LGT: Hoàng Chiến Thắng người dân tộc: Tày, quê Chợ Đồn - Bắc Kạn. Anh viết đều ở hai thể loại thơ và truyện ngắn. Đã xuất bản: Gọi ngày xuống núi (thơ, 2009); Sương mù Lũng Noong (tập truyện ngắn, 2010).
Tác giả từng nhận một số giải thưởng của Trung ương và địa phương; từng tham dự Hội nghị Viết văn trẻ Toàn quốc tại Tuyên Quang.
Sông Hương oline xin giới thiệu lại một truyện ngắn của tác giả trẻ này từ trang Văn nghệ của báo Đại biểu nhân dân.
HOÀNG CHIẾN THẮNG
Đợi mảng trong đêm
Truyện ngắn
1.
Tiếng khỏa nước trong đêm. Những người đàn bà của làng ngồi bệt cả bên mép sông, hai chân choãi thõng xuống con nước bàng bạc. Trăng thượng tuần. Người ta bảo họ đợi những chiếc mảng, từ lâu lắm rồi, cứ mỗi mùa trăng.
Làng Ngọi xưa hẻo lắm, dăm ba nóc nhà con xơ xác, hơn chục nhân khẩu. ấy là bến bà góa, ấy là bến cô sầu hay gì gì nữa. Những chuyến hàng trở ngược lên thượng nguồn tấp lại một vài đêm, những chiếc mảng xuôi về tấp lại đôi ba tiếng. Thường khi, bến sông có chiếc mảng nào đó neo lại, đêm xuống, ắt có nhà tắt đèn đi ngủ sớm, mảng neo nhiều, bến sông càng vắng, chẳng còn bóng dáng đàn bà ra gánh nước hay giặt giũ. Những người đàn ông thì khi nào cũng vội vã, đến làm tình cũng vội vã, ban ngày chưa bao giờ thấy họ ở lại.
Tôi là đứa con gái sinh ra trong những lần mẹ tôi chờ đợi một chiếc mảng của người đàn ông nào đó, xuôi về hay ngược lên. Như bao đứa trẻ khác, tôi đã được nghe, được chứng kiến nhiều câu chuyện về những người đàn bà đợi mảng trong đêm. Tục làng tôi, con gái lớn phải ra bến sông đợi những người đàn ông từ trên mảng xuống. Tương truyền Thành hoàng làng tôi là một kỹ nữ bị lũ cuốn trôi trên sông được những người đàn ông trên mảng vớt, mang đến đây dựng làng, sinh con đẻ cái. Vì thế, con cháu phải hiến mình cho những người đàn ông đi mảng như sự đền ơn. Bao đời nay đã vậy rồi. Không mấy ai làm khác, mà có muốn làm khác đi cũng đâu có được. Cái làng dễ đến mấy chục năm chưa có nổi một đám rước dâu. Muốn có con chỉ việc chạy ra bến sông tênh hênh chờ đợi. Con gái làng da trắng môi hồng, xinh xắn không đâu bằng, nhưng truân chuyên thì cũng nhất. Tôi không tin tôi cũng sẽ giống họ, tôi không chịu ở mãi trong làng để rồi lại ra bến sông ngóng những chiếc mảng gấp gáp neo lại trong đêm. Ngay từ khi còn là một con bé tóc vàng khẳn nắng tôi đã căm ghét những chiếc mảng. Mẹ tôi đêm đêm ra bến ngóng người đàn ông của mẹ, cô Nhung cũng ra bến ngóng người đàn ông của cô, mỗi người chờ đợi một chiếc mảng. Tôi không vậy, lớn lên tôi sẽ làm khác họ, sẽ không để những đứa trẻ mếu máo đợi mẹ trở về từ bến sông. Tôi chẳng ra cái bến sông buồn hiu hắt ấy đợi những người đàn ông. Mông muội, khao khát với đĩ thõa nào có khác nhau là mấy ở cái bến sông này.
