SỰ KIỆN
Nhớ mãi lời Bác dặn năm xưa
09:22 | 22/01/2025

HOÀNG PHƯỚC

Sau một thời gian thành lập Mặt trận Việt Minh, ngày 25/1/1942, tại căn nhà lá của một người nông dân cơ sở cách mạng ở làng Xuân Kỳ, Sóc Sơn, Sơn Tây  nay thuộc Hà Nội, báo Cứu Quốc - Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời.

Nhớ mãi lời Bác dặn năm xưa
Báo 'Cứu Quốc' số ra ngày 4/11/1946

Năm 1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất thành Mặt trận Liên Việt, báo Cứu Quốc trở thành cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên Việt. Tháng 9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập, báo Cứu Quốc với danh nghĩa là cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 5/2/1977, Cứu Quốc nhập với báo Giải Phóng và báo Thống Nhất, cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành báo Đại Đoàn Kết phát triển đến ngày nay.

Lúc báo Cứu Quốc mới ra đời, tòa soạn có “anh Nhân” tức đồng chí Trường Chinh phụ trách, lại có “anh Tân” tức đồng chí Lê Toàn Thư, và Lê Quang Đạo, sau thêm Nguyễn Khang và đặc biệt là Xuân Thủy, người chủ bút giữ vai trò quan trọng nhất của tờ báo. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, báo Cứu Quốc được bổ sung nguồn lực mới, có các cây bút nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Như Phong, Văn Tân, Tô Hoài, Trần Đình Thọ, Nguyễn Thành Lê…

Tính đến trước Tổng khởi nghĩa, Cứu Quốc đã xuất bản được 30 số báo, có thể coi như một cuốn sử thi về Cách mạng Tháng Tám năm 19451.

Từ đây, một trang sử mới mở ra với báo Cứu Quốc. Tờ báo đóng vai trò tiếng nói chính thức của cả chính quyền cách mạng và của mặt trận. Báo Cứu Quốc đăng nhiều bài viết của các đồng chí Trung ương. Trên số báo ra ngày 8/9/1945, báo Cứu Quốc đăng nguyên vẹn Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc chiều ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử…

Chỉ mới 45 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, với tư cách và trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt chỉ ra những cỏ dại đầu tiên trong vườn hoa của chính quyền mới giành được. Báo Cứu Quốc số 69, ra ngày 17/10/1945 có đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. 79 năm đã qua, nhưng tính chất thời sự của những lời dạy ấy vẫn đầy sức sống, như Người mới nói với cán bộ, đảng viên chúng ta ngay sáng hôm nay vậy.

Người viết: “Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng dân. Song, cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:

1. Trái phép - vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm dân oán thán.

2. Cậy thế - cậy thế mình trong ban này, ban nọ rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hóa - ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng phí, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?

Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?

4. Tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài, có đức, không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

5. Chia rẽ - bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau…

6. Kiêu ngạo - tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ”.

Người cho rằng: “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và Nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Mặt khác, Người ân cần nhắc dạy chúng ta: “Trước mắt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến…”.

Giữa năm 1947, trong thời gian chuẩn bị cho “Chiến dịch Thu Đông”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi viết “Sửa đổi lối làm việc”, đến tháng 10/1947 thì hoàn thành, dưới bút danh X.Y.Z. Trong suốt 77 năm qua, Sửa đổi lối làm việc được xem như là cẩm nang xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là “kim chỉ nam hành động” của cán bộ, đảng viên. Những người tốt, việc tốt rất cần được tuyên truyền, làm tấm gương soi rọi và ngợi ca. Đối với những cán bộ mắc sai lầm, Người nêu “một không sợ” và “hai sợ”. Người chỉ ra:

- Không sợ có sai lầm, khuyết điểm.

- Sợ thứ nhất: không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm…

- Sợ thứ hai: những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm. Sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhìn nhận rằng họ muốn như thế… Sự sửa đổi khuyết điểm một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.

Sửa chữa sai lầm, cố nhiên dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi, có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng…

Trong công tác xét xử, Người nhắc nhở: “Không vì công mà quên lỗi - không vì lỗi mà quên công, thuyết phục giáo dục là hàng đầu, nhưng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những người tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… Những thói xấu đó có từ lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng. Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái?”.

“Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta… Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?”.

Dù đang trong giai đoạn chống Pháp cam go ác liệt, nhưng với trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất đất nước, Người đã chỉ ra cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ có chức có quyền biết những sai lầm, khuyết điểm và hướng khắc phục, xử lý trong công tác cán bộ, công tác Con Người.

Đã nhiều chục năm trôi qua, ngày nay, mỗi lần đọc lại những lời dạy bảo chí tình chí nghĩa sâu sắc ấy của Bác Hồ, chúng ta giật mình, thấy nhức nhối trong tim.

H.P
(TCSH431/01-2024)

 

----------------------
[1] Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 - 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 197.

 

Các bài đã đăng