SỰ KIỆN
Về tên gọi quận, huyện, thị xã và thành phố Huế trực thuộc Trung ương
15:01 | 04/07/2024

DƯƠNG PHƯỚC THU

Trong khuôn khổ của chủ đề “Bàn về địa danh hành chính khi cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, nhằm tìm ra một phương án tối ưu nhất để có cơ sở tham mưu cho việc đặt tên hành chính (quận, huyện và thành phố mới bao gồm cả tỉnh) được hợp lý nhất khi cả tỉnh được nâng lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/ TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Về tên gọi quận, huyện, thị xã và thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Ảnh: NSNA Lê Đình Hoàng

Để chuẩn bị thật chu đáo cho đề án này, đã có nhiều cuộc hội nghị Tỉnh ủy, kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế dân chủ bàn bạc và đã thống nhất nội dung về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Để làm giàu thêm vốn có và bảo lưu được các thành tố văn hóa của vùng đất giàu văn hóa di sản, phát huy tinh thần dân chủ, tạo được sự đồng thuận thống nhất trong xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra rất nhiều cuộc hội nghị, tọa đàm khoa học kể cả diễn đàn công luận truyền thông trên mạng xã hội một cách tích cực do các tổ chức chính trị - xã hội và sự đóng góp của tập thể, cá nhân, của những nhà trí thức, quản lý, của những ai quan tâm đến sự phát triển của tỉnh nhà để lấy ý kiến chung quanh chủ đề này.

Để Thừa Thiên Huế có cơ sở đạt chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì cả tỉnh hiện tại phải đạt được rất nhiều tiêu chí: về dân số, y tế, giáo dục, văn hóa, diện tích, đơn vị hành chính trực thuộc, đô thị hóa, thu nhập bình quân đầu người, mức tăng trưởng hàng năm, xây dựng nông thôn mới v.v. Mọi tiêu chí ấy đặt ra có thể nói là đã sớm nhận được sự đồng thuận và đồng thuận rất cao ở tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Riêng về việc đặt tên mới cho các quận, thị xã, huyện và thành phố trực thuộc Trung ương là khá nhạy cảm, bởi ai cũng có lý lẽ riêng của mình vì tình yêu quê hương bao đời gắn bó máu thịt với xứ sở. Vì những cái tên được dự kiến như Thuận Hóa, Phú Xuân, Quảng Đức, Thừa Thiên, Thừa Thiên Huế, hay như Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, những danh xưng như Hương Giang, Sông Hương, Ngự Bình, Kim Phụng, Nam Giao, Vọng Cảnh… là những cái tên đã đi vào lịch sử, trở thành một phần văn hóa riêng có, nằm sâu trong tâm thức của người dân định cư lâu đời trên mảnh đất này. Dù có thể gọi với tên gì thì người ta vẫn biết đấy là chỉ vùng đất xứ Huế rồi.

Và dĩ nhiên là một khi thành lập đơn vị hành chính mới thì cái tên gọi cũng phải phù hợp với đơn vị hành chính mới, nhưng dù mang tên mới thì cái danh xưng ấy vẫn phải giữ được cốt cách văn hóa xưa vốn có của nó.

Trên cơ sở Đề án do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng đã đưa ra 2 phương án cụ thể. Sau khi tham khảo, nghiên cứu tính logic của nội hàm, tôi thống nhất với phương án 1 (nên bài này chỉ trao đổi về phương án 1)1.

Để bảo đảm đạt các tiêu chí cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ở thời điểm hiện tại thì tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) sẽ là cấp dưới trực thuộc thành phố mới. Trong đó có phương án chia thành phố Huế hiện tại thành 2 quận Bắc và Nam; huyện Phong Điền sẽ trở thành thị xã nay mai; đồng thời nhập huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông thành một huyện mới. Do vậy, phương án 1 là thành lập 2 quận (Bắc và Nam lấy trục sông Hương làm phân giới), 3 thị xã (Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và A Lưới) đều thuộc quyền quản nhiệm của thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trước khi thành phố Huế hiện tại được chia để thành lập 2 quận, thì một số xã, phường của thành phố mở rộng trước đó đã phải hợp nhất; một số xã trở thành phường; đơn vị cơ sở thôn sẽ nâng lên thành tổ dân phố, bộ mặt thôn quê có nhiều thay đổi, những mong vì ý nghĩa văn hóa và lịch sử thì tên thôn phải được giữ lại (ví như thôn Quy Lai, xã Phú Thanh thành tổ dân phố Quy Lai, phường Dương Nỗ…) thay vì đánh số tổ dân phố 1, 2, 3… Sau khi sắp xếp, thành lập phường thành phố Huế gồm có 32 phường, được chia thành 2 quận:

