Ông nhà văn Mạc Can “…lấy trong túi xách một cái áo đi mưa loại rẻ rề, thận trọng mặc chiếc áo mưa kiểu con nít cho ông Bụt, rồi từ từ không chen lấn, không hối hả bóp kèn giành đường, ông nhà văn chở Bụt như chở thằng cháu của ổng đi chơi, khắp phố phường và dừng lại ở chỗ có những con người bận rộn…”.
MẠC CAN
Tui mua ông Bụt ngồi lề đường
Truyện ngắn
1.
Trên trời kéo mây đen. Tháng mười, tháng mười một gần tết vẫn có mưa như thường. Xứ nầy có gì lạ, sáng nắng chiều mưa mà, trời khiến vậy chứ bộ, cũng như bà xã của ổng trên đó vậy, đang nắng mà mưa thì bả khóc cũng như vợ tụi mình thôi. Còn bây giờ thì khoảng tới đường Võ Thị Sáu dưới đất vẫn bình thường.
Nhưng xa một chút, chỉ một chút thôi... thì mưa lớn. Chỗ bùng binh ngã sáu cho tới đầu đường Ba Tháng Hai, các luồng xe kẹt cứng dưới chỗ đường... chưa rớt hột mưa nào. Nhưng lạ là phần nhiều xe gắn máy cũng chen nhau bóp còi inh ỏi như diễn ra vào buổi tan sở tan trường.
Có người đón con cháu ra khi nó tan học, có người vợ nhà kêu về, có người công tác “bàn chuyện công ty”, rồi thì các nhà thơ hẹn nhau nói về việc tốn tiền in thơ rồi tặng nhau... và nhậu. Ai dám nói “nhà thơ là nhà nghèo”, nhậu đều chi.
Người ta cũng chen nhau chạy lên lề đường, cho mau mà, và phải hơn người khác mới chịu, trong đó kể cả người mặt mũi sang trọng nghiêm trang giành nhau lên lề đường xuống mặt đường. Xem ra ông trời cũng vẫn làm ảnh hưởng an toàn giao thông mà không ai dám than dám phạt ổng, và vì còn vài điều khác hơn, các xe gắn máy vội vàng tấp ngay vào lề đường va chạm các xe khác.
Mọi người vội vàng mặc áo đi mưa. Vì vậy mới có cuộc va chạm đáng nói, đánh nhau bằng... nón bảo hiểm rất hoành tráng. Với lại nhân tiện đứng một chỗ thì người ta hơi... buồn, có đánh lộn dừng lại xem cho khuây khỏa.
Cuộc tranh chấp được hỗ trợ bằng tiếng kèn xe liên tục mặc dù “bằng trời” thì có bay được qua khỏi các xe trước đâu, mà khổ nỗi mưa ở chỗ “một chút thôi” đã ào ào tới đây rồi rớt hột lớn nặng rồi. Ha ha ha, dạo nầy các sân khấu hài và kịch vắng khách cho nên cuộc diễn tạo vui mà khỏi mua vé đó chính là nạn... kẹt xe.
Trời mưa lụt lội thi nhau bóp còi, bóp liên tục mà vẫn không ai qua mặt ai cho được... cũng hài ghê nơi. Mọi người tự biên tự diễn gây quạu quọ chửi nhau cũng hài, không cần danh hài làm chi cho tốn kém.
Có người nhìn thoáng qua có người không, là chỗ đó có một bức tượng khá lạ, một ông Bụt bằng đất nung, tướng mạo nhỏ thó như đứa con nít, ngồi trên mảnh nilông chung với các món lạc xoong, thản nhiên với đôi môi thật xinh nhìn cảnh tình nhộn nhịp.
Hình như ông ngồi đó đã khá lâu ngày, ông Bụt nhỏ ngồi bên lề đường hình như bị xua đuổi ngã té trầy chút sơn ở lỗ mũi coi rất hài giống mũi anh hề hát xiếc, vai áo phải cũng tróc sơn như manh áo rách tội nghiệp, nhưng đang mỉm cười thường trực kia kìa. Một nghệ sĩ tạc tượng mát tay chuyên nghiệp nào đó cho Bụt mặc chiếc áo màu tim tím, hai bàn tay và cả hai bàn chân đất chắp lại coi hiền, má phúng phính bụ bẫm bụi đời, tượng có hồn vía thấy thương như... Bụt con.
Nụ cười chân thành không có vẻ châm biếm hằn học mà thản nhiên vô tư, cười cái lộn xộn chưa ổn, và cười mừng vì thế nào rồi mọi sự cũng ổn “quẳng gánh lo để vui sống” như cuốn sách bán lề đường người ta để trước mặt ông. Mong rằng có ai mua để bàn chung với ổng.
2.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Ngày hôm sau trời lại kéo mây đen, nhưng chỗ đường Ba Tháng Hai... mưa trước. Người ta lại vội vàng diễn lại trò hài cũ, chỗ đường Võ Thị Sáu thì mưa sau một chút. Trên mảnh nilông bán đồ lạc xoong ông Bụt biến mất. Không phải là chuyện cổ tích mà hai cái ông quánh lộn ngày hôm qua trở lại tìm và giành nhau mua ông Bụt, lạ chưa. Trời quang mây tạnh người ta nghĩ khác hơn trời mưa lụt lội nhiều quạu quọ phiền trách. Anh chàng bán lạc xoong vui vẻ kể lại sự tình như sau:
Sau cùng thì tui... nhường lại ông Bụt cho cái ông tự xưng là nhà văn. Ông ấy nói có lý rằng tui bảy mươi tuổi rồi, quá tuổi tri thiên mệnh rồi. Sáu mươi năm cuộc đời thì cũng quá rồi, đáng lẽ tui hiền... như Bụt, nhưng tự nhiên tui làm dáng, vì tui tưởng tui viết hay quá nên hợm mình, tui xa lánh mọi người, phải quấy gì tui cũng ghét và kỳ nhất là ham gây, ai nói gì tui cũng gây với người ta, người lớn hay con nít tui cũng ghét. Như hôm qua lúc trời sắp mưa nè...
