Tác phẩm hay
Nợ người dưng
08:32 | 17/03/2015

LGT: Tham dự cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 (2012 - 2014), Mất hút bên kia đồi của D. nhận giải khuyến khích. Giải thưởng be bé nhưng D. - bút danh “làm cho gọn lại” của cái tên Dương Liên Trang Nhã “khá dài và khá ngộ”, như cách cô nói - vẫn thấy rất vui vì tác phẩm đầu tay đã được ghi nhận. Người đọc cũng vui vì nhìn thấy từ tập truyện mỏng một hi vọng về con đường dài của một người viết trẻ.

Nợ người dưng
Minh họa: KINH DUẪN

Thế nên Nợ người dưng có mặt, thêm một bước đi để thong thả kể với bạn đọc một câu chuyện tưởng như là phi lý. Nhưng tác giả lại bảo “là chuyện thật, tôi nghe kể từ một vị thầy áo nâu”. Mà cho dù có không phải vậy thì chuyện nghĩa tình giăng mắc giữa cuộc đời nhiều ngang trái này vẫn thật đáng tin, đáng đọc.

Chọn bút danh Nhã Dương cho truyện ngắn đầu tiên của mình trên
Tuổi Trẻ, cô gái sinh năm 1988 bày tỏ một sở thích: “Chỉ thích viết về mây gió hoa lá, những khoảng hở giữa hai suy nghĩ trong một người, những thứ người ta đi ngang qua hằng ngày nhưng chỉ nhìn mà không thấy”.

Nhã Dương là giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp của một trường đại học.



NHÃ DƯƠNG


Nợ người dưng 

                   Truyện ngắn

Khi Tuệ mười ba tuổi, anh nhớ có một lần bà hàng xóm kế nhà phát điên. Bà đập hết đồ trong nhà - anh đoán vậy vì thật ra chỉ nghe tiếng chát chúa. 

Còn đoạn bà chạy ra sân kéo hết áo quần trên dây phơi xuống thì anh thấy không cần đoán. Bà la bà lối, bà quát bà tháo, bà làm dữ thần trời đất tới nỗi không biết ai gọi điện để mấy chú áo xanh trên phường phải xuống dẫn bà đi đâu đó. Hồi xưa Tuệ chỉ nghĩ bị chú áo xanh dẫn thì phải lên đồn công an thôi. Sau anh mới biết, cơn la lối còn dẫn bà đi một nơi khác xa hơn là bệnh viện tâm thần.

Rồi lớn hơn chút nữa, anh lại biết thêm là cơn la lối ấy cũng dẫn bà vào chùa.

Lý do bà bị điên thì đơn giản thôi: chồng bà một hôm về ngồi trước cửa.

Thật ra, nếu ổng chỉ về ngồi trên cái ghế đẩu nào đó thì êm rồi. Đằng này ổng về trên xe lăn.

Mà nếu ổng chỉ về ngồi trên xe lăn thì cũng êm rồi. Đằng này ổng vừa ngồi xe lăn, vừa không nói với bà câu nào, chỉ nhìn trâng tráo.

Mà nếu ổng chỉ im và nhìn bà trâng tráo thì cũng êm luôn. Đằng này đầu ổng còn ngoẹo một bên, tay rút lên, hai vai so ngang cứng như đòn gánh. Cái vớt vát cuối cùng trên mặt là ổng có cười, cười mỏng như lá lúa.

Khi mở cửa một buổi sáng chuẩn bị đi chợ, bà đã thấy ông trở về chào mình kiểu đó. Ngay lúc ấy, bà đẩy xe ông vô rồi im một hơi trong nhà hết ba ngày không ai biết. Đến ngày thứ tư, đột nhiên bà nổ ra như bom, đập láng đồ đạc, ra rút dây phơi, bà gào bà đấm, bà hứ bà hé, bà làm động trời như Tuệ đã thấy đó. 