Về 2 quận gồm quận phía Bắc (sông Hương) và quận phía Nam (sông Hương). Do địa hình chia quận phải lấy trục sông Hương làm phân giới nên số lượng đơn vị cấp phường sau khi sáp nhập các xã để trở thành phường thì số phường và dân số của mỗi quận có khác nhau:

- Quận phía Bắc (sông Hương) gồm có 13 phường, diện tích 127,06 km2, dân số 229.469 người2.

- Quận phía Nam (sông Hương) gồm có 19 phường, diện tích 139,41 km2, dân số 313.800 người3.

1. Về tên gọi của 2 quận mới

- Quận phía Bắc (sông Hương) bao gồm toàn bộ Kinh thành Huế và các phường xã mở rộng ra các huyện qua nhiều đợt. Trong phần đất Kinh thành Huế có đất đai làng cổ Phú Xuân, hiện vẫn còn đình Phú Xuân. Danh xưng Phú Xuân mang thông điệp ngữ nghĩa vừa giàu có lại vừa trẻ trung, đầy sự khát vọng vươn tới, lại đã từng được tôn vinh “có một nền văn hóa Phú Xuân”, “Đô thành - Kinh đô Phú Xuân”. Do vậy, theo tôi quận phía Bắc nên lấy tên là Quận Phú Xuân.

- Quận phía Nam (sông Hương) bao gồm phần đất của “thành phố Tây”, thành phố mới. Trước năm 1945 và một giai đoạn ngắn đến 1954, danh xưng Huế là bao gồm chỉ cả vùng văn hóa Thừa Thiên, là Kinh sư, Kinh đô Huế. Còn Thuận Hóa xưa là phần đất hai châu Thuận và châu Hóa. Sau này, có nhiều năm danh xưng Thuận Hóa để chỉ thị xã Thuận Hóa (có lúc là thành phố Thuận Hóa) thay cho danh xưng Huế. Thuận Hóa nghĩa là thuận lòng theo giáo hóa, chấp nhận thay đổi hướng đến cái mới mẻ, tốt đẹp. Vì thế, theo tôi nên đặt tên cho quận phía Nam (sông Hương) là Quận Thuận Hóa.

2. Về tên gọi của 3 thị xã

- Thị xã Hương Thủy vẫn giữ nguyên danh xưng tên của huyện Hương Thủy như vốn có từ năm 1835, khi nhà Nguyễn thành lập huyện Hương Thủy (nếu thành lập quận thì vẫn lấy tên Hương Thủy). Với Thị xã Hương Thủy, cho sáp nhập xã Phú Sơn vào phường Phú Bài để thành lập phường mới vẫn lấy tên phường Phú Bài. Nhập xã Thủy Tân vào phường Thủy Lương lấy tên phường Thủy Lương. Thành lập phường Thủy Thanh trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Thanh hiện tại. Thành lập phường Thủy Phù trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Phù.

Sau khi sắp xếp, thị xã Hương Thủy gồm có 7 phường và 1 xã; diện tích 427,48 km2, dân số 107.585 người.

- Thị xã Hương Trà vẫn giữ nguyên danh xưng tên huyện Hương Trà như vốn có từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa, do phép kỵ húy đã cho đổi huyện Kim Trà thành huyện Hương Trà, sau tách một phần để thành lập huyện Phong Điền và Hương Thủy, thành huyện mới có từ năm 1835 và vẫn giữ tên huyện Hương Trà. Thị xã Hương Trà thành lập phường Hương Toàn trên cơ sở địa giới hành chính của xã Hương Toàn.