Anh bán lạc xoong nói: Thì ngày hôm qua tui thấy mấy ông này thiệt tình nha, có chuyện gì đáng đâu, kẹt xe trời mưa bóp kèn, đường mình nhỏ chật, có va chạm chút đỉnh là chuyện thường ngày ở huyện, mà sao tui thấy ông nầy nổi xung gây quá trời, rồi ổng phang ông kia bằng... nón bảo hiểm thấy ghê. Nón bảo hiểm an toàn cho cái đầu chớ bộ để quýnh lộn sao mấy cha?
Ông kia nói: Tại cha nội nầy chửi tui, tui cũng phang lại. Nhưng tan vụ đó rồi trờ tới, tự nhiên tui thấy “cha Bụt con nít” nầy ngồi tỉnh bơ cười ruồi, tự nhiên tui hối hận quá, cười được như “ông ngoại con nít” nầy cũng khó. Cho nên bữa nay tui ghé qua hỏi mua, chú Hai làm ơn bán ổng cho tui, để tui về tập theo cái tánh của “chả”. Ai dè cái ông nội nhà văn con khỉ gì nè mua trước.
- Không phải tui bán, tui nhường lại cho ổng để ổng... bớt nóng. Bởi vì ổng cũng nói y chang như ông vậy. Tui nói với ổng là đồ xưa nha, tui mua tám trăm, để lại, nhường lại cho ổng năm trăm rưỡi. Tại ổng muốn... bớt nóng quá.
- Xưa gì mà xưa, tượng nầy bằng đất nung như nung cái chén mà, trong lò gạch mà.
Nói qua cãi lại sợ sanh giặc. Cứ tưởng hai ông trời nầy gây nhau. Nhưng ông nhà văn cũng tự nhiên cười hiền như Bụt: Ông nói tui là nhà văn “con khỉ gì” tự ái mút mùa nha. Quạu không có thuốc chữa nha. Nhưng mà hai tụi mình nhìn ông Bụt coi, bạn hiền ơi gây lộn đánh lộn, phang nón bảo hiểm làm cái gì. Huề cả làng nha, bây giờ xin phép ông tui chở “ông Bụt con nít” nầy đi chơi nha bạn hiền.
3.
Hôm sau nữa rồi hôm nào cũng vậy, chiếc xe Chaly lùn của ông nhà văn làm thêm cái ghế nhỏ bằng mây đằng trước chỗ người ta đặt cái giỏ đi chợ rồi để ông Bụt lên ngồi chở ổng đi chơi thiệt.
Một hôm ông ta ghé thăm anh chàng bán lạc xoong. Ông nói: Nhờ về “thơ phòng”, ngồi cô độc, nhờ nhìn thấy tự nhiên tình thương mến thương, tui bèn xoa đầu nựng gò má vỗ vai cái ông Bụt con nầy, tui cũng bớt quạu.
Con vợ, bởi vì trước nó không lo cơm nước gì ráo trọi mà đi múa quạt với mấy bà hàng xóm, cũng lạ kỳ thiệt, tui không giận mấy ngày rồi, mà ngày hôm qua tui xém quạu - ông già kể tiếp - Cha nội nhà văn đồng nghiệp của tui phán một câu xanh rờn vô mặt tui, mà nếu như Bụt ngồi trên bàn nghe đặng cũng nhảy xuống gây thằng chả.
Anh lạc xoong tò mò hỏi: Mà cái ông kia nói cái giống gì về ông?
Ông nhà văn đang sừng sộ tự nhiên cười hiền như Bụt: Nó hỏi tui tại sao ông viết... dở ẹc vậy mà các nhà xuất bản cứ in sách của ông hoài? Tui xém phang cái nón bảo hiểm xịn vô mặt nó, nhưng kỳ vậy ta, tự nhiên tui trả lời ngọt lịm, không quạu: Ông ơi, ông phải tập nhiều nhiều nhiều, để mà viết... dở như tôi. Ông làm vậy được không?
Ông già ngưng lại rồi nói thật lớn: Tui tưởng chả gây hay quýnh tui, ai dè tự nhiên cái chả nín thinh. Lạ là chả cũng không quạu mà nín thinh. Chả cười hiền khô. Nhờ gây với ông bạn đó và nhờ cái duyên của Bụt tui ráng viết... dở hơn, vậy là sách in được bán được... hà hà...
Viết hay quá, viết cao quá, làm như dạy khôn người ta nhiều quá, có khi người ta không hiểu kịp người ta ghét, người ta giận không thèm mua sách của mình viết là chết đói.
Nói xong ông già cười cười, vô tư không có vẻ châm biếm. Mưa ào xuống, khắp con đường đầy nước mưa và người, trên cành cây ven lề đường nước mưa vẫn còn rơi rơi.
Ông già lấy trong túi xách một cái áo đi mưa loại rẻ rề, thận trọng mặc chiếc áo mưa kiểu con nít cho ông Bụt, rồi từ từ không chen lấn, không hối hả bóp kèn giành đường, ông nhà văn chở Bụt như chở thằng cháu của ổng đi chơi, khắp phố phường và dừng lại ở chỗ có những con người bận rộn ham gây nầy.
Đi tới đâu ông Bụt cũng... mỉm cười. Đôi môi nhỏ như em bé... cười dễ thương mà lại có duyên.
M.C
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần