảm vẽ một cành hoa phong lan màu xanh - đỏ rất đẹp, trau chuốt, cùng với tên mình "Hoàng Ngọc Đảm" phía dưới dòng chữ ghi ngày tháng, 1-1-1966, theo kiểu chữ viết hoa mà học sinh thường hay viết trên những quyển vở ghi chép ở trường học. Minh họa ở trang trước là bức vẽ bằng tay một chiếc kéo mổ y tế.

Ngày hôm đó, anh Lượng nói: "Cứ như là chúng tôi đang nhận lại thi thể của anh chúng tôi vậy.

Hàng trăm người đã đến, tất cả đều mang khăn tang trắng. Tôi nâng những tài liệu của anh Đảm trước ngực, trên hai bàn tay.

Nếu tôi là người thay mặt cho Homer, thì anh Đảm là người đại diện cho 142 thanh niên trong làng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và không bao giờ trở về nhà.  


Quyển sổ tay được chia thành nhiều phần với cách chữa trị các loại vết thương khác nhau, và điều ngạc nhiên là phần đầu tiên lại là hướng dẫn cách đỡ đẻ.

Từng trang, từng trang tiếp theo đều được minh họa bằng hình vẽ hoàn chỉnh về giải phẫu cơ thể người: đầu, các động mạch ở cổ, xương chân, xương hông, v.v… như thể anh chép lại cả một quyển sách về y học.

Ngắm nhìn và tận tay chạm vào những nét chữ rất nắn nót và rất đẹp, những con chữ được anh Đảm viết nhỏ xíu để chiếm càng ít chỗ càng tốt, cũng như các hình vẽ giải phẫu cơ thể người một cách tinh tế và hoàn chỉnh, tôi nghĩ đến lời than vãn thống thiết của Homer trong lá thư anh viết gửi cho anh Cát: Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống?

Niềm hy vọng mà những hình vẽ và ghi chú tỉ mỉ này tiết lộ làm lòng tôi đau nhói. Cuốn sổ là tấm bùa mà con người trẻ trung ấy đã gắn bó và viết kín hết bằng một nỗ lực mãnh liệt hòng đem lại cho bản thân cái ảo hình một tương lai.


CHUYẾN ĐI

Gần hai năm kể từ khi Homer nói anh muốn gặp gia đình họ Hoàng. Lý do phải chờ đợi một thời gian lâu như vậy, và cho tới tận bây giờ anh mới có mặt ở đây, lại là một bi kịch khác.

Sau một thời gian dài đau ốm mòn mỏi, mẹ của Tibby là bà Betty Dozier qua đời. Homer không muốn đi xa khi mẹ vợ đang ốm, anh và Tibby dành phần lớn thời gian ở bên cạnh bà. Bà Betty Dozier kết hôn với một người lính và là người chăm sóc chính cho một người lính khác, anh trai bà, người mà bộ não hoàn toàn bị đông cứng lại sau Thế chiến thứ Hai.

“Mẹ là người hiểu Homer hơn bất cứ ai trong nhà chúng tôi”, Tibby nói. “Bà hiểu việc sang Việt Nam quan trọng đến mức nào với anh ấy. Bà cũng hiểu chúng tôi không có khả năng tài chính để thực hiện chuyến đi đó. Nếu mẹ còn khỏe mạnh, mẹ đã trang trải cho chuyến đi rồi. Trước khi mất, bà di chúc lại là cho chúng tôi đủ tiền để sang Việt Nam”.

Nhưng khi sắp sửa khởi hành thì sức khỏe của Tibby lại không cho phép chị đi cùng chúng tôi. Nhóm chúng tôi giờ chỉ có bốn người: Homer và tôi; Doug Reese, người tôi đã nhờ thu xếp toàn bộ chuyến đi ở Việt Nam; và Jessica Phillips, cô phóng viên trẻ của đài phát thanh.

Khi Homer bảo tôi là anh có thể thực hiện chuyến đi, tôi bèn liên lạc với Marc Steiner, hỏi xem anh có muốn đi cùng để làm phần hậu của chương trình phát thanh ban đầu của chúng tôi hay không. Marc vừa mới bị đài WYPR ở Baltimore cho thôi việc, đó cũng là sự chấm dứt mối mâu thuẫn lâu dài giữa anh với giám đốc và ban quản trị.
 

Homer đưa thư từ và mấy cuốn sổ của anh Đảm cho Tibby xem. "Tôi nhớ khi mình nhìn những hình giải phẫu cơ thể người mà anh Đảm đã vẽ rất đẹp", chị nói, "tôi giận sôi lên vì một cuộc đời phi thường như vậy đã bị hoài phí"  

Anh rất muốn đến Việt Nam và ghi lại phần cuối câu chuyện về Homer, nhưng đang phải mang gánh nặng phức tạp trong hoàn cảnh hiện tại. Jessica đã bỏ đài địa phương để đến làm việc với Marc trong công ty mới của anh. “Tôi để cho cô ấy thay tôi đi với anh”, Marc nói. “Cô ấy là người rất tốt, ông anh ạ”.

Trong chuyến đi này, nếu ba chúng tôi đại diện cho mối quan hệ cũ giữa hai đất nước Mỹ và Việt Nam, thì Jessica là một phần của những mối quan hệ mới, hoặc ít nhất gia đình cô đại diện cho mối quan hệ mới hiện nay.

Gia đình nhà Phillips sở hữu một tổ hợp nhà hàng hải sản nổi tiếng ở bang Maryland. Trong vài thập kỷ qua, khi cua và sò, sản phẩm chính của ngành đánh bắt hải sản ở vùng vịnh Chesapeake trở nên khan hiếm, gia đình cô bắt đầu nhập khẩu ngày càng nhiều hải sản châu Á và điều này khiến ngư dân địa phương tức giận. Phần lớn tôm hiện nay họ nhập khẩu vào Mỹ được chế biến và đóng thùng ở Nha Trang. Việt Nam không phải là đất nước của chiến tranh nữa. Đó là một cơ hội làm ăn.

Kế hoạch của chúng tôi là ở lại thành phố Hồ Chí Minh một ngày, sau đó ra Bắc, đến Hà Nội, nơi tôi gặp gỡ các nhà văn bạn bè và để cho Homer làm quen đôi chút với một đất nước Việt Nam hiện đại trước khi đi gặp gia đình của người mà anh ta đã giết chết.

Tôi nghĩ điều này là sự ngược chiều với chính sách về thăm nhà trong chiến tranh Việt Nam: Hôm trước những người lính được lôi ra khỏi rừng, hôm sau đã đi trên đường phố của Mỹ, một cú sốc về cơ chế mà Homer đã trải nghiệm hai lần trong đời.

Trong chuyến trở về nhà lần cuối để giải ngũ, sau hai lần về thăm nhà, anh ta nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ máy bay và trông thấy nhiên liệu phụt qua khe hở của động cơ. Có đúng là như vậy không? Anh hỏi cô tiếp viên hàng không và cô này tái xám cả mặt khi nhìn thấy những gì anh đang trông thấy.

Chiếc máy bay lập tức được lệnh hạ cánh khẩn cấp xuống vùng Alaska, và những người lính, trong trang phục của khí hậu vùng nhiệt đới, được lệnh chạy thật nhanh qua đường băng, nơi nhiệt độ đang ở khoảng âm 10 0C.

Khí lạnh đốt cháy da thịt Homer hệt như lửa đốt trong khi anh chạy, dường như anh không còn thuộc về bầu không khí nơi đây, cũng như không thuộc về đất nước mà anh đang trở về. Cú sốc về cuộc chạy trốn này như điềm báo trước cho tất cả những cú sốc khác, cả những cú xê dịch không thích hợp khi về quê hương mà anh chưa hề được chuẩn bị trước.

Tôi nghĩ, bây giờ chúng tôi nên tổ chức chuyến đi theo một cách khác. Đầu tiên, là để cho Homer nhìn thấy đất nước này trong hòa bình; để cho anh trông thấy rất nhiều người cả ở thành phố lẫn nông thôn, những người sinh ra sau chiến tranh, hoặc đã quên chiến tranh theo cách quân sự, những người không nhìn thấy chiến tranh in dấu trên mặt anh ta.

Tôi đã đưa George Evans (nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, bạn của tác giả- BTV) đến Thái Giang, đến với nỗi đau của làng, ngay khi anh đặt chân tới Việt Nam. Điều đó làm anh bị sốc, khiến anh nhìn thấy kẻ thù ở nơi thực ra là không hề có. Tôi sẽ không lặp lại sai lầm này với Homer.

Sau Thái Giang, theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi vào miền Nam cùng với gia đình họ Hoàng. Sẽ dừng lại ở Vinh, một tỉnh nằm ở phía bắc giới tuyến từng chia cắt tạm thời hai miền Bắc và Nam Việt Nam, đến thăm chị Tiến, rồi đi đến nghĩa trang Ayunpa ở Azaban thuộc tỉnh Gia Lai, nơi có hài cốt anh Đảm.

Doug Reese và tôi không tin gia đình họ Hoàng gặp may mắn hơn trước đây trong việc xác minh xem đâu là mộ anh Đảm trong số ba mươi tư ngôi mộ. Nhưng chúng tôi nghĩ sẽ có dịp bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã khuất ở nghĩa trang, sau đó chào tạm biệt họ và đi tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, thăm Cà Mau, thị xã vùng cực Nam của Việt Nam, nơi Doug đã đóng quân và nơi anh ta đã gặp người em trai của người bị anh ta bắn chết.

Tốp làm phim truyền hình nói với Homer là họ muốn đưa anh đến một ngọn đồi và quay cảnh ở đó, coi như là nơi trước đây anh ta bắn chết anh Đảm. “Không được”, Jessica giận dữ nói. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có gặp phải tình huống mà những người bạn hoài nghi của tôi là Khuê và Thái đã đoán trước. Mong muốn có một kết thúc tốt đẹp có thể trở thành một bi kịch và tệ hơn, một trò cười.

(Còn nữa)

Nguồn: Tiền Phong








 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Gió heo may (27/03/2014)
Kẻ dự phần (25/03/2014)
Nguyệt thực (17/03/2014)
Mẹ điên (06/03/2014)