NGUYỄN THẾ
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có lưu giữ bản gốc bức tranh “Bình văn” của họa sĩ Lê Văn Miến. Đây là bức tranh vẽ theo kỹ thuật sơn dầu cổ điển của châu Âu đầu tiên ở Việt Nam.
Lê Văn Miến sinh năm Giáp Tuất (1874), con thứ của cụ Lê Huy Nghiệm (1840 - 1899), quê ở Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An. Cụ Lê Huy Nghiệm (còn gọi là Lê Huy Nghiêm) từng làm Án sát Sơn Tây. Thời kỳ ở đây, cụ đã bí mật giúp đỡ các lực lượng chống Pháp của Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Tít… Năm 1887, cụ Án Nghiệm đã giúp Nguyễn Thiện Thuật, Hà Văn Bao (bộ tướng của Nguyễn Thiện Thuật) cùng gia đình thoát khỏi cuộc vây quét lớn của quân Pháp và Hoàng Cao Khải vào hậu cứ Bối Giang của nghĩa quân Bãi Sậy. Toàn bộ nghĩa quân sau đó đã rút về căn cứ đảo Hai Sông của Đốc Tít ở vùng Lục Đầu Giang một cách an toàn. Cụ Hà Văn Bao từng tặng cụ Án Nghiệm bức hoành phi với dòng chữ: “Đức Giáng Dân Hoài”1 (Đức giáng xuống dân lành nhớ mãi). Sau đó, biết Pháp và Hoàng Cao Khải nghi ông từng giúp đỡ nghĩa quân, nên ông đã viện cớ xin với triều đình rời chốn quan trường để về quê phụng dưỡng cha già. Khi về quê, cụ Lê Huy Nghiệm vẫn tiếp tục ủng hộ nghĩa quân Cần vương và phong trào Đông Du. Khi cụ Nghiệm mất, con các cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn và các cụ: Phan Bội Châu, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… đều đến viếng. Kỷ yếu kỷ niệm lần thứ 100 ngày mất của cụ Lê Huy Nghiệm (1899 - 1999) viết: Hai con của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là cậu cả Khơm và cậu Côông đều theo cha đến viếng. Khi cậu Côông thấy người nhà quan Án đang mài dao giết lợn, cậu bé Côông đã buột miệng đọc câu đối: “Đa mao dục tiễn cố ma đao”. Nghĩa đen của câu đối này là: (con lợn) nhiều lông, muốn cạo lông phải mài đao. Đây là một vế đối khó, lúc đó không ai đối được. “Ma đao” là mài đao, nhưng nói lái sẽ thành “mao đa”: lông nhiều. Ai cũng công nhận đây là một câu đối có khẩu khí. Với nghĩa bóng: “muốn giết giặc phải mài sâu chí căm thù, xây dựng lực lượng đủ mạnh mới đuổi được giặc”. Cậu bé Nguyễn Sinh Côông chính là Nguyễn Tất Thành, Người đã ra đi tìm đường cứu nước và sau này trở thành lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhằm thực hiện mưu đồ cai trị lâu dài đối với các nước thuộc địa, chính quyền bảo hộ Pháp đã chủ trương đào tạo bộ máy chính quyền cao cấp từ người dân bản xứ. Đối với đất nước ta, Pháp cũng áp dụng chính sách “lấy người Việt trị người Việt”, nên đã chọn con cái các vị quan lại trong triều để đưa đi đào tạo ở “chính quốc”. Biết cụ Lê Huy Nghiệm là một vị quan có uy tín đối với triều đình, nhưng lại thường giao du mật thiết đối với các “phần tử yêu nước, luôn chống đối lại người Pháp”, nên Pháp đề nghị với triều đình buộc cụ phải cử một người con sang Pháp để đào tạo. Biết là không thể chống lệnh, nên cụ miễn cưỡng chấp nhận cho người con thứ của mình là Lê Huy Miến (còn gọi là Văn Miến) lúc đó mới 14 tuổi, phải khai thêm tuổi để sang Pháp học tại Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale). Cùng du học tại Trường Thuộc địa của Pháp còn có: Hoàng Trọng Phu, con trai Tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải và Thân Trọng Huề, con trai Tổng đốc Bình Phú Thân Văn Nhiếp. Nhưng sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Miến không muốn trở về làm tay sai cho Pháp. Cụ Miến vin cớ thích bộ môn nghệ thuật nên xin ở lại Pháp tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris). Thời gian học ở Pháp, cụ Miến luôn tự nhủ rằng: “Không học thì thôi, đã học thì phải cố gắng cho thiên hạ biết. Dù trong lĩnh vực nào, nhất là học vấn, nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không thua kém ai cả”. Vì vậy, trong quá trình học tập, cụ luôn là một học viên xuất sắc, nổi trội, các thầy dạy rất nể phục học lực và thành tích của cụ trong tất cả các môn học. Khi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, cụ Miến đỗ thủ khoa hạng ưu, được nhà trường giới thiệu gửi đồ án tham dự Giải thưởng Rome (Prix de Rome), một giải thưởng cao quý dành cho sinh viên ngành hội họa và điêu khắc của Pháp thời bấy giờ. Song lúc đó do cụ Miến không có quốc tịch Pháp nên không được tham dự giải chính thức. Họ còn có nhận xét về tài năng cụ Miến: nếu cụ có quốc tịch Pháp thì chắc chắn cụ sẽ giành được giải Grand Prix de Rome (Khôi nguyên La Mã)2. Người được giải thưởng này sẽ được ở một thời gian khoảng 3 năm tại Viện Hàn lâm Pháp để tiếp tục nghiên cứu và sáng tác. Mặc dù cụ không đạt giải và không được ở lại Viện Hàn lâm Pháp, nhưng trong thời gian học ở Pháp cụ đã chu du rất nhiều nước như: Ý, Tây Ban Nha, Albani, Rumanie, Algérie, v.v. Cụ đã kể cho con cháu nghe về các nơi cụ đã đến như: Rome, Madrit, Alger, Monastir, Plodif, Sicile, v.v. Cụ đi nhiều nơi nhằm trải nghiệm, hiểu biết thêm về văn minh, văn hóa của phương Tây để có thể giúp ích cho nước nhà sau này.
Sau 7 năm miệt mài học tập trên đất Pháp, năm 1895, Lê Văn Miến về nước với hai tấm bằng có giá trị là bằng tốt nghiệp Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) và bằng tốt nghiệp loại ưu của Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Lẽ ra, cụ Miến (lúc đó chỉ mới 21 tuổi) có thể trình bằng cấp của mình cho triều đình và chính quyền thuộc địa để được bổ dụng ngay một công việc thích hợp. Nhưng cụ Miến không làm như vậy mà lại về quê. Ở quê được vài tháng đến cuối năm 1895, cụ Miến ra Hà Nội, làm họa sĩ trang trí cho nhà in Schneider (nằm ở khu vực trường Chu Văn An bây giờ). Thời gian này, cụ ở trọ tại phố Hàng Bông, Hà Nội.
Năm 1898, Đào Tấn được triều đình cử ra giữ chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh). Do biết được tài năng của người thanh niên xứ Nghệ, nên đã mời Lê Văn Miến về Vinh làm việc tại dinh quan Tổng đốc. Đến năm 1902, vua Thành Thái triệu Đào Tấn về kinh nhậm chức Thượng thư Bộ Công. Đào Tấn xin cho Lê Văn Miến về kinh và được giao chức Hành tẩu Bộ Công, làm việc dưới trướng của Đào Tấn. Thời gian này, Lê Văn Miến có dịp phát huy những kiến thức về hội họa, kiến trúc… Ông đã vẽ nhiều tranh và các đồ án trong nội phủ và cả các mẫu súng của phương Tây. Đầu năm 1904, Đào Tấn bị ép nghỉ hưu, Lê Văn Miến tiếp tục bị thuyên chuyển ra Vinh với cớ là giao cụ mở trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh. Theo tài liệu của cụ Lê Thước thì Bác Hồ từng học ở trường này trước khi vào Quốc Học Huế. Cuối năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo: “Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh với Nguyễn Tất Thành”. Các tham luận trong hội thảo đã cho biết: “Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh là tiền thân của Trường Tiểu học Cao Xuân Dục được thành lập năm 1905 do danh nhân, họa sĩ, nhà giáo Lê Huy Miến sáng lập và là người Đốc học đầu tiên. Danh sĩ Cao Xuân Dục là người bảo trợ và tài trợ cho trường. Các biên niên tiểu sử và những nghiên cứu gần đây về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) đã theo học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh ở Vinh từ khoảng tháng 9 năm 1905 đến tháng 5 năm 1906. (Có tài liệu xác định là học lớp dự bị (préparatoire))3.
Thời điểm ấy, Nguyễn Tất Thành 15 tuổi và thời gian theo học tại trường này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành tri thức và nhân cách người thanh niên yêu nước. Cũng chính nơi đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nhìn thấy dòng chữ “Liberté - Égalité - Fraternité” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) để từng bước tìm hiểu và biết đến cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và tìm ra những lý tưởng, mục tiêu cho mình”4.
Tài liệu gia đình cho biết rằng, thời gian ở Vinh, cụ Lê Văn Miến đã kết giao với nhiều nhân sĩ trí thức, sáng lập Hoan Châu học hội và giữ chức hội trưởng hội này. Tham gia sáng lập và là hội viên Triêu Dương thương quán hoạt động từ 1907 - 1908. Người đứng đầu Triêu Dương thương quán là Tiến sĩ Ngô Đức Kế. Hội này đã lập quỹ để giúp các thanh niên sang Nhật học theo phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để phát động. Năm 1908, nhằm cắt đứt quan hệ của cụ Miến với các đầu mối hoạt động chính trị chống Pháp ở Vinh, Pháp đã đề nghị triều đình điều cụ Miến vào dạy ở Trường Quốc Học Huế. Đây là thời điểm Nguyễn Tất Thành cùng anh là Nguyễn Tất Đạt học với cụ Lê Văn Miến. Năm 1913, vua Duy Tân lập trường Hậu bổ để đào tạo bổ túc kiến thức cho sĩ tử và quan lại đã đỗ cử nhân để phục vụ cho việc bổ dụng và nâng cấp quan lại. Lê Văn Miến được đề bạt làm Trợ giáo và được thăng hàm “Hàn Lâm viện Thị Giảng”. Sau 10 năm, ông được thăng Phó Đốc giáo, đến năm 1919 được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng), Thăng Hồng Lô Tự Khanh và được tặng Hàn Lâm bội tinh. Từ năm 1921 đến năm 1928, Lê Văn Miến giữ chức Tế Tửu trường Quốc Tử Giám (tương đương Giám đốc Học viện Quốc gia hành chính). Năm 1929, do bị mù nên cụ đã xin về hưu, được thăng hàm Lễ bộ thượng thư trí sự. Sau một thời gian nghỉ hưu, cụ được triều đình phong Hiệp tá Đại học sĩ, Vinh Lộc đại phu, tòng nhất phẩm.
Trong suốt cuộc đời làm quan, làm thầy dạy dọc, cụ Lê Văn Miến luôn sống thanh bạch, thương yêu và thường động viên học trò của mình cố gắng học tập thật tốt để mang tài năng giúp nước giúp dân. Vì vậy, học trò của cụ với tinh thần tôn sư trọng đạo, họ luôn theo sát thầy để giúp đỡ thầy lúc khó khăn, bệnh tật. Đặc biệt là học trò Nguyễn Tất Đạt (còn gọi là cụ cả Khiêm, anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh) là người luôn luôn gần gũi với thầy Lê Văn Miến trong thời gian cụ Miến về hưu và ở tại huyện Phong Điền. Ông Nguyễn Tất Đạt là người từng vận động tài chính cho các tổ chức chống Pháp ở Vinh, ông từng bị Pháp bắt giam tại nhà tù Vinh vào tháng 4/1914, bị kết án khổ sai bằng cách đi đắp đường Ba Ngòi ở Khánh Hòa. Đến tháng 3/1920, ông được chuyển về giam lỏng ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Thời gian này ông Nguyễn Tất Đạt ở tại nhà ông Nguyễn Văn Đề (một người bạn tù khổ sai với ông) ở làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Khi ở Trạch Phổ, ông đã mở lớp dạy học tại nhà ông phó tổng Trần Văn Ngạc. Chính quyền thời đó buộc ông mỗi tháng phải trình diện một lần, nhưng ông cứ đợi đến ngày cuối tháng (30 hoặc 31) mới đến trình diện tại huyện đường Phong Điền (lúc đó đóng ở làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa). Hôm sau, vào sáng ngày mồng một (đầu tháng dương lịch) ông lại đến trình diện tiếp; xem như tháng nào ông cũng “chấp hành” đúng việc trình diện theo quy định của chính quyền thời bấy giờ.
Khi cụ Lê Văn Miến về hưu ở Phong Điền, do gặp khó khăn và không có nhà ở, nên các môn sinh của cụ đã đóng góp để mua lại ngôi nhà cũ của ông lãnh Vinh (quê ở làng Siêu Quần, xã Phong Bình) để cụ Miến ở trong thời gian cuối đời. Sở dĩ các môn sinh chọn ngôi nhà này vì vị trí nhà gần với ga Phò Trạch (thị trấn Phong Điền), tiện cho học trò đi lại thăm viếng thầy. Riêng cụ Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) là người có mặt thường xuyên để chăm sóc thuốc men cho cụ Miến. Để được gần gũi thầy, cụ cả Đạt đã hành nghề bắt mạch, bốc thuốc cho người dân quanh vùng Phong Điền, Quảng Điền… Qua thông tin của cụ Nguyễn Sinh Khiêm, cụ Miến cũng biết được người học trò của mình là Nguyễn Tất Thành đang bôn ba tìm đường cứu nước ở hải ngoại. Để tỏ lòng kính phục người thầy đức độ, nặng lòng yêu nước, thương dân, nên các học trò đã tặng cụ bức hoành phi với 3 chữ: “Thế Gian Sư” (người thầy của cả thiên hạ).
Cụ Lê Văn Miến mất vào ngày 04/5 năm Quý Mùi (ngày 06/6/1943) thọ 70 tuổi. An táng tại xứ Trường An, Phước Tích (nay là An Thôn, xã Phong Thu, huyện Phong Điền). Những cụ già ở vùng này còn nhớ mãi hình ảnh của cụ cả Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) mặc bộ đại tang màu trắng cùng với bạn đồng môn đưa linh cữu của thầy Lê Văn Miến đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai của Bác Hồ đã thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, một nét đẹp văn hóa tinh thần mang đậm tính nhân văn cao cả của người dân Việt Nam. Nét đẹp này đã hình thành từ truyền thống giáo dục từ gia đình cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Họ đã sinh ra những người con trung hiếu, đạo đức, lễ nghĩa, một lòng vì nước vì dân.
N.T
(TCSH419/01-2024)
---------------------------
1. Mượn chữ trong câu “Đế đức giáng lê dân hoài chi” trong Kinh Thi có nghĩa là: Vua ban đức xuống dân lành nhớ mãi.
2. Năm 1955, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người đầu tiên của Việt Nam đạt được giải thưởng danh giá Grand Prix de Rome (Khôi nguyên La Mã).
3. Dẫn theo: https://baotanghochiminh.vn/nguyen-tat-thanh-hoc-lop-du-bi-preparatoire-truong-tieu-hoc-phap-ban-xu.html
4. https://baonghean.vn/chu-tich-ho-chi-minh-tung-hoc-tieu-hoc-tai-thanh-pho-vinh-post218268.html