Tác phẩm hay
Nói đi, mẹ ơi, nói đi...
09:02 | 18/10/2016

BORIS PETROVICH EKIMOV sinh năm 1938 ở vùng Krasnoyarsk, từng làm thợ tiện, thợ cơ khí, kỹ thuật viên rồi thầy giáo lao động tại một trường làng trước khi bắt đầu viết văn năm 1965. Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã viết hơn 200 tác phẩm, in trên nhiều tạp chí văn học nổi tiếng Nga.
Chuỗi sống động những bức tranh của Ekimov đã vén mở cho ta những hình dung về đời sống không đơn giản của làng quê hôm nay, giúp khôi phục lại, dù chỉ trong tư tưởng, sự thống nhất của một thực thể dân tộc. Truyện ngắn Nói đi, mẹ ơi, nói đi… dưới đây, “Ekimov đã vẽ nên một khung cảnh ít ai biết được về nông thôn Nga hiện nay với nếp sinh hoạt mới của nó, mời gọi bởi những khả năng và nghiệt ngã…”.

 

Nói đi, mẹ ơi, nói đi...
Minh họa: Ry Nguyễn

Nói đi, mẹ ơi, nói đi...

Bây giờ cứ mỗi sáng cái điện thoại di động nhỏ lại reo. Cái hộp đen như sống dậy: đèn bật sáng, nhạc cất lên rộn rã rồi giọng con gái vang lên như đang ở cạnh:

- Mẹ, chào mẹ! Mẹ ổn chứ? Giỏi! Có thắc mắc hay mong muốn gì không? Tuyệt! Vậy thôi nhé, hôn mẹ. Khỏe nhé. Khỏe nhé.

Cái hộp tắt đèn, im lặng. Bà Katerina chưa hết ngạc nhiên với nó, chưa thể quen được. Cái thứ tưởng nhỏ bé - như cái hộp diêm. Không có dây nhợ gì. Nằm yên - nằm yên - rồi bỗng dưng bắt đầu hát, sáng đèn lên và giọng con gái:

- Mẹ, chào mẹ! Mẹ ổn chứ? Không nghĩ tới việc đi à? Mẹ cứ xem xét... Không có câu hỏi gì hết ạ? Hôn mẹ. Sống nhé. Khỏe nhé.

Mà tới thành phố chỗ con gái sống là cả trăm rưỡi dặm(1). Đâu phải dễ đi, nhất là khi thời tiết xấu.

Nhưng mùa thu năm nay thật dài và ấm áp. Cạnh xóm, trên những gò đồi lân cận cỏ đã hoe vàng, còn đám dương ở vùng trũng sông Đông vẫn xanh, trong các sân nhà, lê và anh đào cũng xanh ngắt như đang còn hạ, dù lẽ ra mùa này chúng đã phải cháy tàn từ lâu đám cháy lặng lẽ đỏ ửng rồi đỏ rực.

Cuộc thiên di của đàn chim kéo dài. Bầy ngỗng trời chẳng vội bay về phương nam, vẳng kêu đâu đó nhẹ nhàng 
trên bầu trời u ám mù sương ong-ong, ong-ong...

Mà nói gì đến chim. Đến bà già Katerina héo khô, gù lưng vì tuổi tác nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, cũng không thể nào thu xếp ra đi!

- Tính tới tính lui, chẳng biết tính sao... - bà than thở với bà hàng xóm. Đi, không đi?... Mà biết đâu, sẽ vẫn ấm thế này? Trên đài báo thời tiết biến đổi hẳn rồi. Tuần chay(2) đã qua rồi mà chim ác là vẫn chưa bay về. Ấm - quá ấm. Ở đây - lên kia... Phục sinh rồi Lễ ba vua. Mà tới lúc gieo giống rồi. Đi mà làm gì, đã đến mùa đồng áng.

Bà hàng xóm chỉ thở dài: tới mùa xuân, tới mùa giống má, ối còn xa lắm.

Nhưng bà già Katerina như để thuyết phục chính mình, rút từ sau áo ra một lý do nữa - điện thoại di động.

- Mobile - bà hãnh diện lập lại từ của đứa cháu thành phố - Chỉ một tiếng thôi - mobile. Bấm nút và đây Maria. Nút khác - Kolia. Muốn gọi ai thì nhấn. Vậy thì sao không sống ở đây? - bà hỏi - Đi làm gì? Bỏ nhà, bỏ đồng áng...

Cuộc trò chuyện này không phải đầu tiên. Bà đã giải thích cho bọn trẻ, cho bà láng giềng nhưng thường hơn là cho chính mình.

Mấy năm gần đây bà trú đông ở chỗ con gái trên thành phố. Chỉ vì một chuyện - tuổi tác: khó mà mỗi ngày nhóm lò sưởi và xách nước từ giếng. Đường ra giếng lầy lội. Ngã, bị thương. Rồi ai đỡ dậy?

Cái xóm mới đây còn đông đúc, giờ khi không còn nông trang nữa, đã phá sản, đã tản mác, đã biến mất rồi. Chỉ còn rặt ông bà già và lũ say xỉn. Chẳng ai chở bánh mì tới nữa, nói chi những thứ khác. Người già khó nhọc sống qua mùa đông. Vậy nên bà phải đến chỗ con cháu mình.

Nhưng không dễ chia tay với cái xóm, cái tổ ngồi đã ấm. Rồi phải biến đàn gia súc nhỏ đi đâu: con chó, con mèo và đàn gà? Gửi mọi người? Và lòng thì quay quắt vì cái nhà. Bọn say xỉn lẻn vào, cái nồi cuối cùng cũng chẳng còn.

Mà tuổi già vui vẻ gì sống trong xó mới. Dù là của con cháu ruột thịt, nhưng những bức tường thì xa lạ và nói chung là một đời sống khác. Mình chỉ là khách mà thôi.

Bà lại nghĩ: đi, không đi?... Rồi bọn trẻ mang điện thoại đến cứu hộ - “mobile”. Chúng giải thích rất lâu về các nút: nút nào nên bấm, nút nào bà chớ động vào. Thường thì con gái ở thành phố hay gọi, vào mỗi sáng.

Tiếng nhạc vui vẻ cất lên, ánh sáng trong hộp bừng dậy. Đầu tiên bà Katerina tưởng ở đó, giống như trong cái tivi, tuy nhỏ, sẽ hiện lên mặt con gái. Nhưng chỉ có tiếng nói, xa xăm và vội vã:

- Mẹ, chào mẹ! Mẹ ổn chứ? Giỏi. Có câu hỏi gì không? Vậy thì tốt. Hôn mẹ. Sống nhé. Khỏe nhé.

Chưa kịp hoàn hồn, ánh sáng đã tắt, cái hộp đã im bặt.

Những ngày đầu tiên bà Katerina chỉ ngạc nhiên với điều kỳ diệu này. Trước đó trong xóm chỉ có điện thoại trong ban quản trị nông trang. Ở đấy mọi thứ đều quen thuộc: dây điện, cái ống lớn màu đen, có thể nói chuyện được lâu. Nhưng cái điện thoại đó đã ra đi cùng với nông trang. Giờ thì xuất hiện “mobile”. Lạy Chúa.

- Mẹ, có nghe con không? Sống chứ, khỏe chứ? Giỏi. Hôn mẹ.

Chưa kịp mở miệng, cái hộp đã im.

Thật kinh khủng gì đâu... bà già càu nhàu. Không phải điện thoại mà là cái tu huýt. Như con gà cứ gáy ò e sống nhé khỏe nhé... Đấy cho mà khỏe. Còn ở đây...

Còn ở đây, tức cuộc sống trong cái xóm này, cái xóm già nua, có nhiều điều bà muốn kể.

- Mẹ, mẹ nghe con không?

- Nghe, nghe... Con đó à? Sao giọng con nghe khàn vậy. Có ốm không? Nhớ mặc ấm vào. Tụi con ở thành phố cứ mốt miết thời trang, đan lấy cái khăn ấm. Mặc kệ ai nói gì. Sức khỏe tốt hơn. Chứ mẹ mới nằm mơ, giấc mơ xấu làm sao. Thấy gì à? Thì kiểu như trong nhà mình có một con vật. Sống hẳn hoi. Đứng ngay cửa. Nó có đuôi ngựa, còn trên đầu có sừng, mặt như mặt dê. Sao mà ghê quá? Điềm gì vậy?

- Mẹ - giọng nói trong điện thoại nghiêm túc hẳn lên. Nói thẳng vào việc đi, đừng kể cái mặt dê. Tụi con giải thích với mẹ rồi: tiền cước.

Lạy Chúa, bà già sực nhớ. Bọn nhỏ đã cảnh báo bà khi mang điện thoại về, bảo nó đắt và phải nói chuyện ngắn gọn, nói cái chủ yếu nhất.

Nhưng cái gì trong đời là chủ yếu? Nhất là ở người già... Và thật sự ban đêm bà mơ thấy chuyện khủng khiếp: đuôi ngựa dài và cái mặt dê. Đấy, nghĩ mà xem nó nói gì? Chắc không phải 
điềm lành.

Một ngày lại trôi qua, rồi sau đó - lại một ngày khác. Cuộc sống của người đàn bà già nua trôi qua như thường lệ: thức dậy, dọn dẹp, thả gà, cho đám gia súc nhỏ bé của bà ăn uống mà nhờ chúng bà vui. Rồi bập vào làm hết việc này đến việc khác. Đâu phải tự nhiên mà người ta bảo nhà không lớn mà việc không bao giờ ngớt.

Một trang trại rộng lớn thuở nào đó đã nuôi một gia đình không nhỏ: khu vườn, cánh đồng khoai tây, rừng cây. Kho chứa, chuồng trại, chuồng gà. Chái bếp hè nhà tranh vách đất, hầm chứa có lối ra. Hàng rào bện.

Đất cần cày từng chút một khi trời còn ấm. Còn củi thì cưa bằng cưa tay sột soạt sau kho chứa... Than giờ đắt quá, tiền bao nhiêu cho đủ.

Ngày cứ thế từng chút một mà nhẹ nhàng kéo dài, buồn rầu, ấm áp. Ong-ong... ong-ong - vọng lại. Đó là bọn ngỗng trời bay về phương nam, hết đàn này đến đàn khác.

Chúng bay đi, mùa xuân lại bay về. Còn trên mặt đất, ở xóm này thì tĩnh lặng như trong nghĩa trang. Những con người bỏ đi chẳng bao giờ trở lại, dù xuân, dù hè. Vì vậy mà những ngôi nhà hiếm hoi và các điền trang bắn ra tứ phía như lũ tôm, lẩn tránh nhau.

Lại một ngày trôi qua. Buổi sáng đã hơi buốt lạnh. Cây cối, bụi rậm và cỏ khô chìm trong lớp sương giá nhẹ, trắng xốp. Bà già Katerina bước ra hiên, nhìn quanh, vui sướng với cái đẹp mà lẽ ra phải nhìn xuống đất, xem chừng bước chân. Bà đi - đi, vấp, ngã, va đau vào rễ cây.

Ngày đã bắt đầu chẳng suôn sẻ và cứ thế cả ngày không yên.

Như mọi sáng, cái điện thoại di động lại sáng đèn và hát.

- Chào, con gái của mẹ, chào. Chỉ một từ thôi - sống. Mà mới đây mẹ bị ngã đau - bà than phiền. Cái chân không hẳn là té, mà trượt. Ở đâu, ở đâu hả... bà bực bội. Ngoài sân chứ đâu. Mẹ ra mở cổng, trời còn tối. Mà ở đó, ngay cạnh cửa, có cây lê ruột nâu. Con thích nó lắm, ngọt lịm. Mẹ hay hái nấu nước quả cho con. Nếu không mẹ đốn nó từ lâu rồi. Thế, cạnh cây lê này...

- Mẹ, tiếng nói xa xôi vang lên trong điện thoại - nói cụ thể đi, xảy ra chuyện gì chứ đừng kể về cây lê ngọt.

- Thì mẹ đang kể con nghe đây. Ở đó cái rễ cây từ dưới đất trồi lên, như con rắn ấy. Mà mẹ đi không nhìn. Rồi ở đó còn có con mèo ngu ngốc lăng xăng dưới chân. Cái rễ ấy. Năm ngoái mẹ đã nhờ Volodia mấy lần: lạy Chúa làm ơn dọn nó giùm. Nó nằm ngay lối đi. Cây lê ruột nâu...

- Mẹ, làm ơn nói cụ thể hơn. Nói về mẹ, chứ không phải về cây lê ruột nâu. Mẹ đừng quên đây là điện thoại di động, trả cước. Mẹ đau ở đâu? Có gãy chỗ nào không?

- Hình như không gãy - bà già đã hiểu ra - Mẹ đã đắp lá bắp cải lên 
đó rồi.

Cuộc trò chuyện với con gái kết thúc ở đó. Phần còn lại bà đành nói nốt với chính mình: “Gì mà đau hay không đau... Chỗ nào của tôi cũng đau, từng đốt xương. Cuộc sống như đã ở đằng sau...”.