Sau khi sắp xếp, thị xã Hương Trà gồm có 5 phường và 4 xã; diện tích 392,57 km2, dân số 79.351 người.

- Thành lập thị xã Phong Điền vẫn giữ nguyên tên của huyện Phong Điền. Thành lập thị xã Phong Điền theo chủ trương, sắp xếp, nhập các xã, thành lập phường từ 16 đơn vị hành chính (gồm 15 xã và 1 thị trấn) thành 12 đơn vị: xã Phong Thu nhập với thị trấn Phong Điền thành phường mới lấy tên là phường Phong Thu. Xã Phong Hải nhập với xã Điền Hải thành xã mới lấy tên là xã Phong Hải. Xã Điền Lộc nhập với xã Điền Hòa để thành lập đơn vị hành chính phường mới lấy tên là phường Phong Thạnh. Xã Điền Hương nhập với xã Điền Môn thành một xã mới lấy tên xã Phong Hương.

Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính hiện tại của huyện Phong Điền gồm có 6 phường và 6 xã; diện tích 945,66 km2, dân số 120.902 người.

3. Về tên gọi của 3 huyện

- Huyện Quảng Điền: Giữ nguyên hiện trạng và tên đơn vị hành chính huyện Quảng Điền. Huyện Quảng Điền gồm có 10 xã và 1 thị trấn.

- Huyện Phú Vang: Giữ nguyên trạng và tên đơn vị hành chính huyện Phú Vang. Huyện Phú Vang gồm có 13 xã và 1 thị trấn.

- Huyện A Lưới: Giữ nguyên trạng và tên đơn vị hành chính huyện A Lưới. Huyện A Lưới gồm có 17 xã và 1 thị trấn.

4. Về tên gọi sau khi hợp nhất huyện Phú Lộc và Nam Đông thành huyện mới

Sau khi hợp nhất huyện Nam Đông (9 xã và 1 thị trấn) và huyện Phú Lộc (15 xã và 2 thị trấn) thành một huyện mới (gồm có 3 thị trấn và 24 xã). Diện tích 1.368,23 km2; dân số 214.310 người. Tên huyện mới là huyện Phú Lộc.

Vùng đất Nam Đông nguyên là đất của hai xã Hương Tả và Đại Hóa được huyện Phú Lộc quản lý và thành lập vào tháng 9 năm 1945 (gọi là xã Thượng Du), thời gian sau hai xã này nhập làm một thành xã Xuân Lộc thuộc huyện Phú Lộc. Năm 1952, bốn xã miền núi của huyện Phong Điền và hai xã Đại Hóa, Hương Tả của huyện Phú Lộc được tách ra để thành lập Ban Thượng Du (sau đổi gọi là Ban Miền Tây). Sau năm 1958 là quận Thượng Du rồi thành một phần của quận Nam Hòa do chính quyền Sài Gòn thành lập. Đối với chính quyền cách mạng vùng này là đất quận 4 của chiến khu Thừa Thiên. Đến tháng 2 năm 1976 vùng này thuộc huyện Phú Lộc quản lý. Tháng 3 năm 1976, tỉnh Thừa Thiên Huế cho thành lập huyện Nam Đông trên cơ sở đất đai rộng lớn của xã Xuân Lộc (sau chia xã Xuân Lộc thành các xã Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng). Tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP, cho huyện Phú Lộc hợp nhất với huyện Nam Đông, lấy tên huyện mới là huyện Phú Lộc. Đến tháng 9 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định số 345-HĐBT, chia huyện Phú Lộc thành 2 huyện mới là huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông.

Trong quá trình xây dựng Đề án tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, để đảm bảo các tiêu chí theo quy định, huyện Phú Lộc hợp nhất với huyện Nam Đông thành một huyện mới. Trên cơ sở tư liệu lịch sử, địa hình và nguồn gốc dân cư cơ bản của 2 huyện này được sáp nhập lại, về ý nghĩa ngữ nghĩa đẹp và chiều sâu của danh xưng Phú Lộc, tôi đề nghị vẫn lấy tên huyện mới là huyện Phú Lộc.

5. Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương

Sẽ không có một phương án nào khác hay hơn, ý nghĩa và sâu sắc hơn về danh xưng Huế để chọn đặt tên cho một thành phố khi tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Huế.

Sở dĩ chúng tôi chọn danh xưng Huế để đặt tên cho thành phố trực thuộc Trung ương vì những lý do sau:

Từ Huế xuất hiện khá sớm, được Linh mục Alexandre de Rhodes (1591 - 1660) miêu tả lại khi ông trú ngụ tại công phủ Kim Long qua tác phẩm Hành trình và Truyền giáo: “Thành phố mà Chúa ngự trị gọi là Kehue (Kẻ Huế)”.

Với cách nhìn của Linh mục Alexandre de Rhodes và dưới con mắt của nhiều người nước ngoài đã có mặt ở đây từ cuối thế kỷ 17, cuộc đất Kim Long bấy giờ đã là thành phố (ville) sầm uất. Người phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, người Pháp đã phát âm một cách cực nhọc thuật ngữ Thuận Hóa thành Sinua, Senua, Sennua, Sigoa theo lối phát âm từ ghép chỉ địa danh xứ Thuận Hóa sang tiếng Latin để trở thành Huê. Từ đó Huê thành Huế.

Cũng có nhiều người cho rằng, theo quy luật biến đổi ngữ âm thì Hoa biến thành Huê, Hòa biến thành Huề, và từ Hóa biến thành Huế. Ngày nay trên các giấy tờ xưa, sớ điệp, văn tự, khế ước cũng đều ghi Thuận Hóa là thành phố thay vì chỉ ghi một từ Huế để người ta viết Hóa (化) rồi lại đọc Huế.

Thật khó cắt nghĩa khi đã mặc định một chữ Hóa để từ đó suy ra thành Huế. Còn với tôi lại nghĩ rằng, giải thích từ Huế theo cách này e không thuyết phục, không chính xác lắm, vì nguyên thủy của nó là tên của châu Thuận và châu Hóa, rồi ghép thành Thuận Hóa. Vậy thì, Thuận Hóa tại sao lại chỉ còn mỗi âm Huế, chữ Huế?! Tại sao phủ Thanh Hoa (sau là Thanh Hóa) có trước hay cùng thời với Thuận Hóa lại không biến đổi “Thanh Hóa thành ra Thanh Huế”. Thêm một danh xưng nữa là phủ Hưng Hóa phía bắc Thăng Long lại không biến thành “Hưng Huế” mà chỉ có mỗi từ Hóa trong Thuận Hóa biến thành Huế mà thôi...

Căn cứ thời điểm và vị trí mà linh mục Alexandre de Rhodes, gọi Kẻ Huế là tại công phủ Kim Long, nơi quanh vùng này có rất nhiều dấu tích di chỉ văn hóa Chămpa: chẳng hạn, Thành Lồi ở phường Thủy Xuân, mộ Chămpa ở phường Thủy Biều, điện Hòn Chén ở gần ngã ba Tuần, dấu tích tôn giáo Chămpa dưới chân chùa Thiên Mụ và ngay cả ở tại làng Kim Long đều có bóng dáng khá dày của văn hóa Chămpa. Cha ông ta xưa và nay thường nói: Chữ và nghĩa, chữ phải có nghĩa, nếu Hóa biến thành Huế như thế hóa ra chữ Huế lại vô nghĩa hay sao?

Từ nghiên cứu của chúng tôi, chữ Huế, nguyên thủy không mang nghĩa “vay mượn” của chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Tây, chữ Nhật, thậm chí cảnghĩa cổ của tiếng Mường, Dao, hay Tày, Nùng… cũng không, nhưng rõ ràng Huế là tiếng có âm điệu rất riêng và có sức sống mãnh liệt vượt thời gian để Huế chỉ là Huế mà thôi.