Vị trí Tuệ hay đứng mà nhìn về phía nhà bà hàng xóm là sân của trại trẻ mồ côi. Những kẻ Tuệ gọi là anh chị em đều có cha mẹ tứ xứ. Chúng khác nhau ở cha mẹ nhưng giống nhau ở chỗ rốt cục chẳng ai ở được cạnh họ quá vài tiếng đồng hồ. Mẹ nuôi kể từng đứa mẹ lượm đều trong trạng thái vừa sinh ra, còn đỏ hỏn, quấn trong khăn, nằm trên đường và co ro trong gió. 

Tuệ không biết những anh em khác có nỗi thèm thêm mẹ giống mình không, nhưng ngoài những mẹ trong trại mồ côi, Tuệ còn thèm một người mẹ hàng xóm. Chính là bà hàng xóm tự nhiên đã hóa điên ấy. Bà hàng xóm không có con, còn những mẹ trong trại dù sao cũng đã có vài chục đứa con - chính là anh chị em Tuệ. Tuệ thèm bà ấy là mẹ mình vì lý do đó đầu tiên - cậu nghĩ mẹ bên ấy chắc cần ít nhất một người con. Còn lý do thứ hai thì bí hiểm khó giải thích hơn: Tuệ thấy một người mẹ rất đàng hoàng ở chỗ bà, dù bà chưa hề làm mẹ.

Sáng sáng, bà ôm thau ra phơi đồ trước cả khi kịp tập thể dục. Phơi xong, bà rải thóc đợi bồ câu sà xuống ăn, vừa rải vừa nói rỉ ri như chúc bồ câu mau lớn. Chúng mổ hết, bà mới bắt đầu múa máy tay chân. Cái sân nhỏ của bà không chỉ chào đón bồ câu, mà còn chào đón nhiều người trong xóm cần chè và cháo. Từ nhỏ đến mãi sau này, Tuệ vẫn không biết cuối cùng bà bán chè hay bà bán cháo, bà từ thiện cháo hay từ thiện chè. Ngày nào bà cũng có hai nồi lớn bắc sát nhau ngoài trời gần cổng ra vô, người ta tới mua cháo thì bà bán cháo, xin chè thì bà tặng chè và ngược lại. Cháo cùng chè mỗi ngày đều khác, nếu cháo đậu đỏ thì chè sẽ đậu xanh hoặc hạt sen, nếu cháo hạt sen thì chè sẽ thưng hoặc trôi nước, nếu cháo thập cẩm thì chè ba mùi, bốn mùi hoặc nhiều hơn nữa. Hai nồi chè cháo của bà hàng xóm từng làm rộn tuổi thơ của anh em trại mồ côi. Chỉ nội việc đoán cái thực đơn sáng chiều của bà thôi cũng đã làm tụi nó muốn bỏ học mà ngồi bàn. Chuyện nên mua chè hay xin chè, mua cháo hay xin cháo khiến tụi nó nhức đầu theo kiểu khác. Tuệ và một số đứa nghe lời các mẹ, chỉ mua chứ không xin, khi nào bà thương múc cho chén đầy gí tận mặt thì mới lễ phép cảm ơn rồi ăn. 

Bà dễ thương vậy nhưng không có con để hưởng cái dễ thương của bà. Hồi nhỏ hơn mười ba tuổi, Tuệ muốn làm con bà để được ăn chè cháo thoải mái. Lớn hơn thì mong ước đó có lý do chính đáng hơn: muốn phụ bà nấu chè cháo mỗi ngày. Bởi vì khi bọn trẻ trong xóm ăn chè ăn cháo, tụi nó trở nên tử tế khó hiểu, không còn nạt nộ quát tháo mấy đứa em mồ côi suy dinh dưỡng nữa. Tuệ muốn phụ bà nấu thêm để từ chỗ chỉ có lũ trẻ hay ăn chè cháo, cả người lớn khu này cũng sẽ hay ăn chè cháo và từ đó bớt văng tục chửi thề.

Từ ngày Tuệ thầm gọi bà hàng xóm ấy là mẹ, Tuệ đã dừng tiếp thu thêm cái tên nào khác của bà. Đến cùng, dù bà tên gì thì một chữ mẹ gọi lên cũng đã đủ tóm thâu hết ý nghĩa.

