Tác phẩm hay
Kẻ ăn giấc mơ
15:16 | 06/03/2017

“Mày là thằng ôn dịch chuyên ăn giấc mơ người khác. Những người quanh mày rồi sẽ chết dần chết mòn vì bị mày ăn hết giấc mơ (...) Tôi nghĩ tôi đã ăn giấc mơ của mình rồi, bây giờ đang lang thang ăn giấc mơ người khác (…) Tôi ăn giấc mơ của em tôi - giấc mơ về một gia đình hạnh phúc, ba đi làm xa, mỗi lần về mua thật nhiều quà, có búp bê, có váy áo mới, giấc ngủ mỗi đêm đều được ru bằng giọng kể cổ tích của má (…) Tôi thành kẻ tội đồ ăn hết tất cả những giấc mơ của em (…) Tôi mơ trở lại một giấc mơ không hình hài, chỉ u u, mỏng manh tựa vệt khói…"

Kẻ ăn giấc mơ
Minh họa: Duy Nguyên

YẾN LINH

Kẻ ăn giấc mơ
             Truyện ngắn

Năm tôi năm tuổi, có lần má giận dữ tuôn với tôi một tràng dài:

- Mày là thằng ôn dịch chuyên ăn giấc mơ người khác. Những người quanh mày rồi sẽ chết dần chết mòn vì bị mày ăn hết giấc mơ.

Tôi biết giấc mơ không hề có thực, chẳng hiện hữu để cầm nắm, nói chi bỏ vô miệng mà nhai. Tôi đã từng mơ nhiều rồi, hầu như đêm nào cũng mơ - những giấc mơ tươi đẹp tôi gắng níu lấy bằng cách nấn ná ngủ, hoặc khi đã giật mình tỉnh rồi thì nhắm mắt nằm im trên giường, hơi thở như ngừng lại, đợi chờ giấc mơ quay trở lại với tôi. Vậy tôi làm cách nào để nhìn thấy giấc mơ người khác và ăn giấc mơ của họ? Tôi ăn lúc nào, sao tôi không hề biết, không hề thấy dư vị của nó nơi đầu lưỡi mình?

Tôi mang câu hỏi ấy ra đứng nơi đầu ngõ, đợi chờ người trả lời. Trong nhà, hình như có mình cô Út thương tôi. Tôi nghĩ vậy, bởi lâu lâu cô cho tôi hai trăm mua bốn viên kẹo cứt chó đen thùi lùi, ngọt lịm. Nhưng cô Út cũng là người đánh đòn tôi nhiều nhất nhà. Tất nhiên là sau má. Cô Út nói to, giọng rổn rảng vọng từ ngoài giếng vô trong nhà, đại loại nói đã dặn là ở nhà trên với ông bà nội, không có qua nhà dưới với bả. Mỗi nhịp roi là một câu, tao nói mày không nghe hả Thành? Có nghe không? Tôi lí nhí trong cuống họng, không dám nói lớn hai tiếng dạ nghe, sợ má nghe thấy. Vậy mà má vẫn nghe thấy, buổi tối tôi bị má lôi ra đánh tập hai. Má vừa đánh vừa chửi bóng gió cô Út.

Tôi làm tấm bình phong giữa hai làn đạn, mỗi ngày xước thêm từng vệt dài khi người ta lôi tôi - đứa con hoang bị mẹ bỏ trước thềm nhà vào một buổi sáng lạnh buốt, tầm tã mưa ra để trút giận. Bà nội và cô Út nói má làm dâu trong nhà mà như bà trời, chưa nấu được bữa cơm nào cho nhà chồng, suốt ngày chỉ biết ăn diện, phấn son rồi nằm đọc tiểu thuyết, đợi chồng đem tiền về dâng lên tận miệng. Còn má, má hận bà nội, hận cả họ nhà ba vì đã lừa dối má. Chính bà nội là người đã mang cau trầu đi hỏi má về làm vợ ba nhưng lại không hề nói cho má biết trước đó ba đã có con hoang với người ta, bị đem trả trước nhà. Cớ gì bà nội dám nói lễ nghĩa với má chứ?

Tôi nhớ buổi chiều đó, cô Út trả lời câu hỏi của tôi bằng cái bĩu môi, dài giọng:

- Hơi đâu mày nghe lời nói của bà khùng! Bả đọc tiểu thuyết riết, ăn nói giống hệt.

