PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Sau hành trình dài phấn đấu, cuối cùng Thừa Thiên Huế đã cán đích khi chính thức mang tên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương!
Mừng vui trước bước ngoặt lịch sử này, tôi xin chia sẻ những cảm nhận của riêng mình trong tiến trình phấn đấu của quê nhà. Nhớ cái tết đầu tiên của cả dân tộc, sau gần ba chục năm chinh chiến, tại Tòa nhà đại biểu cũ số 5 Lê Lợi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi thăm Huế ông đã nói chuyện với lãnh đạo địa phương. Thủ tướng hào hứng khi nói “May ra cả nước còn có Huế để đối ngoại văn hóa” và ông dặn dò Huế phải giữ gìn “Văn hóa đẹp, thiên nhiên đẹp và con người đẹp”.
Dịp tết của năm tiếp theo cũng tại địa điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói chuyện với Chủ tịch Hội Phụ nữ Bình Trị Thiên. Đại tướng dặn bà Phan Thị Thanh Nhàn: “Các chị vận động chi cũng được nhưng nhớ là đừng vận động chị em phụ nữ Huế bỏ mặc áo dài”!
Tôi trích dẫn lời dặn dò của hai vị lãnh đạo quá cố để biết rằng, ngay sau khi khói súng vừa tan, cuộc sống đang đối diện với nhiều xáo trộn và khó khăn nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, các giá trị nổi bật của Huế đã được nhìn nhận. Nhưng để giữ gìn và phát huy giá trị của nó là cả hành trình phấn đấu, có vấp ngã và chịu không ít áp lực. Và, sau gần nửa thế kỷ chung tay bồi đắp cuối cùng “Giấc mơ Huế” đã thành hiện thực.
Ghi nhận thành tựu này, trong Tờ trình về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Chính phủ đã khẳng định, Thừa Thiên Huế là nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; nơi đây từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và cũng là nơi đóng đô của triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802 - 1945).
Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt; là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam có bề dày lịch sử văn hóa, phản ánh quá trình phát triển của đất nước. Các di sản về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc đặc trưng của Huế mang tầm vóc lớn, đại diện cho một giai đoạn phát triển của dân tộc, có tính đặc trưng riêng so với các địa phương khác của cả nước cũng như các quốc gia khác. Đây là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 6 di sản riêng: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế; và 02 di sản chung với các địa phương khác: Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ); là địa phương đầu tiên của Việt Nam có di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế có uy tín, như: mạng lưới các đô thị châu Á, tổ chức các thành phố di sản thế giới, liên minh các thành phố lịch sử,… Đô thị Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, cùng với nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực cung đình, dân gian, truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị. Nhờ vậy, Huế còn được biết đến với các danh hiệu đã được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa Asean”, “Thành phố bền vững môi trường Asean”, “Thành phố du lịch sạch Asean”, “Thành phố Xanh quốc gia”.
Là nhà báo gắn bó với vùng đất Cố đô kể từ khi Huế giải phóng, trong rất nhiều thành tựu, theo tôi thành tựu an sinh xã hội của Thừa Thiên Huế rất đáng trân trọng. Thành tựu này tiếp diễn nhiều năm, vắt qua nhiều thế hệ, đến bây giờ nhìn lại nhiều người vẫn xem đó là chuyện không tưởng và chỉ là giấc mơ. Tôi muốn đề cập về những cuộc di dân liên quan đến cuộc sống của hàng vạn người.
Có lẽ do đặc điểm địa lý nên Thừa Thiên Huế là nơi duy nhất của cả nước cùng tồn tại: vạn đò và vạn chài, và cũng do đặc điểm lịch sử (sau khi Huế đánh mất vị trí kinh đô) mới tồn tại cư dân sống trên Thượng thành. Nếu tính tổng số nhân khẩu cần được tái định cư là lớn hơn hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cộng lại. Vậy mà bằng nhiều cách Thừa Thiên Huế đã biến giấc mơ của lớp người thua thiệt đó thành hiện thực.
Cuộc chiến kéo dài gần ba mươi năm (tính từ 1947 - 1975) đã đẩy đưa hàng vạn gia đình rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn tìm về Huế lánh nạn. Dân số thị xã Huế thời tôi đi học lúc đó chỉ vỏn vẹn chừng 20 vạn nhưng oái oăm thay lại có tới gần 2 vạn người sống trên 11 vạn đò mang tên: Lanh Canh, Ngư Hộ, Trọng Đức, Tân Lập, Phú Tiền, Nam Hòa, An Hội, Trường Độ, Lợi Nông, Phú Cam và Tân Bửu. Những vạn đò này phần lớn tập trung ở đôi bờ sông Đông Ba, An Cựu và sông Hương. Ngoài đánh bắt cá, khai thác cát sạn, đi củi, đạp xích lô, kéo xe tải, gánh hàng thuê, có những vạn đò vì mưu sinh đã biến những chiếc đò ở của mình thành “nhà thổ”; có lẽ nhiều quá nên có người gọi vui là “Hạm đội 7 của Huế”! Nét thi vị của những con đò thời tiền chiến dần nhạt nhòa và tan biến; còn chăng là nỗi đau của từng kiếp người đang sống kiếp nổi trôi và được đạo diễn Lê Mạnh Thích ghi lại trong bộ phim tài liệu mang tên “Chìm nổi sông Hương”.
Vạn đò trên sông Đông Ba |
Để giải tỏa áp lực, sau ngày giải phóng, chính quyền thành phố Huế đã vận động một số hộ sinh sống ở các vạn đò quay trở về quê cũ hoặc đến các vùng kinh tế mới làm ăn. Tôi đã từng theo Bí thư Thành ủy Huế Hoàng Lanh ngược sông Hương lên vùng Lương Miêu, Bình Điền khảo sát và cũng đã từng theo ông dự lễ xuất quân ở sân điện Thái Hòa và tiễn hàng trăm thanh niên tình nguyện đến tận đỉnh đèo Hải Vân để họ vào Buôn Hồ - Đắk Lắk khai hoang để đón những hộ “đông con”, trong đó có cư dân vạn đò đến sinh sống ở “vùng kinh tế mới”. Đó là những đợt di cư đầu tiên mà tôi chứng kiến và mừng vui khi biết sau hàng chục năm gây dựng cơ đồ hiện nay phần lớn cư dân này có cuộc sống khấm khá và con số trở thành tỷ phú ngày mỗi nhiều hơn. Những năm sau đó, từ nguồn ngân sách ít ỏi được phân bổ theo kế hoạch hàng năm, chính quyền thành phố Huế lần lượt cho thiết lập các khu tái định cư ở Trường Bia, Trường An, Phú Hậu, Hương Sơ để đưa cư dân vạn đò lên bờ sinh sống. Cái khó của giai đoạn này là hạ tầng thiết yếu không được đầu tư thỏa đáng, trong khi nơi ở mới lại xa môi trường làm ăn nên họ thật sự không “mặn mà”, một số hộ bán đất quay trở lại sông nước tìm kế sinh nhai. Nhìn tổng quan đến trước năm 2000, việc “tái định cư tại chỗ” cho dân vạn đò thất bại.
Không thể làm theo cách cũ “chủ yếu dựa vào ngân sách phân bố hàng năm”, khi quyết định giải tỏa “Bến Me” và vạn đò Kim Long, chính quyền thành phố Huế đã tìm cách làm khác. Trước khi giải tỏa, chính quyền đã cử cán bộ về với dân. Họ vừa vận động vừa tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Khi biết nơi ở mới của mình thuận tiện cho kế sinh nhai (gần sông Kẻ Vạn) bà con đồng tình ủng hộ. Trên diện tích đất rộng gần 10ha mang tên mới: Khu tái định cư Kim Long, sau khi san lấp, theo quy hoạch, thành phố Huế tiến hành xây dựng đường sá, kéo điện và đưa nước sinh hoạt về các cụm sẽ bố trí dân cư; đồng thời vận động Hội Bretagne - Việt Nam tại Pháp hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm y tế, nhà trẻ và trường tiểu học, góp phần tạo nên sự khác biệt và trở thành điểm nhấn trong quá trình chỉnh trang đô thị Huế. 335 ngôi nhà (trong đó, có 50 hộ nghèo được Hội Bretagne - Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng) lần lượt được xây dựng, giúp người dân có nơi ở ổn định. Dù đã rất cố gắng nhưng đến năm 2008, điểm lại cả thành phố Huế còn hơn 8.000 người sinh sống trên gần 1.100 con đò, chủ yếu là trên sông Đông Ba và ở ngã ba sông Hương, phía Vỹ Dạ. Kiếp sống nổi trôi chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt?
Do đặc thù sinh sống của các vạn đò ở Huế, Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho thành phố Huế lập dự án riêng. Để đưa hết số cư dân vạn đò lên bờ như chủ trương của Tỉnh ủy, khi triển khai, Thành ủy Huế chỉ tính đến việc xây dựng các khu chung cư, vì lúc này quỹ đất của thành phố trên thực tế không còn nhiều. Nhưng cản trở lớn nhất trong việc xây chung cư là nguồn lực vì thời điểm ấy thu ngân sách trên địa bàn thành phố còn quá ít ỏi, chỉ xấp xỉ ở con số 300 tỷ đồng nên không đủ để thực hiện. Khi họp bàn phương án triển khai, Thành ủy Huế mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các ngành về dự. Do không có đất để bố trí cho các hộ xây nhà nên Thành ủy Huế chủ trương xây chung cư, mà đã xây các khu chung cư kinh phí đòi hỏi rất lớn; vì không có nguồn nên một số bàn ra, đến mức Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Kim Dũng bức xúc nói thẳng, nếu không có tiền chúng tôi sẵn sàng bán cả trụ sở Thành ủy để lo cho dân! Quyết tâm của Thành ủy Huế nhận được sự đồng tình của Tỉnh ủy và sự ủng hộ của Trung ương. Theo đề xuất của địa phương, Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng một phần vốn từ nguồn thu ngân sách vượt chỉ tiêu và vay của nguồn ODA của Luxembourg để đầu tư xây dựng.
Ba khu chung cư ở Hương Sơ, Phú Hậu dành để tái định cư cho các vạn đò chủ yếu sống trên con sông đào Đông Ba lần lượt mọc lên. Riêng vạn đò ở ngã ba sông Hương, do cư dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề khai thác cát sạn, chuyên chở khách du lịch; để giúp bà con tiện bề làm ăn, thành phố đã liên hệ với huyện Phú Vang chọn địa điểm gần bờ sông ở xã Phú Mậu để xây dựng. Khu tái định cư này mang tên Lại Tân. Nhờ đồng lòng, chung sức, cuối cùng thành phố Huế đã đưa được toàn bộ cư dân sống ở các vạn đò trên sông Hương lên bờ định cư.
Tồn tại từ thời Nguyễn với tên gọi Tổng Võng Nhi, sau gần hai thế kỷ “chìm nổi”, đến năm 2010 các vạn đò trên sông ở Huế đã được đưa lên bờ tái định cư. Thân phận họ đã được thay đổi và hội nhập với cuộc sống mới. Ông Nguyễn Kèn, Trưởng thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, thành phố Huế hồ hởi khi xác quyết rằng: “Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi được Đảng quan tâm cho về tái định cư ở đây. Nhờ ở gần sông lại có âu thuyền nên việc làm ăn của bà con không hề gặp trở ngại. Mừng nhất là khi lên bờ con cháu chúng tôi có nơi học hành tử tế! Nhiều cháu nay đã vào đại học!”.
*
Sau ngày giải phóng, tôi thường được tháp tùng các vị lãnh đạo địa phương mỗi khi họ “công cán” về “vùng sâu, vùng xa”, như Nam Đông, A Lưới. Thuở đó, Tỉnh lộ 12 chưa được khai thông nên phải vòng ra Quảng Trị lên đường 9, đến cầu treo Đakrông mới rẽ vào. Nam Đông gần hơn nhưng để vượt qua đèo La Hy phần lớn lái xe phải dừng lại. Họ đến bên những chiếc miếu, thành kính dâng hương, khấn vái nguyện cầu. Ngày nay, Tỉnh lộ 14 qua đèo La Hy lên Nam Đông ít khi sử dụng, từ Huế chỉ trong vòng nửa tiếng là xe hơi đến Khe Tre. Còn Tỉnh lộ 12 từ Huế đi A Lưới nay đã biến thành quốc lộ 49; chỉ mất hơn một giờ là xe hơi có thể đến Bốt Đỏ, tạo cơ hội cho miền núi hội nhập, phát triển.
Phá Tam Giang đầm Cầu Hai đích thị vừa là vùng sâu vừa là vùng xa, mặc dù khoảng cách từ Huế đến nơi xa nhất chưa đầy năm chục cây số! Thuở đó, từ Thuận An về Vinh Hiền là ốc đảo. Còn từ Hải Dương ra Ngũ Điền, nhờ xã cuối cùng Điền Hương nối với quốc lộ 1 bằng tuyến đường nam sông Ô Lâu nên xe hơi đến được. Do đặc điểm địa lý này mà chính quyền Sài Gòn cho lập quận Vinh Lộc ở phía nam và quận Hương Điền ở phía bắc để tiện quản lý. Chỉ hình dung thôi đủ thấy nỗi khổ của cảnh “qua sông lụy đò”. Chính vì vậy mà sau khi có cầu Tư Hiền, cụ Ngô Quang Toại đã cảm khái:
Xưa kia, cách trở đôi bờ
Ngóng trông bên nớ, đợi chờ bên ni
Thương nhau... những muốn qua về
Đò ngang chẳng có, trăm bề khó khăn
Cũng vì phá cách, sông ngăn
Khiến bao đôi lứa lỡ làng nợ duyên
Ngày nay cầu cảng Tư - Hiền
Uy nghi, đồ sộ nối liền Bắc - Nam
Chao ôi! cầu rộng thênh thang
Dài mười bảy nhịp vắt ngang giữa trời
Trăm phần sự thật đây rồi!
Mà sao cứ tưởng đang hồi ta mơ...
Sự thật ấy xuất hiện cách đây chưa xa - cuối năm 2007; tiếp đó vào cuối năm 2010 có thêm cây cầu mới Tam Giang. Với 5 cây cầu băng đầm, vượt phá: Hòa Xuân, Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền đã được xây dựng; cộng với cây cầu vượt cửa biển Thuận An (dài 2,36 km) dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2025, có thể khẳng định khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Huế đã có mạng lưới giao thông: dọc - ngang thông suốt, tạo cơ hội để khai thác tiềm năng, lợi thế ở vùng đất trước đây bị xếp vào diện heo hút “vùng sâu vùng xa”.
Nhờ quá trình thâm nhập thực tế nên mỗi khi qua cầu Tam Giang, trong thâm tâm tôi luôn nhớ đến cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng. Chính ở bến đò Ca Cút năm xưa ông đã kể cho tôi về ước ao của mình, đó là xây cho bằng được một chiếc cầu ở đây vì “cách trở đò giang nó cơ cực lắm con nờ”! Cũng nhờ được tháp tùng với ông tôi mới thấm thía hai từ “thua thiệt” mỗi khi ông đề cập đến đời sống của cư dân vạn chài. ”- Không nói đâu xa chỉ cần so với đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu họ còn thua kém nhiều mà nguyên nhân sâu xa vì không có được miếng đất để cắm dùi”!
Thua thiệt như thế nào, xin hãy nghe lời kể của cụ Phạm Tạ (ở thôn 14 xã Quảng Công - Quảng Điền):
- Trước đây, khi còn ở dưới đò dân chúng tôi thường bị người sống trên bờ xếp vào lớp người sống vô gia cư, chết vô địa táng, tức là sống không có nhà cho đến khi chết cũng không có đất mà chôn. Chuyện sống cực khổ thế nào ít nhiều con cháu tôi cũng đã biết nhưng còn chuyện chết vô địa táng, nếu không nói lại thì chúng khó mà biết được, nó cơ khổ và tủi nhục trăm bề. Thử hỏi, trên đời này, có nhà nào khi ông bà, cha mẹ chết mà con cháu không dám mua hòm (quan tài) và có con cháu nào khi chôn cất người thân mà không dám khóc? Dân đò nôốc (thuyền) chúng tôi không dám mua hòm, không dám khóc vì mấy lẽ. Thứ nhất là vì nghèo không có tiền nên chỉ dùng chiếu hoặc vạt tre bó lại. Thứ hai là cũng tại vì nghèo nên không có tiền mua đất để chôn. Vì vậy phải chờ lúc chạng vạng (gần tối) chúng tôi mới chèo thuyền tìm những cồn cát hoặc đất hoang, thường là giáp ranh của các làng rồi lén lút lấp vội, mặc dù rất đau xót nhưng gia quyến không dám khóc vì sợ người trên bờ phát hiện việc mình chôn lén chôn lút. Do rơi vào cảnh cùng cực như vậy nên lớp dân vạn chài chúng tôi phần lớn không nhớ mồ mả tổ tiên mình chôn ở đâu. Chúng tôi chỉ có ngày kỵ (giỗ) chớ không có ngày chạp!
Thấy được gốc rễ của vấn đề nhưng thời ông tại vị, do lực bất tòng tâm nên sau trận bão 1985, để giúp những người mất thuyền có nơi ở mới (như cụ Phạm Tạ mà tôi vừa trích dẫn lời ở trên), Tỉnh ủy Bình Trị Thiên thời đó chỉ mới xây được 31 khu tái định cư rồi dừng. Những năm sau đó, dựa vào nguồn phân bổ ngân sách ít ỏi của Trung ương nên mỗi năm các huyện tổ chức “xen ghép” một ít, thực chất là “đem con bỏ chợ”. Không điện, không nước, xa ngư trường đánh bắt, trong khi con cái họ do không có giấy khai sinh nên không biết học hành ở đâu… Năm 1995, tôi đã về Phú Diên - Phú Vang khi biết tin ở đây vừa xảy ra “vụ bạo loạn” mà nguyên nhân sâu xa là trước khi lên bờ, do không được trang bị những “kiến thức văn minh” tối thiểu nên phóng uế bừa bãi. Dân làng Kế Sung bức xúc nên đập phá. Xóm tái định cư tanh bành; dĩ nhiên người vi phạm phải vào tù! Mầm họa của an ninh nông thôn đã được kịp thời dập tắt.
Sống tách biệt lại không cố định nên không ai biết đích xác trên hệ thống đầm phá rộng lớn này có bao nhiêu vạn chài và bao nhiêu người. Thời bao cấp người trên bờ có tem phiếu nhưng họ thì không. Họ hoàn toàn xa lạ với trường học, trạm xá. Theo thống kê, trận bão năm 1985 có đến hơn 700 người chết; còn trận lũ 1999 có gần 360 người chết và mất tích nhưng không địa phương nào trả lời chính xác là trong số đó có bao nhiêu cư dân vạn chài bị thiệt mạng. Trận lũ lịch sử 1999 như nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Ngô Yên Thi đã “kéo tụt nền kinh tế - xã hội của tỉnh mất nhiều năm, đồng thời làm đảo lộn hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến” nên những năm sau đó vấn đề tái định cư cho cư dân thủy diện bị bỏ ngỏ do phải dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai. Mãi đến năm 2007, trước khi ban hành Nghị quyết về kinh tế biển, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiến hành khảo sát hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trải dài trên gần 70 cây số từ Phú Lộc ra Phong Điền, hầu như địa phương nào cũng còn hàng chục vạn chài với hàng nghìn người sống lênh đênh trên các con thuyền.
Bà Nguyễn Thị Liên (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) than vãn:
- Bầy tui sống trên đò, trên nôốc nhiều đời rồi nên khổ lắm. Bão lụt thì sợ chết chìm, mùa đông thiếu ăn, mùa hè thì thiếu nước uống. Con cái chúng tôi lớn lên không được đi học, ốm đau thì không có thuốc men.
Bà Liên nêu nguyện vọng:
- Chúng tôi chỉ cầu mong Đảng, Nhà nước cho chúng tôi miếng đất để cắm dùi. Chỉ được như thế đã là hạnh phúc ba đời rồi!