Tuệ không nghĩ một người hiền dịu, chỉ nội chuyện múc chè đưa người ta thôi cũng cười được như nhà có đám cưới, lại có một ngày gào thét hứ hé tới mức bị mời lên đồn công an.

Sau ngày bà từ đồn công an trở về, trong mấy năm liên tiếp, mỗi lần Tuệ theo thói quen cũ ra sân trại để ngó qua bên kia là lại thấy bà đứng ngoài sân, ngửa cổ nhìn trời. Bà chỉ nổi điên có một lần rồi dứt luôn nổi điên, cũng dứt luôn vụ nấu chè cháo vừa cho vừa bán. Sân bà không có gì để nhìn ngoài da trời lúc xanh lúc xám, tới lúc bên sân trại mồ côi thi thoảng bay qua một mớ lá thì mới có cái nhìn thêm. Tuệ thấy cả khi mưa bà cũng đứng giữa sân hứng mưa một hồi, cổ vẫn thẳng không ngại ngùng như lúc nắng. Dáng bà đứng buồn buồn bạc bạc như màu hoa dừa cạn, những lúc ấy Tuệ lại thấy người mẹ hiền dịu mình hay ước hồi xưa trở lại. Nhưng Tuệ vẫn không sang nhà bà bao giờ, không hiểu là vì sợ bà lại nổi điên như xưa hay vì một lần bà nổi điên đã làm Tuệ sợ đủ. Tuệ cứ ngắm hoài đến khi bà không ra sân ngắm lá hay dầm mưa nữa. Sân vắng hẳn bóng bà. Lúc đó Tuệ cũng có đủ lương để khỏi cậy nhờ căn phòng của trại mồ côi nữa. Lúc đó Tuệ lại gặp bà ở nơi khác.

Lúc đó Tuệ mới biết ngoài đồn công an và bệnh viện tâm thần, bà còn từng lên chùa. Vì thế mà mới có bao nhiêu năm thôi đập phá, nhưng bù bằng cách ngửa cổ nhìn trời và dầm mưa ướt át.

Một lần đi ngôi chùa cách ngoại vi thành phố chừng năm sáu cây, Tuệ đã gặp bà ngồi dưới một tán dầu, trên xe lăn, bên cạnh một ông lão khác cũng trên xe lăn. Hai trong số anh và chị thân nhất của Tuệ ngày xưa - anh Nghi, chị Nguyệt, giờ đã mướn nhà riêng và đi làm xa - đang đẩy xe lăn cho hai người già. Nỗi mừng gặp lại một lượt bốn người cũ không lớn bằng sự ngạc nhiên. Tuệ không nhớ ngoài mình ra, ngày xưa có ai kể rằng đã thương bà hàng xóm như một mẹ khác. Tuệ bước tới vừa để ôm chầm lấy hai anh chị vừa hỏi cho ra chuyện.

Ngày xưa, sau cái bữa bà hàng xóm lên đồn công an và viện tâm thần, một trong những mẹ ở trại mồ côi đã dắt vài đứa con sang nhà bà thăm nhiều ngày, dẫn bà đi đây đó cho khuây khỏa. Theo chân họ, bà ra công viên, đi ngắm đèn, tới khu ăn uống, những nơi người ta bán cháo và chè phong phú hơn của bà, rồi họ dẫn bà vào chùa. Bà tham gia mọi hoạt động đó thờ ơ, hai con mắt nhìn đủ để biết người ta đang tốt với mình rồi thôi. Nhưng đến lần thứ mười mấy ở chùa, bà bắt đầu nói chuyện với những người hay chắp tay cúi lạy tượng Phật. Bà nói chuyện với người vãng lai rồi tiếp đến là với các thầy. Mẹ của trại mồ côi khuyến khích bà nghĩ gì cứ nói nấy, ngụ ý để bà kể chuyện đã khiến bà phải mang danh “già còn bị tâm thần”. Ai ngờ bà kể hết thật.

Chồng bà bỏ đi sau khi cưới khoảng hai năm. Gia đình nhỏ chưa kịp có thành viên thứ ba thì đã mất thành viên trụ cột. Bà biết chồng mình đi theo vợ nhỏ và bằng lòng ở luôn bên ấy, thêm hai, ba rồi bốn thành viên cho bên ấy. Bà bằng lòng ở lại bên này, không đi tìm nữa hết mấy chục năm. Đùng cái, ông bị tai biến mạch máu não. Không biết các mẹ con nhà kia đã thỏa thuận làm sao mà một ngày bà phát hiện ông ngồi trước cửa nhà mình trong trạng thái không còn giống người đang sống. Bà không biết đó rốt cuộc là ý ai. Bà chỉ biết bao nhiêu năm hạnh phúc ông không cho bà hưởng cùng, đến lúc bất hạnh lại lăn xe về chịu chung. Nổi điên lên mà không thể giết ông được, bà đi giết đồ đạc nhà cửa.

Nhưng rồi đồ đạc nhà cửa không cái nào chết cả, bà vẫn phải tiếp tục nuôi ông như nuôi con. Sáng đưa ông ra đút ông ăn, trưa đưa ông vào đút ông ăn, chiều tắm cho ông đút ông ăn, vòng đi vòng lại như bánh xe lăn là hết ngày. Bà chỉ còn đủ thời gian nhìn mông minh chứ hết thời gian nấu chè với cháo, thậm chí chọn một trong hai nồi cũng không kịp. Không chỉ phải hứng ông một cách bất ngờ, bà còn phải giấu mình một cách bất ngờ. Bà đập phá la hét, nhưng khi được hỏi thì chỉ trả lời tại mình đột ngột muốn điên. Bà giấu biệt ông chồng trẻ con trong nhà bằng cách đóng kín cửa, thôi luôn chuyện chè cháo vì một là không còn tấm lòng đủ hiền, hai là sợ ai đó bất thình lình chui qua cánh cửa mở sẵn để thăm nhà.

Sư thầy khi đó không biết là ai, nghe xong thì hỏi:

- Thế bác còn xem ông ấy như chồng không?

Bà hàng xóm lắc đầu kịch liệt.

- Thế bác có xem ông ấy như con không?

Bà lắc đầu chán nản.

- Thế bác có xem ông ấy như họ hàng thân thích nữa không?

- Dạ không.

- Thế sao bác còn buồn với bực nhiều vậy? Người ta thường buồn bực người thân người quen, ai lại giận người dưng?

Bà ngập ngừng một chút trước khi la lên. Lối nói của các thầy không bắt bí được bà:

- Nhưng một người dưng hoàn toàn thì tôi đâu có phải nuôi? Tôi đâu có phát điên? Tôi đâu có mắc nợ như vầy?

- À, mắc nợ…

Vị thầy áo nâu chậm rãi. Thầy không bắt bí được bà thì bà cũng không bắt bí được thầy:

- Nếu bác đã biết mình mắc nợ thì phải đành trả thôi. Không thì người ta đòi hoài đó. Bác có định trả cho dứt nợ không?

Tuệ nghe kể đến đó thì cái đầu tự gật mà anh không hay. Ngay cạnh hông chị Nguyệt, xe bà hàng xóm với xe ông hàng xóm tựa lưng, ông ngắc ngư còn bà mỉm cười nhìn ông, không biết là thấy ông hay đang thấy một người mình đã quyết định trả cho xong nợ.

Anh Nghi còn kể sư thầy nói bà đồng ý trả nợ cho ông là tốt rồi, nhưng nếu chỉ xem ông là chủ nợ thì viễn cảnh một ngày nổi điên trở lại vẫn còn. Người ta vẫn thấy nhiều con nợ hoặc chém chủ nợ, hoặc tự giết mình vì nợ trả mãi không dứt đó thôi. Cho nên ngoài việc coi ông là chủ nợ, có một cách coi khác khiến bà không chém ông được. Đó là hãy coi ông như bệnh nhân. Bà thích làm y tá, y sĩ, dược sĩ hay điều dưỡng gì cũng được, nhưng ông cứ là bệnh nhân. Bệnh nhân là người dưng đủ dưng để bà không nổi khùng, nhưng là người thân đủ thân để bà thương. Bác làm được không, thầy hỏi.