Rồi, xua đi những ý nghĩ đắng cay, bà già lại làm những việc quen thuộc ngoài sân và trong nhà. Nhưng bà cố xê dịch trong nhà nhiều hơn để không phải ngã.

Sau đó bà ngồi vào khung cửi. Sợi lanh còn lông tơ, chỉ dệt len, vòng quay đều đặn của bánh xe khung cửi cũ. Và những ý nghĩ, như sợi chỉ, cứ dài ra, dài ra. Ngoài cửa sổ là ngày thu, dường như đang chạng vạng. Và như hơi rét. Lẽ ra phải đốt lò nhưng củi chỉ còn vừa khít. Quả tình là phải đi trú đông rồi.

Bà mở đài đúng giờ, chờ nghe tin thời tiết. Nhưng sau một hồi im lặng, từ cái loa phát ra một giọng nữ dịu dàng, êm ái:

- Các đốt xương bà có đau không?

Những lời thân tình vang lên đúng lúc, đúng chỗ khiến bà tự trả lời mình:

- Đau chứ, con gái...

- Chân và tay có nhức mỏi không? - dường như đoán và hiểu được vận mệnh người khác, giọng nói hiền lành lại hỏi.

- Không chịu nổi. Hồi trẻ đâu có biết. Hết vắt sữa lại lội chuồng heo. Chẳng có chiếc giày nào. Sau đó thì mang ủng cao su, cả đông lẫn hè. Đấy nên giờ đau...

- Lưng của bà đau... - giọng phụ nữ nhẹ nhàng thầm thì, như bỏ bùa.

- Đau, con gái... Cả thế kỷ mang bao nhiêu bao tải rồi đụn rơm trên lưng. Sao mà không đau. Một cuộc đời 
như thế...

Một cuộc đời quả thật chẳng dễ dàng: chiến tranh, mồ côi, rồi công việc nông trang nặng nhọc.

Giọng nói âu yếm từ chiếc loa cứ phát ra, phát ra, rồi sau im bặt.

Bà già thậm chí khóc thầm, tự mắng mình: “Con cừu ngốc... Chuyện gì mà rống lên vậy?”. Nhưng rồi bà cũng oán thán. Dường như nước mắt làm nhẹ lòng hơn.

Thế rồi bỗng nhiên vào cái giờ bất ngờ, vào giờ ăn trưa không như hẹn, tiếng nhạc vang lên và đèn bật sáng, cái điện thoại di động thức giấc. Bà già sợ hãi:

- Con ơi, con... Có chuyện gì không? Có ai ốm đau sao? Mẹ lo quá, con gọi không đúng hẹn. Con ơi, con đừng giận mẹ. Mẹ biết, điện thoại đắt đỏ, nhiều tiền. Nhưng mẹ đúng là suýt chết. Ở đó, cạnh cái cây... Bà sực nhớ. - Trời ạ, mình lại nói về cái cây, con ơi, mẹ xin lỗi.

Từ rất xa, qua nhiều cây số, vẳng về giọng con gái:

- Nói đi, mẹ, nói đi...

- Đấy mẹ lại lảm nhảm. Lúc này trơn trượt gì đâu. Mà lại còn con mèo... Ừ cái rễ cây bò ra dưới chân, từ bụi lê. Chúng ta, người già, giờ mọi thứ đều làm khó. Lẽ ra mẹ đã đốn cái cây lê đó luôn rồi, nhưng con thích nó. Nấu nước quả hay sấy khô, như hồi đó... Mẹ lại nói linh tinh nữa rồi. Con ơi, tha lỗi cho mẹ. Con còn nghe mẹ 
nói không?

Từ thành phố xa xăm con gái bà nghe, thậm chí còn thấy dù nhắm mắt, người mẹ già của mình: nhỏ bé, lưng còng, trong chiếc khăn choàng trắng. Cô thấy, nhưng bất ngờ cảm nhận tất cả mọi thứ sao tròng trành, bấp bênh: liên lạc điện thoại, hình ảnh.

- Nói đi, mẹ ơi... - cô cầu khẩn và lo sợ đúng một điều: bỗng dưng đứt đoạn và có thể, là vĩnh viễn, giọng nói đó và cuộc đời đó.

- Nói đi, mẹ ơi, nói đi...

Phan Xuân Loan dịch
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần

-----------
(1) Dặm Nga, bằng 1.066,8m.
(2) Tuần chay mùa thu của người Chính thống giáo từ 14-9.







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Các bài đã đăng
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Sóng gió Ô Cấp (22/03/2016)