Tôi im re. Không hiểu vì sao tôi không tin lời cô Út nói. Có lẽ vì mấy đêm sau khi má nói, tôi không mơ nữa. Tôi nghĩ tôi đã ăn giấc mơ của mình rồi, bây giờ đang lang thang ăn giấc mơ người khác. Đêm, tôi giật mình, lọ mọ trong bóng tôi tới giường của má, nhìn má. Tôi đưa tay lên mũi, coi má còn thở không. Má tỉnh giấc, giật mình la lên, nói tôi muốn bóp cổ má. Trận đó má đánh tôi thâm tím mình mẩy. Tôi không khóc, cứ nhìn khuôn mặt má, cười liên hồi.

Tôi càng cười má càng cho rằng tôi muốn giết má. Cô Út, bà nội bênh tôi, cả nhà thành ra đại chiến, giành giật, cấu xé. Má khóc lóc lăn lộn trên nền nhà xủng xoảng chén bát vỡ, nói cả nhà xúm vào giết má. Vừa lúc đó ba tôi về. Má lu loa nói với ba rằng cả nhà đều đang muốn giết má, cả tôi mới chút tuổi đầu mà đã độc ác, mưu mô, đêm thò tay bóp cổ má. Ba im lặng chẳng nói gì, dắt tay tôi lên nhà trên, nói từ nay ở với nội, không được bén mảng xuống nhà dưới, nghe không?

Ở với bà nội, tôi ít bị đánh hơn. Cô Út đi học suốt, còn bà nội thì không có thời gian để gõ đũa hay úp nắp nồi lên mớ tóc rễ tre của tôi. Mỗi ngày bà nội đánh bài tứ sắc ở xóm trên, suốt từ sáng tới tối. Ba đi buôn gỗ, nửa tháng, hai mươi ngày mới về nhà một lần. Ba về, bà nội đi qua đi lại, tục tục chửi gà, chửi chó mắng mèo bất hiếu, chửi đổng rằng vô phúc có thằng con bất hiếu, nghe lời vợ, chẳng biết tới cha mẹ, con cái gì nữa. Bà nội chửi buổi chiều, buổi tối ba lên nhà, mang theo mấy tờ tiền dúi vô tay nội rồi lẹ làng đi ra. Ba bước xuống bốn bậc thang, nghĩ sao quay lại dúi mấy tờ bạc lẻ vào tay tôi, nói để dành mua kem ăn. Ông nội đứng trong nhà, thở dài. Tiếng thở nghe chua chát lạ thường.

Ông vuốt tóc tôi. Tôi ít khi nói chuyện với ông nội. Trong nhà, ít ai nói chuyện với ông. Ông cũng chẳng nói chuyện với ai, suốt ngày lụi hụi đục đẽo, bào gỗ đóng hòm. Ông nói đóng trước cho ông, sợ mai mốt chết không có tiền mua hòm chôn, vì tiền bạc nhà này đã bị bà nội làm tiêu tan hết rồi. Chính cái hòm của ông nội, dáng vẻ câm lặng lạ thường của ông làm tôi thấy sợ, không dám tới gần ông. Nhưng bữa đó khi bóng ba khuất, tôi ôm chân ông nội, bấu chặt mớ tiền lẻ trong tay. Tôi thấy đau râm ran bên trong mình mà không biết vì sao. Khi má ruột rượt đánh tôi vì tôi thò tay bốc trộm hai trái chôm chôm trong mẹt trái cây má bán đầu xóm, tôi cũng không thấy đau như khi ba nghiêm khắc dắt tôi từng bước lên bậc thềm nhà nội, rồi sau đó dúi tiền vào tay tôi như một sự chấm dứt hoàn toàn.

oOo

Mấy tháng sau khi tôi lên ở nhà trên với nội thì sau lớp vách ván, có tiếng con nít khóc. Má sinh em bé. Một bé gái trắng hồng, mủm mỉm. Đầy tháng, bà nội xuống nhà dưới, làm lễ cúng đặt tên cho em, đặc cách cho tôi xuống thăm em một lần. Bà nội tặc lưỡi, sao nó không giống bên nội chút nào, cũng không có chút nào giống thằng Thành. Má nói, con tôi thì nó giống tôi, không lẽ giống thằng con hoang kia. Bà nội hầm hầm đi lên. Sự hàn gắn chút đỉnh giữa hai bên nhanh chóng bị đứt lìa.

oOo

Mười lăm tuổi, tôi tin tưởng tuyệt đối vào điều má đã nói nhiều năm trước. Tôi đó - thằng ôn dịch ăn giấc mơ người khác. Hệt như loài yêu tinh hút máu, tôi cắm miệng hút hết giấc mơ của họ rồi vứt phẹt ra một cái xác khô cong. Tôi biến má tôi thành người đàn bà đầy căm hận, lúc nào cũng sưng sỉa, gây hấn. Tôi làm cho ba má sống trong trạng thái hục hặc, khiến má không chịu được nữa phải bỏ đi theo một người đàn ông khác, rồi vượt biên đến một xứ sở xa tít mù. Tôi ăn giấc mơ của em tôi - giấc mơ về một gia đình hạnh phúc, ba đi làm xa, mỗi lần về mua thật nhiều quà, có búp bê, có váy áo mới, giấc ngủ mỗi đêm đều được ru bằng giọng kể cổ tích của má.

Má đi. Ba cũng không về. Chẳng ai biết ba đi đâu. Có người nói ba chết trong rừng, không tìm thấy xác. Bà nội tôi khóc lóc, nói vì làm lụng nuôi con đàn bà ác độc kia mà ba tôi chết bờ chết bụi trong rừng. Ông nội tôi chặc lưỡi nhổ đinh, tháo vách ván ngăn nhà trên nhà dưới. Em tôi ở chung với tôi. Bà nội không nhìn được khuôn mặt em. Khuôn mặt em khiến bà nội liên tưởng tới cái chết của ba. Đồ đạc của má bà nội chất đống, đốt lửa cháy phừng phừng, cấm em tôi nhắc tới má. Em tôi tóc thắt hai bím, da trắng hồng, mũi cao, môi chúm chím, ngồi gục đầu vào vai ông nội khóc.

Phần lớn cuộc đời tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt em.

Tôi thành kẻ tội đồ ăn hết tất cả những giấc mơ của em. Em căm ghét tôi. Suốt tuổi thơ, em chẳng nói với tôi lời nào, chẳng nhờ tôi bênh vực khi bị đứa bạn nào đó quẹt mực lên áo, bị lũ con trai tốc váy trêu. Em câm lặng ngồi đưa võng con búp bê duy nhất em có, từ buổi trưa này qua buổi trưa khác. Em không cần ai bên em. Trong nhà này cũng không ai cần em, không cần quan tâm tới em. Em không phải là con trai, không phải là cháu đích tôn như tôi để các chú có thể lôi tôi ra làm bình phong trong trận chiến gia tài. Em ơ thờ lướt qua những người trong nhà với khuôn mặt lạnh lùng, dàu dàu đau khổ so với tuổi. Em không nhìn tôi, nhưng tôi luôn thấy lo sợ. Tôi có cảm giác em biết mọi chuyện tôi làm. Từ chuyện ban đêm tôi đi theo chú Một bắt trộm chó nhà người ta đem bán, được chú chia phần lấy tiền nộp học phí đến chuyện tôi giúp bà nội lén lấy lúa trong hòm của ông nội đem bán.

Ngày tôi nghỉ học theo người trong xóm vào Sài Gòn làm công nhân, em không tiễn tôi ở bến xe, mặc dù bà nội đã la nó là anh mày, mày lớn rồi phải biết cư xử chứ, đừng để người ngoài nhìn vô cười nhà này không biết dạy cháu. Càng ngày càng giống mẹ mày, bà nội hậm hực. Tôi chột dạ ngoái ra cửa kính nhìn vào khoảng không trống rỗng, mường tượng em mang khuôn mặt của má, mường tượng ngày em nguyền rủa tôi vì tôi đã ăn giấc mơ của em.

oOo

- Anh có tin chuyện ăn giấc mơ người khác không?

Lần đầu tiên em gọi tôi bằng anh. Nhiều năm xa nhau làm người ta quên đi những chuyện đau khổ trong quá khứ, tha thứ cho nhau và đến gần nhau hơn? Hay em đã không còn giận chuyện vì tôi là nguyên nhân gián tiếp khiến em không còn mẹ, không còn cha. Hay vì em thấy đôi chân tôi trở thành tật nguyền sau bảy năm lăn lộn làm công nhân bốc vác ở Sài Gòn nên em động lòng?

- Ai nói với em như vậy?

Tôi bâng quơ, không chắc là câu hỏi, thấy mình rơi thõm vào hố sâu hoắm.

- Ngày xưa, má nói anh là kẻ ăn giấc mơ người khác.

Tôi và em im lặng một quãng lâu. Tôi để đầu óc trống rỗng, tịnh chẳng buồn nhớ điều gì. Hai mươi ba tuổi, lăn lộn với cuộc sống, lượm lặt cất giấu những giấc mơ bị nghiền vụn của chính mình, đủ để tôi hiểu trong cuộc đời rất nhiều khi người ta ăn thịt lẫn nhau - còn hơn cả loài thú ăn thịt, chứ không nhẹ nhàng là ăn một giấc mơ. Nhưng tôi vẫn sợ lắm câu kết tội từ em, rằng tôi đã ăn hết những giấc mơ tươi đẹp của đời em.

- Em nghĩ má nói sai rồi. Chính em mới là kẻ ăn giấc mơ người khác.

Giọng em rờn rợn, tựa đang đọc lời kết tội mình. Tôi giật mình, nói đừng nói bậy. Hồi đó chắc má nói giỡn thôi. Chứ ai lại có thể ăn giấc mơ?

- Thật! Em đang ăn giấc mơ người khác. Anh, anh dẫn em đi cùng anh, dẫn em đi khỏi đây đi.

Giọng em gấp gáp, khẩn thiết. Em lay cánh tay tôi. Tôi ừ, nói sẽ dẫn em đi chơi Sài Gòn cho biết. Tôi nói với bà nội, cô Út như vậy, duy chỉ thêm câu bây giờ đang hè để em đi với con, hết hè con dẫn em về đi học. Bà nội tôi nói chân cẳng như vậy làm sao mà đi? Tôi nói con đi được.

Chúng tôi đi. Đôi nạng gỗ lịch kịch lên tàu, lốc cốc gõ xuống đường sá Sài Gòn. Chúng tôi chia nhau phần căn phòng trọ trong khu người Hoa nóng bức, chật chội và những đĩa cơm bình dân giá không quá mười ngàn. Sài Gòn không như mơ, em hén! Tôi bắt chuyện. Em chẳng nói, chẳng cười với tôi, cứ chầm chậm đi bên tôi.

Hết ba tháng, bà nội gọi điện thoại giục chúng tôi về ăn đám cưới cô Út. Cô Út lấy người có chức có quyền. Đám cưới tổ chức linh đình, bà nội được mở mặt mở mày, ông nội đã nằm trong hòm từ ba năm trước chắc cũng cười, vì mười hai đứa con, cuối cùng cũng có được cô Út làm rạng danh. Bà nội cúp máy, em lẳng lặng sắp xếp đồ đạc, nhét vào balô. Chúng tôi ra ga lúc sẫm tối, dự định đón chuyến tàu cuối cùng trong đêm. Cầm vé trong tay, em nói hay là đổi qua chuyến tàu ban ngày, em sợ đi tàu đêm. Tôi gật, em đẩy tôi vòng ra ngoài, thuê hai phòng trọ cạnh nhà ga. Em để tôi một mình trong căn phòng trống trải, nằm ngủ giấc mệt nhoài trên xe lăn. Tôi đếm những vì sao bên ngoài cửa sổ để trống, chìm vào giấc ngủ.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi mơ trở lại một giấc mơ không hình hài, chỉ u u, mỏng manh tựa vệt khói. Khuôn mặt em lẫn đâu đó trong mơ. Giấc mơ kết thúc lúc mặt trời chiếu thẳng tắp vào mắt. Tôi đi qua phòng, đẩy cửa gọi em. Em nằm co người trên tấm đệm ố vàng, nồng mùi thuốc tẩy. Lọ thuốc vương vãi trên đệm. Trong giấc mơ đêm qua, tôi đã thấy hình ảnh này. Ba tháng ở Sài Gòn, em đi quanh các nhà thuốc, mua đủ chín mươi viên thuốc ngủ. Nhưng em đã không uống nó. Em đặt vốc thuốc ngủ trên mẩu giấy viết vội, nét chữ run rẩy sợ hãi.

"Anh ơi, cô Út sẽ chết mất nếu biết em có thai với chồng tương lai của cô. Em không dám về nhà. Em cũng không đủ can đảm để chết. Em đi đây".

Tôi khụyu xuống, thấy mình chìm dần vào giấc ngủ sâu, tỉnh dậy chống chếnh. Gắng dùng sức lực cuối cùng tôi vò nát lá thư ngoằn ngoèo tuồng chữ nhọn hoắt. Trước mắt là cái nhà tắm bập bênh nằm khuất sau bụi chuối. Kẻ mà tôi và em sắp gọi là dượng hé mắt nhìn qua đó, rồi ập vào em tôi. Em không dám vẫy vùng, không dám kêu cứu. Biết kêu ai? Em tôi gầy quá, yếu quá. Sao không có ai thấy điều đó? Sao không có ai ở bên em?

Tôi nhắm dần mắt, chống chếnh chìm vào giấc ngủ mệt nhoài giữa căn phòng lạ. Giữa cuộc đời này, phải chăng tôi là kẻ có tội, phải chăng chính tôi đã ăn hết giấc mơ người khác?

Y.L
Nguồn: Tuổi Trẻ




 

Các bài đã đăng
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)