Đề cập về chủ trương mới của Đảng bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn cho biết:
- Qua kiểm tra, chúng tôi xác định, nếu làm theo cách cũ, năm này một ít năm kia một ít thì không biết lúc nào mới xong, vì số này lên số còn lại sinh đẻ nên dân số tiếp tục phát triển; do vậy mà khi họp bàn chúng tôi thống nhất phải đặt người dân vào vị trí trung tâm phát triển, nghĩa là ngoài điện, nước phục vụ sinh hoạt phải tính đến chuyện đi lại, học hành, chữa bệnh cho người dân. Muốn dân an cư phải chọn nơi ở phù hợp tiện bề làm ăn, do vậy nơi tái định cư phải gần bờ; còn nơi xa phải có âu thuyền cho phương tiện đánh bắt vào ra và trú tránh bão. Cuối cùng chúng tôi thống nhất chủ trương: Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn lại huy động nguồn lực xã hội với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 phải đưa toàn bộ cư dân thủy diện lên bờ định cư.
Chủ trương xã hội hóa được giao cho Mặt trận đảm nhiệm. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thừa Thiên Huế Trần Phùng cho biết công việc cụ thể:
- Tỉnh ủy phân công các địa phương, các ngành, các tổ chức trong hệ chính trị phối hợp triển khai. Ở những nơi có điều kiện xen ghép chúng tôi vận động bà con nhường bớt đất đai, hỗ trợ ngày công; ở những nơi không có điều kiện xen ghép chúng tôi tìm hiểu nguyện vọng để cùng bà con chọn vị trí phù hợp nhất. Ngoài giao đất không thu tiền sử dụng đất, bà con còn được hỗ trợ kinh phí xây nhà nên bà con vô cùng phấn khởi.
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai những tháng ngày đó thật rộn rã. Trên bờ, các cấp ủy phối hợp với Mặt trận tổ chức họp dân nhằm quán triệt chủ trương của Đảng và tạo sự đồng thuận; trong khi chính quyền, sau khi tham khảo ý kiến của các địa phương và người thụ hưởng đã chọn những vị trí thuận lợi nhất “trên bến dưới thuyền” để xây dựng các khu tái định cư. Nơi thấp thì bồi đắp, nơi cao san gạt. Còn nơi xa thì mở thêm âu thuyền. Chỉ cần “chộ” cho được miếng đất của mình cư dân thủy diện đã mãn nguyện. Tôi nhớ hôm về xã Phú Hải - Phú Vang chứng kiến cảnh bà con đến trụ sở nhận tiền hỗ trợ của Mặt trận và Nhà nước. Tôi xót xa khi biết họ không ký được tên mình sau khi nhận 14,5 triệu đồng. Đó là bản danh sách lăn toàn dấu vân tay đầu tiên tôi thấy: Một dấu vân tay ấn xuống như là cột mốc đánh dấu cho ngày họ trở thành công dân mới, được hưởng đầy đủ các phúc lợi công cộng do chế độ mang lại.
Hiền Hòa II là một trong những khu tái định cư hoàn thành sau cùng của huyện Phú Lộc. Đây là nơi ở mới của 98 hộ dân vạn đò sống trên đầm Cầu Hai. Gần chợ, sát đầm, có đường kết nối nên sinh sống và làm ăn đều thuận. Trò chuyện với tôi, chị Lê Thị Lan không giấu được sự vui mừng:
- Để có cơ ngơi như thế này, ngoài 14,5 triệu được Mặt trận và chính quyền hỗ trợ, gia đình tôi đã bỏ ra gần 600 triệu để xây dựng trên 120m2 đất được Nhà nước cấp. Chị Lan còn hào hứng khoe, các con chị, cháu đầu đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai cháu còn lại đều đang đi học.
- Hiện gia đình chị sinh sống như thế nào?
- Ngoài khai thác nguồn lợi từ 150m sáo, chồng tôi còn làm thêm nghề lưới bạc. Ăn tiêu xong, một tháng dư độ 5 triệu đồng.
Dân mình sống trọng ân, trọng nghĩa. Mỗi khi trông thấy Bí thư Tỉnh ủy họ ùa tới và reo lên “ôn Mãn về, bây ơi!” rồi tranh nhau dẫn ông vào nhà và khoe đủ thứ “Nhà con mới sắm được chiếc ti vi”, “Thằng lớn ni chừ biết đọc biết viết rồi!”. Với người trên phố, đó là điều bình thường nhưng với lớp người chịu nhiều “thua thiệt” thì những tiếng “khoe” ấy là biểu hiện của niềm hạnh phúc mới - một hạnh phúc đích thực của hơn 2.700 hộ vạn chài cuối cùng thực sự biết ơn Đảng đã tận tâm nâng đỡ, tạo cơ hội giúp họ giã từ kiếp sống lênh đênh!
*
Đầm Cầu Hai sau khi được sắp xếp lại nò sáo |
Cùng với việc ổn định đời sống cho cư dân mới lên bờ ở 60 khu tái định cư, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ trương sắp xếp lại nò sáo. Để đề ra quyết sách phù hợp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn khảo sát đầm Cầu Hai. Trước đây trên đầm nước mênh mông này, sáo được kết bằng tre nhưng sau trận bão 1985, số sáo này bị cuốn trôi khá nhiều. Do một trộ sáo tre có giá vài lượng vàng nên lượng nò sáo không nhiều nhưng kể từ khi lưới nilon xuất hiện, do rẻ, dễ sắm đã biến nơi đây thành “thiên la địa võng” dẫn đến hệ quả giao thông đường thủy bị cản trở và gây ô nhiễm môi trường vì nước nhiều nơi không lưu thông được; trong khi đó do tranh giành mặt nước nên đã xảy ra tình trạng phá hoại tài sản của nhau.
Tháp tùng cùng đoàn, tôi đã nghe điều trăn trở của ông Hồ Xuân Mãn sau chuyến đi Champasak. Ông kể, khi thấy trên sông Mê Kông vắng thuyền đánh bắt cá như mọi khi ông đã hỏi và được Bí thư, Tỉnh trưởng Sonexay Siphandone (nay là Thủ tướng Lào) giải đáp, theo truyền thống ngư dân Lào “treo thuyền” không đánh bắt vào mùa cá sinh sản. Trở lại đầm Cầu Hai trong thâm tâm ông muốn áp dụng mô hình này nhưng vướng. Ông tự hỏi nếu mình cấm khai thác vào mùa sinh sản thì hàng vạn cư dân lấy gì mà sinh nhai. Bất ngờ ông Hồ Xuân Mãn vỗ vào vai tôi và nói to: “Có cách rồi, có cách rồi! Phải sắp xếp lại nò sáo và bàn giao mặt nước cho dân tự quản lý!”
Chủ trương sắp xếp lại nò sáo của Tỉnh ủy phù hợp với mục tiêu mà Imola - dự án quỹ ủy thác cho FAO do Chính phủ Ý và Việt Nam đồng tài trợ được triển khai ở Thừa Thiên Huế. Dựa vào việc phân định và chia vùng mặt nước, Imola đã giúp định vị sắp xếp lại nò sáo và tiếp đó là cắm mốc phân vùng, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản. Đó là dấu mốc để đầm phá Tam Giang - Cầu Hai khai thác bền vững!
*
Nếu công cuộc tái định cư cho dân thủy diện diễn ra khá lặng lẽ thì cuộc di dân ở Kinh thành Huế được công luận đặc biệt quan tâm vì xét về quy mô đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước cho đến nay, khi có đến hơn 5.000 hộ buộc phải trả lại mặt bằng cho Di tích Kinh thành Huế. Trên thực tế, trước khi diễn ra cuộc di dân ồ ạt này, thành phố Huế đã làm hết sức mình nhưng do vướng mắc về chính sách và khung giá đền bù nên trong vòng 20 năm chỉ giải tỏa được 170 hộ, chủ yếu ở phía nam Kinh thành Huế. Nhận thấy đây là “điểm nghẽn” cần phải được tập trung tháo gỡ nên năm 2018, Đảng bộ và chính quyền Thừa Thiên Huế chính thức kiến nghị Trung ương xin được áp dụng cơ chế đặc thù. Và đề xuất “thấu tình đạt lý” đó nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của Trung ương khi Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép Thừa Thiên Huế triển khai “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhận trách nhiệm được phân công; tôi đã thấy ông “chạy đôn chạy đáo” từ việc ra Trung ương thuyết phục để xin cơ chế đến việc họp dân, khảo sát mặt bằng khu tái định cư và trước khi di dời đã mời dân đến tận nơi “ngó” cho biết. Ông cam kết với 32 hộ nghèo hôm đó: “Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến nơi ở mới hiện đại, tiện nghi và xanh, sạch, sáng hơn nơi ở cũ”.
Ông Phan Ngọc Thọ tin vào sự thành công cuộc di dân này là có cơ sở:
- Với khung chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã giúp Thừa Thiên Huế tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác đền bù giải tỏa kéo dài hàng chục năm qua. Cụ thể, trước đây chỉ những hộ dân trú ngụ trước năm 1975 mới được đền bù thì nay, với cơ chế đặc thù, toàn bộ các gia đình trong khu vực này đều được đền bù, bố trí tái định cư theo mức hợp lý. Đối với hộ nghèo còn được giảm 30% tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư.
Ý Đảng hợp lòng dân.
Cụ Lê Văn Giây bộc bạch:
- Vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới sống ở trên Thượng thành. Sống ở đây khổ lắm. Nhà thấp, mùa hè thì nóng hầm hập, còn mùa đông thì lạnh lẽo. Nhà tôi đông người, vì nghèo nên không có tiền cho con mua nhà ở riêng nên chen chúc nhau sống. Muốn cơi nới hay xây mới nhưng Nhà nước không cho phép nên cắn răng chịu đựng. Nay được Nhà nước tạo điều kiện, gia đình chúng tôi rất vui.“Vòng kim cô” tưởng như mãi thít chặt nay được tháo gỡ.
Hồ Ty là người quen, khi tôi đến thăm anh đang hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng của mình. Anh cho biết cụ thể:
- Vợ chồng tôi trước đây sống chung với cha mẹ ở Thượng thành, vì là hộ phụ nên được Nhà nước quan tâm hỗ trợ và giao lô đất 60m2 để làm nhà. Nếu không có Đảng quan tâm giải quyết hợp tình hợp lý nói thiệt không biết khi mô vợ chồng tôi mới có điều kiện để ra ở riêng, do vậy từ đáy lòng gia đình chúng tôi rất biết ơn Đảng, chỉ có Đảng mới tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi được đổi đời như hôm nay.
Gia đình anh Hồ Ty là một trong số gần 2.700 hộ phụ phát sinh sau gần 20 năm các hộ chính bị buộc phải giữ nguyên hiện trạng. Mặc dù Nhà nước đã giải quyết khá thỏa đáng nhưng khi triển khai lại phát sinh một số vấn đề mà khi xây dựng đề án chưa lường hết được.
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật nêu cụ thể:
- Đối với các trường hợp người tạo lập nhà đất đã chết, theo nguyện vọng và phù hợp phong tục tập quán của người dân xứ Huế, con cháu xin bố trí đất để làm nơi sinh hoạt chung giải quyết như thế nào?
- Các hộ phụ có điều kiện tách hộ phát sinh sau khi Luật Cư trú có hiệu lực có được bố trí tái định cư hay không?
Sau khi phản ánh, đề xuất, chúng tôi nhận được sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ. Nhờ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nên công tác bồi thường, hỗ trợ về đất cũng như tài sản, công trình kiến trúc trên đất đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Theo đề án được phê duyệt từ năm 2019 - 2025, dự án sẽ tiến hành đền bù, giải tỏa cho hơn 5.000 hộ nhưng đến cuối năm 2023 thành phố Huế đã hoàn thành công tác đền bù vượt thời hạn quy định 2 năm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thành quả này, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho biết:
- Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động, dân vận để người dân chấp hành chính sách và bàn giao mặt bằng. Chỉ đạo, thực hiện vận động theo nhóm đối tượng, theo từng phường, từng khu vực để các hộ dân chấp hành bàn giao mặt bằng. Sự công khai minh bạch, dân chủ đảm bảo quyền lợi cho người dân trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sự đồng thuận của các hộ dân trong công tác giải phóng mặt bằng với khung chính sách được đa số các người dân trong đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng đồng tình, thống nhất. Cũng như sự đồng lòng của các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực phường Hương Sơ và phường An Hòa đã chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất, phối hợp không xuống lúa, kéo dài mùa vụ, gây chậm tiến độ thi công để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước đầu tư khu tái định cư, đảm bảo tiến độ và đảm bảo quỹ đất trước khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức di dân. Sự sâu sát của lãnh đạo tỉnh và thành phố, thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nắm bắt tiến độ, vướng mắc khó khăn; tổ chức buổi gặp mặt để lắng nghe các hộ có vướng mắc, đơn thư, kiến nghị để kịp thời xử lý, không để tình trạng khiếu kiện, khiếu nại tập thể; trực tiếp đi thực địa đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thấu tình, đạt lý; trực tiếp đối thoại và về tận cơ sở để xem xét đảm bảo quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật.
Nhằm tạo điều kiện cho khoảng hơn 2 vạn người dân có cuộc sống tốt hơn, Thừa Thiên Huế đã chọn vùng đất ở phía bắc phường Hương Sơ - nơi chỉ cách Kinh thành Huế chưa đầy 5 cây số làm nơi tái định cư. Trên 83 ha đất ở hai phường Hương Sơ và An Hòa những đồng ruộng ngày nào nay đã được bồi đắp, xây dựng, hình thành 10 khu vực đủ để tái định cư cho các hộ di dời. Đây được xem là khu dân cư kiểu mẫu của Huế nhờ toàn bộ hạ tầng kỹ thuật được ngầm hóa, dịch vụ bố trí phù hợp và có không gian thiết yếu dành cho dân sinh. Hoàn thiện hạ tầng đến đâu bàn giao đến đó.
Trong khi nhiều hộ háo hức dựng xây tổ ấm của mình thì vẫn còn không ít hộ, nhất là những hộ vì quá nghèo không đủ điều kiện tự mình xây nhà nên đề đạt nguyện vọng được Đảng và Nhà nước giúp đỡ. Chia sẻ nỗi âu lo này, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đã viết thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, thiết thực giúp người nghèo có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống. Thấy chủ trương hợp lòng dân nên cuộc vận động thu được kết quả tốt đẹp. Bằng hình thức “chìa khóa trao tay”, sau khi hoàn thành, Nhà nước đã lần lượt tổ chức bàn giao nhà ở cho 39 hộ nghèo. Đón nhận ân tình của Đảng, nhiều người không tin đây là sự thật.
Ông Lê Viết Thiện xúc động:
- Nếu không được Đảng, Nhà nước tận tâm giúp xây cho ngôi nhà thì chắc chúng tôi không thể có được căn nhà khang trang, kiên cố như thế này. Chúng tôi nguyện đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, chung sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần xây dựng Khu định cư Hương Sơ ngày càng phát triển.
Cũng nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân nên sau khi nắm bắt nguyện vọng của những đôi vợ chồng trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã vận động Công ty Đại Phú Lộc đầu tư xây dựng Trường mầm non Hoàng Mai. Nhờ đầu tư khá đồng bộ, lại ở trung tâm khu tái định cư nên sau khi đưa vào hoạt động, công trình phúc lợi công cộng này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập cho các cháu, giúp phụ huynh yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Chị Hoàng Thị Hồng chia vui:
- Từ khi được chuyển về ở tại Khu dân cư bắc Hương Sơ, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn trước. Tôi mừng nhất là con cái tôi có nơi học hành, vui chơi và vợ chồng tôi tìm được công việc ổn định. Không chỉ tôi mà bà con khi được về sống ở đây rất hạnh phúc!
Sau khi hoàn thành giai đoạn I, Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai giai đoạn II nhằm di dời 1.300 hộ còn lại. Trên hơn 9 ha đất ở bắc Hương Sơ, các khu tái định cư đã và đang xây dựng hạ tầng. Tổ chức di dời, tái định cư cho 6.300 hộ là công việc không hề dễ dàng. Nhưng nhờ chung sức đồng lòng, Thừa Thiên Huế đã thực hiện thắng lợi nhờ vậy mà diện mạo của Khu vực I Di tích Kinh thành Huế không còn nhếch nhác như xưa.
Do có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nên đây được xem là cuộc di dân lịch sử ở Huế.
*
Sau hàng chục năm nỗ lực tái thiết, diện mạo Thừa Thiên Huế bây giờ đã khác. Riêng cư dân vạn chài, khi hồi cố vẫn không quên công đức của những người đã giúp họ tạo dựng và thích nghi với cuộc sống mới. Vì quý mến nên nhân dân tái định cư ven đầm phá chỉ giản dị gọi các vị Bí thư Tỉnh ủy là: “ôn Thắng”, “ôn Mãn”. Còn ở Khu tái định cư bắc Hương Sơ - Huế, cư dân ở đây đã quen gọi là “ôn Thọ”, “ôn Lưu”. “Ôn” là tiếng gọi quá đỗi gần gũi và thân thương của người dân xứ Huế!
Có gần gũi và thật sự chăm lo cho cuộc sống của nhân dân nên nhân dân nhớ và trân quý; thậm chí có người còn được dân lập bàn thờ. Như chúng ta đã biết, năm 1999 lũ cuốn trôi cả làng Hải Thành. Nhận tin dữ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về tận nơi thị sát. Ông đau đớn khi biết ở đây có đến 64 gia đình không còn nhà cửa, có gia đình có đến 11 người bị lũ cuốn trôi, nên ông bàn với Quân khu 4 cấp tốc xây dựng khu nhà mới ở thị trấn Thuận An. Và hôm khánh thành, theo đề nghị của 64 hộ ở đây, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận đặt tên mới cho khu tái định cư này là làng Rồng; và dù đã nghỉ hưu nhưng tết năm nào ông cũng về thăm hoặc gửi quà. Biết tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua đời, nhân dân làng Rồng vô cùng đau xót. Sau khi dự Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Thu xin đón di ảnh cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về nhà để sớm hôm hương khói.
Dân thương dân lập miếu thờ. Câu chuyện tưởng như xa xưa nhưng lại hiện hữu ở miền ven phá Tam Giang khi ở đây đã xuất hiện miếu thờ một người Cộng sản! Người được dân làng tôn kính là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên Huế Phan Thế Phương. Sau khi lên bờ tái định cư, cuộc sống của bà con ở khu tái định cư thôn 14, xã Quảng Công, (huyện Quảng Điền) đối diện với vô vàn khó khăn. Để giúp nhân dân thích nghi với cuộc sống mới, ông Phan Thế Phương cùng đội ngũ cán bộ của mình đã tìm về đây hướng dẫn và trực tiếp chỉ vẽ cho dân làng cách nuôi tôm nước lợ. Từ chỉ có 2ha thử nghiệm ban đầu, đến nay thôn 14 xã Quảng Công đã có đến 250ha nuôi tôm xen ghép với các loài thủy sản khác.
Nhiều gia đình trở nên giàu có và con em họ không hề “thua chị kém em” khi có nhiều người tốt nghiệp đại học.
Ông Phạm Nhân nhớ lại:
- Có được bát cơm ăn hôm nay dân làng chúng tôi không thể không nhớ đến công ơn của chú Phương. Khi về đây, chú suốt ngày lặn lội đến từng hồ bày cho chúng tôi cách lợi dụng nước triều lên để lấy nước, khi nuôi chú cử kỹ sư thủy sản về “cắm” ở đồng tôm. Vụ đầu chưa thành công, chú thức trắng đêm để tìm hiểu nguyên nhân, động viên chúng tôi, rồi làm lại thu lãi hơn chục triệu đồng. Quá sung sướng chú Phương và chúng tôi ôm nhau khóc. Chú Phương qua đời dân làng chúng tôi đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công ơn của chú. Mang lại hạnh phúc cho nhân dân là cả quá trình bền bỉ phấn đấu. Nhờ đồng lòng, chung sức vun trồng nay đã mang lại hoa thơm trái ngọt.
Kể từ khi sông Hương giảm được lũ cắt được mặn, người dân Cố đô Huế dần thấy nơi mình sinh sống khởi sắc. Đôi bờ của những dòng sông ở Huế sau khi được chỉnh trang đẹp lên từng ngày và đang tận hưởng phúc lợi công cộng mà chế độ mang lại. Hà cớ gì tôi không gọi đúng tên nơi mình ở là Xứ sở Hạnh phúc!
P.H.T
(TCSH55SDB/12-2024)