Một chuyên gia sử học quốc tế người Pháp gốc Chămpa - giáo sư Po Dharma trong một hội nghị khoa học tại Huế, nhân cuộc nhàn đàm hành lang cách đây hai mươi năm, ông đã giải thích cho sự thắc mắc của chúng tôi rằng từ Huế trong ngôn ngữ Chămpa cổ nghĩa là “mùi thơm, hương thơm”. Ông còn nói thêm: “Người Chămpa xưa có một “thành phố” nhỏ nằm về phía Bắc, cách kinh đô Trà Kiệu (ở Quảng Nam ngày nay) chừng 140 cây số. Ở đấy có tấm bia cổ ghi tên “thành phố” nhỏ này. Vì thế cuộc và chiến tranh giành đất đai, sau đấy ít lâu người Chăm cho dời tấm bia ấy về kinh đô Đồ Bàn (Bình Định ngày nay), rồi do thời gian và binh lửa nên tấm bia cũng bị đập vỡ, thông tin xa mờ dần. Mà nội dung văn bia nói đến “thành phố” nhỏ có tên Chămpa (phiên âm Latin là Huẽ) nghĩa là mùi thơm, hương thơm”. Ông nói rất chắc rằng cổ sử Chămpa đã viết như vậy.

Mới đây vào giữa năm 2016, một hội thảo quốc tế về Ẩm thực và dân gian được tổ chức tại Huế, một trí thức người Việt gốc Chămpa, Phó Giáo sư Chiêm Thành, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã giải thích trên tinh thần lịch sử tương tự như Giáo sư Po Dharma. Phó Giáo sư Chiêm Thành còn viết thêm cả chữ Huẽ bằng chữ Chămpa cổ để minh chứng cho điều này.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, ở Thừa Thiên Huế và miền Trung vẫn còn lưu giữ rất nhiều địa danh được phiên ra từ ngôn ngữ Chăm. Như nguyên nghĩa tên của thành phố Nha Trang ngày nay là một ví dụ, qua bài “Những tên làng sót lại giữa phố đông” của Phạm Đương thì “Theo cách giải thích của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ và dân tộc học, thì Nha Trang là cách gọi chệch của chữ EaTrang hay YaTrang. Ea hay Ya trong tiếng Chăm có nghĩa là dòng sông. Còn Trang trong tiếng Chăm có nghĩa là lau sậy. EaTrang hay YaTrang có nghĩa là dòng sông lau sậy. Từ tên chỉ con sông thành tên của một vùng đất và rồi được dùng cho cả vịnh biển xinh đẹp như bây giờ”4.

Còn với địa danh thành phố Huế, theo nghiên cứu của tôi, dấu vết của “thành phố” nằm cạnh con sông có mùi thơm mà chữ Huẽ chuyển tải thông điệp ấy chính là sông Hương, trải dài từ đầu nguồn vùng Hải Cát (nơi có điện Hòn Chén) hay xứ Kim Long, Nguyệt Biều, Thủy Xuân (có di tích Thành Lồi) mà sau này công phủ của chúa Nguyễn Phúc Lan đóng trấn đối diện để Linh mục Alexandre de Rhodes miêu tả thành phố gọi là Kehue tức Kẻ Huế. Hoặc dịch xuống vài cây số nữa ở ngã ba Sình trước cửa thành Hóa Châu, là trung tâm trấn trị của người Chămpa xưa về sau người Việt kế thừa, đặc biệt là giai đoạn nhà Trần...

Vậy thì, theo tôi, nghĩa của chữ Huế chính là mùi thơm, hương thơm - thành phố Huế nằm bên bờ con sông Hương thơ mộng, nước sông thơm thoang thoảng mùi thạch xương bồ. Người Việt vào Đàng Trong đã tiếp nhận và thích nghi những nét riêng có của ngữ điệu, mỹ thuật, ca vũ, âm nhạc, hội họa, điêu khắc và cả màu sắc “như màu Chàm” để biến thành và làm giàu thêm cho nền văn hóa Đại Việt. Và có thể, vì thế, chữ Huế trong nguyên nghĩa xuất phát từ ngôn ngữ Chăm.