2.
Anh kéo tôi vào lòng, luồn tay sau tóc thầm thì, bến sông đẹp mà buồn quá. Anh đến từ đâu tôi chưa khi nào hỏi, chỉ đơn giản anh không phải bước lên bờ từ những chiếc mảng, anh là sự khác biệt duy nhất. Anh vẽ những bức tranh có ánh trăng lẳng lơ, có đàn bà lẳng lơ và những khuôn mặt mỏi mòn. Đàn bà trong làng mỉa mai, ghen tức, họ ghen với một con bé hay tủi phận vì phải chờ đợi để dâng hiến, hay vì tôi phạm vào quy ước làng. Chẳng biết. Mẹ tôi kịch liệt phản đối bởi anh là người đàn ông không bước lên bờ từ những chiếc mảng. Làng này chưa có tiền lệ ấy. Thành hoàng làng mà giận thì khó sống lắm, người ta khuyên, người ta dọa. Mẹ tôi ra nói vào nói, đến nằm mê cũng nói những điều bà nghĩ, bà giận tím tái cả ngón tay ngón chân. Mặc. Tuổi trăng tròn ương ngạnh chẳng đời nào chịu bị ép mình. Chán rồi cũng kệ. Anh cho tôi cảm giác được làm khác những gì đàn bà con gái trong cái làng này vẫn làm. Lý do chọn anh đơn giản vậy thôi.
Rồi anh đi, đi biệt, không biết đi đâu, hệt như khi anh đến. Chị Lành vẫn hát vu vơ vào mỗi đêm trăng, cái Vân bảo chị hát bài hát người đàn ông của chị dạy đấy! Ừ, mà ông ấy không về còn để lại cho chị bài hát khi buồn, còn mày, cái thằng đàn ông của mày đi là đi luôn cấm có để lại gì. Tôi chân trần chạy ra bến sông nức nở, con gái hiếu thắng, cái tuổi dễ hẫng hụt. Ai bảo anh không để lại gì cho tôi. Cái sinh thể nhỏ nhoi đang cựa mình ấy chẳng phải do anh để lại đấy sao. Lần đầu tiên tôi ra bến sông ngồi đợi một người. Chẳng phải anh, chẳng phải những người đàn ông bước lên từ chiếc mảng nào đó. Tôi ra bến sông để đợi một sinh linh bé nhỏ chào đời. Con gái làng Ngọi có mang phải cất chòi ra ở bến sông, tôi đã cự cãi với mẹ, tôi đã gần như hét vào mặt bà rằng tôi khác bà, khác những người đàn bà đi hoang ở bến Ngọi, cái sinh linh trong cơ thể tôi không phải bắt đầu từ những chiếc mảng. Mẹ tôi tái mặt. Mày đi, đi ngay, nếu không là bến sông thì ra khỏi cái làng này. Xưa nay làng vẫn thế, không thể khác được.
Bến sông có thêm cái chòi chú Tư Điềm mới cất. Chú là người đàn ông duy nhất của làng. Không biết chú đã đến làng Ngọi từ khi nào, bước chân vừa đi vừa xóa trên doi cát của chú hồi bé luôn là tâm điểm cho trẻ con làng Ngọi đọc vè. Vè rằng: Ve vẻ vè ve/ cái vè chấm phẩy/ mông lép ngực mẩy/ là chú Tư Điềm. Chú cau mặt rồi lại cười ngay. Nhà nào dựng chòi cũng đều đến nhờ chú Tư Điềm cả, mà cái làng tin hin này dễ đến hơn nửa chú làm chòi giúp. Những cái chòi con con bên bến sông nhiều hơn cả nhà chính ở làng. Chú vẫn ngày ngày cất vó, trồng khoai. Đàn bà con gái vẫn siêng ra bến xin chú cá. Không biết chú cất được nhiều đến đâu mà nửa đêm nửa hôm vẫn có người gõ cửa để xin. Trăng làng Ngọi ngày càng bạc hơn, sau mỗi cái kẹt cửa vọng từ căn nhà chú Tư Điềm.
Đủ ngày tôi sinh. Đứa bé ngằn ngặt khóc rồi im bặt. Chú Tư Điềm ẵm nó trên tay lay nhẹ. Chú thở dài, nó không ở lại với bến Ngọi rồi. Trăng khi ấy sao mà lạnh. Đứa con gái bé bỏng mới chào đời đã vội vã bỏ làng Ngọi đi ngay. Tự an ủi, nó không dại như mẹ nó, nó bỏ đi là khôn. Bỏ đi là bỏ cái kiếp đàn bà bến Ngọi.
3.
Anh bảo tôi đừng nhìn mãi ra bến sông nữa, chẳng có gì ngoài ấy đáng để ngóng đợi đâu. Tôi biết anh buồn. Cố không nhìn ra bến, mà sao cứ thấy nao nao. Đêm nay có ba chiếc mảng neo lại, đồng nghĩa ba nạ dòng hay thiếu nữ như tôi trần trụi trên triền sông vắng. Đời người con gái bến Ngọi chỉ có vậy thôi sao. Anh quàng tay kéo tôi vào lòng. Hơi thở anh phả lên mặt tôi rờn rợn. Anh vồ vập đắm chìm. Lúc ấy sao trông anh hèn hạ thế, thô bạo thế. Chẳng giống anh ngày nào.
Tôi đi ra bến, ánh trăng phủ đầy lên thân thể căng nhức như bỡn cợt, trêu ngươi. Làng này con gái bao đời vẫn vậy.
Đình làng Ngọi không biết đã có từ bao giờ. Gió thông thốc mang theo mùi ngai ngái lờm lợm. Ngày trước, khi tôi còn bé, bà Thắm là người trông coi cái đình này. Bây giờ là cô Thêm. Bao mảnh đời lỡ dở dạt hết về đây, góa chồng có, điếm đàng có. Người ta không muốn sinh con trai, những đứa trẻ là trai chẳng hiểu sao không sống nổi quá một ngày, họ bảo Thành hoàng làng bắt thế. Tuy nhiên, tôi biết không phải vậy mà có sự can thiệp tàn nhẫn lắm. Làng tôi lạ, đến cái đình làng cũng lạ. Nhìn bề ngoài, đình Ngọi chẳng khác thân thể một đứa con gái tênh hênh nằm nghiêng nghiêng chờ đợi ngay sát mép sông. Sau này tôi mới biết có lẽ chỉ duy nhất đình làng tôi do đàn bà con gái trông nom. Tôi đứng trước đình làng từ bao giờ, vài giây phân vân, tôi lao vào sục sạo tìm kiếm rồi làm một việc tày trời nhưng thấy hả hê. Chỉ là tày trời với làng Ngọi thôi. ấm ức dồn nén bấy lâu được hả hê bung nhẩy. Tôi đập tôi xé, đạp lên tất cả. Bức tượng người đàn bà điếm đang nhìn tôi chòng chọc. Khi tôi lao ra khỏi đình làng là lúc chú Tư Điềm lững thững từ bến sông đi lại. Chú đi cất vó đêm hay gì đó. Chú đứng thần người nhìn tôi trần trụi vụt qua trước mặt, khẽ lắc đầu.
Anh đi, và lần này là đi luôn chẳng để lại gì cho tôi. Cái chòi chú Tư Điềm cất hồi nào giờ xiêu vẹo chực đổ. Tôi đã có thể về nhà ngay khi đứa con gái mới chào đời bỏ tôi, bỏ bến Ngọi. Nhưng tôi không làm thế. Đã vậy ở luôn bến sông này để coi cái sự lăng loàn ấy đến đâu. Chú Tư Điềm sang chơi hỏi.
- Khi nào rời chòi thế?
- Chưa biết, có lẽ ở hẳn.
- Ờ, mai tao qua sửa lại chòi cho, khổ!
Rồi chú nhìn lơ ra bến nước. Không biết chú Tư quê đâu và cũng chẳng nghe người ta kể gì về chú. Cái vẻ khắc khổ, cái dáng đi chấm phẩy luôn như một dấu hỏi. Nhưng biết hỏi ai? Tôi nằn nì chú ở lại dùng cơm. Đĩa cá rán vàng giòn cùng chai rượu anh để lại đủ để tôi với chú quên đi sự đời, quên đi cái sự tục tằn. Chú khề khà nâng chén, khề khà câu chuyện, đời chú Tư bày tất tôi xem.
Họ đồn cô Khải có nhân tình. Chồng cô nghe mãi rồi cũng đâm nghi. Cái thân côi cút từ bé, có được mái nhà, có được cô vợ xinh xắn như nhặt được vàng, mà vàng ròng chứ chẳng đùa. Anh Tư chăm chỉ kéo xe kiếm thêm chút ít phụ thêm vào mỗi khi giáp hạt. Công việc nặng nhọc mà bèo bọt không gì bằng. Nửa đêm mới lếch thếch kéo xe bò về, mệt bã chẳng buồn tắm, lên giường là ngáy luôn đến sáng. Hôm mưa gió không có người mướn, anh Tư đội mưa về. Vào đến nhà không tin nổi mắt mình, cô vợ anh đang quằn quại dưới tấm thân của thằng buôn gạo trên phố huyện. Anh không nói được gì ngây ra như phỗng. Cô Khải sau một đêm khăn gói đi luôn bỏ mặc anh với cái chân gẫy đoạn không tiền chữa chạy. Mất vợ lại mang tật. Anh Tư xin làm thuê cho một tay đi mảng chuyên vận hàng lên mạn ngược. Gặp bến sông này thấy ở được, ở luôn chẳng buồn quay về.
Điềm tĩnh và chịu đựng như chú ai cũng thương nhưng chẳng ai chịu ở với cái thằng què chân. Chú Tư Điềm biết vậy, cũng chẳng mơ ước gì một mái ấm, một lần bị rắn cắn đủ để sợ cả đời chứ ít.
Tôi khẽ cười, với tay rót thêm rượu cho chú. Mặt chú lại ngây thộn hệt cái đêm tôi chạy ra khỏi đình làng. Không biết im lặng bao lâu, không biết uống đến khi nào, chỉ biết khi mở mắt đã thấy mình nằm úp bên chú. Chú vòng tay ngang tôi. Trăng vẫn bợt bạt ngoài bến sông.
- Tình về bên ấy với tôi nhé!
4.
Huyện cho người về làng Ngọi vận động bà con bỏ đi cái hủ tục lâu nay. Một người đàn bà chết chồng đến ăn ở với dân làng. Cái vẻ phây phây của bà ta khiến bao gã đàn ông trên mảng thèm thuồng. Bà ta hai chân khuỳnh khuỳnh thi thoảng lén đưa tay cọ cạo bên dưới. Bà nói nhiều, toàn chuyện trên trời dưới biển, toàn lời hay lời đẹp cả. Cái Vân bảo, thế thôi, chứ đêm đến bà ta cũng vuốt bụng thở dài thườn thượt đấy. Hồi xuân mà. Bến sông từ khi có cán bộ phụ nữ xuống cũng không thấy bớt đi những tiếng xao xác trong đêm. Ở hơn hai tuần, người ta thấy bà ta ít ra bến hơn, mặt khi nào cũng thẫn thờ, ưng ửng.
Cô Nhung dạo này đi lại lạ quá, hai chân dạng ra khuỳnh khoàng. Khi nào cũng thò tay gãi sồn sột chẳng khác nào bà cán bộ kia. Người ta thấy cô ra bến sông ngồi thum thúp trong đám cỏ. Rồi chị Lành, cô Thêm cũng vậy. Có khi nào Thành hoàng làng quở phạt. Người ta xì xào, người ta đổ lỗi này kia nhưng tất cả dừng lại ở nguyên nhân hương ước làng bị xé, và tôi là mục tiêu chính. Bà cán bộ chẳng còn thấy ra bến sông. Cái Vân leo lẻo, mụ ấy không phải người làng mình mà cũng bị Thành hoàng làng quở phạt mày ạ. Những chiếc mảng ngược lên, xuôi về thưa thớt dần. Chòi nhỏ bên bến sông cũng ít hơn trước. Cô Lành đổ bệnh không cách chữa, trước khi nhắm mắt, người ta bảo cô vẫn hát bài hát gì đó mà người đàn ông của cô dạy.
Bên nhà chú Tư Điềm dạo này nhiều tiếng gõ cửa hơn, có lẽ bởi mảng neo lại bến ít quá, hay họ sang xin cá thật. Có trời mới biết. Nhưng chú nhất quyết không ra mở. Từ cái lần uống rượu bên chỗ tôi, chú Tư Điềm năng sang hẳn, mọi việc lớn nhỏ một vai chú gánh cả. Đám đàn bà trong làng lại sốt ghen lên vì cái sự lạ ấy. Mẹ tôi cũng tất tả chạy thuốc chạy thang, cả bến Ngọi mắc bệnh. Đâu cũng rặt mùi tử khí, cái Vân dạo này cũng ít hóng hớt hẳn đi.
Ái chà, ai kia như bà cán bộ, len lén vậy rõ chẳng phải người làng, đàn bà làng này ra bến đàng hoàng chứ đâu thế kia! Gã đàn ông cơ bắp cuồn cuộn bế bổng người đàn bà phốp pháp lên, gã cười khùng khục, cười mà như gằn từng tiếng trong cuống họng hệt con thú hoang sặc tiết. Xong xuôi, gã lẳng bà ta cái phịch xuống bãi cát rồi đi thẳng ra bến tháo dây cho mảng xuôi dòng.
5.
Lần đầu tiên làng Ngọi có đám rước dâu, cô dâu áo nâu sồng ngồi thu lu trên chiếc xe bò, phía sau trẻ con nheo nhóc chạy theo. Chú rể chân nhẫm, chân xóa lặc lè kéo. Mẹ tôi cùng mấy người đàn bà trong làng ngẩn ngơ nhìn theo tiếc rẻ. Cái có đấy không ai mang đi thì thấy bình thường, nay bỗng có người đến cho vào túi mới thấy trống trải, mới thấy nuối tiếc. Đám trẻ được dịp: Ve vẻ vè ve/ cái vè chú rể/ chân thì như thế/ cưới vợ chỉ xem/ rồi nó tòm tem/ rồi nó tòm tem/ thành ra mất vợ/ thành ra mất vợ…
Tôi sinh đứa thứ hai cũng trên chiếc chòi con con năm nào. Trăng bến Ngọi lu hơn, gió lành hơn nhưng sao vẫn u ám. Đang thời kỳ kiêng cữ, tôi không bước ra khỏi chòi nửa bước, mọi thứ đã có chồng mang đến phục vụ tận nơi chu đáo. Ở một chỗ nhưng tôi vẫn quan sát được tất cả những gì xảy ra bên bến sông. Đám trẻ xì xào, nghe bảo ông Tư Điềm cũng bị Thành hoàng làng phạt rồi. Tôi không tin. Mà hình như dáng đi chấm phẩy ấy có khuỳnh ra thật. Thằng cu nằm bên quơ tay đỏ hỏn vào vú mẹ mắt nhắm nghiền. Ngoài bến sông gió buốt thổi về, trăng bàng bạc, mập mờ thấp thoáng trong sương dáng đi chân nhẫm, chân xóa bên doi cát, cái bóng đi dần ra sông. Lần đầu tiên trong lịch sử, làng Ngọi có người sinh con trai…
H.C.T