Lúc đó anh Nghi và chị Nguyệt ngồi sát bên bà và một người mẹ của trại mồ côi nên nhớ hết. Bên trái chỗ họ ngồi có một hàng dương không biết Phật tử nào phát tâm trồng, trong khi hành lang cánh phải dài kéo đến chánh điện. Không gian ấy im tới mức cái đu đưa của lưng bà hàng xóm cũng khiến Nghi với Nguyệt nhớ. Tuệ vì đã từ chối đi theo nên Tuệ không biết gì cả. Bao nhiêu năm, Tuệ chỉ nhớ một mẹ hiền đang phát chè cháo khắp xóm tự nhiên hóa thành một mẹ dữ phải nhờ cơ quan chức năng trấn giữ. Rồi Tuệ chỉ thấy những miếng ghép lâu lâu nổi lên, kể với anh những câu chuyện không đầu không cuối về bà ngừng nấu cháo, bà hay đứng một mình, bà ngửa cổ ngó lá rơi, bà thôi không mở cửa cho con nít vô nhà, bà từ hiền sang dữ rồi từ dữ qua im ru. Anh cứ tưởng mình anh thương bà rồi thất vọng với bà, ai dè còn nhiều người thương bà và đúng là chỉ có mỗi anh vẫn tự thất vọng với bà.

Bà rướn người lên kêu anh Nghi, nói đẩy bà về đi. Cái người nấu cháo và chè dư cho cả xóm ăn với cái người đập phá đều là một và không đi đâu xa khỏi Tuệ, chỉ có Tuệ tự bỏ bà đi, dù vẫn ở cạnh nhà bà và thấy bà làm chuyện khó hiểu mỗi khi mưa tới. Bà thậm chí còn cố gắng thành bác sĩ hay y tá gì đó trong bao nhiêu năm mà Tuệ không biết. Từ này về sau, có lẽ Tuệ nên bỏ thói nghe chuyện người ta lõm bõm và thương cũng lõm bõm. 

Hỏi anh Nghi, chị Nguyệt có cần đi đâu không, Tuệ sẽ đưa ba với mẹ về. Hai người kia trả lời không đi đâu cả, nên ba đứa cùng đưa ba với mẹ về.

Giữa đường ra chỗ đón taxi, ông chồng tai biến cứ ngà ngật còn bà thì tựa cổ lên thành xe, nhìn hoài những mảng trời chuyển động ra phía sau. Bà hỏi Tuệ:

- Sao tự nhiên con gọi bác bằng mẹ?

Tuệ trả lời:

- Dạ, vậy để con kể mẹ nghe.

Và Tuệ định kể bà nghe câu chuyện mà anh mới sắp xếp xong ngay cửa miệng, vì một vài chi tiết trong đó anh vừa được nghe thôi. Nhưng chắc chắn nếu về được tới nhà, anh sẽ kể đến khúc rằng anh muốn bà nấu cháo và chè trở lại. Sẽ nhờ anh Nghi, chị Nguyệt và những anh em khác phụ một tay - nếu vẫn còn ai coi bà như mẹ lâu nay. Sau bao nhiêu năm ráng làm y tá và giải khuây bằng cách ngắm lá một mình, giờ anh sẽ giúp bà phần làm y tá để bà có thời gian trở lại công việc bán chè tặng cháo như hồi xưa. 

Và “ba” nữa…

Tuệ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thèm một ba như đã từng thèm thêm một mẹ, dù đã có tới mấy mẹ ở trại nhưng Tuệ sẽ thử. Giống như mẹ hàng xóm của anh chắc chưa từng nghĩ sẽ từ thiện thời gian và sức khỏe cho một bệnh nhân bạc tình, dù đã từng từ thiện chè cháo cho cả xóm lao động. Nhưng bà đã thử.

Và bà vẫn đang cười. 

Nguồn: Tuổi Trẻ Xuân Ất Mùi






 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Bay lên (09/03/2015)
Cuộc chơi (29/12/2014)
Vợ lính (18/12/2014)
Quyên (09/12/2014)
Thằng Bờm (25/11/2014)
Chờ nhật thực (04/11/2014)