Có thể khẳng định, Huế là danh xưng mặc định cho một vùng đất văn hóa được hình thành từ nhiều dòng văn hóa khác nhau như văn hóa Đại Việt, Chăm Pa, Chân Lạp; Phật giáo Bắc tông, Nam tông; văn hóa Pháp, văn hóa Trung Hoa giao thoa với dòng văn hóa bản địa được gọi chung là VĂN HÓA HUẾ.

Mặc dù vùng đất này đã từng là thủ phủ của xứ Thuận Hóa, đơn vị hành chính cấp dinh Quảng Đức, cấp phủ rồi cấp tỉnh Thừa Thiên - nơi đóng kinh sư của cả nước, trong văn hóa ẩm thực, thì gần như không có ai lại gọi các món ăn Quảng Đức hay Thừa Thiên hoặc Thuận Hóa thay cho cách gọi các món ăn Huế; cũng không ai gọi các món chè Huế là chè Thừa Thiên hay chè Thừa Thiên Huế, và gọi âm nhạc Thừa Thiên thay cho âm nhạc Huế mà chỉ cần một âm Huế thôi là đã xác lập được địa hạt của vùng đất này rồi. Ví như:

Về ẩm thực có cơm hến Huế, bún Huế, bún bò Huế, chè Huế, bánh Huế, các món ăn Huế, mứt Huế, bánh canh Huế, sen Huế, muối Huế, cơm chay Huế…

Về kiến trúc có nhà rường Huế, nhà vườn Huế, lăng tẩm Huế, chùa Huế, đô thị Huế, Kinh thành Huế, cung điện Huế, Đại Nội Huế…

Về văn học nghệ thuật có thơ Huế, tuồng Huế, ca Huế, hò Huế, nhã nhạc cung đình Huế, Mỹ thuật Huế, Bài chòi Huế…

Về ngôn ngữ và âm điệu có giọng Huế, tiếng Huế, ru con kiểu Huế,…

Về y phục có áo dài Huế, nón Huế, guốc Huế,…

Về thú chơi tao nhã có diều Huế, lân Huế, rồng Huế, đò Huế, cờ Huế,…

Về thời tiết khí hậu có lụt Huế, nắng Huế, mưa Huế…

Ngay cả một đơn vị sự nghiệp bảo tồn di tích nổi tiếng của cả nước, cách đây trên 30 năm cũng được đặt tên là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lại có cả đơn vị Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; về đại học có Đại học Huế, về báo chí có Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành ấn phẩm mang tên Nhà báo Huế xuất bản từ năm 1995…

Cách đây hơn 60 năm trước, vào ngày 8 tháng 10 năm 1960, tại Hà Nội, theo nguyện vọng của nhân dân Thủ đô và những người miền Nam tập kết sống trên miền Bắc, đại diện của “Ba thành phố lớn nhất của Việt Nam: Hà Nội - Huế - Sài Gòn” đã chính thức làm lễ kết nghĩa anh em, trở thành cây một gốc, con một nhà. Ngày nay, đất nước có nhiều thay đổi, vị thế của Huế cũng có nhiều đổi thay. Nhưng dù vật có đổi sao có dời, lòng người dân Huế vẫn thủy chung son sắt, nặng nghĩa nặng tình với quá khứ, với lịch sử văn hóa, Huế vẫn là một trong ba trung tâm lớn của miền Trung và cả nước, trước hết là về văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu,… Huế mang trong mình những giá trị đặc trưng của di sản hiếm có của văn hóa dân tộc trước khi trở thành di sản văn hóa thế giới.

Vì các yếu tố lịch sử và chiều sâu của ngữ nghĩa đã định hình cho vùng đất, với tôi, ở thời quá khứ cũng như hiện tại (có lẽ cả trong tương lai) cũng khó có cái tên hành chính nào hay hơn, phù hợp hơn cái danh xưng chỉ một chữ Huế được chọn để đặt tên cho một thành phố đặc biệt nổi tiếng về di sản văn hóa dân tộc và thế giới khi tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Huế.

D.P.T
(TCSH53SDB/06-2024)

------------------------
1, 2, 3 Kế hoạch số 40/KH–UBND ngày 26/01/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, về việc Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
4 Phạm Đương, Những tên làng sót lại giữa phố đông, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 28 ra 15/7/2023, tr.11.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng